Suy Thận Mạn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Chữa Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Suy thận mạn là tình trạng mất dần chức năng thận. Điều này khiến chất thải và chất lỏng không được lọc hoàn toàn, vẫn còn trong cơ thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Bệnh được chia thành 5 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Trong đó bệnh thận giai đoạn cuối cần được lọc máu hoặc ghép thận để kéo dài thời gian sống.

Suy thận mạn
Suy thận mạn là sự suy giảm và mất chức năng thận một cách từ từ

Thế nào là suy thận mạn?

Suy thận mạn hay suy thận mãn tính (CKD) là một trong 2 loại suy thận, gồm cấp tính và mãn tính). Bệnh thể hiện cho sự suy yếu, mất dần chức năng của thận trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Bệnh suy thận mãn tính khiến quá trình lọc máu của thận không xảy ra đầy đủ hoặc đúng cách. Lượng nước dư thừa và chất thải còn tích tụ trong cơ thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Khác với suy thận cấp tính (mất chức năng thận tiến triển nhanh), suy thận mạn phát triển từ từ, chia thành 5 giai đoạn ứng với mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng (mất chức năng hoàn toàn). Người bệnh hầu như không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Những triệu chứng rõ ràng và nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Bệnh thận mãn tính thường liên quan đến những bệnh lý ở thận, bệnh lý toàn thân khiến thận không nhận đủ lượng máu cần thiết hoặc khiến những bộ lọc của thận bị tổn thương.

Lọc máu và ghép thận là hai phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân. Tuy nhiên những người bị suy thận mạn giai đoạn đầu có thể không cần lọc máu. Bệnh nhân chủ yếu được yêu cầu dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống để ngăn sự phát triển của bệnh.

Các giai đoạn của suy thận mạn

Sự phát triển của bệnh suy thận mãn tính được chia thành 5 giai đoạn. Những giai đoạn này được phân chia dựa trên hoạt động, khả năng lọc chất thải của thận và kết quả xét nghiệm eGFR.

Các giai đoạn tăng lên thể hiện cho sự tiến triển của suy thận, thận hoạt động kém hiệu quả hơn và người bệnh tử vong nhanh hơn. Mỗi giai đoạn sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau để ngăn sự phát triển của bệnh và tổn thương thận.

Bệnh thận mãn tính được chia thành 5 giai đoạn
Bệnh suy thận mãn tính có 5 giai đoạn với mức độ từ nhẹ đến nặng

Dưới đây là 5 giai đoạn của suy thận mạn:

  • Giai đoạn 1

Tổn thương thận ở mức độ nhẹ, thận vẫn hoạt động tốt. Ở trường hợp này, mức lọc cầu thận ước tính bình thường (eGFR) trên 90, người bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên có thể có những dấu hiệu và tổn thương thực thể đối với thận (cụ thể như có protein trong nước tiểu).

  • Giai đoạn 2

Ở bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 2, kết nghiệm eGFR giảm xuống từ 60 – 89, những tổn thương của thận phát triển nhưng vẫn còn nhẹ. Trong giai đoạn này, thận vẫn hoạt động tốt, người bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên một vài dấu hiệu tổn thương thận có thể xuất hiện, chẳng hạn như có protein trong nước tiểu.

  • Giai đoạn 3

Bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 có nghĩa mức lọc cầu thận ước tính bình thường (eGFR) giảm đáng kể, chỉ trong khoảng 30 – 59, thận bị tổn thương từ nhẹ đến trung bình.

Trong giai đoạn này, thận hoạt động không tốt như bình thường, chất thải và chất lỏng dư thừa không được lọc hoàn toàn ra khỏi máu. Khi tích tụ, chất thải có thể gây cao huyết áp, bệnh lý về xương, phù nề và nhiều tình trạng sức khỏe khác.

Người bệnh có những triệu chứng gồm:

    • Yếu và mệt mỏi
    • Sưng ở tay hoặc chân
    • Đau lưng dưới
    • Chuột rút cơ bắp
    • Da khô và ngứa
    • Khó ngủ
    • Hội chứng chân không yên
    • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
    • Nước tiểu sẫm màu hoặc có bọt do chứa protein

Dựa trên xét nghiệm eGFR, suy thận mạn giai đoạn 3 được chia thành 2 giai đoạn phụ, bao gồm:

    • Giai đoạn 3a: eGFR từ 45 – 59
    • Giai đoạn 3b: eGFR từ 30 – 44

Những trường hợp này cần được điều trị tích cực kết hợp duy trì lối sống lành mạnh để ngăn suy thận tiến triển.

  • Giai đoạn 4

Những người bị suy thận mạn giai đoạn 4 có kết quả xét nghiệm eGFR từ 15 – 29, tổn thương thận từ trung bình đến nặng. Trong giai đoạn này, thận hoạt động không tốt, quá trình lọc chất thải ra khỏi máu không diễn ra đầy đủ.

Những dấu hiệu nhận biết gồm:

    • Thường xuyên cảm thấy yếu ớt và mệt mỏi
    • Đau lưng dưới
    • Đau bụng hoặc nôn mửa
    • Ít đói hơn bình thường
    • Tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn
    • Sưng cánh tay hoặc chân

Những trường hợp này thường được yêu cầu lọc máu kết hợp làm chậm quá trình tổn thương thận để kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

  • Giai đoạn 5 (giai đoạn cuối)

Suy thận mãn tính giai đoạn cuối có mức eGFR dưới 15, tổn thương thận nghiêm trọng, sắp bị hỏng hoặc đã hỏng. Trong giai đoạn này, thận đã ngừng hoạt động lọc chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu, người bệnh có nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn.

Những trường hợp bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ được tiến hành lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Nguyên nhân gây suy thận mạn

Nguyên nhân gây suy thận mạn thường liên quan đến bệnh lý và thuốc điều trị. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

Bệnh thận thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây suy thận mạn
Bệnh thận thiếu máu cục bộ và một số bệnh mạch máu khác là nguyên nhân gây suy thận mạn
  • Bệnh mạch máu: Bệnh mạch máu là nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn, chẳng hạn như hẹp động mạch thận, bệnh thận thiếu máu cục bộ, viêm mạch, hội chứng tán huyết – urê huyết… làm giảm lưu lượng máu đến thận. Thận không được cung cấp đủ máu và nuôi dưỡng sẽ bị suy yếu dần theo thời gian.
  • Bệnh lý ở thận: Bệnh cầu thận, bệnh thân trào ngược, bệnh thận tắc nghẽn (như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, sỏi thận…), viêm cầu thận kẽ, bệnh thận đa nang… không được điều trị tích cực sẽ khiến thận suy yếu và mất dần chức năng theo thời gian. Ngoài ra nhiễm trùng thận tái phát cũng là nguyên nhân phổ biến gây suy thận.
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu: Sự tắc nghẽn dòng nước tiểu do nhiều nguyên nhân (như phì đại tuyến tiền liệt) khiến chất thải không được loại bỏ khỏi cơ thể. Những chất thải tích tụ lâu ngày sẽ gây tổn thương thận.
  • Cholesterol cao: Suy thận mạn có thể xảy ra do nồng độ Cholesterol tăng cao. Bởi tình trạng này khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, cản trở lượng máu lưu thông đến thận. Điều này khiến thận không được nuôi dưỡng dẫn đến suy và hoạt động không bình thường.
  • Bệnh tiểu đường: Những bộ lọc nhỏ trong thận nhanh chóng bị hỏng khi có quá nhiều đường trong máu.
  • Huyết áp cao: Những người có huyết áp cao không được kiểm soát sẽ có nguy cơ bị suy thận. Bởi bệnh lý này khiến những mạch máu nhỏ trong thận chịu nhiều áp lực, thận bị tổn thương và hoạt động không bình thường.
  • Tác dụng phụ từ thuốc: Một số loại thuốc khi dùng kéo dài và thường xuyên có thể làm suy giảm chức năng thận. Chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid và lithium. 

Yếu tố rủi ro của suy thận mạn

Nếu có một trong những yếu tố dưới đây, nguy cơ bị suy thận mạn tính của bạn sẽ tăng cao. Bao gồm:

  • Bệnh tim
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
  • Người trên 65 tuổi
  • Cấu trúc thận bất thường
  • Thường xuyên sử dụng những loại thuốc có thể làm hỏng thận.

Dấu hiệu nhận biết suy thận mạn

Bệnh thận mạn tính giai đoạn 1 và 2 thường không có bất kỳ triệu chứng nào, xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện protein. Theo thời gian, sự mất dần chức năng thận khiến chất lỏng dư thừa và chất thải tích tu trong cơ thể. Từ đó làm mất cân bằng điện giải và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng.

Tùy thuộc vào giai đoạn của suy thận mạn tính, những triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện:

Buồn nôn hoặc nôn mửa
Buồn nôn hoặc nôn mửa là một trong những triệu chứng thường gặp của suy thận mạn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Yếu và mệt mỏi
  • Sưng ở tay, chân, bàn chân hoặc/ và mắt cá chân
  • Đau lưng dưới
  • Đau bụng
  • Ăn mất ngon và ít đói hơn bình thường
  • Chuột rút cơ bắp
  • Da khô và ngứa
  • Khó ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ
  • Suy giảm tinh thần
  • Hội chứng chân không yên
  • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc có bọt do chứa protein
  • Huyết áp cao khó kiểm soát
  • Khó thở khi chất lỏng tích tụ trong phổi
  • Đau ngực nếu chất lỏng dư thừa tích tụ xung quanh màng tim
  • Thiếu máu
    • Da xanh và niêm mạc nhợt
    • Hoa mắt chóng mặt
    • Ăn kém
    • Mệt mỏi
    • Ít năng lượng và giảm nhưng hoạt động thường ngày
  • Hôn mê do urê máu cao có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh suy thận.

Biến chứng và tiên lượng của suy thận mạn

Suy thận mạn tính là một bệnh lý nguy hiểm và có tiên lượng xấu. Những người mắc bệnh lý này thường có thời gian sống từ 1 – 10 năm tùy theo giai đoạn của bệnh. Khi điều trị, các biện pháp ngăn ngừa tổn thương thận tiến triển, lọc máu và ghép thận có thể kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chức năng thận suy giảm hoặc mất đi khiến chất thải và chất lỏng dư thừa không được đào thải hoàn toàn. Chúng tích tụ trong máu và cơ thể gây tổn thương thận tiến triển. Đồng thời gây ra nhiều biến chứng.

Dưới đây là những biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân bị suy thận mạn:

  • Tổn thương thận không hồi phục
  • Ảnh hưởng đến thai nhi khi mang thai
  • Bệnh tim (chẳng hạn như đột quỵ, suy tim, viêm ngoài màng tim)
  • Suy gan
  • Hội chứng gan thận
  • Tổn thương thần kinh dẫn đến suy giảm / mất trí nhớ, rối loạn chức năng não, co giật
  • Chảy máu dạ dày, ruột
  • Xuất hiện những vấn đề về mạch máu, thiếu máu
  • Xương yếu, nhuyễn xương, loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương
  • Tổn thương phổi, phù phổi do giữ nước
  • Tổn thương thần kinh trung ương
  • Giảm phản ứng miễn dịch
  • Suy giảm ham muốn tình dục
  • Tử vong.

Suy thận mạn sống được bao lâu?

Không ít bệnh nhân bị suy thận mạn tính có thể sống trong nhiều năm. Điều quá trọng là phải phát hiện sớm và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.

Dựa vào giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị, thời gian sống của bệnh nhân suy thận mạn như sau:

  • Suy thận giai đoạn 1 và 2: Điều trị tích cực có thể phục hồi chứ năng thận, bệnh nhân sinh hoạt bình thường và tuổi thọ bị ảnh hưởng không đáng kể.
  • Suy thận giai đoạn 3: Thời gian sống có thể lên đến 20 năm nếu được điều trị tích cực.
  • Suy thận giai đoạn 4: Duy trì lọc máu chạy thận có thể sống trên 10 năm. Ngược lại việc không điều trị có thể sớm tử vong.
  • Suy thận giai đoạn 5: Tuổi thọ ngắn, trong vòng 1 năm. Tuy nhiên tiến hành ghép thận có thể tăng tuổi thọ lên đến 20 năm.
    • Ghép thận của người hiến tặng khỏe mạnh: 15 – 20 năm.
    • Ghép thận của người hiến tặng đã chết: 10 – 15 năm.
Suy thận mạn tính được ghép thận có thể kéo dài thời gian sống đến 20 năm
Suy thận mạn tính giai đoạn 5 nếu được ghép thận có thể kéo dài thời gian sống đến 20 năm

Chẩn đoán suy thận mạn tính

Để phát hiện và điều trị đúng cách, người bệnh cần được chẩn đoán suy thận mạn tính. Trong lần đầu thăm khám, bác sĩ có thể hỏi về triệu chứng, tiền sử bản thận và gia đình nhằm xác định yếu tố nguy cơ.

Khi có nghi ngờ suy thận, những xét nghiệm cụ thể sẽ được chỉ định. Việc kiểm tra đây đủ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ tổn thương và khả năng lọc máu của thận.

Dưới đây là những xét nghiệm chẩn đoán suy thận mạn thường được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu: Kỹ thuật này được thực hiện để kiểm tra nồng độ của những chất thải trong máu, chẳng hạn như urê, creatinine. Sự tích tụ của những chất thải có thể phản ánh chức năng thận. Ngoài ra xét nghiệm máu giúp xác định mức lọc cầu thận ước tính bình thường (eGFR). Điều này cho phép phân loại suy thận dựa trên khả năng lọc máu của thận.
    • Giai đoạn 1: eGFR trên 90
    • Giai đoạn 2: eGFR từ 60 – 89
    • Giai đoạn 3: eGFR từ 30 – 59
    • Giai đoạn 4: eGFR từ 15 – 29
    • Giai đoạn 5: eGFR dưới 15
  • Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu được dùng để đo tỷ lệ albumin và creatinine (ACR). Điều này giúp phản ánh lượng protein trong nước tiểu. Từ đó xác định suy thận mạn tính ở giai đoạn sớm nhất.
  • Đo thể tích nước tiểu: Tiến hành đo thể tích nước tiểu có thể xác định lượng nước tiểu bất thường do suy thận hoặc tắc nghẽn dòng nước tiểu.
  • Siêu âm thận: Siêu âm thận được chỉ định để chẩn đoán và đánh giá tiên lượng cho bệnh nhân bị suy thận mãn tính. Xét nghiệm này có thể giúp kiểm tra cấu trúc, kích thước của thận và vỏ thận (chẳng hạn như thận giảm kích thước và vỏ thận mỏng).
    • Suy thận mãn tính do viêm cầu thận: Giảm độ dày và tăng phản âm của vỏ não trên hình ảnh.
    • Hội chứng thận hư: Thận tăng âm, không có ranh giới giữa tủy và vỏ.
    • Suy thận mạn tính giai đoạn cuối: Tăng phản âm, giảm kích thước thận, cấu trúc đồng nhất nhưng không rõ ràng giữa nhu mô và xoang thận.
    • Viêm bể thận mãn tính: Mỏng vỏ não khu trú và giảm kích thước thận.
  • Chụp CT hoặc MRI: Chụp CT hoặc chụp MRI có thể được chỉ định để quan sát cấu trúc và kích thước rõ ràng của thận, kiểm tra sự tắc nghẽn của ống thận, mạch máu… Điều này giúp xác định bệnh thận mãn tính và nguyên nhân.
  • Sinh thiết thận: Một mẫu tế bào lấy ra từ thận được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xác định đột biến tế bào, sẹo, sự lắng đọng của những chất thải, sinh vật truyền nhiễm trong thận… Từ đó xác định nguyên nhân gây ra những bất thường.

Phương pháp điều trị suy thận mạn

Trong điều trị suy thận mạn tính, những phương pháp được áp dụng dựa vào giai đoạn của bệnh và các biến chứng. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc điều trị biến chứng kết hợp chế ăn phù hợp giúp ngăn tổn thương thêm.

Từ giai đoạn 3b của suy thận mạn tính, bệnh nhân được yêu cầu lọc máu hoặc ghép thận. Những phương pháp này giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh khi thận không thể phục hồi.

1. Thuốc

Những loại thuốc thường được sử dụng trong quá trình điều trị suy thận mãn tính:

  • Thuốc chữa cao huyết áp: Một loại thuốc điều trị cao huyết áp như thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hoặc thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) được dùng để hạ huyết áp. Đồng thời giúp duy trì chức năng thận và ngăn tổn thương thêm.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu được sử dụng để loại bỏ chất lỏng dư thừa, duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Từ đó giảm tình trạng giữ nước và phù nề. Ngoài ra nhóm thuốc này cũng giúp hỗ trợ đào thải chất cặn bã.
  • Thuốc làm giảm cholesterol: Một loại thuốc được gọi là statin sẽ được sử dụng nếu bệnh suy thận kèm theo lượng cholesterol xấu cao. Thuốc này được dùng để giảm nồng độ cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Thuốc chống thiếu máu: Thiếu máu thường gặp ở bệnh nhân bị suy thận mạn. Vì vậy thuốc chống thiếu máu được sử dụng để cung cấp đủ máu và giảm những triệu chứng liên quan. Thuốc này có tác dụng bổ sung hormone erythropoietin, kích thích tạo ra nhiều tế bào hồng cầu, giảm mệt mỏi và suy nhược.
  • Thuốc bảo vệ xương: Thuốc bổ sung canxi và vitamin D được dùng để bảo vệ xương, giảm nguy cơ gãy xương và ngăn ngừa xương yếu. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được dùng chất kết dính phốt phát để giảm nguy cơ vôi hóa (lắng dọng canxi) làm tổn thương mạch máu và giảm nồng độ phốt phát trong máu.
  • Thuốc kiểm soát kali máu: Nhóm thuốc này được dùng để ngăn tích tụ kali trong máu khi thận không thể thực hiện chức năng đào thải. Từ đó giúp bảo vệ tim và ngăn ngừa yếu cơ.

2. Lọc máu

Lọc máu thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị suy thận mãn tính ở mức độ trung bình – nặng (giai đoạn 3b và 4) và nặng (giai đoạn 5). Phương pháp này sử dụng máy lọc máu hoặc dung dịch tẩy rửa để thay thận thực hiện chức năng lọc máu, loại bỏ chất cặn bã. Từ đó duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Lọc máu
Lọc máu được áp dụng để thực hiện chức năng lọc máu và đào thải chất cặn bã của thận

Có 2 kỹ thuật lọc máu, bao gồm:

  • Chạy thận nhân tạo

Đây là kỹ thuật lọc máu được áp dụng phổ biến, thường được thực hiện ở bệnh viện hoặc trung tâm lọc máu. Kỹ thuật này sử dụng máy lọc máu (còn được gọi là thận nhân tạo) để lấy máu ra khỏi cơ thể, lọc chất thải và đưa máu được làm sạch trở lại cơ thể.

Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện trong vòng 3 – 5 giờ, mỗi tuần 3 – 4 lần.

  • Thẩm phân phúc mạc

Thẩm phân phúc mạc còn được gọi là lọc màng bụng, có thể được thực hiện tại nhà. Phương pháp này giúp hỗ trợ quá trình lọc máu của những mạch máu nhỏ trong phúc mạc.

Trong đó một túi dung dịch chứa muối và nước được gắn vào ống thông trong niêm mạc bụng. Dung dịch từ túi dịch chảy vào trong, hấp thu chất thải và chất lỏng dư thừa, sau đó di chuyển trở lại túi. Điều này giúp làm sạch máu.

Tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ có thể hướng dẫn lọc màng bụng cấp cứu liên tục (CAPD) bằng thủ công hoặc lọc màng bụng tự động bằng máy xoay vòng.

3. Ghép thận

Suy thận mạn tính giai đoạn cuối khiến bệnh nhân tử vong do thận mất chức năng hoàn toàn. Những trường hợp này được yêu cầu ghép thận để cải thiện tiên lượng và tuổi thọ.

Ghép thận là một ca phẫu thuật lớn, trong đó thận mới và khỏe mạnh (được hiến tặng từ người thân hoặc người đã mất) được gắn vào phía dưới của bụng bên phải hoặc trái. Sau khi cấy ghép, thận mới sẽ tiếp tục thực hiện chức năng lọc máu của thận hỏng.

Hầu hết bệnh nhân có thể ghép thận khi bị suy thận mạn. Tuy nhiên phương pháp không được khuyến khích ở một số trường hợp. Cụ thể như:

  • Bệnh nhân có tuổi thọ ngắn
  • Nghiện rượu hoặc ma túy
  • Nhiễm trùng tái phát
  • Không đủ sức khỏe, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm khi phẫu thuật

Sau khi ghép thận, người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi, hướng dẫn chế độ ăn uống và vận động để sớm trở về với hoạt động bình thường.

4. Chế độ chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn

Bên cạnh những phương pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để ngăn suy thận mạn tiến triển.

  • Thay đổi cách sống

Cần tránh hút thuốc và uống rượu bia. Thận không đủ khả năng xử lý chất độc được đưa vào cơ thể từ rượu và thuốc lá. Vì vậy việc sử dụng có thể khiến thận chịu nhiều áp lực và tổn thương nhanh hơn.

Ngoài ra hàm lượng phốt phát trong rượu có thể tích tụ trong cơ thể, gây bệnh lý tim mạch và tử vong. Thuốc lá có thể khiến tổn thương thận trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngừng uống rượu bia khi bị suy thận
Ngừng uống rượu bia khi bị suy thận để tránh tăng áp lực và tổn thương thận tiến triển

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục. Không nên căng thẳng quá mức, thức khuya, làm việc quá sức… vì những điều này sẽ khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tốt nhất nên duy trì vận động nhẹ nhàng, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng và suy nghĩ nhiều. Điều này giúp chức năng thận được bảo toàn, nâng cao sức khỏe tổng thể.

  • Chế độ ăn uống phù hợp

Một số nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân bị suy thận mạn:

    • Thực hiện một chế độ ăn ít protein để giảm chất thải trong máu, giảm áp lực lên thận.
    • Kiểm soát lượng kali, muối và phốt phát được đưa vào cơ thể. Không nên ăn thực phẩm chứa quá nhiều muối như thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh… Đồng thời giảm lượng muối khi nấu ăn.
    • Cần hạn chế chất lỏng, tránh uống nhiều nước để thận không phải làm việc gắng sức.
    • Bổ sung đủ lượng calo cần thiết để ngăn tình trạng sụt cân và thiếu năng lượng.
    • Thực hiện một chế độ ăn cân bằng với đầy đủ chất dinh dưỡng có lợi cho thận như các vitamin, omega-3, canxi, chất xơ…
    • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại củ và hạt.

Biện pháp phòng ngừa suy thận mạn

Những biện pháp dưới đây có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh suy thận mãn tính:

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và duy trì cân nặng hợp lý
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và duy trì cân nặng hợp lý để phòng ngừa suy thận mạn
  • Sử dụng những thuốc giảm đau và kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Tránh sử dụng thuốc kéo dài để không làm tổn thương thận.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh béo phì.
  • Không hút thuốc lá và không lạm dụng rượu bia.
  • Điều trị tích cực những bệnh lý gây suy thận.
  • Tránh ăn thực phẩm nhiều muối, đường, nhiều đạm, kali, chất béo xấu và phốt phát.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, dầu thực vật, các loại hạt… để bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ thải độc.
  • Tránh stress, căng thẳng và lo lắng quá mức. Nên duy trì tâm trạng thoải mái và vui vẻ.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng tuần hoàn máu và phòng ngừa những chứng bệnh gây suy thận.
  • Kiểm tra chức năng thận định kỳ để sớm phát hiện bất thường.

Suy thận mạn tính có thể rút ngắn tuổi thọ và gây tử vong. Người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị tích cực để tăng tiên lượng, kéo dài thời gian sống. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, những phương pháp khác nhau sẽ được chỉ định.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger