Loãng Xương và Thoái Hoá Khớp: Phân biệt đúng để điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoái hóa khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Loãng xương và thoái hóa khớp là 2 căn bệnh khác nhau có liên quan đến xương khớp. Tuy nhiên, các triệu chứng và biểu hiện của bệnh lại khá tương đồng khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu đúng về từng loại bệnh và có cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả. 

Loãng xương và thoái hóa khớp
Loãng xương và thoái hóa khớp đều là những bệnh lý xương khớp ảnh hưởng đến cấu trúc xương nhưng về cơ bản lại là 2 căn bệnh khác nhau

Phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp dựa vào những yếu tố nào?

Loãng xương và thoái hóa khớp là 2 bệnh lý xương khớp khác nhau nhưng lại thường xuyên bị nhầm lẫn do triệu chứng tương đối giống nhau. Việc nhầm lẫn này rất tai hại vì dẫn đến điều trị không đúng hướng, tạo điều kiện cho bệnh phát triển nặng hơn và gây biến chứng. 

1. Loãng xương

Loãng xương là tình trạng phần xốp trong xương tăng lên nhưng mật độ tổ chức xương giảm. Hiện tượng này khiến xương trở nên xốp, giòn và dễ gãy hơn. Bệnh lý này thường xảy ra do cơ chế lão hóa tự nhiên của cơ thể nên chủ yếu xuất hiện ở người trung tuổi và cao tuổi. Một số trường hợp phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh hoặc số ít người trẻ từ 20 – 30 tuổi cũng có thể mắc phải. 

Loãng xương và thoái hóa khớp
Loãng xương là hiện tượng giảm mật độ xương, xương trở nên xốp hơn và dễ rạn nứt, gãy vỡ

Nguyên nhân

Bệnh loãng xương xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như:

  • Người bị suy dinh dưỡng, còi xương, ăn uống thiếu chất, đặc biệt là canxi và phospho… từ khi còn nhỏ. Điều này khiến hệ thống xương không đạt lượng khoáng chất đủ khi đến tuổi trưởng thành. 
  • Người ít hoặc không vận động, rèn luyện thể chất khiến khối lượng xương kém phát triển, không đạt chuẩn khi trưởng thành. Đặc biệt là những người ít hoạt động ngoài trời, thiếu hụt vitamin D từ ánh nắng, cản trở xương hấp thụ canxi. 
  • Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ nhưng ăn uống không đủ chất hoặc phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh khiến nội tiết tố suy giảm.
  • Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đường ruột, dạ dày… gây ức chế khả năng hấp thu canxi, protid, vitamin D… 
  • Người nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cà phê… làm tăng khả năng đào thải canxi qua thận và giảm hấp thu canxi tại đường tiêu hóa…; 

Triệu chứng

Những triệu chứng của loãng xương thường tiến triển âm thầm và không biểu hiện rõ ràng ngay từ đầu. Thay vào đó phải mất một thời gian bệnh mới biểu hiện ra với các triệu chứng cụ thể như: 

  • Đau nhức lưng âm ỉ, đặc biệt ở vùng thắt lưng và cột sống lưng; 
  • Lưng ngày càng có xu hướng còng hơn;
  • Giảm sút chiều cao rõ rệt; 
  • Gãy xương cột sống bất ngờ, thậm chí tiếp tục gãy xương thêm nhiều lần nữa sau lần gãy đầu tiên nếu không được điều trị kịp thời; 

Hậu quả

Loãng xương kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như:

  • Gãy lún cột sống, cong vẹo cột sống, cong xương, cong ống chân; 
  • Giảm chiều cao, gù lưng;
  • Tăng nguy cơ còn có nguy cơ cao mắc các biến chứng về tim mạch, đường hô hấp, viêm phổi… do thường xuyên phải nhập viện điều trị nứt xương, gãy xương; 

Cách điều trị

Loãng xương là căn bệnh không thể điều trị khỏi dứt điểm, thay vào đó việc áp dụng các biện pháp thông thường chủ yếu nhằm ức chế quá trình phân hủy xương, tăng mật độ xương và hỗ trợ xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ nứt, gãy. Hầu hết các trường hợp bị loãng xương đều được chỉ định điều trị bảo tồn do không thể can thiệp phẫu thuật. 

Trong đó, dùng thuốc được xem là giải pháp tối ưu nhất. Các thuốc trị loãng xương thường dùng chủ yếu có tác dụng làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương như: 

  • Bisphosphonat: Có tác dụng giảm quá trình tiêu hủy và thúc đẩy cơ chế tái tạo xương. Một vài loại thường dùng trong nhóm này như resedronate, alendronate, tiludronate… Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất dùng được cho hầu hết mọi đối tượng như người cao tuổi nam giới, phụ nữ mãn kinh, do corticosteroid… Chống chỉ định với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú, suy thận. 
  • Cholecalciferol 2800IU: Đây thực chất là vitamin D3 được sử dụng phối hợp nhằm hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng loãng xương, rối loạn xương. Thuốc này nên uống vào lúc sáng sớm, bụng đói với liều 1 lần/ tuần. Uống kèm theo nhiều nước và nên vận động sau khi uống, tránh nằm ngay ít nhất 30 phút. 
  • Calcitonin: Có chiết xuất từ cá hồi, được dùng dưới dạng tiêm dưới da 100UI hoặc xịt qua niêm mạc mũi 200IU. Loại thuốc này được chỉ định dùng ngắn hạn từ 2 – 4 ngày trong trường hợp loãng xương nhẹ. 
  • Thuốc tiêm: Loại thuốc tiêm trị loãng xương được sử dụng phổ biến nhất là Zoledronic acid 5mg. Thuốc này được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch với liều 1 lần duy nhất trong năm. So với thuốc dạng uống, loại thuốc này có tác dụng sinh học cao hơn và ít gây tác dụng phụ, kích ứng đường tiêu hóa. Ngoài ra còn có Teriparatide, Denosumab…
  • Thuốc khác: Một số trường hợp cần thiết có thể phối hợp dùng thuốc Deca Durabolin hoặc Durabolin nhằm hỗ trợ làm tăng quá trình đồng hóa. 

2. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là hiện tượng lớp sụn bảo vệ khớp bị bào mòn, nứt vỡ khiến các xương dưới sụn cọ xát trực tiếp vào nhau gây sưng viêm, đau nhức và hạn chế cử động khớp. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể hình thành gai xương tại khớp, làm biến dạng khớp, kéo theo những cơn đau đớn dữ dội, thậm chí tàn phế vĩnh viễn. 

Loãng xương và thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng lớp sụn tại khớp bị bào mòn khiến các sụn dưới khớp cọ xát vào nhau gây đau nhức, hạn chế cử động

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp đều là do tuổi tác cao, sau 50 tuổi do liên quan mật thiết đến tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, bệnh lý này còn liên quan đến một số yếu tố sau: 

  • Thừa cân, béo phì khiến trọng lượng tăng quá mức, tạo áp lực cho các khớp trong cơ thể, điển hình như khớp gối, khớp háng… Theo thời gian, áp lực càng lớn càng đẩy nhanh diễn tiến thoái hóa. 
  • Di truyền và giới tính cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc thoái hóa khớp cao hơn nam giới. 
  • Do chấn thương từ các sinh hoạt hàng ngày, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông. chơi thể thao… để lại di chứng và phát sinh thành thoái hóa khớp. 
  • Ngoài ra một số bệnh lý liên quan như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp nhiễm khuẩn… cũng có khả năng gây ra thoái hóa. 

Triệu chứng

Tương tự như loãng xương, các triệu chứng thoái hóa khớp thường không biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu, mà phải đến khi bệnh tiến triển nặng mới nhận biết. Cụ thể với các triệu chứng sau:

  • Người bệnh cảm thấy đau đớn mỗi khi hoạt động, càng cử động càng đau và chỉ thuyên giảm khi nghỉ ngơi. 
  • Quan sát khớp thấy sưng phù, sờ vào có cảm giác ấm nóng. 
  • Có hiện tượng cứng khớp, đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc khi duy trì một tư thế quá lâu. 
  • Thoái hóa khớp làm hạn chế khả năng vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt như đi bộ, leo cầu thang, điều khiển phương tiện giao thông…
  • Trong khớp phát ra âm thanh lạo xạo, lục cục khi cử động. 

Hậu quả

Người bị thoái hóa khớp không được can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Viêm đau khớp kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến rối loạn;
  • Tăng nguy cơ lo âu trầm do các triệu chứng thoái hóa khớp;
  • Giảm thiểu năng suất lao động, chất lượng công việc; 
  • Tăng cân nhanh chóng do hạn chế vận động;
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh như gout, tiểu đường, huyết áp, tim mạch…; 
  • Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp còn dễ bị chảy máu, nhiễm trùng khớp, gãy xương, hoại tử xương, tổn thương gân, dây chằng quanh khớp, đau nhức cột sống do dây thần kinh chèn ép…; 

Cách điều trị

Theo chuyên gia, thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp mãn tính và không có cách nào để điều trị dứt điểm. Việc can thiệp y tế chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, kiểm soát các triệu chứng liên quan và duy trì, phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp có sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau gồm: 

  • Dùng thuốc bôi tại chỗ, thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc chống thoái hóa,… hoặc thuốc tiêm nội khớp; 
  • Kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng, lấy lại sự dẻo dai, linh hoạt cho khớp; 
  • Can thiệp ngoại khoa bằng các phẫu thuật như nội soi khớp, cắt xương, đục xương chỉnh trục, thay khớp…;

Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp và loãng xương có điểm chung là thuộc nhóm các bệnh lý xương khớp phổ biến, gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng cử động, di chuyển, kéo theo những phiền toái nhất định trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, một điểm giống nhau khác chính là đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người trung niên và người cao tuổi do liên quan mật thiết đến yếu tố lão hóa sinh lý. Nhưng về cơ bản, bản chất của 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau như những phân tích ở trên. 

Vì vậy, mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa khớp là yếu tố sinh lý. Khi xương lão hóa càng nhiều thì kéo theo các khớp và đốt sống trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Do đó, các chuyên gia kết luận loãng xương là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp. 

Cách chăm sóc chung để phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp

Không riêng thoái hóa khớp và loãng xương, bất kỳ bệnh lý xương khớp nào cũng đều cần phải có biện pháp chăm sóc và điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh để đạt hiệu quả điều trị cao, phòng ngừa tái phát. Cụ thể như sau:

Loãng xương và thoái hóa khớp
Rèn luyện vận động thể chất thường xuyên là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa cả 2 bệnh loãng xương và thoái hóa khớp
  • Duy trì cân nặng phù hợp hoặc giảm cân bằng các biện pháp an toàn để giảm áp lực lên xương, khớp. Các chuyên gia cho biết chỉ cần giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể là đã cải thiện rõ rệt áp lực lên các bộ phận như cột sống, xương khớp tại lưng, hông, đầu gối…
  • Tăng cường vận động, rèn luyện thể chất nhằm cải thiện sức mạnh các cơ xương khớp, hỗ trợ giảm đau và duy trì chức năng xương khớp ổn định. Các bộ môn giúp tăng cường sức mạnh cơ, xương khớp như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga… Lưu ý nên tập vừa sức, cường độ vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khẻỏe. 
  • Từ bỏ thuốc lá, rượu bia và các tư thế xấu trong lao động. Đồng thời hạn chế tối đa các chấn thương khi chơi thể thao, luyện tập, làm việc. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh giàu omega-3, canxi, vitamin D như các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi…), sữa, ngũ cốc, trứng, đậu tương, quả óc chó, hạt lanh… 
  • Duy trì thói quen tắm nắng để tăng lượng vitamin D, hỗ trợ khả năng hấp thu canxi tốt cho hệ thống xương khớp. 

Tóm lại, loãng xương và thoái hóa khớp là 2 bệnh lý khác nhau nhưng vẫn liên quan đến sức khỏe xương khớp nói chung. Phác đồ điều trị có thể khác nhau ở từng loại thuốc nhưng cách chăm sóc và phòng ngừa về cơ bản tương đối giống nhau. Chỉ cần duy trì lối sống khoa học, lành mạnh và ăn uống phù hợp, đủ chất chắc chắn sẽ phòng ngừa được căn bệnh này. Nếu phát sinh các triệu chứng bất thường và nghi ngờ là bệnh lý, tốt nhất nên thăm khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger