Thoái Hoá Khớp Có Nên Mổ Không? Nên thực hiện khi nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoái hóa khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Nhiều người bị thoái hóa khớp mong muốn được phẫu thuật để nhanh chóng chấm dứt các cơn đau nhức, căng cứng khớp và lấy lại khả năng vận động, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị thoái hóa khớp cũng được chỉ định mổ. Vậy thoái hóa khớp có nên mổ không? Thời điểm nào nên mổ? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Thoái hóa khớp có nên mổ không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh

Thoái hóa khớp là gì, có chữa dứt điểm được không?

Thoái hóa khớp là hệ quả của quá trình cơ học và sinh học dẫn đến mất cân bằng cơ chế tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng đều có nguy cơ bị thoái hóa, trong đó chủ yếu là ở các khớp chịu lực như đầu gối, hông, háng, cột sống thắt lưng, cổ, bàn chân… 

Có rất đa dạng các yếu tố bắt nguồn cho sự mất cân bằng này như: di truyền, bẩm sinh, chấn thương, rối loạn chuyển hóa, béo phì, thiếu chất… Theo một thống kê, nữ giới trên 50 là đối tượng chủ yếu mắc bệnh lý này, chiếm tỷ lệ hơn 80% so với nam giới. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh cũng gia tăng dựa vào độ tuổi, trong đó, nhóm người trên có tỷ lệ mắc cao nhất. Ngoài ra, bệnh lý này ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi 20 – 30 do lao động, hoạt động quá mức dẫn đến chấn thương. 

Người bị thoái hóa khớp nói chung thường có các triệu chứng như: 

  • Viêm đau khớp, nhức khớp, nhất là khi vận động; 
  • Cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi, xoa bóp; 
  • Sưng to bất thường tại vị trí khớp bị thoái hóa, sờ vào thấy ấm nóngl 
  • Hạn chế phạm vi cử động; 
  • Phát ra âm thanh lục cục trong khớp khi hoạt động; 
Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu gây cản trở khả năng vận động của người bệnh

Bệnh lý này được chia làm 4 giai đoạn dựa theo các tổn thương cụ thể tại khớp được phát hiện thông qua ảnh chụp X quang gồm:

  • Cấp độ 1: Cấu trúc khe khớp vẫn bình thường, một vài trường hợp xuất hiện gai xương. 
  • Cấp độ 2: Khe khớp bắt đầu thu hẹp nhẹ cùng với sự xuất hiện của các gai xương nhỏ. 
  • Cấp độ 3: Khe khớp thu hẹp lại rõ ràng và có nhiều gai xương hơn khiến đầu xương bị biến dạng. 
  • Cấp độ 4: Khe khớp đã hẹp lại hoàn toàn, các gai xương có kích thước lớn phủ đặc tại vùng xương dưới sụn. Lúc này quan sát thấy đầu xương đã biến dạng hoàn toàn. 

Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm giảm khả năng vận động của người bệnh, đặc biệt ở người cao tuổi. Việc chậm trễ trong phát hiện và điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như yếu cơ, teo cơ, biến dạng khớp, vôi hóa sụn khớp, phát sinh các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, gout… Và nặng nhất là bại liệt, tàn phế suốt đời, phải dùng xe lăn. 

Các chuyên gia cho biết, thoái hóa khớp xương nói chung đều có liên quan đến tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên việc điều trị bệnh dứt điểm gần như là không thể. Tuy nhiên, dù không điều trị khỏi tận gốc nhưng vẫn có rất nhiều phương pháp giúp kiểm soát triệu chứng, duy trì phục hồi khả năng vận động của khớp. Tùy theo kết quả thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, điều trị thoái hóa khớp chủ yếu dựa vào 2 phương pháp chính là điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không? 

Sự phát triển của y học hiện đại giúp quá trình điều trị thoái hóa khớp và phục hồi chức năng vận động trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong đó, mổ thoái hóa khớp là phương pháp điều trị tối ưu đem lại hiệu quả cao nhất. Đây được xem là biện pháp điều trị cuối cùng đối với những bệnh nhân bị thoái hóa độ 3, 4 và không còn đáp ứng với các giải pháp điều trị nội khoa. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Mổ thoái hóa khớp thường áp dụng cho những trường hợp khớp tổn thương nặng hoặc không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn

Cụ thể chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật thoái hóa khớp như sau:

Chỉ định

  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng (độ 3, 4) gây khó khăn trong việc cử động; 
  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp có dấu hiệu kẹt khớp, kèm dị vật; 
  • Bệnh nhân thoái hóa khớp kèm theo viêm màng dịch khớp, viêm bao hoạt dịch trong khớp… 
  • Người bị viêm khớp trên nền viêm đa khớp;
  • Có dấu hiệu của các biến chứng khác như yếu cơ, teo cơ, không có khả năng kiểm soát hoạt động khớp…; 
  • Người bệnh mắc một số bệnh lý gây tác động đến tình trạng thoái hóa khớp như gout, rối loạn đông máu, chấn thương, biến dạng nặng gây mất sụn…; 

Chống chỉ định

Không thực hiện mổ thoái hóa khớp đối với các trường hợp sau:

  • Xuất hiện ổ nhiễm trùng tại bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể; 
  • Người bệnh mắc các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, hạn chế khi phẫu thuật như rối loạn đông máu, nhiễm trùng cấp tính…;
  • Bệnh nhân có khung xương chưa phát triển hoàn thiện; 

Ưu và nhược điểm của phương pháp mổ thoái hóa khớp

Phẫu thuật thoái hóa khớp là một dạng phẫu thuật chỉnh sửa hoặc thay thế phần khớp bị hư hại, tổn thương do thoái hóa. Đây là giải pháp tối ưu áp dụng cho những trường hợp bị thoái hóa khớp nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi cấu trúc và chức năng tự nhiên, lấy lại khả năng vận động khỏe mạnh bình thường cho bệnh nhân. 

Tuy nhiên, mổ thoái hóa khớp cũng là can thiệp y tế rất dễ phát sinh biến chứng nếu không được thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Có thể kể đến như:

  • Một số trường hợp mổ khó, tay nghề bác sĩ không cao gây tổn thương các dây động mạch, dây thần kinh… cực kỳ nguy hiểm; 
  • Nhiễm khuẩn phẫu thuật là biến chứng có nguy cơ gặp cao nhất. Khi nhiễm khuẩn khớp bệnh nhân sẽ thấy sưng phù, đau nhức tại khớp, vết mổ rỉ dịch, sốt… 
  • Một vài biến chứng khác như tụ máu tại khớp, tắc mạch do tụ máu đông trong tĩnh mach… Đây là các biến chứng nguy hiểm, có thể gây ra nhồi máu phổi và tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong. 
  • Ngoài ra, nhiều trường hợp còn bị nhiễm khuẩn muộn hoặc cứng khớp do thay khớp nhân tạo. Bắt buộc phải thay khớp mới để khắc phục các biến chứng. 

Các phương pháp phẫu thuật thoái hóa khớp phổ biến

Hiện nay, y học ghi nhận có 2 phương pháp phẫu thuật thoái hóa khớp chính là nội soi khớp và thay khớp nhân tạo. 

1. Nội soi khớp

Nội soi khớp là phương pháp kết hợp giữa nội soi với các kỹ thuật y tế như cắt lọc, bào, rửa khớp, khoan kích thích tạo xương, cấy ghép tế bào sụn hoặc đục xương sửa trục. Các biện pháp này nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và thúc đẩy cơ chế tự phục hồi, phát triển của xương khớp. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Nội soi khớp kết hợp rửa khớp, khoan kích thích tế bào hoặc cấy ghép tế bào sụn để cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp

Phẫu thuật nội soi rửa sạch

Kỹ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp bị thoái hóa khớp mức độ nhẹ (độ 2 hoặc 3), có các triệu chứng lâm sàng nhưng không đáp ứng điều trị nội khoa. Còn những người đã tiến triển thoái hóa độ 4 kèm theo các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp không phù hợp áp dụng biện pháp này. 

Phẫu thuật nội soi khoan kích thích tạo tổn thương dưới sụn

Khoan kích thích tạo xương (Microfrature) là kỹ thuật mổ thoái hóa khớp thường được chỉ định cho bệnh nhân trẻ tuổi do các nguyên nhân thứ phát sau chấn thương, các tổn thương có diện tích nhỏ hoặc vừa. Một số trường hợp bác sĩ sẽ kết hợp thực hiện ghép tế bào gốc tự thân để đạt kết quả điều trị tốt nhất. 

Ghép tế bào sụn tự thân 

Như đã nói, kỹ thuật này thường được kết hợp với phương pháp mổ nội soi tạo tổn thương dưới sụn. Phù hợp với những bệnh nhân trẻ tuổi, tổn thương sụn vừa khởi phát chưa lâu, vị trí tổn thương đơn độc và diện tích nhỏ hoặc vừa. Phương pháp này có ưu điểm là sử dụng lớp sụn mới chính là sụn tự thân, trong, có tính đàn hồi cao, bền vững và tương thích với cơ thể. 

Tuy nhiên, mặt hạn chế là người bệnh phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật, thực hiện mở khớp nên chi phí điều trị khá cao. Ngoài ra, sau khi ghép, mảnh ghép có thể dễ dàng bị bong ra khỏi vị trí ghép dẫn đến điều trị thất bại. Hoặc mảnh ghép sụn bị tăng sinh quá mức gây cản trở cơ học, dính khớp và hạn chế vận động. 

Đục xương sửa trục

Đây thực chất là phương pháp thay đổi trục cơ học, chuyển trọng tâm chịu lực từ khớp tổn thương do thoái hóa sang khớp khỏe mạnh bình thường. Nhờ đó giúp bệnh nhân giảm đau nhức và để khớp thoái hóa có thời gian phục hồi.

Phương pháp này thường được chỉ định cho các trường hợp bị thoái hóa khớp mức độ nhẹ, phát hiện sớm. Kỹ thuật này không quá khó nhưng đòi hỏi người thực hiện có tay nghề cao, vì nếu có sai sót sẽ gây tai biến nghiêm trọng, làm liệt dây thần kinh. 

2. Thay khớp nhân tạo

Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp bị thoái hóa khớp giai đoạn nặng, độ 3 – 4 và không còn khả năng sửa chữa, phục hồi được nữa. Được áp dụng chủ yếu cho những bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. 

Thay khớp nhân tạo là phương pháp loại bỏ các tổn thương, hư hại, sau đó tái tạo lại khớp và thay thế bằng khớp nhân tạo được chế tạo với cấu trúc, chức năng bình thường. Tuổi thọ trung bình của khớp nhân tạo thường kéo dài từ 10 – 15 năm. Việc thay thế khớp nhằm giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Thay khớp nhân tạo có tuổi thọ từ 10 – 15 năm giúp duy trì khả năng vận động cho bệnh nhân

Tùy theo từng trường cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thay khớp bán phần hoặc toàn phần:

  • Thay khớp gối bán phần: Đây là phương pháp phẫu thuật phù hợp cho những trường hợp khớp chưa bị hư hỏng hoàn toàn. Chỉ cần thay ngăn khớp bị hư, giữ lại ngăn còn khỏe mạnh. Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn ít mô mềm, mất ít máu, ít biến chứng và khả năng phục hồi chức năng vận động cũng sớm hơn. 
  • Thay khớp gối toàn phần: Đây là giải pháp điều trị cuối cùng, thay mới toàn bộ khớp bị hư hại nhằm cải thiện cơn đau nhức, ngăn ngừa nguy cơ tàn phế vĩnh viễn. 

Một số phương pháp phẫu thuật thay thế khớp phổ biến hiện nay như: 

  • Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo; 
  • Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo;
  • Phẫu thuật thay khớp vai, khớp khuỷa; 
  • Phẫu thuật thay khớp bàn tay, ngón tay, liên đốt ngón tay; 

Lưu ý, sau khi thực hiện khớp nhân tạo, bệnh nhân cần phải kết hợp với tập luyện vật lý trị liệu để thúc đẩy khả năng hồi phục chức năng khớp. Đồng thời, tuân thủ chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng theo đúng chỉ định của bác sĩ, theo dõi và quản lý khớp để sớm phát hiện các dị tật khớp bất thường, có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe. 

Quy trình thực hiện mổ thoái hóa khớp chuẩn 

Mỗi phương pháp phẫu thuật sẽ có quy trình thực hiện khác nhau nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Quy trình mổ thoái hóa khớp đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại

Quy trình mổ nội soi

Mổ nội soi được thực hiện cho những trường hợp bị thoái hóa khớp mức độ nhẹ với quy trình cụ thể như sau:

Trước khi nội soi

  • Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 6 – 7 tiếng trước khi nội soi. Đồng thời, chủ động theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe và thông báo ngay cho bác sĩ nhằm lường trước những tình huống bất ngờ, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện. 
  • Bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế tiến hành chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị, máy móc phẫu thuật. 

Tiến hành nội soi

  • Đầu tiên tiến hành gây mê cho bệnh nhân; 
  • Bác sĩ rạch hai đường nhỏ hoặc nhiều hơn 2 đường tại vị trí khớp bị tổn thương thoái hóa để đưa ống dây gắn camera vào trong;
  • Tiến hành bơm nước muối sinh lý vào để rửa sạch ổ khớp và loại bỏ các dị vật gây viêm nhiễm; 
  • Tiếp theo thực hiện các thủ thuật như cắt bỏ, chỉnh sửa phần sụn rách hoặc điều chỉnh tái tạo dây chằng. 

Để hoàn thành bước này phải mất từ 40 – 45 phút. Hoặc có thể lâu hơn nếu là ca mổ khó, phức tạp. 

Sau nội soi

Sau khi kết thúc quá trình nội soi và can thiệp y tế, bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện 1 – 2 tiếng để theo dõi phản ứng. Sau đó đó thể xuất viện ngay trong ngày mà không cần nhập viện điều trị thêm. 

Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác hơi đau nhức và sưng phù tại khớp. Tình trạng này có thể kéo dài khoảng 1 tuần, đi lại khó khăn nên người bệnh cũng phải hạn chế đi lại, nghỉ ngơi nhiều để khớp phục hồi nhanh chóng hơn. Trường hợp phát sinh các triệu chứng như ngày càng đau nhức dữ dội, sưng viêm, nóng đỏ, rỉ dịch, sốt cao… thì hãy thông báo cho bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán và có cách xử lý kịp thời. 

Quy trình thay khớp nhân tạo

Các bước thay khớp gối nhân tạo như sau: 

Trước phẫu thuật

  • Người bệnh cần nhịn ăn trong vòng 6 – 7 tiếng trước khi bước vào ca phẫu thuật;
  • Nhập viện, nhận phòng và vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước ít nhất 1 tiếng đồng hồ;
  • Nhân viên y tế tiến hành kiểm tra hồ sơ và đưa bệnh nhân vào phòng mổ; 

Tiến hành phẫu thuật

  • Tiến hành gây mê hoặc gây tê tủy sống tùy theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Bác sĩ rạch một đường trên da với chiều dài khoảng 10cm, mở khớp và tiến hành cắt bỏ phần bị hư hại. 
  • Cắt bỏ các lát, tạo hình để tạo bề mặt phù hợp đặt khớp nhân tạo vào. 
  • Kiểm tra lại độ cứng chắc, độ vững và độ chính xác của khớp gối nhân tạo. 
  • Đặt ống dẫn lưu từ trong khớp và khâu vết mổ lại. Sau 48 tiếng sẽ rút ống dẫn lưu ra. 

Sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay khớp gối sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi phản ứng của cơ thể đối với vật liệu khớp nhân tạo. Nếu không có vấn đề gì bất thường, có thể xuất viện và tiếp tục điều trị tại nhà. Bệnh nhân thường mất khoảng 4 – 6 tuần để hoàn thành liệu trình phục hồi chức năng và ít nhất 3 tháng để lấy lại khả năng vận động bình thường. 

Lưu ý cho người bệnh sau khi mổ thoái hóa khớp

Mổ thoái hóa khớp là phương pháp điều trị tối ưu dành cho những trường hợp không đáp ứng với các giải pháp bảo tồn. Mặc dù hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng khó lường. Vì vậy, hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt những hiệu quả như mong muốn. 

Thoái hóa khớp có nên mổ không?
Sau mổ thoái hóa khớp người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nhanh lành

Ngoài ra, để hỗ trợ kết quả phục hồi sau phẫu thuật và phòng ngừa tái phát, bệnh nhân cần tham khảo thực hiện các lời khuyên sau: 

Về chế độ ăn uống

Tham khảo thực hiện các khẩu phần ăn khoa học hoặc trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được lên thực đơn phù hợp. 

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, bổ sung các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe xương khớp, kích thích vết thương nhanh phục hồi; 
  • Một trong những chất quan trọng không thể thiếu là chất xơ. Người sau phẫu thuật cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả để phòng ngừa táo bón do dùng thuốc giảm đau hoặc ít hoạt động sau mổ. 
  • Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D như sữa và các chế phẩm từ sữa, đậu phụ, đậu trắng, hạt chia, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, cải xoăn, hạt vừng, cải ngồng, bông cải xanh, khoai lang, bí đao, cam…
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ, chứa chất bảo quản, lên men, các chất kích thích như rượu bia, cà phê… 

Về chế độ sinh hoạt

Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong sinh hoạt hàng ngày như:

  • Sau 4 – 6 tuần bạn có thể quay trở lại làm việc đối với các công việc văn phòng và ít nhất 3 tháng đối với các công việc đòi hỏi dùng nhiều sức, di chuyển liên tục. 
  • Sau phẫu thuật từ 6 – 8 tuần bạn có thể tự lái xe, tuy nhiên cần đảm bảo không còn cảm giác đau nhức khớp nữa. 
  • Say 2 – 4 tuần có thể quan hệ tình dục trở lại. Chú ý quan hệ nhẹ nhàng, chọn các tư thế đơn giản, tránh tác động đến vị trí khớp vừa mổ. 
  • Sau 1 tháng kể từ khi phẫu thuật, bạn có thể thực hiện các việc nhà đơn giản như giặt giữ, phơi đồ, dịch chuyển đồ vật…

Về cách chăm sóc

  • Kiên trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ để phòng tránh nguy cơ cứng khớp; 
  • Có thể duy trì uống thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm để hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng đau; 
  • Không được ngồi khoanh chân, tránh ép gối quá mức trong vòng 6 tuần đầu tiên; 
  • Có thể chườm đá 20 phút mỗi ngày để cải thiện cơn đau nhức, sưng viêm. 
  • Trao đổi chi tiết với bác sĩ về tình trạng phục hồi, nếu tiến triển tốt chỉ cần trao đổi qua điện thoại. Nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao, đau nhức nhiều, không giảm kể cả khi dùng thuốc, tiết dịch từ vết mổ… tốt nhất nên đến bệnh viện ngay để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Mổ thoái hóa khớp là phương pháp điều trị hiệu quả được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện được mà phải dựa vào chỉ định của bác sĩ sau thăm khám, chẩn đoán. Nên ưu tiên chọn lựa những bệnh viện lớn có chuyên khoa xương khớp để đảm bảo đạt kết quả cao cũng như hạn chế thấp nhất các rủi ro ngoài ý muốn. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger