Phác Đồ Điều Trị Thoái Hoá Khớp Chuẩn Theo Bộ Y Tế

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoái hóa khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp được xây dựng dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể của từng bệnh nhân nhằm có kế hoạch điều trị phù hợp. Việc điều trị theo phác đồ giúp đạt kết quả cao, hạn chế tối đa biến chứng rủi ro có thể xảy ra. Tham khảo bài viết dưới đây để biết rõ về phác đồ điều trị thoái hóa khớp chuẩn Bộ Y tế. 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp là kế hoạch điều trị chi tiết từng giai đoạn được chỉ định bởi chuyên gia

Sơ nét về bệnh thoái hóa khớp 

Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về xương khớp. Đây là tình trạng các mô sụn, xương dưới sụn cùng các tế bào, cấu trúc tại khớp, quanh khớp bị tổn thương. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người lớn tuổi, lão hóa nhanh hoặc là di chứng của những chấn thương trước đó.

Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp, sưng viêm và thậm chí biến đổi hình thái cấu trúc làm mất chức năng khớp vĩnh viễn nếu tổn thương kéo dài không được điều trị kịp thời. Từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, kéo theo suy giảm chất lượng cuộc sống và phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng bản thân người bệnh cũng như tạo gánh nặng cho gia đình. 

Thoái hóa khớp nói chung được chia làm nhiều loại tùy theo vị trí tổn thương, gồm: thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng, thoái hóa cột sống lưng, cổ, thoái hóa khớp nhỏ bàn tay… Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp, về cơ bản được chia làm 2 nhóm là nguyên phát và thứ phát. 

Trong đó, bệnh lý này thường xuất hiện do liên quan đến nhiều yếu tố như cơ địa, di truyền, tuổi tác, biến dạng khớp, dị dạng bẩm sinh, vận động mạnh, chấn thương, thừa cân béo phì, tính chất công việc đòi hỏi phải vận động khớp mạnh và liên tục, có tiền sử phẫu thuật,… Hoặc mắc các bệnh lý như gout, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, các bệnh sau nội tiết, rối loạn chuyển hóa… cũng có thể gây ra thoái hóa khớp. 

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp 

Trước khi tiến hành điều trị chuyên môn, người bệnh sẽ được thăm khám và đánh giá để chẩn đoán nguyên nhân, mức độ thoái hóa khớp. Đây là bước quan trọng nhằm có cơ sở dữ liệu xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Chẩn đoán là bước quan trọng nhằm đánh giá tình trạng, mức độ, nguyên nhân gây bệnh để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Nhóm các tiêu chuẩn dưới đây chỉ áp dụng cho trường hợp thoái hóa khớp gối và thoái hóa khớp háng. Riêng những dạng thoái hóa khớp còn lại chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng khác. 

Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa theo Altman R 1986

Gồm các tiêu chuẩn cơ bản sau: 

  • Trên lâm sàng gồm: đau nhức khớp gối, cứng khớp khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng, sưng đau nhưng không nóng, khớp phát ra tiếng kêu lạo xạo và thường xuất hiện ở những người trên 50;
  • Hình chụp X quang cho thấy sự xuất hiện của gai xương; 
  • Tốc độ lắng máu < 40mm/ giờ; 
  • Yếu tố dạng thấp (-) hoặc nhỏ hơn 1/40; 
  • Dịch khớp tại khớp bị thoái hóa có màu trong, nhớt, lượng bạch cầu < 2000mm3

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo EULAR 2009

Gồm các triệu chứng sau: 

  • Xuất hiện 3 triệu chứng cơ năng cơ bản gồm: viêm đau khớp, cứng khớp và suy giảm chức năng;
  • Xuất hiện 3 triệu chứng thực thể gồm: hạn chế cử động, có tiếng kếu lạo xạo khi cử động và có chồi xương. 

Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa theo Hiệp hội chấn thương chỉnh hình

Dùng để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như:

  • Đối với đau cột sống thắt lưng: Cảm giác đau âm ỉ tại cột sống, nhất là khi thực hiện các động tác mang vác vật nặng hoặc cử động sai tư thế. Cơn đau có thể thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi. Một số trường hợp có thể đau nhiều khi thời tiết thay đổi, thay đổi tư thế hoặc đau phối hợp với thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm chèn ép lên các dây thần kinh. Ngoài ra, quan sát thấy cột sống thắt lưng có sự biến dạng, vặn vẹo và gây khó khăn khi thực hiện một số động tác. 
  • Đối với thoái hóa cột sống cổ: Đặc trưng với các dấu hiệu lâm sàng như: 
    • Đau nhức vùng cổ vai gáy, đau nhiều hơn khi mệt mỏi, cử động mạnh, lao động nặng hoặc thời tiết thay đổi…; 
    • Đau lan sang vùng thái dương, chẩm, trán, hố mắt…; 
    • Đau phối hợp với cơn tê tay do các đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép; 
    • Kèm theo các triệu chứng thực thể như hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mờ mắt, nuốt vướng… Lúc này nhiều người thường nhầm lẫn với các dấu hiệu của rối loạn tiền đình; 
    • Mọc gai xương phía sau đốt sống, biến dạng cột sống cổ và thấy các khoảng liên đốt sống hẹp lại, mọc gai xương, đặc xương ở các mặt đốt sống… khi chụp X quang. 

Chẩn đoán phân biệt

Thực hiện các chẩn đoán phân biệt nhằm loại trừ những bệnh lý có triệu chứng tương đồng, giúp quá trình điều trị diễn ra đúng hướng, đạt kết quả cao. 

  • Phân biệt với viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp phản ứng, lao khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp không đặc hiệu khác…; 
  • Phân biệt đau cột sống thắt lưng do thoái hóa với nhiều nguyên nhân gây đau nhức khác như trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm, dày dây chằng, loãng xương gãy lún đốt sống, đa u tủy xương, di căn cột sống…; 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp chuẩn Bộ Y tế

Thoái hóa khớp là bệnh lý cần can thiệp điều trị sớm để ngăn chặn diễn tiến của bệnh gây biến chứng và phục hồi chức năng. Dưới đây là phác đồ điều trị chuẩn Bộ Y tế được áp dụng tại hầu hết các bệnh viện lớn trên cả nước: 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Điều trị thoái hóa khớp dựa theo nguyên tắc giảm đau, phục hồi chức năng khớp và ngăn ngừa biến chứng

Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp

Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp nói chung đều hướng đến việc:

  • Giảm đau; 
  • Duy trì và phục hồi tăng cường khả năng vận động;
  • Hạn chế thấp nhất hoặc ngăn chặn tối đa nguy cơ biến dạng khớp; 
  • Giảm thiếu tác dụng phụ của thuốc; 
  • Giúp bệnh nhân lấy lại đời sống sinh hoạt bình thường ổn định; 

Phương pháp điều trị chung

Tùy theo kết quả chẩn đoán về nguyên nhân, mức độ bệnh lý nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ bao gồm các phương pháp điều trị cần thiết. Thông thường là các biện pháp sau: 

  • Giáo dục bệnh nhân: Tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân cách luyện tập, ăn uống khoa học để kiểm soát cân nặng, giảm tải trọng lượng lên các khớp bị tổn thương. Đồng thời, người bệnh cần tự ý thức về bệnh để có sự thay đổi và điều chỉnh về các tư thế sinh hoạt hàng ngày, tránh làm lệch trục khớp. 
  • Các phương pháp không dùng thuốc: Có thể kể đến như vật lý trị liệu (tập thể dục, sử dụng dòng điện, siêu âm trị liệu…), xoa bóp, massage, chườm nóng, chườm lạnh hoặc dùng các dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình dạng khớp; 
  • Điều trị bằng thuốc: Một số số thuốc trị thoái hóa khớp thường dùng như:
    • Thuốc bôi dùng tại chỗ 
    • Thuốc giảm đau thông thường, thuốc giảm đau nhóm gây nghiện; 
    • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid; 
    • Thuốc tiêm nội khớp như Corticoid hoặc Acid Hyaluronic; 
    • Thuốc điều chỉnh thay đổi cấu trúc sụn khớp; 
  • Can thiệp phẫu thuật: Trường hợp cần thiết có thể áp dụng các biện pháp ngoại khoa như: nội soi ổ khớp, thay khớp, cắt xương – chỉnh trục…

Phương pháp điều trị cụ thể

Mỗi trường hợp bệnh cụ thể sẽ có phác đồ điều trị khác nhau dựa vào kết quả chẩn đoán như đã nếu trên. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể: 

1. Điều trị nội khoa 

Phương pháp này nhằm mục đích chính là điều trị triệu chứng gồm 2 giải pháp gồm vật lý trị liệu và dùng thuốc. 

Vật lý trị liệu

Áp dụng các biện pháp như chườm nóng, siêu âm, tia hồng ngoại hoặc tắm suối khoáng, bùn khoáng để cải thiện cơn đau khớp. 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Vật lý trị liệu là liệu pháp điều trị thoái hóa khớp không dùng thuốc, cải thiện đau nhức, duy trì vận động hiệu quả

Dùng thuốc Tây

Để kiểm soát các triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp như giảm đau, chống viêm và duy trì khả năng vận động, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết chúng sẽ không có khả năng làm thay đổi tình trạng diễn tiến của bệnh. Một số loại thuốc thường dùng như: 

Thuốc giảm đau thông thường

Dùng thuốc giảm đau cho người bệnh thoái hóa khớp được quy định cụ thể theo Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó phải chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau gồm acetaminophen (paracetamol, efferalgan), effealgan codein, morphin. 

Chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau paracetamol 0.5g với liều từ 1 – 3g/ ngày. Hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều  dùng thuốc cho phù hợp. 

Thuốc chống viêm

Đây là loại thuốc được chỉ định sử dụng đầu tiên trong phác đồ điều trị nội khoa thoái hóa khớp. Vì nhóm thuốc này có thể sử dụng trong thời gian dài, ít tác dụng phụ và không tương tác với methotrexat. Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này như: 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Điều trị nội khoa thoái hóa khớp bằng các loại thuốc như giảm đau, chống viêm, thuốc đặc trị xương khớp, thuốc sinh học…
  • Meloxicam (Mobic): Dùng 2 viên 7.5mg/ ngày sau bữa ăn. Hoặc dùng dưới dạng tiêm bắp liều 15mg từ 2 – 4 lần/ ngày (dành cho trường hợp đau nhức nhiều). Khi đã kiểm soát được triệu chứng chuyển sang dùng thuốc uống. 
  • Pirocicam (Felden): Uống 1 viên/ ngày loại 20mg sau khi ăn no. Hoặc tiêm bắp mỗi ngày 1 ống liên tục trong vòng 2 – 4 ngày (nếu đau nhiều), sau đó chuyển sang dùng dạng viên uống như bình thường. 
  • Celecoxib (Celebrex): Dùng 1 – 2 viên 200mg/ ngày sau khi ăn no. Lưu ý chống chỉ định dùng thuốc cho người cao tuổi hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch. 
  • Diclofenac (Votaren): Dùng 2 viên 50mg/ ngày hoặc 1 viên 75mg/ ngày sau khi ăn no. Hoặc dùng dưới dạng tiêm bắp 15mg/ ngày trong 2 – 4 ngày liên tục (nếu đau nhiều), sau đó chuyển qua dùng thuốc uống. 
  • Brexin: Đây là chế phẩm kết hợp giữa Cyclodextrin và piroxicam. Liều khuyến cáo khoảng 2mg/ngày. 
  • Các thuốc bôi ngoài da: Nhóm thuốc này có tác dụng hỗ trợ giảm đau từ bên ngoài không đáng kể. Tuy nhiên, do ít tác dụng phụ nên vẫn được chỉ định sử dụng. Một vài loại phổ biến như Profenid gel, Voltaren Emugel…, bôi trực tiếp tại khớp đau nhức do thoái hóa từ  2 – 3 lần/ ngày. 

Lưu ý chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc này cho những người có tiền sử dị ứng với các thành phần trong thuốc, nhất là với những người có tiền sử mắc các bệnh về dạ dày, tiêu hóa… Hoặc khi dùng để điều trị dài lâu cần thường xuyên theo dõi chức năng gan, thận, kết hợp với các loại thuốc ức chế bơm proton để bảo vệ chức năng dạ dày. 

Thuốc Corticosteroid

Loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng điều trị ngắn hạn nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp trong quá trình chờ đợi thuốc đặc trị viêm khớp phát huy tác dụng. Một số loại Corticosteroid thường dùng như: Methylprednisolone, Prednisolone, Prednisone… 

Phác đồ dùng thuốc Corticosteroid trị thoái hóa khớp cụ thể như sau: 

  • Mức độ nhẹ: Liều dùng khuyến cáo từ 16 – 32mg Methylprednisolone hoặc các loại thuốc tương tự theo chỉ định của bác sĩ. Thời điểm tốt nhất là vào 8 giờ sáng sau khi đã ăn no, mỗi ngày uống duy nhất 1 lần.
  • Mức độ nặng: Liều dùng khuyến cáo 40mg Methylprednisolone dạng tiêm truyền tĩnh mạch, mỗi ngày 1 lần. 
  • Thể cấp tính: Người mắc thể bệnh này thường có các triệu chứng nghiêm trọng như viêm mạch máu hoặc biểu hiện ra bên ngoài khớp, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Trường hợp này được chỉ định sử dụng liều 500 – 1000mg Methylprednisolone truyền trực tiếp vào tĩnh mạch trong vòng 35 – 40 phút/ ngày. Thực hiện liên tục trong 3 ngày, sau đó ngưng lại để theo dõi và tiếp tục thực hiện đều đặn mỗi tháng nếu cần thiết. 
  • Điều trị lâu dài: Dùng Corticosteroid điều trị dài hạn cũng là một trong những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, bị phụ thuộc corticoid hoặc có dấu hiệu suy thượng thận do lạm dụng corticoid dài hạn. Liều khởi đầu khoảng 20mg/ ngày vào 8h sáng, duy trì trong 5 – 8 ngày hoặc dùng cách ngày đều được. Khi quá trình điều trị đạt kết quả tốt, thường mất từ 6 – 8 tuần người bệnh có thể ngưng sử dụng. 

Thuốc tiêm nội khớp

Loại thuốc này thực chất nhằm mục đích bổ sung chất nhầy dịch khớp giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức, giảm sưng viêm và giúp các cử động dễ dàng hơn.

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Tiêm nội khớp áp dụng cho người bị thoái hóa khớp đau nhức nhiều, cử động khó khăn
  • Tiêm corticoid: Loại thuốc này thường được chỉ định cho các trường hợp thoái hóa khớp đang trong đợt tiến triển cấp. Kèm theo đó là phản ứng sưng viêm và tràn dịch khớp. Sau khi tiến hành chọc hút dịch khớp (nếu có), bác sĩ sẽ tiêm corticoid trực tiếp vào ổ khớp. 
  • Tiêm Hyaluronic acid (HA): Loại thuốc này có nhiệm vụ thay thế dịch khớp tự nhiên, duy trì độ nhờn tại khớp, hỗ trợ cải thiện cấu trúc sụn khớp và bảo vệ các tổ chức khớp. Liều tiêm tùy theo chỉ định của bác sĩ, có thể tiêm 1 lần duy nhất hoặc từ 3 – 5 lần cách nhau mỗi tuần tại mỗi khớp. 
  • Tiêm huyết tương tự thân giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này sử dụng máu lấy từ tĩnh mạch, mang đi bảo quản chống đông và ly tâm tách lấy huyết tương. Sau đó bơm trực tiếp vào khớp tổn thương với liều từ 6 – 8ml PRP. 
  • Liệu pháp tiêm tế bào gốc: Tế bào gốc được chiết xuất từ các mô mỡ tự thân hoặc từ tủy xương tự thân để tiêm vào khớp tổn thương. 
  • Ngoài ra bạn cũng có thể tiêm collagen hoặc một chế phẩm nào khác được bác sĩ chỉ định. 

Thuốc thấp khớp tác dụng chậm

Loại thuốc này có tác dụng ức chế làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình diễn tiến của bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài, kết hợp theo dõi các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng. 

Đối với thể nhẹ và trung bình

  • Liều khởi đầu là Methotrexat 10ng 1 lần/ tuần. Sau đó, tùy theo khả năng đáp ứng thuốc và hiệu quả đạt được của từng người mà chỉ định duy trì tiếp tục hoặc thay đổi liều lượng phù hợp. Liều dùng khuyến cáo là 7.5 – 15mg/ tuần và tối đa là 20mg. 
  • Nếu dùng Sulfasalazine sẽ dùng liều khởi đầu là 500mg/ ngày, sau đó cứ mỗi tuần tăng thêm 500mg và duy trì tối đa mức 1000mg/ 2 lần/ ngày. 
  • Một số trường hợp có thể kết hợp dùng Sulfasalazine với Hydroxychloroquine cùng Methotrexat nếu dùng các loại trên không có tác dụng. 

Đối với thể nặng

Trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng, kháng thuốc DMARDs cơ bản và không đem lại hiệu quả sau 6 tháng điều trị sẽ được chỉ định kết hợp giữa DMARDs (Methotrexate đặc trị đau xương khớp) với thuốc sinh học. Tuy nhiên, trước khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân sẽ phải tiến hành sàng lọc bệnh lao, chỉ số chức năng gan, thận, viêm gan cùng một số chỉ số khác như tốc độ lắng máu, DAS28, HQAs, CRP… 

Cụ thể chỉ định dùng thuốc như sau: 

  • Kết hợp Methotrexate liều 10 – 15mg/ tuần với thuốc sinh học kháng Interleukin 6 (tocilizumab) liều 200 – 400mg tiêm tĩnh mạch 1 tháng/ lần (tương đương 4 – 8mg/ kg cân nặng). 
  • Kết hợp Methotrexate liều 10 – 15mg/ tuần với 1 trong 4 loại thuốc kháng TNF α sau: 
    • Adalimumab 40mg tiêm dưới da 1 lần/ 2 tuần; 
    • Infliximab truyền tĩnh mạch từ 2 – 3mg/ kg trong vòng 4 – 8 tuần; 
    • Etanercept liều 50mg tiêm dưới da 1 lần/ tuần; 
    • Golimumub liều 50mg tiêm dưới da 1 lần/ tháng; 
  • Kết hợp Methotrexate liều 10 – 15mg/ tuần với thuốc kháng lympho B (rituximab) 500 – 1000mg tiêm truyền tĩnh mạch, cách 2 tuần thực hiện 1 lần. Liệu pháp này có thể thực hiện mỗi năm để đạt hiệu quả tối ưu. 

Thuốc điều trị theo cơ chế sinh bệnh

Nhóm thuốc này có tên y học là DMOADs – Disease Modifying Osteoarthiritis Drugs. Đây là thuốc điều trị tác dụng chậm, phải mất ít nhất 1 tháng mới có tác dụng và duy trì hiệu quả dài lâu ngay cả khi ngừng sử dụng (khoảng 2 – 3 tháng). Loại thuốc này được các chuyên gia đánh gia cao vì có khả năng dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Một vài loại thường dùng cho bệnh nhân thoái hóa khớp nói chung như:

  • Glucosamine sulfate: sử dụng qua đường uống, liều 4 viên 250mg/ ngày, dùng liên tục trong 6 – 8 tuần. Hoặc dùng gói 1.5g tương đương 1 gói/ ngày trong vòng 4 – 6 tuần, có thể kéo dài thời gian sử dụng lâu hơn theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Một số loại khác: Chondroitin sulfate hoặc Diacerhein, liều dùng khuyến cáo 50mg tương đương 1 – 3 viên/ ngày. 

2. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng, đau nhức hoặc hạn chế chức năng khớp nhiều. Và nhất là không đáp ứng với các chỉ định điều trị nội khoa. Một số phương pháp can thiệp ngoại khoa phổ biến như: 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Phác đồ điều trị ngoại khoa được áp dụng cho trường hợp ảnh hưởng nhiều đến chức năng khớp và không có khả năng hồi phục
  • Nội soi khớp: Đây là phương pháp điều trị thoái hóa khớp phổ biến nhất, kết hợp nội soi khớp với cắt lọc, bào và rửa khớp. Phù hợp với những trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện thay khớp hoặc bệnh nhân lớn tuổi. 
  • Khoan kích thích tạo xương (Microfrature): Được thực hiện tại vùng khớp tổn thương, khuyết sụn bằng dụng cụ đóng tạo các lỗ cách nhau từ 3 – 4mm, sâu khoảng 4 – 6mmm, không dẫn lưu khớp và khâu vết mổ. Sau khi hoàn thành, vùng sụn mới sẽ được tái tạo với các sụn xơ là các chất căn bản. Phương pháp này thường được kết hợp với kỹ thuật ghép tế bào sụn hoặc xương sụn tự thân. 
  • Đục xương sửa trục (Osteotomy): Phương pháp này nhằm điều chỉnh trục cơ học của khớp, chuyển trọng tâm chịu lựa từ khoang thoái hóa sang khoang lành lặn dựa theo chiều trục sinh lý bình thường. Nhờ đó giảm áp lực lên bề mặt khớp thoái hóa, có làm chậm quá thoái hóa, giảm đau và có thời gian phục hồi. 
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng làm giảm nhiều khả năng vận động hoặc không có khả năng phục hồi sẽ được chỉ định thay khớp. Tùy theo đánh giá sau chẩn đoán mà bác sĩ sẽ chỉ định thay khớp bán phần hoặc toàn phần. 

3. Điều trị phối hợp

Bên cạnh tuân thủ các chỉ định điều trị y tế của bác sĩ, bệnh nhân thoái hóa khớp cũng cần kết hợp thực hiện các biện pháp khác nhằm cải thiện triệu chứng và đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Một vài giải pháp phối hợp đơn giản như: 

  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia xương khớp sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập phục hồi chức năng khớp tùy theo tình trạng hiện tại. Ngoài ra, kết hợp vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga… Người bệnh cần kiên trì luyện tập và tập đúng cách để tránh phản tác dụng, tăng nặng triệu chứng thoái hóa. 
  • Nghỉ ngơi nhiều: Nếu đang trong giai đoạn điều trị thoái hóa cấp tính, người bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế đi lại nhiều và quá sức. Việc này giúp tạo điều kiện cho khớp được thư giãn và phục hồi nhanh hơn. 
  • Điều chỉnh sinh hoạt: Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng đến cơ thể, bệnh nhân cần chủ động thay đổi các thói quen sống, ăn uống dinh dưỡng để bù đắp các chất thiếu hụt. 

Chăm sóc phòng ngừa biến chứng và theo dõi sau khi thực hiện phác đồ trị thoái hóa khớp

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp nên khá phức tạp và kéo dài. Khi đã đạt những cải thiện khả quan trong thời gian điều trị, người bệnh cần được theo dõi sát sao và kết hợp chế độ chăm sóc phù hợp để phòng ngừa nguy cơ phát sinh biến chứng hoặc tái phát bệnh trở lại. 

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Sau khi điều trị theo phác đồ cần theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng và chăm sóc cẩn thận để phòng tránh biến chứng

Theo dõi sức khỏe

Việc sử dụng các loại thuốc trị thoái hóa khớp như thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, Corticosteroid, DMARDs… trong thời gian dài có nguy cơ gây ra hàng loạt tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Điển hình là viêm loét dạ dày, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương… 

Vì vậy, trong và sau khi hoàn tất phác đồ điều trị thoái hóa khớp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thường xuyên thực hiện các thủ thuật nội soi, siêu âm đường ruột hoặc chụp X quang, MRI xương khớp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… để phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý, từ đó có hướng xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất các rủi ro ngoài ý muốn. 

Kiểm soát trọng lượng

Duy trì mức cân nặng phù hợp hoặc giảm cân nếu bị thừa cân là phương pháp phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả nhất. Để làm được điều này, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp rèn luyện thể chất đều đặn mỗi ngày. 

Trong đó:

  • Chế độ ăn uống: Khẩu phần ăn hàng ngày của người thoái hóa khớp nên đảm bảo có đầy đủ các dưỡng chất như vitamin D, C, canxi, axit béo omega-3… từ các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây… Tránh sử dụng các loại thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn, nhiều gia vị hay chế biến dưới nhiệt độ cao, các chất kích thích… không tốt cho sức khỏe xương khớp. 
  • Tập thể dục: Vận động, tập thể dục khoa học không chỉ giúp cải thiện sức khỏe nói chung mà còn hỗ trợ tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt, dẻo dai của khớp. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tập đúng kỹ thuật, cường độ hợp lý và tần suất điều độ để tránh phản tác dụng. Tốt nhất nên tập cùng huấn luyện viên để tránh thực hiện sai động tác. 

Hạn chế các chấn thương

Mặc dù rất khó nhưng chỉ cần chú ý một chút, bạn sẽ tránh được các chấn thương ngoài ý muốn, hạn chế thấp nhất nguy cơ thoái hóa khớp khi về già. Hãy ghi nhớ các điều sau: 

  • Không được uốn cong các khớp quá 90 độ, đặc biệt là khớp đầu gối; 
  • Dù đứng hoặc ngồi đều phải đúng tư thế, luôn giữ cho bàn chân bằng phẳng; 
  • Khi thực hiện các hành động bật nhảy thì lúc tiếp đất phải cong đầu gối 
  • Khởi động kỹ trước khi tham gia chơi thể thao hoặc bất kỳ hoạt động đòi hỏi thể lực nào; 
  • Khi chơi thể thao hay tập thể dục nên chọn những nơi rộng, bề mặt có ma sát, bằng phẳng, tránh các bề mặt cứng như đường nhựa, bê tông, nhiều sỏi đá gồ ghề; 

Trường hợp vô tình bị chấn thương khớp, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức để hạn chế tổn thương diễn tiến nặng thêm. 

Trên đây là phác đồ điều trị thoái hóa khớp theo Bộ Y tế. Đây là phác đồ chung tổng hợp đầy đủ các phương pháp điều trị, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ xây phác đồ riêng dựa theo kết quả chẩn đoán trước đó. Bệnh nhân cần tuân thủ thực hiện theo phác đồ và có ý thức trong việc chăm sóc cải thiện, tránh thực hiện những việc làm gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger