Dị ứng cơ địa ở trẻ em: Dấu hiệu, Cách điều trị và phòng ngừa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Dị ứng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng cơ địa ở trẻ em là tình trạng trẻ chào đời có sẵn gen dị ứng cơ địa. Bệnh bùng phát khi trẻ tiếp xúc với dị nguyên như thực phẩm, môi trường ô nhiễm, thời tiết… Các triệu chứng dị ứng cơ địa ở trẻ thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh dễ chuyển sang mãn tính, dai dẳng cho đến trẻ trưởng thành, ảnh hưởng đến sức sức khỏe, tâm lý và ngoại hình. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Dị ứng cơ địa ở trẻ em là tình trạng trẻ mang sẵn yếu tố dị ứng trong cơ thể và bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi

Dị ứng cơ địa ở trẻ em là bệnh gì? 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em là căn bệnh da liễu phổ biến, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là căn bệnh có sự liên quan mật thiết đến hệ thống miễn dịch. Xảy ra khi trẻ tiếp xúc  (sờ, hít thở, ăn uống hoặc bị tiêm/ chích) với các dị nguyên thông qua thức ăn, không khí, tiếp xúc với các tác nhân từ bên ngoài. 

Theo các chuyên gia, dị ứng cơ địa không được chẩn đoán là một bệnh, mà thực chất nó chỉ hiện tượng hệ thống miễn dịch của trẻ quá nhạy cảm và phản ứng thái quá khi tiếp xúc với các dị nguyên. Tùy theo tác nhân dị ứng, nguyên nhân và biểu hiện tại các bộ phận mà dị ứng cơ địa được phân làm nhiều dạng khác nhau. 

Phân loại dị ứng cơ địa ở trẻ nhỏ

Thông thường, dị ứng cơ địa ở trẻ nhỏ được chia làm 5 dạng dị ứng phổ biến dựa vào biểu hiện gồm: 

Nổi mề đay 

Mề đay ở trẻ là căn bệnh da liễu vô cùng phổ biến và dễ khởi phát ở những trẻ có sẵn cơ địa dị ứng. Bệnh này được chia làm 2 thể gồm cấp và mạn tính. Trong đó, mề đay cấp tính là khi các triệu chứng bùng phát đột ngột và biến mất trong thời gian ngắn, thường dưới 24 tiếng. Còn mề đay mạn tính là khi triệu chứng tồn tại trong thời gian dài trên 6 tuần. 

Các chuyên gia da liễu cũng cho biết, mề đay rất đa dạng về chủng loại. Ngoài phân chia theo cấp độ, thì mề đay cũng được phân loại theo nguyên nhân như mề đay tiếp xúc, mề đay phù mạch, mề đay tự phát, mề đay vật lý, viêm mạch mề đay… Các triệu chứng mề đay thường gặp ở trẻ như: nổi các đốm hoặc mảng da đỏ ứng, phồng rộp có ranh giới rõ ràng, ngứa ngáy dữ dội, có cảm giác nóng rát trên da… 

Viêm mũi dị ứng

Ngoài viêm da, viêm mũi cũng là một dạng dị ứng cơ địa thường gặp ở trẻ em. Đây là tình trạng lớp màng lót bên trong niêm mạc mũi bị kích ứng do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Lúc này, cơ thể giải phóng histamin gây sưng niêm mạc, ngứa ngáy và tiết nhiều dịch nhầy gây tắc nghẽn mũi.

Tại Việt Nam, trẻ bị viêm mũi dị ứng nhiều nhất là vào mùa xuân và mùa đông. Một là do thời tiết giao mùa chuyển lạnh đột ngột và hai là do phấn hoa phát tán trong không khí, cộng với độ ẩm cao tạo điều kiện cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Trẻ bị viêm mũi dị ứng thường gây các triệu chứng khó chịu như ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục rất khó chịu. 

Viêm da cơ địa (chàm thể tạng)

Viêm da cơ địa hay còn được gọi là chàm thể tạng. Đây là một dạng dị ứng cơ địa xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Xảy ra chủ yếu tại làn da, tổn thương khiến da mất nước, khô ráp và bong tróc. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào, hình thành mụn nước, tăng nguy cơ bội nhiễm và cực kỳ ngứa ngáy. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa là một trong những dạng dị ứng cơ địa phổ biến ở trẻ em

Các triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ thường xuất hiện ở 2 má, trán, cằm, có thể làn xuống cổ, ngực, tay, chân… Tùy theo mức độ bệnh mà các triệu chứng khác nhau. Trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến khoảng 5 tuổi dễ mắc bệnh nhất. Hầu hết trẻ khi đã trưởng thành sẽ khỏi bệnh hẳn. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn phải can thiệp điều trị và chăm sóc trẻ kỹ lưỡng để khỏi bệnh nhanh hơn, bảo vệ sức khỏe và hạn chế các sẹo vĩnh viễn trên da. 

Viêm kết mạc dị ứng 

Tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên cũng có thể gây kích thích kết mạc ở những trẻ có sẵn cơ địa dị ứng. Tương tự như viêm mũi dị ứng, dạng dị ứng thường xuất hiện vào một số thời điểm nhất định trong năm hoặc dai dẳng quanh năm. Đây là bệnh không lây nhiễm và lành tính hơn so với bệnh đau mắt đỏ. 

Các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng điển hình như đau mắt, có cảm giác xốn, rát, chảy nước mắt, sưng đỏ mí mắt… Tuy nhiên, chỉ cần loại bỏ tác nhân dị nguyên, các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và biến mất. Một số trường hợp nặng hơn có thể mờ mắt tạm thời, không gây nguy hiểm cho thị lực của trẻ. 

Hen phế quản

Hen phế quản là một dạng dị ứng cơ địa liên quan đến đường hô hấp của trẻ. Nguyên nhân được xác định là do trẻ có sẵn cơ địa dị ứng, cộng với sức đề kháng yếu kém và tiếp xúc với các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài. Biểu hiện đặc trưng ở trẻ bị hen phế quản là ho khan, ho có đàm, thậm chí ho khi đang ngủ, thở khó, khò khè, tức ngực,…

Trẻ mắc bệnh lý này cần phải đến bệnh viện ngay để thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Vì càng để lâu bệnh càng nặng, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của trẻ. 

Nguyên nhân gây dị ứng cơ địa ở trẻ nhỏ

Có nhiều tác nhân từ bên ngoài lẫn bên trong khởi phát dị ứng cơ địa nên rất khó để xác định nguyên nhân chính xác. Vì như đã biết, các triệu chứng dị ứng có thể xuất phát từ những yếu tố hết sức bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng do trẻ có sẵn cơ địa dị ứng do di truyền cộng với hệ miễn dịch yếu kém nên mới bùng phát bệnh. 

Có thể kể đến một số tác nhân dị ứng thường gặp như:

Nguyên nhân sinh lý 

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có những tác nhân tưởng chừng như bình thường nhưng lại là nguyên nhân làm bùng phát dị ứng cơ địa:

Môi trường sống

Môi trường sống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hệ miễn dịch của trẻ nhỏ. Một đứa trẻ sống trong môi trường kém chất lượng, thường xuyên tiếp xúc với nước, không khí ô nhiễm, khói bụi xe cộ, khói/ hóa chất công nghiệp , rác thải… thường có nguy cơ gặp các triệu chứng dị ứng cao hơn những trẻ có môi trường sống tốt. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Môi trường sống góp phần quyết định đến sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ

Tuy nhiên, xét về vấn đề bẩm sinh dị ứng cơ địa, thì những trẻ sống ở thành thị lại có nguy cơ dị ứng cao hơn trẻ ở nông thôn. Theo lý giải của chuyên gia, những trẻ ở thành thị thường có hệ miễn dịch kém. Việc được bảo bọc và kiêng khem quá mức khiến hệ miễn dịch không có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác nhân bên ngoài như môi trường, thời tiết, thực phẩm… Hậu quả là ngay khi tiếp xúc lần đầu tiên, cơ thể sẽ nhận diện sai lầm và phản ứng lại bằng cách khởi phát dị ứng. 

Vệ sinh thân thể kém

Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ cần được vệ sinh, tắm rửa mỗi ngày để loại bỏ những tác nhân gây bệnh bám trên người. Ngược lại, nếu trẻ không được tắm gội, thay mới quần áo thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Sau đó khởi phát các triệu chứng dị ứng ngoài da như nổi mẩn, ngứa ngáy, đỏ da… 

Côn trùng cắn

Trẻ nhỏ thường hiếu động và nghịch ngợm nên rất dễ bị côn trùng cắn như kiến, muỗi, rết, giời lep, bù mắt, kiến ba khoang… Theo các chuyên gia, nọc độc côn trùng cũng là một trong những nguyên nhân kích hoạt cơ địa dị ứng bùng phát các tổn thương ngoài da. Trong một số trường hợp bị côn trùng cực độc cắn, nếu không được sơ cứu và xử lý kịp thời có thể khiến tổn thương ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

Dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn là một dạng dị ứng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là đối với những trẻ còn đang bú sữa mẹ. Hiện tượng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ hiểu nhầm các thành phần trong sữa hoặc thức ăn là chất có hại nên phản ứng lại bằng các triệu chứng dị ứng. Những trẻ có sẵn cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn cao hơn. 

Ngoài sữa, còn có một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, đậu phộng… Bố mẹ cần kiểm tra lại thực đơn ăn uống của con trẻ để có những điều chỉnh phù hợp hơn. 

Dị ứng thuốc 

Ngoài thức ăn, thuốc cũng là một trong những nguyên nhân làm khởi phát các triệu chứng dị ứng cơ địa. Một số loại thuốc như kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm không steroid hoặc tiêm vắc-xin… dùng cho trẻ là những loại thuốc dễ gây dị ứng nhất. 

Rôm sảy

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nổi rôm sảy. Thời điểm trẻ dễ bùng phát bệnh nhất là vào thời tiết nóng bức, khiến da trẻ đổ nhiều mồ hôi, tích tụ bụi bẩn trên da nhưng không được vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, những trẻ phải mặc nhiều quần áo ủ ấm quá mức trong điều kiện thời tiết nóng nực cũng rất dễ phát bệnh. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Rôm sảy cũng là một dạng dị ứng cơ địa thường gặp ở trẻ em và thường biến mất khi trưởng thành

Đây cũng là một dạng của dị ứng cơ địa rất đặc trưng. Rôm sảy được biểu hiện thông qua những nốt mẩn đỏ li ti trên da, bên trong chứa dịch mủ trắng. Chúng mọc chi chít trên mặt, lưng, bụng, tay chân của trẻ và gây ngứa ngáy, khó chịu. 

Hăm tã

Tương tự như rôm rảy, hăm tã cũng là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do trẻ phải thường xuyên mặc tã, khiến vùng da tại vùng kín ẩm ướt, không được khô thoáng, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển.

Nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng sẽ kích hoạt dị ứng cơ địa với các triệu chứng viêm da dị ứng, nổi mụn nước li ti, ngứa ngáy. Một số trường hợp nặng hơn có thể gây nóng rát do các vết trợt, viêm loét và rỉ máu. 

Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài các nguyên nhân sinh lý, sự ảnh hưởng của các bệnh lý sau cũng là nguyên nhân làm bùng phát các triệu chứng dị ứng cơ địa:

Suy giảm chức năng gan/ mật

Trẻ bị suy giảm chức năng gan mật do bẩm sinh hoặc bệnh lý thường có hệ miễn dịch yếu kém và dễ bùng phát dị ứng cơ địa, với các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu trên làn da. Kèm theo đó là các triệu chứng đặc trưng về bệnh gan, mật như: mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chán ăn, chảy máu chân răng, buồn nôn, đau vùng hạ sườn phải… 

Nấm da

Làn da của trẻ vốn rất yếu ớt, dễ bị tấn công bởi các loại nấm, điển hình như nấm sợi tơ dermatophyte. Chúng thường xâm nhập thông qua móng tay, móng chân, tóc, da đầu và kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp thường là ngoài da như: nổi mẩn đỏ, mụn nước, ngứa ngáy, tổn thương hình bầu dục, hình tròn, đóng vảy trắng, kèm theo rụng tóc (nếu có). 

Bệnh Lyme

Sau khi bị côn trùng căn khoảng vài ngày, có đến 80% trẻ sẽ phát sinh căn bệnh Lyme này. Đặc trưng triệu chứng là các tổn thương, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy dựa theo cơ chế dị ứng cơ địa và có thể lan rộng khắp cơ thể. Kèm theo đó là một số dấu hiệu khác như sốt cao, đau nhức người, có cảm giác ớn lạnh trong cơ thể… 

Sốt phát ban vùng núi Rocky

Đây là một bệnh viêm mạch hệ thống do nhiễm Rickettsia ricketssi, được truyền qua bọ ve cứng. Trong dịch tiết nước bọt của con bọ ve này có chứa vi khuẩn gây bệnh, chúng bám vào da và hút máu trẻ, đồng thời truyền ngược vi khuẩn vào máu. Các triệu chứng thường gặp như dị ứng cơ địa với các biểu hiện tổn thương ngoài da, phát ban nổi đốm đỏ, kèm theo đau đầu, sốt cao, đau bụng, nôn mửa…

Vì vết cắn của bọ ve cứng thường rất mờ và nhỏ nên rất khó phát hiện ra. Thông thường, phải 2 – 5 ngày sau đó da trẻ mới bắt đầu nổi mẩn ngứa và phát ban. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể đe dọa tính mạng của trẻ. 

Dấu hiệu nhận biết dị ứng cơ địa ở trẻ em 

Ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên, cơ thể trẻ có thể bộc phát ngay triệu chứng hoặc sau đó vài tiếng tùy trường hợp. Bố mẹ cần quan sát và theo dõi kỹ để nắm rõ tiến triển của bệnh để thông báo cho bác sĩ. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, phát ban là những triệu chứng dị ứng cơ địa phổ biến ở trẻ

1. Thông qua các triệu chứng ngoài da

Tổn thương ngoài da được xem là triệu chứng phổ biến nhất khi trẻ bị dị ứng cơ địa, mà điển hình là viêm da cơ địa. Triệu chứng này thường xuất hiện do trẻ dị ứng hải sản, dị ứng thịt bò, dị ứng sữa, côn trùng cắn… 

  • Da phát ban, nổi mẩn đỏ, mụn nước gây cảm giác ngứa ngáy và đau rát; 
  • Bề mặt vùng da bị tổn thương dị ứng gồ cộm lên hẳn so với những vùng da bình thường; 
  • Dễ lây lan sang các vùng da khỏe mạnh khác trên cơ thể;
  • Sưng phù, phù nề nặng với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng; 
  • Xuất hiện các vết trợt loét, nổi mụn mủ, mụn nước; 

2. Thông qua các triệu chứng kèm theo tùy nguyên nhân

Ngoài các triệu chứng ngoài da, tùy theo từng dạng dị ứng cơ địa mà cơ thể sẽ bùng phát các biểu hiện khác như:

  • Các triệu chứng về đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn ói, nôn trớ, chướng bụng…
  • Các biểu hiện ở mắt, mũi, tai: phù môi, phù mắt, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước  mũi, nước mắt, chóng mặt, ù tai…
  • Triệu chứng nghiêm trọng: Dị ứng nặng có thể gây co thắt phế quản, suy hô hấp, tụt huyết áp, phù thanh môn… rất nguy hiểm. 

Trên thực tế, không phải trẻ bị dị ứng cơ địa nào cũng đều xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên. Tùy theo mức độ, nguyên nhân và thời gian bùng phát gây dị ứng mà biểu hiện sẽ khác nhau. Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, kịp thời xử lý sẽ giúp ngăn chặn tiến triển nặng của bệnh. 

Trẻ bị dị ứng cơ địa có nguy hiểm không?

Phù mạch, suy hô hấp, khó thở, tụt huyết áp, sốc phản vệ… là những biến chứng và rủi ro có thể xảy ra ở trẻ bị dị ứng cơ địa nghiêm trọng. Trong đó, sốc phản vệ là nặng nhất, xảy ra do mức độ dị ứng cao, triệu chứng bùng phát trên diện rộng khó kiểm soát. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây suy hô hấp, ngất xỉu, thậm chí tử vong. 

Tuy nhiên, đây là biến chứng khá hiếm gặp vì hầu hết trẻ bị dị ứng cơ địa đều chỉ ở mức độ nhẹ và tự khỏi nhanh chóng. Nhưng đó chỉ là trong những lần đầu tiên, dị ứng càng tái phát nhiều thì mức độ nghiêm trọng cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm. 

Cách xử lý triệu chứng dị ứng cơ địa cho trẻ tại nhà 

Điều trị dị ứng cơ địa dứt điểm tận gốc là điều rất khó, vì đây là bệnh bẩm sinh di truyền và gần như không có cách nào để tác động thay đổi được gen bệnh trong cơ thể. Cách điều trị dị ứng cơ địa cho trẻ tốt nhất dựa vào 3 nguyên tắc gồm: tránh tiếp xúc với dị nguyên, chăm sóc đẩy lùi triệu chứng và phòng ngừa tái phát. 

1. Loại bỏ dị nguyên 

Tránh tiếp xúc với dị nguyên là giải pháp tốt và hiệu quả nhất để điều trị các dạng bệnh dị ứng cơ địa. Tuy nhiên, rất khó để thực hiện cách này 100%, vì có những dị nguyên rất bình thường như khói bụi, phấn hoa, nấm mốc… lẫn trong không khí hoặc môi trường khó tránh được. Chỉ có thể hạn chế tiếp xúc và giảm thiểu dị nguyên trong môi trường sống. 

Việc này cần được thực hiện ngay khi phát hiện có phản ứng dị ứng. Kết hợp với loại bỏ dị nguyên khỏi cơ thể trẻ. Tùy theo loại dị nguyên mà cách loại bỏ sẽ khác nhau, chẳng hạn như tắm gội, rửa mũi, súc họng, kích thích họng để gây nôn… Bước này rất quan trọng giúp giảm mức độ các triệu chứng và điều trị dễ dàng hơn. 

2. Kết hợp chăm sóc làm giảm triệu chứng 

Những triệu chứng dị ứng cơ địa ở trẻ dù là ngoài da hay bên trong cơ thể mức độ nhẹ đều có thể nhanh chóng thuyên giảm. Nhưng để rút ngắn thời gian điều trị và giúp trẻ thoải mái hơn, phụ huynh nên áp dụng ngay các mẹo chăm sóc sau đây:

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Tắm rửa vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nên tắm nước mát để hỗ trợ giảm ngứa da
  • Tắm nước mát: Làn da của trẻ rất nhạy cảm, nhất là đang bị dị ứng tổn thương. Thay vì chườm đá lạnh như bình thường, tốt nhất nên tắm cho trẻ bằng nước mát. Cách này giúp rửa trôi dị nguyên dính trên cơ thể (nếu có) và giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên da. 
  • Dùng kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng xoa dịu kích ứng dị ứng, giảm ngứa và cấp ẩm cho làn da, giảm khô ráp, bong tróc da. Đặc biệt phù hợp với những trẻ bị hăm tã hoặc nổi rôm sảy. Chọn mua sản phẩm chất lượng, an toàn và phù hợp với làn da của trẻ. Ưu tiên những sản phẩm có gốc từ thiên nhiên và lành tính. 
  • Tắm lá thảo dược: Các loại lá như lá chè xanh, lá khế, lá dền gai, mướp đắng… nấu lấy nước tắm cho trẻ bị dị ứng cơ địa là mẹo dân gian hiệu nghiệm được nhiều phụ huynh áp dụng. Dược chất tự nhiên trong các loại thảo dược này không quá cao nhưng vẫn đủ để cải thiện làm giảm ngứa ngoài da cho trẻ. 
  • Rửa mũi, súc họng: Kết hợp rửa mũi, súc họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để cải thiện các triệu chứng kèm theo như ho, sổ mũi, hắt hơi… 
  • Ăn uống đúng cách: Dù trẻ bị dị ứng cơ địa dạng gì thì chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Việc ăn uống cần tuân thủ nguyên tắc ăn đơn giản – đủ chất – ưu tiên thực phẩm lành mạnh. Nên cho trẻ ăn những món cháo dinh dưỡng, ít gia vị, không dùng thực phẩm dị ứng với trẻ và ăn chậm nhai kỹ để hỗ trợ tiêu hóa. Ưu tiên những loại thực phẩm giàu vitamin E, C, tránh thực phẩm chứa chất béo động vật, giàu đạm. 

Ngoài các mẹo trên, bố mẹ cũng cần lưu ý tắm gội cho trẻ hàng ngày, sử dụng những sản phẩm lành tính, giữ cơ thể khô thoáng, mặc quần áo rộng rãi, sử dụng kem chống hăm tã nếu cần thiết, cho trẻ ở trong môi trường mát mẻ, không quá nóng cũng không quá lạnh, thường xuyên lau dọn nhà cửa để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn… để đạt kết quả điều trị cao. 

Có nên dùng thuốc Tây cho trẻ bị dị ứng cơ địa?

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dùng thuốc Tây là điều cần hạn chế vì cơ thể trẻ vẫn còn yếu, ngưỡng chịu đựng thấp hơn so với người lớn. Và trên thực tế, đối với các bệnh về dị ứng cơ địa không có thuốc đặc trị. Việc dùng thuốc thường nhằm mục đích kiểm soát phản ứng dị ứng và cải thiện triệu chứng. 

Do đó, nếu mức độ dị ứng không quá nghiêm trọng và đang thuyên giảm tốt thì không nhất thiết phải dùng thuốc Tây. Vì bất kỳ loại thuốc nào cũng đều tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Trẻ bị cơ địa dị ứng có thể sử dụng thuốc kháng histamine để kiểm soát triệu chứng

Ngược lại, nếu mức độ dị ứng nghiêm trọng, hãy tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để kiểm soát bệnh nhanh chóng, ngăn ngừa biến chứng. Một số thuốc dị ứng thường dùng cho trẻ như:

  • Thuốc kháng histamine như Diphenhydramine, Loratadine, Ceririzine, Fexofenadine…;
  • Thuốc nhỏ mắt không kê đơn như Ketotifen fumarate; 
  • Thuốc xịt mũi Azelastine, thuốc tác dụng mạnh như Hydroxyzine, Desloratadine…; 
  • Thuốc Singulair thường dùng để ngăn chặn các cơn hen suyễn; 

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ cần đảm bảo một số vấn đề sau:

  • Nếu các triệu chứng dị ứng cơ địa có xu hướng nặng hơn khoảng đêm gần sáng, bố mẹ nên cho uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ để kiểm soát triệu chứng; 
  • Nếu trẻ bị dị ứng cơ địa quanh năm, vào một mùa nhất định, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa, hãy chủ động cho trẻ uống thuốc kháng histamine trước mùa phấn hoa liên tục từ 3 – 10 ngày. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và sử dụng liều phù hợp; 

Phòng ngừa dị ứng cơ địa ở trẻ nhỏ bằng cách nào?

Dị ứng cơ địa là những dạng bệnh có mối liên hệ với yếu tố di truyền, bẩm sinh nên rất khó điều trị dứt điểm. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi những triệu chứng bệnh này đó là chủ động phòng ngừa từ trước. 

Dị ứng cơ địa ở trẻ em
Ăn uống đủ chất, loại bỏ các loại thực phẩm dị ứng ra khỏi thực đơn hàng ngày
  • Bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân dị nguyên ngoài môi trường hoặc che chắn cẩn thận trước khi ra ngoài như khói bụi, ánh nắng mặt trời, hóa chất, phấn hoa… 
  • Vệ sinh thân thể trẻ kỹ lưỡng, tắm gội thường xuyên bằng các sản phẩm tự nhiên, lành tính, chuyên biệt dùng cho trẻ nhỏ. 
  • Thường xuyên lau dọn nhà cửa, đặt biệt là sàn nhà, giặt giũ chăn drap, gối, nệm, đồ chơi của trẻ. 
  • Chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi, không quá bó sát gây kích ứng da. 
  • Chọn tã của những thương hiệu chất lượng, mềm mịn và có khả năng thấm hút tốt. Thay tã cho trẻ thường xuyên, nhất là sau khi trẻ đi vệ sinh để giảm thiểu kích ứng da, khởi phát dị ứng. 
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất, ưu tiên các loại thực phẩm lành tính, không gây dị ứng. Đối với những trẻ đang trong độ tuỗi ăn dặm, nên thận trọng trong việc cho trẻ ăn các món mới, tránh dùng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng trong thực đơn hàng ngày. 

Trẻ em bị dị ứng cơ địa thường không quá nghiêm trọng và có thể kiểm soát bằng các giải pháp đơn giản. Tuy nhiên, vẫn có dùng thuốc khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh. Trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, bố mẹ nên theo dõi trẻ kỹ càng để có hướng điều trị phù hợp, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger