Hướng Dẫn Cách Phân Biệt Suy Thận Cấp Và Suy Thận Mạn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Suy thận được chia làm suy thận cấp và suy thận mạn. Thông qua thời gian phát bệnh và triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể dễ dàng phân biệt 2 dạng này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến phức tạp, kèm theo bệnh lý nền gây khó khăn trong việc chẩn đoán phân biệt. Nội dung dưới đây sẽ giúp bạn nắm cơ bản các điểm khác nhau để phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn. 

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Chẩn đoán phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn là bước quan trọng không thể bỏ qua để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp

Hướng dẫn cách phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn 

Chẩn đoán phân biệt suy thận cấp (AIK) và suy thận mạn (CKD) đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân. 

1. Khái niệm 

Sự khác nhau về các khái niệm bệnh suy thận trong y học:

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Suy thận cấp và suy thận mạn là 2 khái niệm khác nhau nhưng rất dễ bị nhầm lẫn

Suy thận cấp tính

  • Là tình trạng suy giảm chức năng thận bùng phát ở mức độ cấp tính. Hiểu đơn giản là bệnh xảy ra đột ngột, nhanh chóng, diễn tiến trong thời gian ngắn và trước đây chưa từng xảy ra. Bệnh thường xảy ra ở những người có chức năng thận khỏe mạnh trước đó hoặc người mắc các bệnh lý thận mạn khác. 
  • Ở mức độ cấp, chức năng thận suy giảm khiến khả năng lọc của cầu thận giảm rõ rệt gây ra hiện tượng vô niệu hoặc thiểu niệu, giảm protein trong máu, dẫn đến rối loạn cân bằng kiềm toan, nước và các chất điện giải… 

Suy thận mạn tính

  • Là tình trạng suy giảm chức năng thận trong thời gian dài, thường là trên 3 tháng. Bản chất của suy thận mạn là suy thận cấp biến chứng và thường xuất hiện sau một số bệnh lý mãn tính như viêm cầu thận, tổn thương mạch máu thận, viêm ống thận, viêm kẽ thận, sỏi thận, hội chứng thận hư, thận yếu, các bệnh về viêm nhiễm đường tiết niệu… 
  • Suy thận mạn khiến chức năng thận suy giảm trầm trọng, gần như không còn khả năng phục hồi. Đặc trưng bởi tình trạng giảm mức độ lọc cầu thận, tăng chỉ số huyết áp, rối loạn nồng độ các chất điện giải, gây thiếu máu, có nguy cơ cao loãng xương, gãy xương… 
  • Suy thận mạn có 5 giai đoạn, tiến triển từ từ và khi đến giai đoạn cuối gần như không còn khả năng phục hồi. Người bệnh bắt buộc phải tiến hành chạy thận nhân tạo để lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. 

2. Nguyên nhân

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn thông qua nguyên nhân gây bệnh: 

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Nguyên nhân gây suy thận cấp thường là do các chấn thương, dùng thuốc, còn thận mạn là do hậu quả từ các bệnh lý mãn tính

Suy thận cấp tính

Nguyên nhân gây suy thận cấp được phân chia làm 3 dạng gồm: trước thận, tại thận và sau thận. Cụ thể như sau: 

  • Nguyên nhân trước thận: Làm giảm lượng máu lưu thông đến thận do:
    • Mất nước, mất máu do tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu; 
    • Giảm lượng máu lưu thông đến tim gây tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, tim chịu áp lực, chèn ép…; 
    • Tác dụng phụ của thuốc gây mê, khiến cơ thể bị choáng, sốc phản vệ; 
    • Hiện tượng giãn tĩnh mạch ngoại vi do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng; 
    • Bị bỏng nặng khiến lượng dịch trong cơ thể bị tái phân bổ dẫn đến rối loạn; 
    • Ảnh hưởng từ hội chứng thận hư, chứng viêm tụy cấp… 
  • Nguyên nhân tại thận: Thường là do ảnh hưởng từ các tổn thương chức năng thận và các yếu tố nguy cơ như:
    • Viêm cầu thận
    • Viêm ống thận
    • Chứng thận nhiễm mỡ
    • Viêm mô kẽ 
    • Tổn thương mạch máu thận gây tắc nghẽn mạch máu
    • Nhiễm khuẩn
    • Tác dụng phụ hoặc ngộ độc các loại thuốc, hoạt chất hóa học…
  • Nguyên nhân sau thận: Do biến chứng từ các bệnh lý mãn tính như:
    • Sỏi thận
    • Ung thư bàng quang
    • Ung thư cổ tử cung
    • Ung thư đại tràng 
    • Hội chứng phì đại tuyến tiền liệt 
    • Xơ hóa sau phúc mạc
    • Phình động mạch chủ bụng
    • Bàng quang niệu quản ngược dòng
    • … 

Suy thận mạn tính

Nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ra suy thận mạn chính là từ các bệnh lý như:

  • Cao huyết áp làm xơ cứng và thu hẹp mạch máu, cản trở tuần hoàn máu đến nuôi thận; 
  • Bệnh tiểu đường đặc trưng với chỉ số đường trong máu cao vượt ngưỡng cho phép làm tổn hại đến bộ lọc cầu thận. Loại nguyên nhân này còn được gọi là chứng viêm cầu thận; 
  • Các bệnh lý khác như: 
    • Viêm thận kẽ: là tình trạng viêm tại các ống thận;
    • Viêm bể thận tái phát: là tình trạng nhiễm trùng thận do nhiễm vi khuẩn; 
    • Chứng thận đa nang: là một dạng rối loạn có khả năng di truyền gây kích thích sự hình thành các khối u đa nang bên trong thận; 
    • Bệnh thận trào ngược: là hiện tượng dòng nước tiểu không chảy ra mà lại chảy ngược vào bên trong thận; 
    • Bệnh mạch thận: hay còn được gọi là chứng xơ hóa mạc thận, có thể khởi phát dưới dạng lành tính hoặc lành tính hoặc ác tính. Gây ra biến chứng khác như tắc tĩnh mạch thận, tình trạng huyết khối vi mạch thận hoặc viêm quanh động mạch dạng nút; 
    • Bệnh thận bẩm sinh khác như loạn sản thận, rối loạn chuyển hóa chức năng thận hoặc bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống…; 

3. Triệu chứng lâm sàng

Những điểm khác nhau về triệu chứng lâm sàng: 

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn chủ yếu thông qua các triệu chứng lâm sàng và chỉ số xét nghiệm

Suy thận cấp tính

Đặc trưng bởi các chỉ số sau: 

  • Ure máu, acid máu, creatinin máu và nitơ phi protein tăng cao; 
  • Rối loạn quá trình cân bằng chất điện giải;  

Các triệu chứng suy thận cấp thường biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn bệnh. Cụ thể như sau: 

  • Giai đoạn đầu: Là giai đoạn bùng phát triệu chứng đột ngột, chỉ kéo dài khoảng vài tiếng hoặc vài ngày. Các triệu chứng đặc trưng như tụt huyết áp, rối loạn tiêu hóa, lượng nước tiểu ít, phù chân, mặt, đau lưng, vùng hông chậu, sốc, co giật và hôn mê (xảy ra trong trường hợp nặng)… Hoặc một số trường hợp không có triệu chứng và được phát hiện thông qua các xét nghiệm như máu hoặc nước tiểu.
  • Giai đoạn vô niệu hoặc thiểu niệu: Đây là giai đoạn toàn phát xảy ra do suy thận cấp, thường kéo dài tối đa 4 – 8 tuần, tối thiểu 2 – 3 ngày, nhưng thường là 10 – 14 ngày. Đa phần bệnh nhân trong giai đoạn này đều có các triệu chứng tương đối giống nhau gồm: vô niệu, tiểu ít, phù người, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, kèm theo một số triệu chứng của rối loạn tiêu hóa… 
  • Giai đoạn tiểu tiện bình thường: Quá trình này thường kéo dài từ 4 – 7 ngày. Biểu hiện điển hình là lượng nước tiểu tăng dần > 2 lít/ 24h, thậm chí tăng 4 – 5 lít/ 24h. Đến giai đoạn này, bệnh nhân có thể tiểu tiện trở lại như bình thường. 
  • Giai đoạn phục hồi: Là giai đoạn mà các chỉ số như ure máu, đạm niệu… dần trở về mốc bình thường. Đồng thời, chức năng lọc của cầu thận hoạt động tốt trở lại, tốc độ cô đặc nước tiểu chậm lại. 

Suy thận mạn tính

Do bản chất của suy thận mạn là tình trạng tổn thương, suy giảm chức năng thận nghiêm trọng trong thời gian dài, nhiều tháng nhiều năm nên những triệu chứng của bệnh cũng tương đối nặng. Đặc trưng bởi các chỉ số như: 

  • Huyết sắc tố, hồng cầu và hematocrit giảm; 
  • Protein máu, pH máu và chỉ số bicarbonate giảm; 
  • Tăng lipid máu; 
  • Chỉ số creatinin và ure tăng cao; 

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các triệu chứng khác nhau, nhưng rõ ràng nhất bao gồm: 

  • Phù nề: Thường xảy ra toàn thân với mức độ và thời gian khác nhau. 
  • Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp ở người bị suy thận mạn luôn ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng nhanh chóng, cấp độ ác tính và gây nguy cơ tử vong cao. 
  • Thiếu máu trầm trọng: Hầu hết bệnh nhân suy thận mạn đều bị thiếu máu, ngược lại ở người bị suy thận cấp thì không. Nên đây được xem là một trong những dấu hiệu giúp chẩn đoán phân biệt giữa 2 dạng bệnh này. Tùy từng giai đoạn suy thận mạn mà mức độ thiếu máu diễn ra khác nhau. 
  • Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh suy thận mạn thường gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đặc trưng như chán ăn, buồn nôn, nôn ói, giảm khẩu vị, ăn uống không ngon miệng, tiêu chảy… Một số trường hợp còn bị xuất huyết tiêu hóa, khiến cho chỉ số ure và hàm lượng kali trong máu tăng đột biến. 
  • Ngứa ngáy: Xảy ra do nồng độ canxi tích tụ quá mức trong các tổ chức dưới da, cộng với phản ứng trong giai đoạn cường tuyến cận giáp nên người bệnh gặp triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. 
  • Xuất huyết nhiều vị trí: Bệnh nhân suy thận mạn thường xuyên bị chảy máu tại nhiều vị trí trên cơ thể như răng, mũi, da… 
  • Chuột rút: Chỉ số natri, canxi trong máu giảm đáng kể là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị chuột rút, nhất là khi về đêm. 
  • Các triệu chứng suy tim: Suy thận tiến triển đến giai đoạn muộn khiến cơ thể ứ dịch trong thời gian dài, dẫn đến viêm ngoài màng tim, suy tim… Trường hợp không được lọc máu kịp thời có thể gây ra sốc, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. 

4. Biến chứng và tiên lượng

Dù suy thận dạng nào cũng đều gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. 

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Suy thận càng tiến triển đến các giai đoạn nặng sức khỏe người bệnh càng suy giảm, dễ biến chứng và phải chạy thận duy trì sự sống

Suy thận cấp tính

  • Biến chứng: Suy thận cấp có thể phát sinh các biến chứng khó lường do chỉ số kali máu tăng cao và dư thừa, tích tụ chất lỏng dẫn đến phù phổi. Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương hệ thần kinh, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp và đe dọa mạng sống của bệnh nhân. 
  • Tiên lượng: Trước đây, tỷ lệ tử vong ở giai đoạn suy thận khá cao, thường là do các nguyên nhân gây bệnh ban đầu quá nặng. Nhưng hiện tại, tỷ lệ này đang giảm dần đi do sự phát triển của y học hiện đại và điều trị sớm. Chỉ cần qua được giai đoạn rủi ro, chức năng thận sẽ dần phục hồi và khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp suy thận cấp giai đoạn nặng gây nhiễm trùng ống thận lan tỏa, kéo dài rất khó hồi phục. 

Suy thận mạn tính

  • Biến chứng: Suy thận mạn kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, phát sinh các biến chứng như thiếu máu, dễ bị co giật, bệnh tim mạch, xương yếu, giảm chức năng sinh sản… Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai khi bị suy thận mạn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ như tiền sản giật, sinh non, trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân, suy dinh dưỡng… Biến chứng nghiêm trọng nhất đối với người bệnh suy thận mạn trong giai đoạn cuối là tử vong. 
  • Tiên lượng: Hầu hết bệnh nhân suy thận mạn tính đều không thể phục hồi chức năng thận hoàn toàn. Việc áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết chỉ nhằm mục đích duy trì sự ổn định của chức năng thận, thường là chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, không sớm thì muộn bệnh nhân bị suy thận mạn khi đến giai đoạn cuối cũng phải ghép thận hoặc nếu không sẽ có nguy cơ tử vong cao. 

Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán phân biệt suy thận cấp và mạn

Ngoài các cơ sở dữ liệu trên, để chẩn đoán chính xác dạng bệnh suy thận là cấp hay mạn, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như: 

  • Đo chỉ số ure, creatinin máu;
  • Kiểm tra nồng độ hồng cầu, đánh giá mức độ thiếu máu;
  • Đánh giá hồng cầu, bạch cầu;
  • Kiểm tra kích thước thận; 
  • Phân tích nước tiểu; 

Bảng đánh giá

Tiêu chuẩn  Suy thận cấp Suy thận mạn
Chỉ số ure/ creatinin máu Tăng đột ngột trong vài tiếng hoặc vài ngày Tăng chậm trong khoảng thời gian dài (thường là > 3 tháng)
Mức độ thiếu máu Không có dấu hiệu thiếu máu hoặc thiếu NHR5 Gây thiếu máu hồng cầu nhỏ đẳng sắc đẳng bào
Tế bào hồng cầu/ bạch cầu Không phát hiện các tế bào hoặc trụ hồng cầu Phát hiện trụ hồng cầu, các tế bào bạch cầu ái toan
Kích thước thận Thận to hơn bình thường, phù nề và quan sát thấy rõ rệt vỏ tủy thông qua siêu âm Thận teo nhỏ, giảm kích thước và không phân biệt rõ chủ mô
Xét nghiệm nước tiểu Các chỉ số nước tiểu bình thường, không tăng không giảm Chỉ số đạm niệu tăng bất thường

Phương pháp điều trị suy thận cấp và suy thận mạn 

Bên cạnh sự khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng…, quá trình điều trị bệnh suy thận cấp và mạn tính cũng hoàn toàn khác nhau. 

Phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn
Dùng thuốc là giải pháp điều trị hiệu quả các triệu chứng và ngăn chặn biến chứng suy thận cấp mạn tính

Điều trị suy thận cấp

Bệnh nhân suy thận cấp thường được yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị. Phác đồ điều trị suy thận cấp chủ yếu tập trung cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, trong đó có tử vong. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi chức năng thận, ức chế biến chứng tiến triển thành suy thận mạn. 

Các biện pháp điều trị suy thận cấp phổ biến như:

  • Dùng thuốc: Thường dùng trong giai đoạn đầu phát bệnh như thuốc lợi tiểu, thuốc Fenoldopam, thuốc Dopamine liều thấp, tiêm canxi tĩnh mạch…
  • Lọc máu: Phương pháp này đem lại hiệu quả cao cho việc điều trị suy thận cấp. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp khẩn cấp như bị tăng đột ngột kali máu, phù phổi cấp hoặc bị rung thất… mới được áp dụng biện pháp này. 
  • Chạy thận nhân tạo: Phương pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng đặt bên ngoài cơ thể, máy sẽ tiến hành lọc máu của người bệnh, trả lại nguồn máu sạch vào trong cơ thể. 
  • Lọc màng bụng: Hay còn được gọi là phương pháp thẩm phân phúc mạc. Phương pháp này nhằm mục đích chính là hỗ trợ đào thải độc tố khỏi máu bằng chính niêm mạc vùng bụng của bệnh nhân. 

Điều trị suy thận mạn

Phác đồ điều trị suy thận mạn gần như không thể giúp phục hồi hoàn toàn chức năng thận. Hầu hết các trường hợp đều nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và bảo tồn phần nào chức năng thận. Biện pháp được áp dụng phổ biến nhất là dùng thuốc. 

Sử dụng nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp hoặc lượng cholesterol trong máu, giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng suy thận nguy hiểm. Các thuốc thường dùng là:

  • Thuốc giảm huyết áp, thường là loại thuốc ức chế men chuyển hoăc ức chế thụ thể; 
  • Thuốc tăng cường chức năng thận;
  • Thuốc Statin giảm lượng cholesterol xấu nhờ khả năng ngăn chặn sự tích tụ các mảng bám bên trong động mạch thận; 
  • Thuốc lợi tiểu giúp duy trì ổn định lượng chất lỏng, ức chế tình trạng giữ nước, cải thiện triệu chứng;
  • Thuốc kháng axit giúp hỗ trợ loại bỏ lượng axit dư thừa trong cơ thể, ngăn các biến chứng như tổn thương thần kinh, rối loạn nhịp tim, co giật, hôn mê…; 
  • Thuốc bổ sung vitamin D, canxi, phốt pho giúp xương khớp chắc khỏe, hạn chế nguy cơ biến chứng gãy xương; 
  • Tiêm chất kích thích sinh EPO hoặc uống/ tiêm thuốc sắt cho bệnh nhân suy thận mạn nhằm tăng sinh các tế bào hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu;

Đối với những trường hợp suy thận mạn nghiêm trọng giai đoạn cuối, chức năng thận suy giảm chỉ còn dưới 15%, bắt buộc phải chạy thận nhân tạo để lọc máu hoặc tiến hành ghép thận để duy trì sự sống. 

Tóm lại, việc nắm rõ các đặc điểm như nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, tiên lượng… sẽ giúp quá trình chẩn đoán dạng suy thận một cách chính xác. Từ đó giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu, ngăn chặn biến chứng và bảo tồn chức năng thận. Tuy nhiên, việc chẩn đoán vẫn thuộc chuyên môn của bác sĩ, chuyên gia, do đó tốt nhất hãy thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger