Bệnh Xuất Tinh Ra Máu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Xuất tinh ra máu thường là dấu hiệu cảnh báo của một số tình trạng viêm, nhiễm trùng và sự tắc nghẽn trong hệ thống sinh sản. Tình trạng này thường kèm theo đau, tiểu buốt, sưng đỏ... Để điều trị hiệu quả, các nguyên nhân cần được xác định rõ.

Tổng quan

Xuất tinh ra máu là tình trạng có máu trong tinh dịch khi xuất tinh. Tình trạng này thường là kết quả của các bệnh nhiễm trùng, viêm, chấn thương và sự tắc nghẽn.

Xuất tinh ra máu
Xuất tinh ra máu là thuật ngữ chỉ tình trạng có máu trong tinh dịch khi xuất tinh, xảy ra do nhiều nguyên nhân

Hầu hết bệnh nhân xuất tinh ra máu kèm theo đau đớn hoặc khó chịu, tiểu buốt, dương vật tiết mủ, sưng tấy... Tuy nhiên máu trong tinh dịch cũng có thể xảy ra độc lập (không kèm theo triệu chứng khác).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Máu trong tinh dịch thường là lượng máu từ tinh hoàn và tuyến tiền liệt. Trong nhiều trường hợp, xuất tinh ra máu xảy ra một lần mà không rõ nguyên nhân. Những trường hợp này thường không liên quan đến những vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng.

Nếu có nhiều máu trong tinh dịch, xuất tinh ra máu nhiều lần... nam giới cần được thăm khám kỹ lưỡng. Bởi đây thường là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất cho chứng xuất tinh ra máu:

  • Quan hệ tình dục sau thời gian dài kiêng cử

Hoạt động tình dục trở lại sau một thời gian dài kiêng cử có thể gây xuất tinh ra máu. Điều này thường không đáng lo ngại, có thể kèm theo đau / chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.

Nam giới thường chỉ chảy máu trong một đợt hoặc chảy máu nhẹ từ một đến hai ngày. Những trường hợp này không cần điều trị y tế.

  • Nhiễm trùng 

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất cho chứng xuất tinh ra máu. Tình trạng này thường liên quan đến nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và một vài tình trạng khác.

Vi khuẩn tấn công và phát triển làm tổn thương niêm mạc và gây viêm tại khu vực bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến sung huyết và phù nề. Khi có một lực tác động nhỏ (như quan hệ tình dục và xuất tinh), những mạch máu có thể vỡ ra và chảy máu.

Theo đường vận chuyển ở túi tinh, tuyến tiền liệt hay niệu đạo, máu lẫn trong tinh trùng sẽ gây ra tình trạng xuất tinh ra máu.

Nhiễm trùng 
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nguyên nhân gây xuất tinh ra máu thường gặp

Ngoài máu trong tinh dịch, các tình trạng nhiễm trùng còn gây ra những triệu chứng sau:

    • Tiểu đau hoặc có áp lực khi đi tiểu
    • Sưng vùng sinh dục
    • Đau khi xuất tinh
    • Đau khi quan hệ tình dục
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Khó làm trống bàng quang
    • Thường xuyên đi tiểu
  • Viêm

Viêm đường tiết niệu, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt hoặc kích ứng quá mức ở những cơ quan khác có thể gây xuất tinh ra máu. Tình trạng này thường xuất hiện đồng thời với nhiễm trùng.

Hầu hết nam giới bị viêm sẽ có thêm những triệu chứng dưới đây:

    • Đau khi đi tiểu
    • Đau ở dương vật, bìu hoặc háng
    • Sưng tấy và đỏ
  • Vấn đề ở tuyến tiền liệt

Xuất tinh ra máu thường là dấu hiệu của một số vấn đề ở tuyến tiền liệt. Trong đó viêm tuyến tiền liệt chiếm phần lớn trường hợp.

Viêm tuyến tiền liệt thường do vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng cấp tính hoặc viêm và tổn thương mô. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sung huyết và chảy máu.

Bên cạnh máu trong tinh dịch, một số triệu chứng dưới đây cũng thường xuất hiện:

    • Đi tiểu đau
    • Máu trong nước tiểu
    • Đau khi quan hệ tình dục
    • Sưng hoặc có áp lực ở trực tràng và vùng sinh dục
  • Khối u

Máu trong tinh dịch có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u lành tính hoặc ác tính, chẳng hạn như ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, túi tinh, mào tinh. Khi có khối u, xuất tinh ra máu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo đau háng hoặc đau khi đi tiểu.

Khối u lành tính hoặc ung thư tuyến tiền liệt
Máu trong tinh dịch có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u lành tính hoặc ung thư tuyến tiền liệt

  • Tắc nghẽn

Sự tắc nghẽn của ống phóng tinh hoặc những ống dẫn khác có thể khiến những mạch máu nhỏ xung quanh giãn ra. Trong nhiều trường hợp, các mạch máu vỡ ra và gây ra hiện tượng có máu trong tinh dịch.

Mặc dù ít gặp nhưng phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể khiến tinh dịch có máu do làm tăng áp lực lên niệu đạo. Những trường hợp này thường có dấu hiệu tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong đêm hoặc bí tiểu.

  • Chấn thương

Xuất tinh ra máu kèm đau thường xảy ra sau một chấn thương bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Điều này thường gặp ở những người quan hệ tình dục thô bạo, chấn thương trong sinh hoạt hoặc chơi thể thao.

Chấn thương xảy ra gây sung huyết hoặc làm vỡ những mạch máu ở túi tinh, tuyến tiền liệt hoặc bìu. Những người bị chấn thương sẽ nhận thấy máu xuất hiện đột ngột trong tinh dịch. Tuy nhiên tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất.

Những chấn thương nghiêm trọng có thể khiến máu chảy ra nhiều hơn hoặc thường xuyên nhìn thấy trong tinh dịch (chảy máu tinh dịch), sưng, đau, đôi khi có mủ. Những trường hợp này nên tiến hành khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

  • Những bất thường về mạch máu

Ở bộ phận sinh dục nam, những bất thường về mạch máu như nang mạch máu có thể dẫn đến xuất huyết trong tinh dịch. Nguyên nhân là do những u nang làm tăng áp lực lên mạch máu và khiến chúng dễ vỡ.

Ngoài ra quan hệ tình dục hoặc xuất tinh cũng có thể làm vỡ một hoặc nhiều mạch máu ở túi tinh và tuyến tiền liệt. Điều này khiến máu xuất hiện trong tinh dịch.

Xuất tinh ra máu do những vấn đề về mạch máu thường nghiêm trọng hơn ở những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu.

Quan hệ tình dục thô bạo và xuất tinh làm vỡ mạch máu
Quan hệ tình dục thô bạo và xuất tinh làm vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết trong tinh dịch

Một số triệu chững khác gồm:

    • Chảy máu xuất hiện đột ngột và biến mất
    • Chảy máu đỏ
  • Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, xuất tinh ra máu cũng liên quan đến những tình trạng dưới đây:

    • Dùng thuốc warfarin hoặc những loại thuốc có tác dụng tương tự
    • Huyết áp cao
    • Bệnh ưa chảy máu
    • Bệnh gan
    • Bệnh bạch cầu
    • Bệnh gan
    • Vô sinh (ít gặp)

Khoảng 15% trường hợp có máu trong tinh dịch nhưng không thể tìm ra nguyên nhân. Những trường hợp này thường tự biến mất.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Trên 40 tuổi
  • Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian dài
  • Quan hệ tình dục thô bạo
  • Tiền sử mắc những vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh
  • Nhiễm trùng sinh dục hoặc tiết niệu không được kiểm soát

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng của xuất tinh ra máu là có một lượng máu nhỏ (giọt/ sợi máu) lẫn vào tinh dịch. Khi xuất tinh, tinh dịch sẽ có tinh trùng và những tế bào máu.

Có một lượng máu nhỏ hoặc nhiều máu lẫn vào tinh dịch
Có một lượng máu nhỏ hoặc nhiều máu lẫn vào tinh dịch là dấu hiệu nhận biết

Tùy thuộc vào nguyên nhân, máu trong tinh dịch có thể xuất hiện đồng thời với những triệu chứng dưới đây:

  • Sưng bìu hoặc dương vật
  • Đau ở vùng chậu hoặc có cảm giác căng tức
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi xuất tinh
  • Tiểu nhiều, tiểu đêm
  • Tiểu khó
  • Khó làm rỗng bàng quang
  • Tiểu nhỏ giọt hoặc tiểu ngập ngừng
  • Đau háng hoặc/ và đau khu vực đáy chậu
  • Đau dương vật hoặc tinh hoàn
  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra triệu chứng lâm sàng. Sau đó thực hiện các xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây xuất tinh ra máu. Cụ thể như:

  • Khám sức khỏe: Kiểm tra những triệu chứng khác như dấu hiệu nhiễm trùng, viêm, sưng tinh hoàn, nổi mẩn đỏ...
  • Xét nghiệm STI: Kiểm tra mẫu máu giúp xác định những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm PSA: Xét nghiệm này cho phép kiểm tra những kháng nguyên do tuyến tiền liệt tạo ra. Từ đó đánh giá sức khỏe của tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả phân tích nước tiểu cho phép phát hiện tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc những nguyên nhân khác.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, MRI và CT được thực hiện để xác định những bất thường trong cấu trúc.
  • Siêu âm qua trực tràng: Xét nghiệm này cho phép xác định những bất thường xung quanh tuyến tiền liệt.

Biến chứng và tiên lượng

Ít khi xuất tinh ra máu liên quan đến một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thường không do ung thư. Nếu tinh dịch có máu do một thủ thuật tiết niệu gần đây (như sinh thiết tuyến tiền liệt...), tình trạng này sẽ tự biến mất sau vài tuần.

Đối với nguyên nhân bệnh lý, tinh dịch có máu thường khỏi nhanh khi điều trị bằng thuốc và những biện pháp chăm sóc tại nhà. Ở những trường hợp không điều trị sớm, xuất tinh ra máu có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng sau:

  • Tâm lý lo lắng và sợ hãi
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục, suy giảm ham muốn
  • Tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn
  • Tăng nguy cơ ung thư

Điều trị

Điều trị dựa vào nguyên nhân gây xuất tinh ra máu. Thông thường bệnh nhân được yêu cầu điều trị bằng thuốc kết hợp với những biện pháp chăm sóc tại nhà. Hiếm khi can thiệp ngoại khoa được thực hiện.

1. Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân, những loại thuốc dưới đây có thể được kê đơn trong điều trị xuất tinh ra máu. Cụ thể:

Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thích hợp với nam giới xuất tinh ra máu do các bệnh nhiễm trùng

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc này được chỉ định cho những tình trạng có máu trong tinh dịch do nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
  • Thuốc chống viêm: Nếu tinh dịch có máu do viêm, thuốc chống viêm sẽ được chỉ định để giảm bớt các triệu chứng liên quan như sưng, đau và sung huyết.
  • Thuốc điều trị STI: Dựa trên vi khuẩn/ virus gây nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc/ và thuốc chống nấm sẽ được sử dụng. Những nhóm thuốc này có tác dụng điều trị tác nhân gây bệnh.

2. Điều trị tại nhà

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp ít cho những trường hợp xuất tinh ra máu. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi: Nếu xuất tinh ra máu do chấn thương hoặc thực hiện thủ thuật tiết niệu gần đây, nam giới chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà để cơ thể có thời gian hồi phục.
  • Chườm đá: Nếu bị sưng ở háng, hãy dùng một túi đá lạnh chườm lên vị trí sưng trong 10 đến 20 phút/ lần. Thực hiện vài lần mỗi ngày có thể giúp bạn giảm nhanh triệu chứng.
  • Theo dõi: Theo dõi triệu chứng và tình trạng sức khỏe. Thông báo ngay với bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài hơn 2 tháng hoặc ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

3. Can thiệp ngoại khoa

Nếu xuất tinh ra máu do tắc nghẽn trong đường tiết niệu sinh dục, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, một trong những lựa chọn dưới đây có thể được áp dụng:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u
  • Phẫu thuật loại bỏ sỏi bàng quang làm cản trở đường tiết niệu.

Trong trường hợp có máu trong tinh dịch do ung thư, người bệnh được phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư kết hợp hóa trị liệu và xạ trị. Dựa trên tình trạng, bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất.

Phòng ngừa

Xuất tinh ra máu xảy ra do nhiều nguyên nhân. Để giảm nguy cơ, nam giới nên lưu ý những điều dưới đây:

Quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su
Quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su để ngăn ngừa chấn thương. các bệnh lây nhiễm gây xuất tinh ra máu

  • Quan hệ tình dục an toàn
    • Sử dụng những biện pháp an toàn. Chẳng hạn như bao cao su khi quan hệ tình dục nhằm phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục.
    • Chung thủy duy nhất một bạn tình. Tránh quan hệ với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
    • Không quan hệ tình dục với những người có nguy cơ hoặc có dấu hiệu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
    • Không quan hệ tình dục quá thô bạo để tránh chấn thương, vỡ những mạch máu lân cận để tránh xuất tinh ra máu.
    • Hoạt động tình dục đều đặn với tần suất thích hợp. Không quan hệ tình dục và thủ dâm quá nhiều.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ. Tránh căng thẳng, lo âu và mệt mỏi kéo dài.
  • Tránh rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe sinh sản và tổng thể. Ngoài ra cần uống đủ nước. Hạn chế ăn những loại thực phẩm cay nóng hoặc chứa những thành phần có khả năng kích thích phản ứng viêm.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Những bài tập phù hợp giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng mệt mỏi, nâng cao sức đề kháng và sức khỏe.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, giữ cho cơ quan này luôn khô ráo và sạch sẽ để ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng.
  • Thận trọng khi sinh hoạt để tránh chấn thương tại bộ phận sinh dục. Thăm khám nếu có dấu hiệu đau, sưng tấy nghiêm trọng hoặc xuất huyết.
  • Điều trị tốt những tình trạng có thể gây xuất tinh ra máu. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường.
  • Khám sức khỏe nam khoa định kỳ nhằm sớm phát hiện và điều trị bệnh lý.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị xuất tinh ra máu do đâu?

2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

3. Phương pháp nào an toàn và tốt nhất cho tình trạng của tôi?

4. Rủi ro và lợi ích từ phương pháp điều trị?

5. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn của tôi là gì?

6. Có điều gì cần tránh khi điều trị không?

7. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

Xuất tinh ra máu do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp không do bệnh lý nghiêm trọng, thường được điều trị khỏi bằng phương pháp nội khoa. Một số khác cần can thiệp phẫu thuật. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra kỹ lưỡng và xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất.