Chuột Rút

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Chuột rút cơ bắp còn gọi là co thắt cơ bắp, xảy ra khi cơ bắp đột ngột co thắt và không thư giãn. Điều này gây đau đớn đột ngột và dữ dội kèm theo căng cứng. Co thắt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ nào.

Tổng quan

Chuột rút (co thắt cơ bắp) là sự co cơ không tự nguyện, xảy ra mà không báo trước và không tự thư giãn. Tình trạng này có thể xảy ra khi cơ bị kích thích do tích tụ axit lactic hoặc không thể thư giãn đúng cách. Mất nước có thể làm trầm trọng hơn tình trạng.

Chuột rút
Chuột rút là sự co cơ không tự nguyện, không tự thư giãn và xảy ra một cách đột ngột

Những người bị chuột rút sẽ có cơn đau đột ngột, căng cứng dữ dội ở cơ bắp bị co thắt. Các triệu chứng có thể xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc khi thực hiện những hoạt động thường ngày, chẳng hạn như với lấy đồ vật.

Dưới sự kiểm soát tự nguyện của cơ xương, chuột rút có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ bắp nào, có thể là một phần hoặc toàn bộ cơ, đôi khi là một số cơ trong nhóm cơ.

Những nhóm cơ thường bị ảnh hưởng nhất gồm:

  • Cơ bắp chân
  • Cơ gân kheo (mặt sau của đùi)
  • Cơ tứ đầu (mặt trước của đùi)
  • Cơ bắp ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, bụng, dọc theo khung xương sườn (ít phổ biến hơn)

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác của chuột rút chưa được biết rõ. Tuy nhiên một số nguyên cứu cho thấy, tình trạng này liên quan đến những vấn đề sau:

  • Giãn cơ không đủ và mỏi cơ

Cơ bắp liên tục co lại và giãn ra để tạo ra những chuyển động. Khi giãn cơ thường xuyên, những sợi cơ sẽ được kéo dài để co và siết chặt hơn khi tập thể dục.

Khi không giãn cơ hoặc cơ thể không được đều hòa tốt, cơ bắp nhanh chóng mỏi và làm thay đổi phản xạ thần kinh cột sống. Cùng với việc hoạt động quá sức, nguồn cung cấp oxy cho cơ bị cạn kiệt, tăng tích tụ chất thải và co thắt. Khi chuột rút xảy ra, tủy sống sẽ kích thích cơ tiếp tục co bóp (cơn co thắt không tự nguyện).

  • Nhiệt, mất nước và suy giảm chất điện giải

Chuột rút thường xảy ra ở những người tập thể dục trong thời tiết nóng và không uống đủ nước. Khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, chất lỏng cùng với muối và khoáng chất (kali, canxi và magie) của cơ thể bị cạn kiệt. Từ đó khiến cơ bị co thắt.

Tiết quá nhiều mồ hôi khi tập thể dục dưới thời tiết nóng
Tiết quá nhiều mồ hôi khi tập thể dục dưới thời tiết nóng làm cạn kiệt chất lỏng, muối và khoáng chất

  • Giữ một tư thế trong thời gian dài

Co thắt cơ bắp có thể xảy ra khi một người cố gắng giữ một tư thế trong thời gian dài. Tình trạng này vô hại, cơ bắp sẽ thư giãn khi xoa bóp.

  • Lưu lượng máu không đủ

Động mạch ngoại biên (động mạch đưa máu đến chân) bị thu hẹp có thể gây đau cách hồi và chuột rút. Những trường hợp này sẽ có cảm giác đau quặn ở bàn chân và chân trong khi tập thể dục. Đau biến mất khi ngừng luyện tập.

  • Nén dây thần kinh

Chèn ép dây thần kinh ở cột sống thắt lưng có thể gây đau quặn ở chân. Điều này thường tồi tệ hơn khi đi bộ. Tuy nhiên chuột rút có thể giảm khi đi bộ với tư thế hơi cúi người về phía trước.

  • Thiếu khoáng chất trong chế độ ăn

Thiếu hụt các khoáng chất (kali, canxi hoặc/ và magie) trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến chuột rút cơ bắp chân. Điều này cũng thường gặp ở những người dùng thuốc điều trị huyết áp cao, khiến người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến tiêu hao các khoáng chất.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Lớn tuổi: Người già dễ bị chuột rút hơn do mất khối lượng cơ bắp (teo cơ). Khi bạn già đi, các cơ không thể hoạt động nhanh và mạnh như trước, mất một số cảm giác, cảm nhận cũng như những phản ứng với các thay đổi về nhiệt độ. Điều này khiến cơ bắp dễ căng thẳng và co thắt không tự chủ.
  • Điều hòa kém: Điều hòa kém khiến cơ bắp dễ mỏi hơn.
  • Thai kỳ: Co thắt cơ bắp thường xảy ra khi mang thai.
  • Đổ nhiều mồ hôi: Co thắt cơ bắp thường xảy ra ở những vận động viên đổ nhiều mồ hôi và mệt mỏi khi chơi thể thao trong thời tiết nắng nóng.
  • Thừa cân: Cân nặng dư thừa làm tăng nguy cơ chuột rút.
  • Tình trạng y tế: Nguy cơ cao hơn ở những người có các tình trạng sau:
    • Bệnh tiểu đường
    • Bệnh lý thần kinh
    • Vấn đề về gan hoặc tuyến giáp.
  • Thuốc: Dùng một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như statin (thuốc điều trị cholesterol cao), Pseudoephedrine.
  • Gắng sức: Tập thể dục hoặc làm việc gắng sức đề có khả năng làm tăng nguy cơ co thắt cơ bắp.
  • Vận động viên: Chuột rút cơ bắp đặc biệt phổ biến ở những vận động viên sức bền, cụ thể như vận động viên ba môn phối hợp và marathon. Cơn co thắt và đau đột ngột thường bắt đầu khi gần kết thúc buổi tập kéo dàu hoặc bài tập cường độ cao. Đôi khi co thắt xảy ra sau 4 - 6 giờ luyện tập. Người lớn tuổi thực hiện những hoạt động thể chất vất vả cũng dễ mắc phải tình trạng này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Chuột rút thường kéo dài từ vài giây đến vài phút. Tuy nhiên đau có thể tiếp tục trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày sau khi cơn chuột rút giảm.

Những triệu chứng thường gặp:

  • Chuột rút cường độ nhẹ hoặc đau nhức
  • Cảm giác cứng ở cơ khi chạm vào
  • Cơ co giật rõ ràng bên dưới da hoặc có vẻ biến dạng
  • Cơn co thắt kéo dài từ vài giây đến 15 giây hoặc lâu hơn, có thể tái phát nhiều lần trước khi biến mất hoàn toàn.

Chuột rút cường độ nhẹ hoặc đau nhức
Chuột rút cường độ nhẹ hoặc đau nhức, cơ co giật rõ ràng bên dưới da kèm theo cứng ở cơ khi chạm vào

Hầu hết các trường hợp đều khỏi nhanh và vô hại. Tuy nhiên bạn cần thăm khám nếu có những vấn đề sau:

  • Triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng
  • Kém đáp ứng với những phương pháp điều trị đơn giản
  • Không liên quan đến mất nước và tập thể dục.

Sau khi kiểm tra thuốc và bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi về mức độ đau, thời điểm xảy ra, cơn chuột rút kéo dài bao lâu, cảm giác co thắt như thế nào và những triệu chứng khác (nếu có).

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết chuột rút là vô hại, có thể nhanh chóng thuyên giảm và biến mất. Tuy nhiên một số trường hợp co thắt cơ là triệu chứng của những vấn đề nghiêm trọng, cần được điều trị sớm, cụ thể:

  • Xơ cứng động mạch
  • Thu hẹp ống sống
  • Nhiễm trùng mãn tính
  • Bệnh tuyến giáp
  • Bệnh rễ thần kinh (dây thần kinh cột sống bị kích thích hoặc chèn ép)
  • Bệnh xơ gan
  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên

Ngoài ra co thắt cơ bắp có xu hướng trầm trọng và xảy ra thường xuyên hơn ở người lớn tuổi. Để kiểm soát tình trạng, hãy dùng những biện pháp phòng ngừa và điều trị.

Điều trị

Chuột rút cơ bắp có thể xảy ra khi bạn đang ngủ vào giữa đêm, đang ngồi hoặc tập thể dục. Điều này gây khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hoặc giấc ngủ.

Để sớm thoát khỏi cơn đau, bạn có thể thực hiện 5 bước đơn giản dưới đây:

Áp dụng những biện pháp chăm sóc đơn giản
Chứng chuột rút cơ bắp có thể nhanh chóng biến mất khi áp dụng những bước chăm sóc đơn giản

  • Kéo căng nhẹ nhàng: Dừng bất kỳ hoạt động nào có thể gây chuột rút, sau đó kéo căng vùng bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp cơ bắp đang co thắt được thư giãn và giảm đau.
  • Xoa bóp: Dùng tay hoặc con lăn massage để xoa bóp vùng cơ bị chuột rút. Đồng thời giữ tư thế căng cho đến khi cơn chuột rút chấm dứt. Xoa bóp nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau, giảm co thắt cơ bắp và tăng lưu thông máu đến cơ ảnh hưởng.
  • Đứng dậy và đi lại xung quanh: Việc đứng dậy và đi lại có thể giúp cơn đau và tình trạng co thắt nhanh chóng biến mất.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm nóng lên cơ bị căng cứng hoặc chườm lạnh lên những cơ bị đau. Cả hai biện pháp này đều giúp giảm nhanh những triệu chứng của chuột rút. Ngoài ra có thể hướng dòng nước ấm vào vùng cơ bị chuột rút hoặc tắm nước ấm. Những biện pháp này có thể giúp cơ bắp thư giãn nhanh chóng và giảm đau.
  • Dùng thuốc và bổ sung chất điện giải: Dùng thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen/ Naproxen) hoặc Acetaminophen để giảm cơn đau do chuột rút. Nếu cần thiết, hãy bổ sung thêm những chất điện giải từ những loại đồ uống thể thao ít đường, thực phẩm giàu chất điện giải (như chuối, đậu lăng, sữa chua, rau bina...) và sữa bò ít béo.

Phòng ngừa

Rất khó ngăn ngừa chứng chuột rút. Cơn co thắt có thể xảy ra bất ngờ vào bất kỳ thời điểm nào mà không thể đoán trước. Tuy nhiên một số cách có thể làm giảm nguy cơ:

  • Kéo giãn và khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục. Hạ nhiệt và kéo giãn sau khi sử dụng cơ bắp xong.
  • Thường xuyên thực hiện những bài tập linh hoạt và tăng cường sức mạnh để cải thiện cơ bắp.
  • Kéo căng cơ bắp thường xuyên để thư giãn.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Uống nhiều nước hơn khi luyện tập hoặc thực hiện những bài tập làm đổ nhiều mồ hôi. Sau khi hoạt động, tiếp tục uống nước hoặc chất lỏng không có caffeine và rượu khác. Cơ bắp của bạn cần chất lỏng để hoạt động tốt.
  • Tránh sử dụng rượu và caffein.
  • Tránh tập thể dục khi thời tiết nóng bức. Thời tiết nóng bức gây đổ nhiều mồ hôi hơn, mất nước và điện giải.
  • Sử dụng những đôi giày vừa vặn và hỗ trợ tốt khi tập thể dục.
  • Đạt được và duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh.
  • Co thắt cơ bắp là tác dụng phụ của một số thuốc. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng những loại thuốc này.
  • Nếu nằm ngửa khi ngủ vào ban đêm, hãy kê một chiếc gối để giữ những ngón chân hướng lên trên. Hãy gác chân qua cuối giường nếu ngủ trên ngực.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, đạp xe tại chỗ hoặc kéo giãn cơ bắp vài phút trước khi đi ngủ. Điều này giúp giảm nguy cơ chuột rút chân về đêm. Khi ngủ hãy để ga và chăn rộng quanh chân. Có thể để một miếng đệm sưởi hoặc con lăn massage nếu thường xuyên bị chuột rút về đêm.

Tập thể dục hoặc kéo giãn cơ bắp vài phút trước khi đi ngủ
Tập thể dục hoặc kéo giãn cơ bắp vài phút trước khi đi ngủ sẽ hạn chế chuột rút cơ bắp khi đang ngủ

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị chuột rút thường xuyên?

2. Tôi cần những xét nghiệm nào?

3. Tôi có cần điều trị y tế không?

4. Những bài tập nào có thể giúp ngăn ngừa co thắt cơ bắp?

5. Có nên thay đổi chương trình tập luyện không?

6. Tôi có thể làm gì với tình trạng chuột rút?

7. Có điều gì cần hạn chế hay không?

Chuột rút thường vô hại, giảm nhanh (từ vài giây đến vài phút), không cần điều trị y tế. Tuy nhiên một số ít trường hợp co thắt cơ bắp liên quan đến bệnh lý, ảnh hưởng đến sinh hoạt và điều trị. Những trường hợp này cần nghe theo hướng dẫn của bác sĩ.