Hội Chứng Mệt Mỏi Mãn Tính (CFS)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS) là một rối loạn được đặc trưng bởi sự mệt mỏi cực độ hoặc kiệt sức kéo dài. Tình trạng này có thể gây đau cơ, đau khớp và kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.

Tổng quan

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) còn được gọi là bệnh không dung nạp gắng sức toàn thân (SEID), viêm não tủy (ME) hoặc viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS). Đây là một rối loạn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài hoặc cực độ đến mức cản trở công việc hoặc/ và hoạt động hàng ngày, bao gồm cả việc bước xuống giường.

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) gây mệt mỏi kéo dài hoặc cực độ đến mức cản trở công việc

Mệt mỏi do CFS không được cải thiện khi nghỉ ngơi, tồi tệ hơn sau khi gắng sức về tinh thần hoặc hoạt động thể chất. Thông thường những triệu chứng sẽ kéo dài trong vòng 6 tháng, những trường hợp khác có thể lâu hơn.

Hội chứng mệt mỏi mãn tính thường khó chẩn đoán do không rõ nguyên nhân và có những triệu chứng tương tự như một số tình trạng khác. Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ loại trừ những nguyên nhân có thể gây mệt mỏi khác. Hiên không có cách điều trị dứt điểm nhưng những phương pháp có thể giúp giảm triệu chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi mãn tính. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy những yếu tố dưới đây có thể dẫn đến tình trạng này:

  • Huyết áp thấp: Khi đứng, huyết áp giảm và tim bắt đầu đập nhanh hơn. Nếu huyết áp quá thấp, người bệnh có thể ngắt xỉu hoặc bất tỉnh.
  • Căng thẳng: Một số nghiên cứu cho thấy hội chứng mệt mỏi mãn tính có liên quan đến Serotonin (một chất hóa học trong não) và cortisol (một loại hormone được cơ thể tiết ra để đối phó với căng thẳng). Những triệu chứng thường bắt đầu khi một người có căng thẳng về tinh thần dẫn đến nồng độ cortisol thấp hoặc/ và có bất thường liên quan đến Serotonin.
  • Vấn đề về sản xuất và sử dụng năng lượng: Những thay đổi về cách cơ thể tạo ra và sử dụng năng lượng có thể dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc CFS sẽ có những tế bào trong cơ thể gặp khó khăn trong việc tạo ra đủ năng lượng.
  • Thay đổi hệ thống miễn dịch: Những thay đổi về hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh. Trong đó cơ thể thay đổi cách phản ứng với nhiễm trùng hoặc căng thẳng.
  • Nhiễm trùng: ME/CFS thường bắt đầu từ nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy một số tác nhân truyền nhiễm khác nhau có thể kích thích sự khởi đầu của bệnh, chẳng hạn như:
    • Vi rút Epstein-Barr (nguyên nhân của bệnh bạch cầu đơn nhân)
    • Vi rút varicella zoster
    • Vi khuẩn sốt Q
    • Vi khuẩn gây bệnh Lyme
    • SARS-CoV-1

Viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS) thường liên quan đến nhiễm trùng
Viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS) thường liên quan đến nhiễm trùng

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Tuổi tác: Bệnh phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 40 - 60 tuổi.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới.
  • Di truyền: Những trẻ được sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc chứng CFS sẽ có nguy cơ thừa hưởng những gen bất thường liên quan đến hội chứng này.
  • Song sinh: Một số cặp song sinh (giống hệt nhau hoặc không giống hệt nhau) có khả năng mắc bệnh di truyền.
  • Những vấn đề y tế khác: Một số tình trạng y tế có thể khiến bạn có nhiều khả năng phát triển ME/CFS hơn, cụ thể như: Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế và đau cơ xơ hóa.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe chung, hội chứng mệt mỏi mãn tính có những triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Chúng cũng có thể thay đổi theo từng ngày.

Những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến nhất của CFS gồm:

  • Mệt mỏi nghiêm trọng hoặc kiệt sức kéo dài ít nhất 6 tháng, không cải thiện sau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi
  • Kiệt sức tột độ sau khi tập thể dục hoặc gắng sức về tinh thần
  • Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ ngon
  • Đau khớp
  • Đau cơ
  • Nhức đầu
  • Khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung, chú ý
  • Có vấn đề về trí nhớ hoặc tư duy
  • Chóng mặt trầm trọng hơn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc từ nằm sang đứng

CFS gây mệt mỏi nghiêm trọng ít nhất 6 tháng, không cải thiện sau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi
CFS gây mệt mỏi nghiêm trọng, không cải thiện sau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, đau cơ hoặc khớp

Những triệu chứng ít gặp hơn:

  • Đau họng
  • Nổi hạch ở cổ hoặc nách
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng, mùi, âm thanh, thức ăn và thuốc
  • Vấn đề về tầm nhìn
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Ớn lạnh
  • Ruột kích thích, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và chướng bụng
  • Ngứa ran hoặc bị tê ở bàn tay, bàn chân hoặc/ và mặt
  • Chóng mặt
  • Suy nhược
  • Ngất xỉu

Đối với một số người, hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể giảm hoặc tăng mức độ nghiêm trọng, đến và đi theo thời gian. Những triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ sau khi gắng sức về tinh thần và tập thể dục. CFS thường nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động thường ngày và công việc.

Không có xét nghiệm cụ thể đối với hội chứng mệt mỏi mãn tính. Ngoài ra quá trình chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn do không rõ nguyên nhân gây bệnh và CFS có những triệu chứng tương đồng với một số tình trạng khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, những vấn đề về sức khỏe tâm thần (lo lắng và trầm cảm)...

Để xác định tình trạng, bệnh nhân chủ yếu được khám sức khỏe và kiểm tra sức khỏe tinh thần. Đôi khi các xét nghiệm như phân tích máu và nước tiểu cũng có thể được thực hiện để loại bỏ những nguyên nhân khác có thể gây mệt mỏi.

Tiêu chuẩn chẩn đoán cho CFS do Viện Y học Hoa Kỳ đề xuất

  • Mệt mỏi cực độ hoặc kiệt sức kéo dài ít nhất 6 tháng. Mệt mỏi không giảm sau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi
  • Triệu chứng nghiêm trọng đến mức cản trở những hoạt động hàng ngày
  • Khởi phát mới hoặc rõ ràng
  • Khó ngủ ngon hoặc khó có được giấc ngủ yên tĩnh
  • Hoạt động thể chất hoặc tinh thần khiến tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn
  • Có ít nhất một trong hai tình trạng sau:
  • Chóng mặt trầm trọng khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng
  • Có những vấn đề liên quan đến chức năng nhân nhận thức (trí nhớ và suy nghĩ).

Những triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng, ít nhất một nửa thời gian bệnh nhân có triệu chứng ở mức độ vừa phải, nhiều hoặc nghiêm trọng.

Biến chứng và tiên lượng

Những triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính kéo dài ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn. Chúng được kích hoạt bởi căng thẳng về cảm xúc và những hoạt động thể chất

Trong bệnh CFS, các triệu chứng thường nghiêm trọng đến mức cản trở những hoạt động thường ngày. Nhiều người cảm thấy quá yếu để ra khỏi giường trong thời gian bị bệnh. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc chăm sóc bản thân và duy trì lịch làm việc đều đặn.

Trầm cảm là một biến chứng thường gặp của hội chứng mệt mỏi mãn tính. Những trường hợp này cần liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh phát triển những vấn đề nghiêm trọng khác.

Trầm cảm
Hội chứng mệt mỏi mãn tính thường gây trầm cảm, người bệnh cần được điều trị sớm

Một số vấn đề có thể xảy ra đồng thời với hội chứng mệt mỏi mãn tính:

  • Chứng đau cơ xơ hóa
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Rối loạn giấc ngủ.

Khi được điều trị đúng cách, hầu hết các triệu chứng của bệnh đều được cải thiện. Tuy nhiên có một số người không thể phục hồi chức năng và sức khỏe như trước kia.

Điều trị

Không có cách điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính. Tuy nhiên những triệu chứng có thể được kiểm soát bằng nhiều phương pháp, bao gồm:

1. Thuốc

Một số triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính sẽ được cải thiện khi dùng thuốc. Những loại thuốc thường được kê đơn gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Để giảm đau, bệnh nhân sẽ được kê đơn một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Ibuprofen. Thuốc này có tác dụng giảm đau và điều trị viêm.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nhóm thuốc này được dùng để giảm những cơn đau dai dẳng, giảm mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ. Thuốc chống trầm cảm ba vòng sẽ được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả.
  • Thuốc SNRRI và SSRI: Nếu CFS gây trầm cảm hoặc có nguy cơ, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau, ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng trầm cảm.
  • Thuốc kháng vi rút: Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân kích hoạt hội chứng mệt mỏi mãn tính, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc kháng vi-rút phù hợp để cải thiện. Đây là nhóm thuốc điều trị nhiễm trùng do vi rút.
  • Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG): Nếu có rối loạn miễn dịch hoặc cơ thể không thể tạo ra đủ kháng thể chống lại nhiễm trùng. bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch (IVIG). Phương pháp này giúp cải thiện chức năng và hoạt động của hệ thống miễn dịch. Đồng thời điều trị những rối loạn miễn dịch gây ra chứng mệt mỏi mãn tính. Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) có thể được sử dụng kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch.
  • Corticosteroid: Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh, được dùng để điều trị các triệu chứng của CFS. Thuốc có tác điều trị viêm, đau và giảm mệt mỏi. Corticosteroid cũng giúp kiểm soát những rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch.

Sử dụng các loại thuốc giúp giảm đau, chống trầm cảm, cải thiện giấc ngủ và điều trị nhiễm trùng
Sử dụng các loại thuốc giúp giảm đau, chống trầm cảm, cải thiện giấc ngủ và điều trị nhiễm trùng

2. Thay đổi thói quen ngủ

Bác sĩ sẽ hướng dẫn một số thói quen ngủ phù hợp để cải thiện giấc ngủ. Phương pháp này thường được áp dụng trước khi kê đơn thuốc hoặc điều trị bằng những hình thức khác.

Dưới đây là một số thói quen giúp vệ sinh giấc ngủ, mang đến giấc ngủ ngon:

  • Xây dựng thói quen đi ngủ đều đặn, nên bắt đầu đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm mỗi ngày.
  • Ngủ sớm, trước 22h30 để có giấc ngủ sâu vào 23 giờ.
  • Không ngủ trưa quá 30 phút trong ngày.
  • Phòng ngủ và giường chỉ nên dùng để ngủ và quan hệ tình dục. Không nên sử dụng giường để làm việc khác, chẳng hạn như trò chuyện hoặc sử dụng những thiết bị điện tử.
  • Tránh dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút.
  • Đọc sách hoặc ngâm chân thảo dược trước khi đi ngủ có thể giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
  • Tránh ăn nhiều bữa trước khi đi ngủ. Nên ăn trước giờ đi ngủ ít nhất 2 tiếng.
  • Không nên sử dụng rượu và caffein trước khi đi ngủ.
  • Đảm bảo phòng ngủ có nhiệt độ thích hợp, yên tĩnh và tối.

3. Quản lý hoạt động

Những triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính sẽ trở nên trầm trọng hơn khi gắng sức về thể chất hoặc tinh thần. Tình trạng này được gọi là khó chịu sau khi gắng sức. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách quản lý hoạt động (thực hành nhịp độ) để cân bằng mức độ nghỉ ngơi và hoạt động, điều trị các triệu chứng.

Trước tiên cần dựa vào tình trạng để xác định giới hạn về tinh thần và thể chất, những hạn chế liên quan. Sau đó lập kế hoạch cho những hoạt động, đảm bảo răng người bệnh luôn ở trong phạm vi mà cơ thể có thể chịu đựng được.

Ngoài ra bệnh nhân sẽ được hướng dẫn những hoạt động thể chất an toàn, tránh những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Quản lý hoạt động
Quản lý hoạt động theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để ngăn những triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn

Phòng ngừa

Hiện tại không có phương pháp phòng ngừa hội chứng mệt mỏi mãn tính. Khi rối loạn này xảy ra, người bệnh cần tìm gặp bác sĩ để hướng dẫn cách kiểm soát triệu chứng. Điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm và những vấn đề khác.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra các triệu chứng là gì?

2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

3. Lợi ích và rủi ro (tác dụng phụ) của những loại thuốc điều trị là gì?

4. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

5. Làm cách nào để tìm thấy giới hạn hoạt động?

6. Nếu cảm thấy khỏe hơn, tôi có thể thực hiện những hoạt động vượt quá giới hạn không?

7. Tôi có thể làm gì để cải thiện giấc ngủ?

8. Có điều gì cần tránh hoặc những lưu ý khi mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính?

Hội chứng mệt mỏi mãn tính gây kiệt sức hoặc mệt mỏi tột độ kéo dài, thường kèm theo đau cơ, đau khớp và những triệu chứng khác. Áp dụng những phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.