Bệnh Hen Suyễn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Hen suyễn xảy ra phổ biến ở bất kỳ đối tượng nào, chủ yếu ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Đây là một dạng viêm phế quản mạn tính, hay xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh. Đặc trưng của bệnh là những cơn hen kéo dài gây khó thở và mệt mỏi. Bệnh nhân cần dùng thuốc để cắt cơn và dự phòng tái phát nhằm điều trị tích cực, ngăn ngừa biến chứng. 

Tổng quan

Hen suyễn (Asthma) còn được gọi là hen phế quản, là bệnh lý viêm niêm mạc phế quản mạn tính. Bệnh xảy ra bởi phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp, giảm lưu lượng không khí đến phổi. Lúc này, dịch nhầy tiết ra nhiều hơn kích thích cơn ho và khó thở.

Hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng co thắt khí phế quản co thắt làm giảm lưu lượng không khí đến phổi và đặc trưng bởi cơn hen gây ho, khó thở

Hầu hết các trường hợp khi lên cơn hen suyễn đều có thể kiểm soát được bằng thuốc. Nhưng trong một số trường hợp bất tiện, không có thuốc hoặc cấp cứu không kịp thời, cơn hen có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Hen suyễn gần như không thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn do có mối liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa dị ứng và các tác nhân dị ứng từ môi trường như khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, khói thuốc lá... Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng... thường có nguy cơ cao mắc hen suyễn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen phế quản, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ 30%. Ước tính con số này sẽ tăng lên khoảng 400 triệu người trong năm 2025.

Phân loại

Có nhiều dạng hen suyễn khác nhau, được phân loại dựa theo căn nguyên và đối tượng khởi phát. Bao gồm:

Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh lý mạn tính phổ biến hàng đầu ở trẻ em

  • Hen suyễn ở người lớn: Người trưởng thành có nguy cơ cao bị hen suyễn do các tác động tiêu cực từ lối sống, sinh hoạt, ăn uống và dùng thuốc. Ở người lớn, các triệu chứng thường nặng và dai dẳng hơn.
  • Hen suyễn ở trẻ em: Thường xảy ra ở trẻ từ 5 - 14 tuổi. Do nhiều tác nhân gây ra như nhiễm trùng đường hô hấp, thời tiết thay đổi, hít phải khói thuốc lá hoặc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài. Hen suyễn ở trẻ có thể thuyên giảm khi trưởng thành, nhưng cũng có một số trường hợp phải sống chung với bệnh cả đời.
  • Hen suyễn dị ứng: Xảy ra do cơ địa dị ứng tiếp xúc với các tác nhân kích hoạt từ bên ngoài (yếu tố ngoại sinh) như lông chó mèo, phấn hoa, bụi bặm, thức ăn... Dạng hen suyễn này thường xảy ra theo mùa.
  • Hen suyễn không do dị ứng: Xảy ra do tiếp xúc với các chất kích ứng nhưng không liên quan đến phản ứng dị ứng như khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, khói củi đốt, khói công nghiệp, nhiễm virus, hóa chất tẩy rửa mạnh...
  • Hen suyễn nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm việc tại môi trường chứa nhiều các tác nhân như khói bụi, nhựa mủ, hóa chất, khí thải... do tính chất công việc bắt buộc có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao.
  • Hen suyễn do vận động quá sức (EIB): Xảy ra khi người bệnh tập thể dục, vận động quá sức hoặc tập quá 15 phút.
  • Hen suyễn ban đêm: Cơn hen suyễn có xu hướng bùng phát cao vào ban đêm do sự tác động của các tác nhân dị ứng về đêm. Hoặc chu kỳ ngủ của cơ thể cũng có thể gây hen suyễn ban đêm.
  • Hen suyễn do Aspirin (AIA): Là một dạng hô hấp cấp nặng, xảy ra do được kích hoạt bởi thuốc Aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid. Cơn hen suyễn sẽ bắt đầu sau vài phút hoặc vài tiếng dùng thuốc, đột ngột và khá nghiêm trọng cần xử lý ngay.
  • Hen phế quản dạng ho (CVA): Là dạng hen suyễn không có biểu hiện khó thở, thở khò khè mà chỉ ho khan đơn thuần.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây bệnh hen suyễn đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Nhưng nhiều giải thuyết cho rằng yếu tố di truyền cơ địa và môi trường có mối liên hệ mật thiết với bệnh.

Hen suyễn
Hít khói thuốc lá chủ động hay thụ động đều gây tổn thương phổi và kích hoạt cơn hen suyễn

Liệt kê một số yếu tố nguy cơ khởi phát hen suyễn gồm:

  • Dị ứng: Khi cơ thể trở nên nhạy cảm với một chất cụ thể nào đó sẽ hình thành phản ứng dị ứng mỗi khi tiếp xúc với hoạt chất này và gây ra hen suyễn.
  • Khói thuốc lá: Tiếp xúc với khói thuốc lá dù trực tiếp hay gián tiếp đều có khả năng cao gây tổn thương phổi. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như phổi tắc nghẽn phổi mãn tính và kích hoạt lên cơn hen suyễn với các triệu chứng nghiêm trọng.
  • Thừa cân béo phì: Một nghiên cứu cho thấy những người thừa cân béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với người bình thường.
  • Mang thai: Mang thai khiến chị em dễ lên cơn hen suyễn hơn bình thường do sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi. Ngoài ra, thói quen hút thuốc khi mang thai cũng khiến trẻ chào đời với căn bệnh hen suyễn bẩm sinh.
  • Các yếu tố môi trường: Môi trường sống xung quanh tiềm ẩn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hen suyễn như nấm mốc, lông chó mèo, gián & phân gián, lông vũ, vẩy động vật, mạt bụi, hơi hóa chất, phấn hoa, khói xe cộ, giao thông,...
  • Yếu tố di truyền: Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hen suyễn có tính chất di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
  • Rối loạn nội tiết tố: Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với nam giới do nữ dễ bị rối loạn nội tiết tố hơn do ảnh hưởng từ chu kỳ kinh nguyệt hoặc sinh nở...
  • Stress, căng thẳng: Hen suyễn dễ xảy ra ở những người có trạng thái cảm xúc không ổn định hoặc mắc các bệnh lý rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Do đó, bị căng thẳng cao độ trong thời gian dài dễ gây hen suyễn mãn tính.

Triệu chứng và chẩn đoán

Cơn hen suyễn thường bùng phát đột ngột và ít có dấu hiệu báo trước. Đặcc trưng với các triệu chứng sau:

  • Ho khan từng cơn, kéo dài;
  • Ho nhiều vào ban đêm hoặc gần về sáng;
  • Thở khò khè, phát ra âm thanh thé thé như tiếng thở;
  • Tức ngực, cảm giác như có thứ gì đó chèn ép lên ngực;
  • Khó thở, hụt hơi, thở gấp và khó nói chuyện;
  • Mệt mỏi, yếu sức;
  • ...

Hen suyễn
Lên cơn hen gây ho khan, thở khò khè, tức ngực, khó thở...

Đây là những triệu chứng thường thấy ở một người đang lên cơn hen suyễn. Dựa vào các triệu chứng này, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, điều tra tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kiểm tra chức năng phổi để chẩn đoán bệnh hen suyễn.

Tùy từng trường hợp sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm chẩn đoàn phù hợp:

  • Test kiểm tra mức độ dùng sức khi tập thể dục hoặc tiếp xúc với không khí lạnh;
  • Test dị ứng da xác định tác nhân gây dị ứng kích hoạt cơn hen suyễn;
  • Đo hô hấp ký, đo phế dung, đo lưu lượng đỉnh để đánh giá chức năng phổi;
  • Các xét nghiệm loại trừ bệnh lý khác như:
    • Xét nghiệm dịch đờm trong phổi tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng;
    • Chụp X quang;
    • Chụp CT scan;
    • ...

Biến chứng và tiên lượng

Cơn hen suyễn thường khởi phát đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Các chuyên gia cảnh báo những biến chứng nguy hiểm khó lường của bệnh lý này mà bệnh nhân cần thận trọng, bao gồm:

Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính dễ biến chứng nếu không điều trị kịp thời

  • Tràn khí màng phổi: Đây là biến chứng phổ biến của hen suyễn. Xảy ra do phế nang giãn rộng, mạch máu thưa khi lên cơn hen, làm tăng áp lực cho các phế nang, tạo điều kiện cho khí tràn vào trong màng phổi. Tình trạng nghiêm trọng khi bị tràn khí phổi là vỡ phế nang, đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Xẹp phổi: Có khoảng 1/3 trường hợp lên cơn hen suyễn mãn tính và nhập viện là do biến chứng xẹp phổi. Tùy từng trường hợp có thể bị xẹp phổi đơn thùy hoặc đa thùy. Sau biến chứng phổi thường khó phục hồi hoàn toàn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất, cản trở việc dùng thể lực.
  • Tổn thương não: Hen phế quản gây biến chứng suy hô hấp, thiếu oxy lên não, tăng chỉ số CO2. Bệnh nhân sẽ lập tức rơi vào hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
  • Biến chứng điều trị: Thường là do lạm dụng thuốc kháng viêm, thuốc Corticoid trong điều trị
    • Hội chứng Cushing;
    • Viêm loét dạ dày;
    • Loãng xương;
    • Nhiễm khuẩn;
    • Các bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh;
    • Biến chứng rối loạn nhịp tim hoặc hội chứng phổi ức chế do lạm dụng các loại thuốc làm giãn phế quản (điển hình như adrenalin);
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Cơn hen suyễn bùng phát liên tục khiến bệnh nhân mất ngủ dai dẳng, không đủ năng lượng để sống và làm việc. Ngoài ra, nhập viện liên tục do lên cơn hen còn phải nghỉ học, nghỉ làm, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai.

Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính không thể chữa khỏi hẳn hoàn toàn được. Tuy nhiên, bằng những biện pháp điều trị tích cực, cơn hen suyễn có thể kiểm soát được. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp và tối ưu nhất.

Điều trị 

Nguyên tắc điều trị hen suyễn chính là cắt cơn hen, kiểm soát triệu chứng và dự phòng tái phát.

1. Điều trị sơ cứu

Tiến hành các bước sơ cứu đối với bệnh nhân đang lên cơn hen cấp tính như sau:

Hen suyễn
Quy trình các bước sơ cứu cho bệnh nhân lên cơn hen cấp

  • Bước 1: Di chuyển bệnh nhân đến nơi thông thoáng, ít người và không chứa tác nhân gây kích hoạt cơn hen;
  • Bước 2: Giữ ấm cơ thể, quấn chăn, không bật điều hòa hay quạt;
  • Bước 3: Kê gối sau lưng và đỡ bệnh nhân ngồi dậy để dễ thở hơn, giảm cảm giác tức ngực khó chịu;
  • Bước 4: Dùng thuốc xịt chuyên dụng cho bệnh nhân hen suyễn để điều hòa nhịp thở. Lưu ý xịt đúng liều lượng khuyến cáo;
  • Bước 5: Gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

2. Điều trị duy trì bằng thuốc

Hen suyễn là dạng bệnh mạn tính không có thuốc đặc trị. Do đó, việc dùng thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển biến chứng và dự phòng tần suất tái phát cơn hen.

Thuốc trị hen suyễn khác với thuốc cắt cơn hen. Mà cụ thể hơn đó là thuốc Corticoid tại chỗ (ICS), thường là dạng xịt, còn thuốc trị cơn hen cấp lại là Corticoid toàn thân (dạng uống hoặc tiêm kết hợp thuốc làm giãn phế quản (LABA) dạng khí dung tác dụng ngắn).

Nếu như thuốc trị bệnh hen có thể dùng trong nhiều tháng, nhiều năm, thì thuốc trị cơn hen chỉ được dùng trong giới hạn tối đa từ 5 - 7 ngày. Người bệnh cần nắm rõ nguyên tắc này để dùng thuốc phù hợp, tránh sử dụng nhầm lẫn để phòng ngừa tác dụng phụ. Hoặc nghiêm trọng nhất là cơn hen bùng phát nhưng không thể khống chế dẫn đến tử vong.

Một số thuốc trị hen suyễn phổ biến gồm:

  • Thuốc chủ vận beta dạng hít như levalbuterol, albuterol...;
  • Thuốc kháng cholinergic như tiotropium, ipratropium...;
  • Trường hợp lên cơn hen cấp dùng corticoid dạng uống và tiêm như methylprednisolone, prednisolone;
  • Trường hợp lên cơn hen do dị ứng có thể kết hợp dùng thêm thuốc chống dị ứng kiểm soát triệu chứng;

Lưu ý, hiệu quả, cách sử dụng và tác dụng phụ của từng loại thuốc là khác nhau. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sử dụng cho phù hợp.

3. Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh dùng thuốc kiểm soát triệu chứng, bệnh nhân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực gồm:

Hen suyễn
Giữ vệ sinh mũi họng và duy trì độ ẩm không khí để tránh sự phát triển của các tác nhân dị ứng kích hoạt cơn hen

  • Giữ vệ sinh mũi họng bằng cách súc miệng, rửa mũi mỗi ngày bằng nước muối sinh lý;
  • Duy trì độ ẩm không khí phù hợp;
  • Loại bỏ tất cả các tác nhân gây dị ứng cơn hen bằng cách lau dọn, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong nhà;
  • Ăn uống đủ chất, ưu tiên những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng từ rau xanh, trái cây, củ quả...;
  • Tập thể dục mỗi ngày bằng những bài tập nhẹ nhàng như hít thở, yoga, dưỡng sinh. Tránh tập quá sức hoặc quá lâu ngoài trời lạnh;

Phòng ngừa 

Chủ động thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để phòng tránh tái phát hen suyễn hiệu quả:

Hen suyễn
Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu cho trẻ sớm phòng ngừa hen suyễn

  • Luôn mang theo bên mình ống hít hen suyễn, phòng hờ những trường hợp lên cơn hen bất đắc dĩ. Sau đó, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý theo trình tự y tế chuyên khoa.
  • Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu theo lịch trình của Bộ Y tế trong độ tuổi khuyến cáo.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, có khả năng kích hoạt cơn hen.
  • Đeo khẩu trang và mặc quần áo dày, khăn quàng để giữ ấm và bảo vệ đường thở, nhất là khi thời tiết thay đổi.
  • Bổ sung đủ lượng chất lỏng cần thiết trong mùa lạnh để hạn chế tích tụ chất dịch nhầy trong đường hô hấp, tránh lên cơn hen suyễn.
  • Theo dõi bệnh thường xuyên và điều trị, dùng thuốc liên tục theo chỉ định của bác sĩ, dù bệnh đang trong giai đoạn ổn định không tái phát.
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bảo vệ khỏi môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.
  • Duy trì lối sống lành mạnh và khoa học, ăn uống, nghỉ ngơi, vận động tích cực, giữ tinh thần lạc quan, tập yoga, tập thở hoặc thiền mỗi ngày để giảm nguy cơ tái phát bệnh.
  • Thực hiện tầm soát hen và COPD thường xuyên.