Đau Cách Hồi (Claudication)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau cách hồi xảy ra khi lưu lượng máu đến cơ quá ít trong khi tập thể dục, dẫn đến đau đớn. Cơn đau xảy trong một khoảng thời gian nhất định, sau khi đi bộ với tốc độ nhất định.

Tổng quan

Đau cách hồi (Claudication) đôi khi được gọi là đau cách hồi từng cơn (không liên tục). Đây là tình trạng đau cơ ở tay hoặc chân do giảm lưu lượng máu đến các cơ trong khi tập thể dục. Tình trạng này có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Đau cách hồi
Đau cách hồi là cơn đau ở tay hoặc chân do giảm lưu lượng máu đến các cơ lúc tập thể dục

Ở những bệnh nhân bị đau cách hồi, cơn đau xảy ra khi tập thể dục và biến mất khi nghỉ ngơi. Một số người có cơn đau nghiêm trọng đến mức khó thực hiện những hoạt động bình thường, chẳng hạn như đi bộ.

Đau cách hồi thường gặp nhất trong bệnh động mạch ngoại biên. Đây là tình trạng thu hẹp những mạch máu lớn cung cấp máu chứa oxy cho chi. Nguyên nhân gây thu hẹp mạch máu thường là do những mảng mỡ tích tụ trên thành động mạch. Cơn đau cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác.

Phân loại

Đau cách hồi được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là 2 loại phổ biến nhất:

  • Đau do mạch máu: Cơn đau là triệu chứng của những vấn đề về mạch máu khiến lưu lượng máu đến cơ bị suy giảm, đặc biệt là bệnh động mạch ngoại biên.
  • Đau do thần kinh: Những vấn đề về cột sống và hệ thần kinh có thể ảnh hưởng đến những mạch máu cung cấp máu chữa oxy cho chi, từ đó gây ra cơn đau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đau cách hồi xảy ra khi cơ bắp không nhận đủ lượng máu cần thiết trong khi tập thể dục. Trong cơ thể, tất cả những tế bào đều cần oxy để hoạt động. Khi đi bộ hoặc tập thể dục, những tế bào trong cơ bắp cần nhiều oxy hơn duy trì chức năng và thực hiện công việc của chúng.

Ở những người có vấn đề về tuần hoàn, cơ bắp cần nhiều oxy hơn mức oxy mà hệ tuần hoàn cung cấp trong khi hoạt động. Việc không nhận đủ máu sẽ gây đau cơ nghiêm trọng. Khi nghỉ ngơi, cơ bắp cần ít oxy hơn và hệ tuần hoàn có thể bắt kịp. Nhờ vậy mà cơn đau nhanh chóng biến mất. Tình trạng này thường xảy ra ở chân.

  • Hẹp ống sống

Đau cách hồi thần kinh thường do hẹp ống sống. Tình trạng này xảy ra khi ống sống bị thu hẹp, làm giảm không gian xung quanh tủy sống và dây thần kinh.

Hẹp ống sống có thể gây áp lực trực tiếp lên tủy sống, nén những mạch máu xung quanh cột sống thắt lưng. Điều này làm giảm lượng máu mang oxy đến chân. Đồng thời gây đau thắt lưng và đau chân.

Những người bị đau cách hồi thần kinh còn có cảm giác ngứa ran, tê, yếu ở chân hoặc/ và bàn chân. Những trường hợp nặng có thể bị mất kiểm soát ruột và bàng quang.

  • Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

Đau cách hồi là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Động mạch ngoại biên là những mạch máu lớn cung cấp máu cho các chi. PAD xảy ra khi những động mạch ngoại biên bị tổn thương hoặc bị thu hẹp do chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ trên thành động mạch.

Hẹp động mạch ngoại biên làm hạn chế lưu lượng máu đến tay hoặc chân khi tập thể dục. Điều này khiến cơ bắp không nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết. Đồng thời dẫn đến sự suy giảm sức khỏe và hoạt động của cơ, gây đau cách hồi.

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Đau cách hồi là triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên (PAD), xảy ra khi động mạch ngoại biên bị thu hẹp

Mảng bám cũng có thể vỡ ra và hình thành những cục máu đông. Theo dòng máu, những cục máu đông này có thể di chuyển đến phổi dẫn đến thuyên tắc phổi. Đôi khi chúng làm tắc mạch ở những vị trí khác.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ đau cách hồi gồm:

  • Trên 70 tuổi
  • Trên 50 tuổi ở những người mắc bệnh tiểu đường và hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình bị đau cách hồi, có bệnh động mạch ngoại biên hoặc xơ vữa động mạch
  • Bệnh thận mãn tính
  • Huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Cholesterol cao
  • Hút thuốc lá
  • Không tập thể dục thường xuyên
  • Chấn thương và thoái hóa cột sống.

Triệu chứng và chẩn đoán

Đau cách hồi có những triệu chứng sau:

  • Đau, nhức hoặc khó chịu khi dùng cơ bắp bị ảnh hưởng
  • Cơn đau thường âm ỉ và nhức nhói
  • Đôi khi cảm thấy như cơ bắp đang mệt mỏi
  • Chuột rút hoặc co thắt cơ
  • Đau bắp chân, đùi, bàn chân, mông hoặc hông
  • Đau vai, cẳng tay và bắp tay (ít gặp hơn)
  • Đau tồi tệ hơn khi tiếp tục hoạt động thể chất
  • Tê do dây thần kinh ở vùng ảnh hưởng không được cung cấp đủ máu
  • Cơn đau thường biến mất trong vòng vài phút khi dừng lại hoặc nghỉ ngơi

Đau nhức cơ bắp khi dùng chi ảnh hưởng, chuột rút hoặc co thắt cơ
Đau cơ bắp âm ỉ và nhức nhói khi dùng chi ảnh hưởng, cảm giác chuột rút hoặc co thắt cơ

Nếu đau cách hồi do bệnh động mạch ngoại biên, người bệnh có thể gặp thêm những triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác nóng rát
  • Thay đổi màu da
  • Da mát
  • Đau dữ dội và liên tục
  • Tê liệt
  • Những vết thương không lành.

Bệnh nhân được hỏi về bệnh sử và đặc điểm đau để chẩn đoán. Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu đi bộ để kích hoạt cơn đau, ấn nhẹ xác định cơ bắp bị ảnh hưởng.

Một số bài kiểm tra phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán đau cách hồi:

  • Đo mạch: Bác sĩ tiến hành đo mạch ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân để kiểm tra lưu lượng máu đến toàn bộ chi.
  • Đo chỉ số cổ chân - cánh tay (ABI): Xét nghiệm này bao gồm việc đo và so sánh huyết áp ở cánh tay và mắt cá chân. Áp lực ở chân thấp hơn nhiều so với áp lực của tay có thể cho thấy động mạch bị tắc nghẽn.
  • Đo huyết áp từng phần: Bệnh nhân được đo huyết áp tại những khu vực khác nhau ở chân hoặc cánh tay. Điều này có thể giúp xác định vị trí và mức độ tổn thương của động mạch.
  • Kiểm tra bài tập: Quá trình kiểm tra này có thể giúp xác định mức gắng sức tối đa hoặc khoảng cách tối đa mà bạn có thể đi bộ.

Một số xét nghiệm có thể giúp xác định chứng đau cách hồi liên tục, bao gồm:

  • Siêu âm Doppler: Khi siêu âm Doppler, sóng âm thanh phát ra từ những tế bào hồng cầu có thể cho biết tốc độ và hướng di chuyển của máu trong mạch.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): MRI hoặc CT cung cấp hình ảnh của những mạch máu. Từ đó giúp xem liệu những mạch máu có bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp hay không, mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Biến chứng và tiên lượng

Khi không được điều trị, đau cách hồi sẽ tiến triển theo thời gian. Điều này khiến người bệnh bị đau ở chân ngay cả khi không tập thể dục. Nếu mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD), những vết cắt và vết loét trên chân thường không lành như bình thường. Người bệnh có thể bị hoại thư (chết mô cơ và da) và mất một chân nếu chúng bị nhiễm trùng.

Điều trị

Điều trị bệnh động mạch ngoại biên và chứng đau cách hồi bằng cách áp dụng những phương pháp giúp giảm đau, cắt giảm những yếu tố gây ra bệnh tim và mạch máu.

1. Tập thể dục

Tập thể dục là một phần đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị đau cách hồi. Bác sĩ sẽ hướng dẫn một chương trình đi bộ để giảm đau, tăng khả năng và thời gian tập thể dục. Chương trình này cũng giúp tăng lưu thông khí huyết, cải thiện sức khỏe mạch máu ở tay / chân bị ảnh hưởng. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và kiểm soát cân nặng.

Thiết lập chương trình đi bộ thích hợp
Thiết lập chương trình đi bộ thích hợp để để giảm đau, tăng khả năng và thời gian tập thể dục

Dưới đây là những chương trình đi bộ thường được đề xuất:

  • Đi bộ đến khi cảm thấy đau vừa phải hoặc cố gắng đi xa nhất có thể
  • Nghỉ ngơi để giảm đau
  • Tiếp tục đi bộ lần nữa
  • Lặp lại việc đi bộ và nghỉ ngơi trong khoảng từ 30 đến 45 phút
  • Đi bộ mỗi tuần ít nhất 3 lần.

Khi bắt đầu luyện tập, quá trình tập thể dục còn có sự giám sát. Sau một thời gian, quá trình này có thể được thực hiện thường xuyên tại nhà nhằm kiểm soát chứng đau cách hồi.

2. Thuốc

Để điều trị đau cách hồi và kiểm soát những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc dưới đây:

  • Cilostazol: Thuốc này có tác dụng cải thiện lưu lượng máu, giảm đau khi tập thể dục và tăng khoảng cách đi bộ.
  • Statin: Thuốc Statin được sử dụng để điều trị Cholesterol cao. Việc sử dụng sẽ giúp loại bỏ nguy cơ hình thành những mảng bám trong động mạch và cải thiện khoảng cách đi bộ.
  • Thuốc hạ huyết áp: Những trường hợp có huyết áp cao sẽ được kê đơn thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Thuốc này được chỉ định nhằm ngăn ngừa cục máu đông. Thuốc chống kết tập tiểu cầu có tác dụng ngăn cục máu đông hình thành và ngăn chặn lưu lượng máu đến các chi. Đồng thời giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và thuyên tắc phổi do cục máu đông.
  • Thuốc kiểm soát bệnh tiểu đường: Dùng thuốc điều trị tiểu đường để ngăn đau cách hồi tiến triển, giảm nguy cơ phát triển biến chứng về tim và tuần hoàn.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật cần thiết cho những trường hợp bị đau cách hồi do bệnh động mạch ngoại biên nghiêm trọng hoặc hẹp ống sống, những phương pháp điều trị khác không giúp ích. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được chỉ định một trong những kỹ thuật sau:

  • Nong mạch

Nong mạch là kỹ thuật mở rộng động mạch bị tổn thương để cải thiện lưu lượng máu. Trong quy trình này, một ống hẹp được đưa xuyên qua da đến các mạch máu, sau đó đưa một quả bóng bơm hơi vào trong để nong mạch.

Khi đã mở rộng động mạch, bác sĩ đặt một ống lưới nhỏ (ống đỡ động mạch) bằng kim loại hoặc nhựa vào động mạch. Điều này giúp giữ cho động mạch luôn mở rộng.

Nong mạch
Nong mạch giúp tăng không gian trong mạch máu bị hẹp, cải thiện lưu lượng máu đến chi khi tập thể dục

  • Phẫu thuật mạch máu

Phẫu thuật mạch máu bao gồm việc lấy một mạch máu khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để thay thế cho mạch máu tổn thương và gây ra chứng đau cách hồi. Mạch máu này được dùng để tạo ra một con đường vòng để máu di chuyển. Từ đó giúp máu lưu thông qua động mạch bị thu hẹp hoặc bị tắc.

  • Phẫu thuật xơ vữa động mạch

Trong phẫu thuật xơ vữa động mạch, thiết bị ống thông sẽ được sử dụng để loại bỏ sự tích tụ của những mảng bám trong các động mạch đang bị thu hẹp.

  • Phẫu thuật hẹp ống sống

Chứng đau cách hồi thần kinh sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ loại bỏ một số mô để làm tăng không gian cho ống sống bị thu hẹp. Từ đó giảm chèn ép mạch máu và dây thần kinh.

4. Tự chăm sóc

Thực hiện một lối sống lành mạnh để góp phần kiểm soát chứng đau cách hồi và tăng hiệu quả điều trị bệnh của những phương pháp khác. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ liên quan đến bệnh động mạch ngoại biên.

Bỏ hút thuốc lá
Bỏ hút thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị đau cách hồi và ngăn biến chứng của PAD

  • Bỏ hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá nên bỏ thói quen này. Thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng của bệnh động mạch ngoại biên, ảnh hưởng đến quá trình điều trị đau cách hồi.
  • Bài tập: Thực hiện chương trình tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp cải thiện khoảng cách đi bộ, giảm đau, duy trì cân nặng và sức khỏe tổng thể. Đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xơ vữa động mạch.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt ít tinh bột và rau củ. Chỉ nên ăn một lượng vừa phải cá, thịt gia cầm, thị nạc và sữa ít béo.
  • Chăm sóc chân: Mang tất và giày phù hợp, có khả năng hỗ trợ và bảo vệ đôi chân. Ngoài ra nên thường xuyên kiểm tra bàn chân để sớm phát hiện và điều trị những vết loét đúng cách.
  • Kiểm soát căng thẳng và lo lắng: Sức khỏe tinh thần có tác động lớn đến tim, hệ tuần hoàn và những bộ phận khác trên cơ thể. Vì vậy nên duy trì tinh thần thoải mái, lạc quan và vui vẻ. Tránh căng thẳng và lo lắng quá mức.

Phòng ngừa

Duy trì lối sống lành mạnh, phòng ngừa và kiểm soát một số bệnh lý có thể giảm nguy cơ phát triển chứng đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên. Cụ thể:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, hạn chế ăn nhiều đường và chất béo.
  • Luyện tập đều đặn mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Những người bị tiểu đường cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
  • Kiểm soát cholesterol và huyết áp.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Tránh uống nhiều rượu. Không uống quá 2 ly mỗi ngày ở nam giới và 1 ly mỗi ngày ở phụ nữ.
  • Kiểm soát căng thẳng bằng thiền, yoga và các bài tập thở. Nên duy trì tâm trạng thoải mái và lạc quan.

Luyện tập đều đặn mỗi ngày
Luyện tập đều đặn mỗi ngày để duy trì sức khỏe và cân nặng khỏe mạnh, giảm nguy cơ đau cách hồi và PAD

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng?

2. Tình trạng của tôi là ngắn hạn (cấp tính) hay mãn tính (dài hạn)?

3. Phương pháp điều trị nào được đề xuất và có hiệu quả tốt?

4. Rủi ro nào có thể gặp khi dùng thuốc hoặc phẫu thuật?

5. Khi nào cần phẫu thuật? Chi phí bao nhiêu?

6. Tôi có thể tự chăm sóc và luyện tập như thế nào để cải thiện tình trạng?

7. Có những điều gì cần lưu ý và hạn chế hay không?

Hầu hết bệnh nhân bị đau cách hồi do bệnh động mạch ngoại biên, cần sớm điều trị y tế. Việc điều trị sớm và đúng cách có thể kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa những biến chứng. Vì vậy người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.