Đau Cổ Vai Gáy

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau cổ vai gáy xảy ra khi cơ vùng vai gáy co cứng dẫn đến đau nhức khó chịu và hạn chế khả năng vận động. Tình trạng này có thể do tư thế sai hoặc bệnh lý, thường được kiểm soát tốt.

Tổng quan

Đau cổ vai gáy là thuật ngữ chỉ tình trạng co cứng cơ vùng gáy làm giảm khả năng vận động và gây đau nhức. Những người có tình trạng này thường khó quay đầu và cổ, đau nhức âm ỉ hoặc nghiêm trọng và kéo dài, thường xảy ra vào buổi sáng.

Đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy xảy ra khi cơ vùng gáy căng cứng làm giảm khả năng vận động và đau nhức

Hầu hết các trường hợp đau cổ vai gáy liên quan đến căng cơ, sai tư thế và những bệnh lý ở cột sống cổ. Dùng thuốc và xoa bóp có thể giúp các triệu chứng giảm nhanh. Tuy nhiên những trường hợp nặng hơn có thể có các triệu chứng kéo dài, cần điều trị với những phương pháp chuyên sâu hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đau cổ vai gáy là triệu chứng thường gặp của các tình trạng dưới đây:

  • Sai tư thế

Ngủ hoặc sinh hoạt sai tư thế làm căng cứng các cơ vùng cổ vai gáy, giảm lưu thông khí huyết. Điều này khiến người bệnh có cảm giác đau mỏi khó chịu, thường gặp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Cơn đau cũng thường xảy ra ở những nhóm đối tượng sau:

    • Nằm gối kê đầu quá cao
    • Ngồi cúi đầu, ngửa cổ hoặc căng cổ về phía trước trong thời gian dài, thường gặp ở những người làm việc trước máy tính và chơi điện thoại
    • Đột ngột giật cổ hoặc thay đổi tư thế khi tập thể dục.
  • Chấn thương mô mềm

Va chạm hoặc lạm dụng cơ bắp trong khi chơi thể thao có thể dẫn đến chấn thương mô mềm. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các cơ, gân và dây chằng, gây căng thẳng và đau nhức.

Đau cổ vai gáy do chấn thương mô mềm thường nhẹ, các triệu chứng giảm nhanh khi dùng thuốc và thực hiện một số biện pháp chăm sóc như chườm đá và xoa bóp.

  • Căng cơ

Căng cơ là nguyên nhân gây đau cổ vai gáy phổ biến. Tình trạng này thường gặp ở những người mang vác vật nặng, hoạt động thể thao gắng sức hoặc sai tư thế.

Khi bị căng cơ vùng cổ vai gáy, người bệnh sẽ có cảm giác cứng và thắt chặt bên trong, cảm giác đau đớn lan tỏa. Căng cơ thường nhẹ, được điều trị tốt bằng thuốc và chăm sóc tại nhà.

Đau cổ vai gáy thường do căng cơ
Đau cổ vai gáy do căng cơ thường kèm theo cứng cổ và cảm giác thắt chặt bên trong

  • Thoái hóa cột sống cổ

Đau cổ vai gáy có thể do thoái hóa cột sống cổ. Đây là một bệnh viêm khớp do lão hóa. Bệnh xảy ra khi đĩa đệm mất nước dẫn đến xẹp hoặc hao mòn, giảm khoảng cách giữa các xương cột sống. Điều này kích thích sự phát triển của xương mới, gai xương hình thành trên đốt sống cổ.

Gai cột sống lớn dần theo thời gian, chèn ép vào rễ thần kinh và gây ra những cơn đau lan tỏa. Thoái hóa cột sống cổ chủ yếu ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, đặc biệt là những người thiếu vận động và có tiền sử chấn thương.

  • Thoát vị đĩa đệm cổ

Người bệnh cần thận trọng vì thoát vị đĩa đệm cổ có thể là nguyên nhân gây đau cổ vai gáy. Bệnh lý này xảy ra khi vòng xơ đĩa đệm cổ bị nứt hoặc rách, nhân nhầy rời khỏi vị trí trung tâm, rò rỉ ra ngoài tạo thành khối thoát vị.

Khối thoát vị càng lớn càng gây ra nhiều áp lực cho tủy sống và dây thần kinh đi qua. Từ đó gây đau nhức nghiêm trọng, đau kèm theo tê bì, lan từ cổ vai gáy xuống cánh tay và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Do có triệu chứng nặng nề nên hầu hết các trường hợp đều có khả năng vận động suy giảm.

  • Viêm dây thần kinh cánh tay

Dây thần kinh cánh tay bắt đầu từ vùng cổ dưới đến vai. Chính vì thế mà tình trạng viêm dây thần kinh này thường gây đau đớn nghiêm trọng ở cổ vai gáy. Cơn đau có thể nhói lên như điện giật kèm theo ngứa ran, tê yếu ở vai, cánh tay và bàn tay.

  • Nguyên nhân khác

Mặc dù ít gặp hơn nhưng cơn đau cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

    • U đỉnh phổi
    • Nhồi máu cơ tim
    • Ung thư vùng cổ

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị đau cổ vai gáy, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

Đau khu trú hoặc đau lan tỏa, có thể nhẹ hoặc nặng
Đau khu trú hoặc đau lan tỏa, có thể nhẹ hoặc nặng kèm theo yếu và tê bì lan xuống cánh tay

  • Đau khu trú ở khu vực giữa cổ và vai hoặc đau lan tỏa
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc đau nặng, nhói lên như điện giật
  • Đau có xu hướng lan qua vai, xuống cánh tay và bàn tay
  • Cơn đau có thể đến và đi hoặc đau kéo dài, cần dùng thuốc để giảm bớt khó chịu
  • Tê bì hoặc ngứa ran dọc theo cổ, vai, xuống cánh tay
  • Có cảm giác tê hoặc đau mỏi rất khó chịu
  • Cứng ở vùng cổ vai gáy, khó cử động cổ
  • Đau nhức nghiêm trọng hơn khi ấn, ho, hắt hơi, đứng hoặc ngồi lâu, đi lại nhiều, thực hiện một số cử động nhất định ở cổ và đầu (như gật, xoay...), thay đổi thời tiết
  • Giảm sức mạnh và khó nhắc cánh tay
  • Đau và cứng cổ thường vào buổi sáng sớm, khi bị nhiễm lạnh hoặc sau khi lao động nặng
  • Đau giảm khi nghỉ ngơi.

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra khu vực ảnh hưởng, đánh giá mức độ đau và những biểu hiện khác như cứng cổ. Trong quá trình này bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, tần suất, mức độ và thời điểm cơn đau xảy ra.

Để xác định và đánh giá nguyên nhân gây đau cổ vai gáy, người bệnh được thực hiện thêm các xét nghiệm gồm:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp thu về hình ảnh của xương. Điều này giúp phát hiện những tổn thương ở cột sống (như gãy xương), gai xương, biến dạng, thu hẹp khoảng cách giữa hai xương cột sống (do thoái hóa cột sống, trượt đĩa đệm...).
  • Chụp CT hoặc MRI: Những trường hợp đau nhiều hoặc có bất thường trên X-quang có thể được chụp CT hoặc MRI. Cả hai kỹ thuật này đều cung cấp hình ảnh chi tiết của xương và các mô. Từ đó phát hiện khối u, tổn thương dây chằng/ cơ, hẹp ống sống, chèn ép dây thần kinh và những nguyên nhân khác có thể gây đau.
  • Điện cơ đồ (EMG): Bệnh nhân thường được yêu cầu điện cơ đồ để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp phát hiện dây thần kinh tổn thương dẫn đến đau và tê yếu nghiêm trọng.
  • Chọc dò tủy sống hoặc xét nghiệm máu: Tủy sống hoặc máu được lấy ra để kiểm tra nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Phần lớn các trường hợp đau cổ vai gáy đều nhẹ, đáp ứng tốt với thuốc và những biện pháp giảm đau khác. Tuy nhiên đau nhức dai dẳng có thể phát triển từ những bệnh lý nghiêm trọng. Việc không can thiệp y tế sớm có thể khiến cơn đau ngày càng nặng nề và gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:

  • Đau mãn tính
  • Yếu chi
  • Teo cơ do thiếu vận động lâu ngày
  • Mất ngủ
  • Tăng nguy cơ trầm cảm do thiếu ngủ và lo lắng kéo dài
  • Tăng nguy cơ tàn tật ở những trường hợp nặng.

Điều trị

Điều trị đau cổ vai gáy dựa vào nguyên nhân và mức độ đau. Hầu hết các trường hợp có đáp ứng tốt với thuốc và những biện pháp giảm đau tại nhà. Hiếm khi bệnh nhân cần được can thiệp bằng phẫu thuật.

1. Biện pháp giảm đau tại nhà

Đau cổ vai gáy do sai tư thế, chấn thương hoặc có bệnh lý nhẹ thường giảm nhanh khi điều trị tại nhà. Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu, nên được áp dụng:

Chườm lạnh
Chườm lạnh giúp giảm nhanh cơn đau, làm dịu tình trạng sưng viêm do chấn thương và bệnh lý

  • Chườm lạnh: Chườm lạnh ngay khi cơn đau bắt đầu hoặc sau chấn thương. Biện pháp này có tác dụng giảm đau và viêm (sưng) hiệu quả. Để đạt hiệu quả nhanh, chườm lạnh nên được thực hiện liên tục trong 2 - 3 ngày đầu, mỗi ngày 3 - 4 lần. Khi thực hiện, bọc túi rau củ đông lạnh hoặc nước đá trong khăn, đặt lên vị trí đau nhức trong 10 phút.
  • Chườm ấm: Chườm ấm phù hợp với bệnh nhân bị đau cổ vai gáy do bệnh lý hoặc sau chấn thương từ 3 ngày. Biện pháp này giúp tăng lưu thông khí huyết, thư giãn khớp xương và các mô. Đồng thời giúp giảm cứng khớp, giảm co thắt và đau nhức hiệu quả. Khi thực hiện, đặt miếng đệm sưởi hoặc túi ấm lên cổ vai gáy trong 20 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần.
  • Xoa bóp: Nếu đau nhức khó chịu, người bệnh có thể thử biện pháp xoa bóp. Biện pháp này giúp thư giãn các cơ căng cứng, giảm đau, tăng lưu thông máu và tính linh hoạt cho vùng ảnh hưởng.
  • Thuốc bôi: Thuốc bôi Diclofenac, Salonpas... có thể giúp thư giãn và làm dịu nhanh cơn đau.
  • Nghỉ ngơi: Tránh những hoạt động có thể tăng thêm áp lực cho vùng cổ vai gáy. Điều này giúp ngăn đau nhức thêm nghiêm trọng.
  • Bài tập: Thực hiện những bài tập nhẹ nhàng cho cổ và vai. Điều này giúp thư giãn các cơ và dây chằng, tăng lưu thông máu, giảm căng cứng và co thắt bên trong. Ngoài ra luyện tập nhẹ nhàng cũng giúp tăng tính linh hoạt, làm mạnh các cơ vùng cổ vai gáy và giảm đau hiệu quả.

2. Thuốc

Điều trị đau cổ vai gáy thường bao gồm thuốc giảm đau và kháng viêm, cụ thể:

  • Acetaminophen: Thuốc này được dùng khi có những cơn đau nhẹ. Thuốc giúp kiểm soát cơn đau nhanh chóng và hạ sốt.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bệnh nhân thường được kê đơn thuốc chống viêm không steroid để điều trị. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm, giảm đau và sưng hiệu quả. NSAID thích hợp với những cơn đau vừa. Các loại thường dùng gồm Ibuprofen, Naproxen...
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc này được dùng để giảm co thắt cơ và giảm đau kéo dài. Thuốc giãn cơ thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
  • Thuốc chống trầm cảm: Bệnh nhân thường được dùng thuốc chống trầm cảm khi có những cơn đau mãn tính. Thuốc này có tác dụng giảm đau, an thần và cải thiện giấc ngủ.
  • Tiêm corticosteroid: Những trường hợp đau nhiều và không đáp ứng tốt với thuốc uống có thể được tiêm corticosteroid. Thuốc này giúp điều trị viêm và giảm những cơn đau nặng. Corticosteroid thường mang đến hiệu quả nhanh và kéo dài nhiều tháng.

3. Vật lý trị liệu

Người bệnh được vật lý trị liệu nếu đau cổ vai gáy liên quan đến thoái hóa cột sống hoặc một số tình trạng mãn tính khác. Biện pháp này gồm những bài tập giúp thư giãn các cơ và giảm đau.

Ngoài ra vận động trị liệu cũng giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, giảm co thắt, phục hồi tính linh hoạt và khả năng vận động. Từ đó ngăn đau và hạn chế những tổn thương khác trong tương lai.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm các bài tập giúp thư giãn, giảm đau, tăng cường các cơ hỗ trợ và phục hồi tính linh hoạt

4. Phẫu thuật

Hiếm khi phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị đau cổ vai gáy. Phương pháp này được thực hiện khi có bệnh lý chèn ép dây thần kinh và tủy sống. Chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, khối u...

Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật giải nén. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn luyện tập để phục hồi chức năng.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp ích trong việc giảm nguy cơ gây đau cổ vai gáy. Bao gồm:

  • Luôn thực hành tư thế đúng trong khi ngồi, đứng, làm việc, sử dụng điện thoại... Không ngồi khom lưng, uốn cong lưng sang một bên, cúi cổ hoặc ngửa cổ quá mức trong thời gian dài.
  • Hạn chế mang vác vật nặng trên vai để tránh những chấn thương cho vùng cổ vai gáy.
  • Chơi thể thao đúng kỹ thuật. Không đột ngột gật hoặc thay đổi tư thế ở cổ, vai.
  • Không lạm dụng cơ bắp ở vùng cổ vai gáy. Nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để xương khớp và các mô được thư giãn.
  • Xoa bóp sau một ngày dài làm việc hoặc chơi thể thao để thư giãn.
  • Tránh những hoạt động có thể gây căng thẳng cho vùng vai gáy, chẳng hạn như khuân vác vật cồng kềnh hoặc quá nặng, kẹp điện thoại giữa cổ và vai, nằm trên gối quá cao, sử dụng ghế ngồi không phù hợp...
  • Nếu phải ngồi lâu trước màn hình máy tính, hãy thường xuyên kéo giãn lưng, vươn vai, đi lại và thực hiện các bài tập cho cổ để thư giãn. Điều này giúp ngăn thoái hóa sớm và căng cơ.
  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao và tập thể dục. Điều này giúp tăng sự linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Thường xuyên tập thể dục với những bài tập thích hợp. Điều này giúp thư giãn xương khớp và các mô ở vùng cổ, vai, lưng. Tập thể dục thường xuyên cũng giúp làm mạnh gân cơ, giữ cho cột sống khỏe mạnh, duy trì sự dẻo dai và làm chậm quá trình lão hóa.

Tập thể dục với những bài tập thích hợp cho cổ
Tập thể dục với những bài tập thích hợp cho cổ để duy trì sự dẻo dai, giảm nguy cơ đau cổ vai gáy

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi bị đau cổ vai gáy?

2. Những phương pháp nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

3. Mất bao lâu để điều trị khỏi?

4. Tôi cần tránh những gì để ngăn cơn đau tái phát?

5. Nếu không dùng thuốc, cơn đau của tôi có tự khỏi không?

6. Những bài tập nào phù hợp, giúp phục hồi nhanh?

7. Tôi nên làm gì nếu có tác dụng phụ khi dùng thuốc?

Chứng đau cổ vai gáy xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể từ nhẹ đến nặng và cần được điều trị y tế. Tốt nhất nên thăm khám nếu đau nhức nhiều và không giảm khi chăm sóc. Ngoài ra nên chữa trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.