Bệnh Xoắn Đại Tràng Sigma

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Xoắn đại tràng sigma là một tình trạng cấp cứu của đường tiêu hóa. Trong đó đại tràng sigma bị xoắn làm tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa trong lòng ruột và cắt giảm lượng máu. Từ đó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Tổng quan

Xoắn đại tràng sigma là tình trạng đại tràng sigma bị xoắn lại từ 180 - 540 độ dẫn đến tắc ruột. Tình trạng này ngăn cản dòng máu nuôi dưỡng ruột và làm tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị thiếu máu và hoại tử.

Xoắn đại tràng sigma
Xoắn đại tràng sigma xảy ra khi đại tràng sigma bị xoắn dẫn đến tắc ruột, giảm lưu thông máu và dịch

Bệnh xoắn đại tràng sigma thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Nguy cơ tăng cao ở những người bị phì đại tràng bẩm sinh và thường xuyên bị táo bón.

Do là một bệnh lý nguy hiểm nên xoắn đại tràng sigma cần được điều trị ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo. Dựa trên tình trạng cụ thể, điều trị có thể bao gồm gỡ xoắn và khắc phục triệu chứng.

Phân loại

Bệnh xoắn đại tràng sigma được phân loại dựa trên những thể lâm sàng. Cụ thể:

  • Thế tối cấp tính: Người bệnh có quai ruột xoắn 360 độ, đau đột ngột và dữ đội, nhanh chóng bị hoại tử, nhiễm độc, viêm phúc mạc, toàn thân suy sụp nhanh.
  • Thế cấp tính:Người bệnh có quai ruột xoắn với những biểu hiện tương tự như thể tối cấp tính.
  • Thể bán cấp: Những triệu chứng xảy ra chậm và không dữ đội. Điều này khiến người bệnh khó nhận biết, thường đến bệnh viện muộn hoặc không đến bệnh viện.
  • Thể tái phát: Thể tái phát hay còn gọi là thể mãn tính. Những triệu chứng của bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện tại nguyên nhân gây xoắn đại tràng sigma vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh tăng cao khi có những yếu tố dưới đây:

  • Có nhiều dây dính quanh đại tràng sigma
  • Chiều dài của đại tràng sigma lớn
  • Xoắn thứ phát sau viêm nhiễm
  • Sau khi thực hiện những thủ thuật tại vùng chậu
  • Phình đại tràng bẩm sinh vô hạch
  • Bệnh Hirschsprung
  • Táo bón kéo dài
  • Những bất thường từ việc cố định manh tràng vào thành bụng
  • Tăng áp lực ổ bụng do thai kỳ hoặc khối u.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những người bị xoắn đại tràng sigma thường có những triệu chứng dưới đây:

Bệnh xoắn đại tràng sigma gây đau bụng dữ dội, đau từng cơn và đột ngột
Bệnh xoắn đại tràng sigma gây đau bụng dữ dội, đau từng cơn và đột ngột, nôn mửa nhiều

  • Đau bụng dữ dội và đột ngột ở vùng dưới rốn, đau từng cơn
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa nhiều. Đôi khi nôn ra cả mật màu vàng xanh và vị đắng
  • Thường xuyên táo bón mạn tính
  • Bí trung và đại tiện
  • Trướng bụng xảy ra nhanh do tình trạng tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa
    • Trướng bụng không đều, thường trước bụng ở bên trái
    • Ít khi có chướng bụng toàn bộ
    • Diễn biến nhiều giờ dẫn đến trướng toàn bộ vùng bụng.

Khi xoắn đại tràng diễn tiến mạn tính, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

  • Hội chứng bán tắc ruột
  • Căng tức vùng bụng dưới
  • Đau bụng râm ran
  • Táo bón
  • Đôi khi trung tiện được

Bệnh thường được phát hiện thông qua kiểm tra lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, người bệnh được hỏi về cơn đau, bí trung - đại tiện và tiền sử bệnh. Ngoài ra bác sĩ có thể ấn nhẹ ở bụng để xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơ đau.

Nếu có nghi ngờ xoắn đại tràng sigma, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán.

  • X-quang bụng: Hình ảnh thu được từ tia X có thể giúp kiểm tra những vấn đề ở đại tràng, tình trạng xoắn và tắc ruột. Thông thường tại vị trí xoắn đại tràng sigma sẽ có hình ảnh mỏ chim.
  • Chụp CT: Nếu không thể xác định tình trạng thông qua X-quang, người bệnh sẽ được chỉ định CT. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng giúp phát hiện nhanh những bất thường của đại tràng như xoắn, thành ruột phù nề, các quai đại tràng giãn... Từ đó giúp chẩn đoán xác định. Nếu có biến chứng hoại tử ruột, chụp X-quang hoặc CT có thể phát hiện những dấu hiệu sau:
    • Có những túi hơi tại thành ruột
    • Có túi hơi bên trong tĩnh mạch cửa
    • Quai ruột phù nề
    • Thủng ruột nếu hoại tử gây thủng.

Thông thường bệnh xoắn đại tràng sigma sẽ được chẩn đoán phân biệt với những tình trạng sức khỏe sau:

  • Xoắn manh tràng
  • Ung thư đại trực tràng
  • Lồng ruột

Biến chứng và tiên lượng

Xoắn đại tràng sigma là một bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị tái thông tiêu hóa kịp thời. Cụ thể:

Biến chứng viêm, hoại tử và thủng ruột
Xoắn đại tràng không được điều trị kịp thời có thể gây viêm, hoại tử và thủng ruột

  • Vỡ ruột: Dịch tiêu hóa ứ đọng khiến đoạn ruột bên trên chỗ tắc giãn lớn và tăng nguy cơ vỡ ruột.
  • Viêm hoặc hoại tử: Đại tràng sigma bị xoắn khiến khiến ruột không nhận đủ lượng máu nuôi dưỡng. Điều này khiến những vị trí ảnh hưởng dễ tổn thương, viêm và hoại tử.
  • Viêm phúc mạc: Viêm phúc mạc còn được gọi là viêm màng bụng. Đây là biến chứng thường gặp của xoắn đại tràng sigma nếu không được tháo xoắn hoặc tháo xoắn thất bại. Nếu viêm phúc mạc phân rất nặng, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.
  • Sốc nhiễm trùng: Nếu xoắn đại tràng sigma gây vỡ ruột, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nhiễm độc. Khi xuất hiện những biến chứng, người bệnh có tổng trạng suy kiệt, sốt cao, co cứng thành bụng, phản ứng thành bụng và rối loạn huyết động.
  • Rối loạn nước và điện giải: Nôn mửa nhiều do tắc ruột khiến người bệnh bị rối loạn nước và điện giải. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hệ cơ quan trong cơ thể và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị trong bệnh viêm đại tràng sigma:

  • Tháo xoắn
  • Tái tập lưu thông tiêu hóa
  • Giải quyết biến chứng
  • Điều trị hỗ trợ và khắc phục những triệu chứng.

Những phương pháp điều trị cụ thể:

1. Tháo xoắn

Tháo xoắn đại tràng được thực hiện qua ngã hậu môn ngay khi phát hiện các triệu chứng. Phương pháp này giúp máu và dịch tiêu hóa lưu thông bình thường, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh.

Khi thực hiện bác sĩ tiến hành thụt barium qua nội soi đại tràng hoặc dưới màn hình tăng sáng. Phần lớn các trường hợp có thể tháo xoắn thành công. Những trường hợp thất bại hoặc xuất hiện biến chứng cần được phẫu thuật cấp cứu.

2. Phẫu thuật cấp cứu

Phẫu thuật cấp cứu được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Không tháo xoắn được
  • Có biểu hiện tắc nghẹt hoặc hoại tử của ruột xoắn.

Phẫu thuật cấp cứu
Phẫu thuật cấp cứu nếu không tháo xoắn được, có biểu hiện nghiêm trọng về tắc nghẹt hoặc hoại tử

Tùy thuộc vào tình trạng, một trong những kỹ thuật dưới đây sẽ được thực hiện trong khi phẫu thuật tháo xoắn:

  • Nếu quai ruột còn tốt: Thông qua vết mổ, bác sĩ nhẹ nhàng tháo xoắn ngược chiều với chiều xoắn, đoạn đại tràng sigma được cắt và đưa ra ngoài, sau đó khâu nối thì hai.
  • Nếu đại tràng sigma có nguy cơ hoại tử: Không tháo xoắn mà cắt đoạn ruột có nguy cơ hoại tử. Sau đó bệnh nhân được làm hậu môn nhân tạo để phân được đưa ra ngoài.
  • Nếu ruột đã hoại tử và thủng: Cắt đoạn ruột và làm hậu môn nhân tạo. Sau đó rửa sạch ổ bụng, sử dụng hệ thống bơm rửa ổ bụng hàng ngày.

3. Phương pháp hỗ trợ

Những phương pháp hỗ trợ được thực hiện sau khi phẫu thuật cấp cứu thành công. Bao gồm:

  • Dùng thuốc
  • Bổ sung nước và điện giải
  • Nghỉ ngơi

Người có thể cần phải nằm viện từ 3 - 5 ngày để được theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Phòng ngừa

Không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh xoắn đại tràng sigma. Tuy nhiên những cách dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ:

Ăn nhiều rau xanh, trái cây, rau củ quả giàu chất xơ và vitamin
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây, rau củ quả giàu chất xơ và vitamin để phòng ngừa

  • Điều trị tốt những bệnh lý liên quan. Chẳng hạn như táo bón kéo dài, viêm nhiễm...
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Không nên ăn quá no trong một lần. Tốt nhất nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ và thường xuyên trong ngày.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt... để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và lượng chất xơ cần thiết.
  • Tập thể dục thể thao mỗi ngày, tối thiểu 30 phút/ ngày, tất cả các ngày trong tuần.
  • Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày. Tốt nhất nên đại tiện vào buổi sáng sớm.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phác đồ điều trị của tôi là gì?

2. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được đề nghị?

3. Quy trình điều trị trong bao lâu?

4. Tôi có đang gặp biến chứng nào không?

5. Những rủi ro từ phương pháp điều trị?

6. Tôi có thể đi đại tiện và sinh hoạt bình thường sau điều trị không?

7. Tôi cần kiêng những gì để bệnh mau khỏi?

8. Cần làm gì để ngăn xoắn đại tràng sigma tái phát?

Bệnh nhân bị xoắn đại tràng sigma cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Bệnh làm cản trở lưu thông máu và dịch tiêu hóa, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế mà bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.