Bệnh Vôi Hóa Tuyến Tiền Liệt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Vôi hóa tuyến tiền liệt thường gặp ở những người có tiền sử viêm tuyến tiền liệt do phản ứng xơ hóa tại tuyến. Bệnh thường được phát hiện tình cờ do không có triệu chứng sớm. Khi nốt vôi hóa lớn hơn, người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng khó chịu.

Tổng quan

Vôi hóa tuyến tiền liệt (sỏi tiền liệt tuyến) là thuật ngữ chỉ tình trạng lắng đọng canxi ở tuyến tiền liệt. Từ đó làm tắc nghẽn những túi nhỏ tiết dịch vào niệu đạo. Cuối cùng dẫn đến ứ đọng, kết tủa thành vôi và nhiễm trùng.

Vôi hóa tuyến tiền liệt
Vôi hóa tuyến tiền liệt là tình trạng lắng đọng canxi ở tuyến tiền liệt, thường do viêm nhiễm

Bệnh thường xảy ra sau đợt viêm tuyến tiền liệt. Sự viêm nhiễm làm kích thích phản ứng xơ hóa tại tuyến hoặc/ và làm tắc nghẽn ống tuyến tiền liệt. Điều này làm hình thành những điểm vôi hóa hoặc sỏi.

Vôi hóa tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ hơn. Hầu hết trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị khi được chữa trị sớm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân gây vôi hóa tuyến tiền liệt gồm:

  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Nhiễm trùng đường tiểu không được chữa sớm
  • Sau mổ khối u phì đại
  • Sau xạ trị ung thư tuyến tiền liệt
  • Carcinoma.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Nam giới trong độ tuổi trung niên
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm mặn, chứa nhiều muối, cay, nóng và nhiều gia vị
  • Vệ sinh thân thể kém
  • Thừa cân béo phì.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng trong thời gian đầu. Hầu hết những trường hợp phát hiện thông qua quá trình kiểm tra những tình trạng khác.

Khi nốt vôi hóa lớn hơn, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Dòng nước tiểu yếu
  • Khó tiểu
  • Tiểu đau
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu nhiều lần và thường xuyên hơn
  • Tiểu đêm
  • Đau ở háng và bụng
  • Đau vùng đáy chậu, dương vật và trực tràng
  • Khó chịu ở tinh hoàn và dương vật
  • Đau khi xuất tinh
  • Tinh dịch chuyển thành màu vàng nhạt
  • Xuất tinh không mạnh mà chỉ chảy ra hoặc rỉ.

Khó tiểu, tiểu đau
Khó tiểu, dòng nước tiểu yếu, tiểu đau, tiểu nhiều lần và thường xuyên hơn khi bị vôi hóa tuyến tiền liệt

Người bệnh sẽ được yêu cầu liệt kê những triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh trong quá trình thăm khám. Để xác định vôi hóa tuyến tiền liệt, kích thước và vị trí của sỏi, người bệnh sẽ được thực hiện một vài xét nghiệm dưới đây:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng.
  • Siêu âm: Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể nhìn thấy một điểm hoặc khối bất thường ở tuyến tiền liệt.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp xác định vị trí và đặc điểm của sỏi tiền liệt tuyến.
  • CT scan: Bệnh nhân thường được CT scan để kiểm tra kỹ lưỡng về tuyến tiền liệt và những bộ phận xung quanh. Đồng thời xác đinh vị trí và kích thước sỏi, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sỏi đến tuyến tiền liệt, niệu đạo và những vùng lân cận.
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt: Một mẫu mô tuyến tiền liệt bất thường được lấy ra thông qua quá trình nội soi. Sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm để phân biệt tình trạng vôi hóa với ung thư tuyến tiền liệt.

Biến chứng và tiên lượng

Vôi hóa tuyến tiền liệt là một tình trạng lành tính, có đáp ứng tốt với điều trị nếu được chữa sớm. Tuy nhiên những nốt vôi hóa lớn và không được xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng dưới đây:

  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nối vôi hóa không được xử lý chèn ép vào đường dẫn nước tiểu. Dòng nước tiểu thu hẹp hoặc bị chặn dẫn đến ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng. Từ đó dẫn đến viêm tuyến tiền liệt kéo dài hoặc thường xuyên tái phát.
  • Ảnh hưởng đến sinh sản: Vôi hóa tuyến tiền liệt xuất hiện đồng thời với viêm làm giảm khả năng sản sinh tinh trùng chất lượng và tinh trùng ít. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Vấn đề ở tiết niệu: Sỏi tiền liệt tuyến thường gây biến chứng viêm tiết niệu và sỏi tiết niệu. Nguyên nhân là do nốt vôi hóa đè lên niệu đạo, nước tiểu không được thải hết dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và hình thành sỏi (những phân tử rắn) trong hệ tiết niệu, đặc biệt là bàng quang.
  • Tổn thương thận: Biến chứng này xảy ra nước tiểu không được thải ra ngoài mà ngược dòng lên thận. Từ đó gây nhiễm trùng và làm tổn thương thận.
  • Biến chứng khác: Sỏi tiền liệt tuyến có thể làm tăng nguy cơ u xơ tuyến tiền liệt (phì đại tiền liệt tuyến) và ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra người bệnh sẽ bị nhiễm trùng máu nếu có nhiễm trùng dai dẳng.

Tổn thương thận
Nhiễm trùng và tổn thương thận xảy ra khi nước tiểu từ bàng quang ngược dòng lên thận

Điều trị

Để điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt, người bệnh được hướng dẫn dùng thuốc và thay đổi lối sống. Nhiều trường hợp khác có thể được trị liệu vật lý hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị tại nhà

Thay đổi lối sống và những biện pháp tại nhà có thể giúp giảm nhẹ những triệu chững của bệnh. Dưới đây là một số hướng dẫn:

  • Hạn chế tiêu thụ những loại thức ăn mặn (chứa nhiều muối), cay, nóng và nhiều gia vị. Những loại thực phẩm này có khả năng kích thích bàng quang và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Uống nhiều nước hơn nếu phải thường xuyên hoạt động thể chất. Biện pháp này giúp thúc đẩy loại bỏ vi khuẩn và các chất dư thừa thông qua dòng nước tiểu. Đồng thời giúp ngăn ngừa mất nước và duy trì sức khỏe.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu, bia và những loại thức uống chứa caffein. Ngoài ra cần tránh thuốc lá và chất kích thích. Những sản phẩm này có thể tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và kích thích phản ứng viêm.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Điều này giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh, giảm những triệu chứng khó chịu.
  • Duy trì hoạt động tình dục thường xuyên để giảm nguy cơ tắc tuyến tiền liệt.

2. Thuốc

Dựa vào tình trạng và nguyên nhân, những loại thuốc dưới đây có thể được thực hiện trong điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt. Cụ thể:

  • Thuốc kháng sinh: Nếu có nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và điều trị viêm tuyến tiền liệt.
  • Tiêm thuốc vào tuyến tiền liệt: Người bệnh có thể được tiêm thuốc vào tuyến tiền liệt để tăng hiệu quả điều trị khi dùng thuốc kháng sinh.
  • Thuốc kháng viêm: Nếu sỏi tiền liệt tuyến liên quan đến viêm, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng viêm. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm, giảm đau nhức và sưng tấy do viêm.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc Acetaminophen thường được chỉ định cho những bệnh nhân có sỏi tiền liệt tuyến gây đau. Thuốc giúp xoa dịu cơn đau hiệu quả. Nếu đau nặng và không đáp ứng với Acetaminophen, những loại thuốc giảm đau mạnh hơn có thể được sử dụng.

Dùng thuốc giảm đau Acetaminophen
Dùng thuốc giảm đau Acetaminophen để làm dịu những cơn đau do sỏi tiền liệt tuyến gây ra

3. Trị liệu vật lý

Thông thường người bệnh sẽ được hướng dẫn massage làm giảm tắc nghẽn hoặc dùng máy siêu âm để tăng tưới máu. Điều này giúp làm thông các ống tuyến, giảm hoặc làm chậm quá trình vôi hóa.

Ngoài ra việc làm thống các ống tuyến còn giúp kháng sinh dễ dàng đi qua và thâm nhập sâu hơn vào những mô tuyến. Từ đó làm tăng hiệu quả và tốc độ điều trị.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân có nốt vôi hóa lớn hoặc điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phương pháp này giúp loại bỏ nốt vôi hóa, làm thông ống tuyến tiền liệt. Từ đó giúp giảm nhanh những triệu chứng của bệnh và ngăn biến chứng.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ vôi hóa tuyến tiền liệt gồm:

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng và ăn nhạt để giảm nguy cơ vôi hóa tuyến tiền liệt

  • Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây tươi và những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Tránh những loại thực phẩm có nhiều gia vị cay nóng và thức ăn quá mặn.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện và điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt hoặc những bệnh lý liên quan.
  • Điều trị tốt những bệnh lý gây vôi hóa tuyến tiền liệt, đặc biệt là những tình trạng nhiễm trùng và viêm tuyến tiền liệt.
  • Duy trì đời sống tình dục an toàn, nên hoạt động tình dục đều đặn. Điều này giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn tuyến tiền liệt và vôi hóa.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước. Biện pháp này giúp thúc đẩy đào thải khoáng chất dư thừa, độc tố và vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và vôi hóa. Ngoài ra uống nhiều nước còn giúp thanh lọc cơ thể và ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Tránh những chất kích thích và thuốc lá.
  • Hạn chế uống nhiều rượu bia.
  • Không nhịn tiểu.
  • Duy trì thói quen hoạt động thể chất. Nên tập thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu 150 phút/ tuần và 30 phút/ ngày. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể, rèn luyện cơ thể, tăng khả năng chống bệnh và nâng cao sức đề kháng. Từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng và vôi hóa tuyến tiền liệt.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phác đồ điều trị cho tình trạng của tôi là gì?

2. Mất bao lâu để những triệu chứng thuyên giảm hoặc mất đi?

3. Phương pháp nào được đề nghị?

4. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu?

5. Khi nào nên phẫu thuật?

6. Rủi ro từ những phương pháp điều trị là gì?

7. Điều gì có thể xảy ra khi trì hoãn điều trị?

8. Tôi nên làm gì để phòng ngừa và ngăn vôi hóa tuyến tiền liệt tiến triển thêm?

Vôi hóa tuyến tiền liệt thường liên quan đến viêm tuyến tiền liệt và một số tình trạng nhiễm trùng khác. Đây là một tình trạng lành tính. Tuy nhiên nốt vôi hóa có thể phát triển lớn, gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm. Vì vậy nam giới cần thăm khám thường xuyên và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.