Bệnh Viêm Vùng Chậu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở cơ quan sinh sản của nữ giới. Bệnh lý này chủ yếu do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Những triệu chứng của bệnh có thể nhẹ và khó nhận biết.

Tổng quan

Bệnh viêm vùng chậu (PID) là thuật ngữ chỉ một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở cơ quan sinh sản nữ, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc/ và buồng trứng.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là bệnh nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng

Bệnh xảy ra khi vi khuẩn âm đạo lây lan đến những cơ quan sinh sản, thường liên quan đến nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) không được điều trị. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra do sự nhân lên của các loại vi khuẩn thông thường.

Nhiều trường hợp bị viêm vùng chậu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên người bệnh có thể nhận thấy đau ở vùng xương chậu hoặc bụng dưới. Việc không phát hiện và điều trị có thể gây sẹo ở vòi trứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn từ âm đạo lây lan lên những cơ quan sinh sản gồm tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Những loại vi khuẩn này thường từ các bệnh lây truyền quan đường tình dục (STI). Trong đó lậu cầu và chlamydia là phổ biến nhất. Chúng lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh.

Viêm vùng chậu cũng có thể phát triển từ những loại vi khuẩn thường thấy ở âm đạo. Khi hàng rào bảo vệ bị đảo lộn, vi khuẩn có thể tăng sinh và nhanh chóng xâm nhập vào đường sinh sản của nữ. Điều này thường xảy ra trong giai đoạn sau sinh, phá thai, sảy thai và trong thời kỳ kinh nguyệt

Trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng vùng chậu là tác dụng phụ của quá trình đặt dụng cụ tử cung (DCTC).

Vi khuẩn từ các bệnh lây truyền quan đường tình dục (STI)
Vi khuẩn từ các bệnh lây truyền quan đường tình dục (STI) như lậu cầu là nguyên nhân chủ yếu

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:

  • Có tiền sử hoặc đang bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), nhất là bệnh lậu và chlamydia
  • Đang hoạt động tình dục và tuổi nhỏ hơn 25
  • Quan hệ tình dục không dùng bao cao su
  • Có nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục với người có nhiều hơn 1 bạn tình
  • Thường xuyên thụt rửa âm đạo. Điều này làm mất cân bằng môi trường vi sinh trong âm đạo, tăng phát triển những loại vi khuẩn có hại
  • Tiền sử viêm vùng chậu
  •  Sinh con
  • Phá thai hoặc sảy thai
  • Phẫu thuật khung xương chậu
  • Đã thắt ống dẫn trứng
  • Sinh thiết nội mạc tử cung hoặc sử dụng dụng cụ tử cung
  • Viêm ruột thừa. Vi khuẩn có thể lây lan từ ruột thừa đến vùng chậu.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm vùng chậu thường gây triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, triệu chứng xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, thường bao gồm:

  • Đau bụng dưới, cơn đau có thể nhẹ, vừa hoặc dữ dội
  • Đau ở vùng bụng trên
  • Đi tiểu đau hoặc nóng rát
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc khó khăn khi đi tiểu
  • Sốt
  • Quan hệ tình dục đau
  • Chảy máu bất thường
  • Mệt
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có mùi hôi, màu vàng hoặc màu xanh
  • Buồn nôn và nôn
  • Kinh nguyệt không đều
  • Có đốm máu hoặc chuột rút trong suốt tháng.

Đau bụng dưới
Đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục và đi tiểu, dịch tiết âm đạo bất thường, có mùi hôi

Bệnh viêm vùng chậu được chẩn đoán bằng cách khám vùng chậu, kiểm tra triệu chứng, bệnh sử (đặc biệt là bệnh lây qua đường tình dục) và xét nghiệm. Trong đó những xét nghiệm có thể giúp xác định chẩn đoán. Cụ thể:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục và những dạng nhiễm trùng khác.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này có thể giúp loại bỏ những nguyên nhân có thể gây đau vùng chậu như viêm đường tiết niệu.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh rõ ràng về hệ thống sinh sản. Từ đó giúp kiểm tra bất kỳ tổn thương nào và vị trí bị ảnh hưởng.
  • Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Xét nghiệm này thường bao gồm xét nghiệm PCR chẩn đoán lậu, PCR tầm soát bệnh Chlamydia, VDRL/TPHA chẩn đoán bệnh giang mai, kháng thể/ kháng nguyên P24 chẩn đoán HIV... Những xét nghiệm này giúp xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng vùng chậu
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Một mẫu mô nhỏ từ niêm mạc tử cung được lấy ra để kiểm tra. Điều này có thể giúp phát hiện những tổn thương ác tính.
  • Nội soi ổ bụng: Đôi khi bệnh nhân được nội soi ổ bụng để quan sát kỹ hơn về những cơ quan sinh sản. Trong đó ống nội soi sẽ được đưa vào một vết rạch nhỏ trong khung chậu để quan sát.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm vùng chậu cần được điều trị sớm. Khi để lâu, bệnh lý này có thể gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Trong đó viêm vùng chậu để lại sẹo trong ống dẫn trứng và gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Áp xe buồng trứng
  • Vô sinh
  • Mang thai ngoài tử cung

Điều trị

Cần dùng kháng sinh để điều trị viêm vùng chậu. Nếu có biến chứng, phẫu thuật có thể cần thiết.

1. Kháng sinh

Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh kết hợp để điều trị ban đầu cho viêm vùng chậu. Thuốc này thường được dùng bằng đường uống, điều trị kéo dài ít nhất 14 ngày.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, đơn thuốc kháng sinh có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn với nguyên nhân. Từ đó tăng hiệu quả điều trị nhiễm trùng.

Sử dụng đơn thuốc kháng sinh kết hợp để điều trị viêm vùng chậu
Sử dụng đơn thuốc kháng sinh kết hợp để điều trị viêm vùng chậu, giảm nhanh triệu chứng

Trong vài ngày đầu điều trị, những triệu chứng có thể thuyên giảm đáng kể hoặc biến mất, người bệnh cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên kháng sinh cần được dùng cho đến khi hết thuốc để phòng ngừa vi khuẩn kháng thuốc hoặc quay trở lại.

Nếu đang mang thai hoặc bị bệnh, không thể nuốt thuốc hoặc bị áp xe (tụ mủ), người bệnh sẽ được điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân được dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch sau đó là thuốc uống.

Lưu ý:

  • Điều trị đồng thời cho đối tác nhằm ngăn ngừa tái nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi điều trị xong.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ cần thiết khi:

  • Viêm vùng chậu có biến chứng áp xe buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, áp xe vỡ hoặc có nguy cơ bị vỡ
  • Không đáp ứng khi điều trị bằng kháng sinh.

Trong đó bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu áp xe, ngăn nhiễm trùng lây lan dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu và nhiều biến chứng khác.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ viêm vùng chậu gồm:

Luôn dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
Ngăn nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) bằng cách luôn dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục

  • Quan hệ tình dục an toàn để ngăn nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI)
    • Hạn chế số lượng bạn tình
    • Không quan hệ với người có nhiều bạn tình
    • Luôn dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
  • Không thụt rửa âm đạo để tránh làm đảo lộn sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo.
  • Giữ cho vùng kín sạch sẽ và khô thoáng.
  • Lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
  • Lựa chọn phương pháp ngừa thai có rào cản. Chẳng hạn như màng ngăn và bao cao su. Nên dùng phương pháp rào cản ngay cả khi uống thuốc tránh thai.
  • Khám phụ khoa định kỳ. Điều này giúp phát hiện và điều trị nhiễm trùng âm đạo hoặc cổ tử cung trước khi nhiễm trùng lây lan sang những cơ quan sinh sản.
  • Khi có nghi ngờ bị viêm vùng chậu hay nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, hãy nhanh chóng thăm khám và sớm có những bước điều trị.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Đây có phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục không?

2. Tôi cần thực hiện những loại xét nghiệm nào?

3. Phác đồ điều trị như thế nào?

4. Kháng sinh cần được dùng kéo dài bao lâu?

5. Bạn tình của tôi có cần được xét nghiệm và điều trị không?

6. Tôi có cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi điều trị xong không?

7. Bệnh lý này có ảnh hưởng đến khả năng mang thai của tôi không?

8. Tôi có cần quay lại để tái khám không?

Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Việc trì hoàn càng lâu càng khiến bệnh thêm nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho nữ giới. Vì thế mà người bệnh nên khám ngay khi có dấu hiệu và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.