Bệnh Viêm Trực Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm trực tràng thường là kết quả của nhiễm trùng và một số bệnh lý. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng đau trực tràng, muốn đi tiêu liên tục, tiêu chảy, chảy máu và tiết dịch. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng, ngắn hạn hoặc kéo dài.

Tổng quan

Viêm trực tràng là tình trạng viêm xảy ra ở mô niêm mạc bên trong trực tràng. Đây là một ống cơ, nối phần cuối cùng của ruột già với hậu môn.

Viêm trực tràng
Viêm trực tràng là tình trạng viêm và kích ứng ở trực tràng do nhiều nguyên nhân

Những người có bệnh lý này thường có nhu cầu đi tiêu liên tục, tiêu chảy, đau trực tràng, tiết dịch hoặc/ và chảy máu. Những triệu chứng có thể nhẹ và ngắn hạn hoặc nặng và kéo dài.

Viêm trực tràng thường liên quan đến bệnh viêm ruột. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của xạ trị và một số tình trạng nhiễm trùng khác.

Phân loại

Bệnh viêm trực tràng được phân thành cấp tính và mãn tính.

  • Cấp tính: Đây là tình trạng viêm xảy ra đột ngột và tạm thời.
  • Mãn tính: Bệnh viêm trực tràng thể mãn tính có những triệu chứng kéo dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm trực tràng thường bao gồm:

  • Bệnh viêm ruột (IBD)

Bệnh viêm trực tràng thường liên quan đến bệnh viêm ruột (chiếm 30% trường hợp). Điều này có thể gặp ở những người bị viêm loét đại tràng hoặc mắc bệnh Crohn.

Bệnh viêm ruột (IBD)
Bệnh viêm ruột (IBD) là nguyên nhân gây tổn thương và viêm trực tràng thường gặp

  • Nhiễm trùng

Bệnh thường xảy ra ở những người bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Chẳng hạn như chlamydia, mụn rộp sinh dục và bệnh lậu. Khi giao hợp qua đường hậu môn, vi khuẩn gây STI lây lan, gây viêm hoặc kích ứng ở trực tràng.

Một số người có niêm mạc trực tràng bị viêm do nhiễm trùng đường tiêu hóa. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể lây lan và ảnh hưởng đến trực tràng. Chẳng hạn như nhiễm khuẩn campylobacter, salmonella và shigella.

  • Xạ trị ung thư

Tia xạ hướng vào trực tràng hoặc những khu vực lân cận có thể gây kích ứng và viêm ở trực tràng. Tình trạng này được gọi là viêm trực tràng do phóng xạ.

Bệnh thường bắt đầu trong thời gian xạ trị, kéo dài sau điều trị vài tháng. Tuy nhiên viêm cũng có thể xảy ra sau điều trị vài năm.

  • Rối loạn tiêu hóa tăng bạch cầu ái toan (EGID)

Bệnh xảy ra khi nêm mạc trực tràng có sự tích tụ của những tế bào bạch cầu ái toan. Những tế bào bạch cầu kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng viêm. Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến trẻ em dưới 2 tuổi.

  • Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân ít gặp hơn:

    • Trẻ sơ sinh dị ứng protein thực phẩm. Viêm xảy ra khi trẻ sơ sinh dùng sữa công thức từ đậu nành hoặc uống sữa bò
    • Thuốc kháng sinh. Vi khuẩn Clostridium difficile có thể phát triển trong trực tràng sau vài ngày dùng thuốc kháng sinh
    • Phẫu thuật cắt bỏ hậu môn hoặc hồi tràng để phân được chuyển ra khỏi trực tràng
    • Hội chứng thiếu máu cục bộ đường ruột
    • Chấn thương hậu môn trực tràng do dị vật hoặc hóa chất, quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
    • Viêm trực tràng tự phát. Những trường hợp này không tìm thấy nguyên nhân trực tiếp gây viêm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh viêm trực tràng gồm:

  • Có cảm giác muốn đi tiêu thường xuyên
  • Tiêu chảy hoặc phân rất lỏng
  • Mót rặn do kích ứng niêm mạc trực tràng và trực tràng
  • Chuột rút và co thắt không tự nguyện trong quá trình đi tiêu
  • Đau ở trực tràng, hậu môn hoặc vùng bụng
  • Đau ở bên trái của bụng
  • Có cảm giác đầy trong trực tràng
  • Đau khi đi tiêu
  • Chảy máu từ trực tràng

Có cảm giác muốn đi tiêu thường xuyên
Viêm trực tràng tạo cảm giác muốn đi tiêu thường xuyên, tiêu chảy hoặc/ và mót rặn

Kiểm tra triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh có thể nhận biết viêm trực tràng. Tuy nhiên để tìm kiếm nguyên nhân và chẩn đoán xác định, bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm dưới đây:

  • Soi trực tràng: Hầu hết bệnh nhân được soi trực tràng. Trong đó một ống sáng có gắn camera được đưa qua hậu môn vào trực tràng. Điều này giúp quan sát trực tràng, phát hiện dấu hiệu viêm và những vị trí tổn thương.
  • Xét nghiệm phân: Bệnh nhân được kiểm tra phân để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng. Xét nghiệm này cũng giúp tìm kiếm tế bào máu trong phân và lượng bạch cầu dư thừa.
  • Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu tìm kháng thể được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán. Điều này giúp phát hiện nhiễm trùng. Đồng thời chỉ ra tình trạng dư thừa bạch cầu hoặc mất máu.
  • Soi đại tràng sigma: Ống nội soi đại tràng sigma được dùng để kiểm tra phần cuối của đại tràng và trực tràng (đại tràng sigma). Điều này có thể giúp phát hiện tình nhiễm trùng đường ruột hoặc bệnh viêm ruột.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết trường hợp viêm trực tràng có đáp ứng tốt với điều trị. Những trường hợp cấp tính có thể khỏi trong vòng 4 - 8 tuần ở người lớn và vài tháng nếu xảy ra ở trẻ sơ sinh.

Ở những trường hợp mãn tính do bệnh viêm ruột, các triệu chứng có thể tái phát nhiều lần hoặc xảy ra kéo dài. Tình trạng này thường được dùng thuốc chống viêm để ngăn những đợt bùng phát.

Khi không được điều trị hoặc bị viêm trực tràng mãn tính, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp những biến chứng dưới đây:

  • Thiếu máu
  • Áp xe
  • Loét. Vết loét hở hình thành ở lớp lót bên trong trực tràng
  • Lỗ trò
  • Ung thư trực tràng.

Điều trị

Mục tiêu điều trị viêm trực tràng là giảm viêm, giảm nhiễm trùng và kiểm soát những triệu chứng của bệnh. Dựa vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân, những phương pháp dưới đây có thể được chỉ định:

1. Thuốc

Để điều trị viêm và giảm triệu chứng, những loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng:

Thuốc kháng sinh
Bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng sinh khi trực tràng bị viêm do nhiễm trùng

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng cho những bệnh nhân bị viêm trực tràng do nhiễm trùng.
  • Thuốc chống nấm: Nếu bị nhiễm nấm, thuốc chống nấm sẽ được sử dụng để loại bỏ những loại nấm gây bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Thuốc kháng virus: Trong trường hợp viêm trực tràng do nhiễm virus (điển hình như virus herpes) người bệnh được kê đơn thuốc chứa acyclovir hoặc một loại thuốc kháng virus khác.
  • Thuốc chống viêm: Corticosteroid hoặc một loại thuốc kháng viêm khác được dùng để giảm đau và viêm. Đây là thuốc chống viêm mạnh, mang đến hiệu quả nhanh chóng.
  • Thuốc sinh học và thuốc ức chế miễn dịch: Những loại thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm trực tràng do bệnh Crohn hoặc một tình trạng tự miễn khác.
  • Thuốc Mesalamine: Mesalamine hoặc một loại thuốc tương tự được dùng để giảm chảy máu và kiểm soát tình trạng viêm. Thuốc này có thể được dùng ở dạng viên nén, thuốc xổ hoặc thuốc đạn.
  • Chất làm mềm và giãn nở phân: Nếu khó đi ngoài hoặc bị mót rặn, bệnh nhân được dùng chất làm mềm và giãn nở phân. Thuốc này giúp phân di chuyển dễ dàng và giảm bớt cảm giác khó chịu.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Đau do viêm trực tràng có thể thuyên giảm khi áp dụng những biện pháp dưới đây:

+ Thay đổi chế độ ăn

Một số lưu ý trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm đau do viêm trực tràng. Cụ thể:

  • Thực hiện một chế độ ăn nhạt, lỏng và mềm. Tránh những loại thực phẩm cay nóng, béo và chua khi bị tiêu chảy.
  • Nếu không dung nạp với sữa, cần cắt giảm những loại thực phẩm từ sữa.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để giảm nguy cơ mất nước do đi phân lỏng thường xuyên. Tuy nhiên cần tránh những loại đồ uống có ga hoặc chứa caffein. Bởi những loại đồ uống này có khả năng gây kích ứng hệ tiêu hóa và làm nặng hơn những triệu chứng.

+ Ngâm mông trong nước ấm

Thường xuyên ngâm mông trong nước ấm có thể giúp giảm đau. Nhiệt độ cao giúp các cơ vùng chậu được thư giãn, giảm đau và khó chịu do viêm.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Viêm trực tràng tái lại nhiều lần
  • Viêm do bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm và lở trong đường tiêu hóa
  • Điều trị bằng thuốc không giúp những triệu chứng và dấu hiệu thuyên giảm.

Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần hư hỏng ở đường tiêu hóa.

Phẫu thuật loại bỏ phần hư hỏng khi viêm trực tràng tái lại nhiều lầ
Phẫu thuật loại bỏ phần hư hỏng khi viêm trực tràng tái lại nhiều lần, điều trị bằng thuốc không hiệu quả

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ viêm trực tràng, hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Tránh quan hệ tình dục qua đường hậu môn và không hoạt động tình dục quá thô bạo. Bởi điều này có thể làm tổn thương và gây viêm nhiễm ở trực tràng.
  • Tuân thủ biện pháp xử lý thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi và thận trọng với thực phẩm trước khi ăn. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến viêm trực tràng.
  • Phòng ngừa chấn thương trực tràng, không đưa dị vật hoặc hóa chất qua hậu môn.
  • Thận trọng và tuân thủ quy định khi dùng thuốc kháng sinh.
  • Cắt giảm những loại thực phẩm từ sữa nếu không dung nạp với đường sữa.
  • Ngăn ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) bằng cách:
    • Quan hệ với 1 bạn tình không bị nhiễm bệnh.
    • Dùng bao cao su khi quan hệ. Đặc biệt là khi quan hệ với những người có tiền sử tình dục không rõ ràng hoặc có tiền sử bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
    • Không quan hệ với những người có nguy cơ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, tiết dịch bất thường hoặc có vết loét ở vùng sinh dục.
    • Nếu bị STI, cần ngừng quan hệ tình dục cho đến khi điều trị xong.

Dùng bao cao su
Dùng bao cao su để ngăn ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn đến viêm trực tràng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Lựa chọn điều trị của tôi là gì?

2. Quy trình điều trị kéo dài trong bao lâu?

3. Có những điều gì cần hạn chế khi điều trị?

4. Khi nào cần phẫu thuật?

5. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Lợi ích và rủi ro là gì?

6. Tôi cần làm gì để ngăn viêm trực tràng tái phát?

7. Biến chứng nào có thể xảy ra khi bị viêm trực tràng?

Bệnh viêm trực tràng xảy ra do nhiều nguyên. Hầu hết liên quan đến viêm đường ruột, nhiễm trùng lây truyền lây qua đường tình dục và một số bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh thường có đáp ứng với điều trị. Những trường hợp không điều trị có thể gặp biến chứng. Do đó người bệnh cần sớm gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.