Bệnh Viêm Trợt Hang Vị Dạ Dày

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm trợt hang vị dạ dày thường là kết quả của viêm hang vị không được điều trị. Bệnh xảy ra khi có những vết xước nhẹ ở niêm mạc của lớp lót trong hang vị. Mức độ tổn thương tăng dần theo thời gian và gây ra những triệu chứng khó chịu.

Tổng quan

Viêm trợt hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc lớp lót trong hang vị dạ dày có những vết xước nhẹ. Tổn thương này có thể ở dạng viêm trợt lồi, xung huyết hoặc phù nề xung huyết.

Viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày xảy ra khi niêm mạc lớp lót trong hang vị dạ dày có những vết xước nhẹ

Hang vị là phần cuối cùng của dạ dày, nằm ngang, nối tiếp giữa dạ dày và tá tràng. Bộ phận này có chức năng chứa lượng thực phẩm do cơ thể dung nạp.

So với những phần khác của dạ dày, hang vị dễ vị viêm hơn. Khi không được điều trị, tình trạng viêm có thể dẫn đến viêm trợt hang vị dạ dày. Điều này thường kèm theo những cơn đau ở vùng thượng vị và rốn, khó tiêu, buồn nôn, có cảm giác nóng rát và nhiều triệu chứng khó chịu khác.

Phân loại

Dựa trên mức độ tổn thương, viêm trợt hang vị dạ dày được phân thành 3 dạng, bao gồm:

  • Viêm trợt xung huyết: Tình trạng này xảy ra khi niêm mạc lớp lót trong hang vị dạ dày có những vết xước và những mạch máu giãn nở. Khi nội soi kiểm tra có thể nhìn thấy những vết trợt rướm máu và sưng lên.
  • Viêm trợt lồi: Trên niêm mạc lớp lót trong hang vị, những vết trợt lồi lên trên. Tình trạng này tạo điều kiện cho dịch vị dạ dày và thức ăn bám vào vết trợt. Từ đó khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Viêm trợt phù nề xung huyết: So với những dạng viêm trợt hang vị khác, viêm trợt phù nề xung huyết có mức độ nguy hiểm cao hơn. Trong đó người bệnh có những tổn thương ở dạng nhiễm trùng, phù nề, xung huyết và ứa máu. Viêm trợt phù nề xung huyết có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Tuy nhiên những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Viêm trợt phù nề xung huyết
Viêm trợt phù nề xung huyết gây ra những tổn thương nhiễm trùng, phù nề, xung huyết và ứa máu

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm trợt hang vị dạ dày xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Căng thẳng tâm lý

Stress, căng thẳng thẳng tâm lý quá mức có thể dẫn đến viêm trợt hang vị dạ dày. Bởi căng thẳng và lo lắng kéo dài làm tăng tiết acid dịch vị dạ dày. Từ đó làm tổn thương niêm mạc, hình thành những vết viêm trợt ở niêm mạc lớp lót trong dạ dày.

  • Thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc khiến hang vị dạ dày trở nên nhạy cảm hơn, đau và viêm loét. Bởi việc sử dụng kéo dài làm hao mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc, tăng nguy cơ tổn thương.

Tình trạng này thường gặp ở những người lạm dụng hoặc dùng dài ngày đối với những loại thuốc sau:

    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc kháng viêm, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
    • Corticosteroid đường uống.
  • Vi khuẩn Helicobacter Pylori

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là một loại vi khuẩn sinh sống trong dạ dày người. Vi khuẩn này tiết ra một loại enzyme được gọi là Urease, giúp trung hòa độ acid trong dạ dày.

Vi khuẩn HP gây viêm hang vị, viêm dạ dày mạn tính. Đồng thời là nguyên nhân chính của ung thư dạ dày, loét dạ dày - tá tràng và viêm trợt hang vị.

Sau khi xâm nhập vào niêm mạc dạ dày, Helicobacter Pylori nhanh chóng tạo ra những chất trung hòa axit dạ dày. Điều này làm tăng mức độ nhạy cảm và khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn.

Cùng với axit dạ dày, vi khuẩn Helicobacter Pylori kích thích niêm mạc hang vị dạ dày dẫn đến viêm loét. Những người có tình trạng này thường gặp những triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài.

Vi khuẩn Helicobacter Pylori
Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm trợt hang vị dạ dày

  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt

Những thói quen xấu trong chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ viêm trợt hang vị dạ dày. Cụ thể như:

    • Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không đúng giờ
    • Ăn quá no
    • Tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính axit và cay nóng
    • Uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá
    • Uống nhiều cà phê và trà đặc.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của viêm trợt hang vị dạ dày gồm:

  • Đau vùng thượng vị
    • Cơn đau xuất hiện trên rốn
    • Đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội
    • Cơn đau thường khởi phát khi thời tiết lạnh.
  • Ợ hơi
  • Ợ chua
  • Có cảm giác nóng rát ở bụng
  • Ăn uống khó tiêu
  • Buồn nôn và nôn
  • Sút cân

Người bệnh sẽ được hỏi về những triệu chứng khi thăm khám. Ngoài ra bác sĩ có thể ấn nhẹ để tìm vị trí đau và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Để chẩn đoán xác định, một số xét nghiệm dưới đây sẽ được chỉ định:

  • Xét nghiệm hơi thở: Để loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter Pylori, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra hơi thở. Trong xét nghiệm này, bệnh nhân được hướng dẫn uống một loại chất lỏng đặc biệt, sau đó thở vào một chiếc túi. Những người bị nhiễm trùng Helicobacter Pylori sẽ có mẫu hơi thở chứa hàm lượng carbon dioxide cao hơn mức bình thường.
  • Nội soi: Trong khi nội soi, bác sĩ sử dụng ống mỏng, có đèn và camera đưa qua miệng vào dạ dày và tá tràng. Biện pháp này giúp bác sĩ dễ dàng quan sát bên trong, tìm kiếm tổn thương và xác định vị trí bị ảnh hưởng.
  • Tia X: Người bệnh được yêu cầu nuốt barium (chất lỏng màu trắng đặc). Chất lỏng này bao phủ đường tiêu hóa trên, giúp tăng độ rõ nét khi chụp dạ dày và ruột non bằng tia X.
  • Sinh thiết nội soi: Bệnh nhân có thể được sinh thiết nội soi nếu có nghi ngờ bệnh lý ác tính. Trong đó mảnh mô dạ dày hoặc hang vị dạ dày được lấy ra và phân tích trong phòng thí nghiệm.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm trợt hang vị dạ dày được điều trị bằng nhiều phương pháp. Khi được điều trị sớm, tổn thương nhanh chóng lành lại, ngăn ngừa biến chứng trong tương lai.

Khi không được phát hiện và điều trị sớm, tổn thương do viêm trợt hang vị dạ dày có xu hướng tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Ngoài ra bệnh lý này còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Xuất huyết đường tiêu hóa
  • Thủng dạ dày - tá tràng
  • Ung thư dạ dày và tử vong.

Xuất huyết đường tiêu hóa
Xuất huyết đường tiêu hóa là biến chứng thường gặp của những bệnh nhân bị viêm trợt hang vị

Điều trị

Viêm trợt hang vị dạ dày thường có đáp ứng tốt khi dùng thuốc. Tuy nhiên những trường hợp nặng hoặc có biến chứng có thể cần phải can thiệp ngoại khoa.

1. Thuốc

Ở những trường hợp bị viêm trợt hang vị không biến chứng, người bệnh sẽ được chỉ định những loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi vi khuẩn Helicobacter Pylori được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Trong đó người bệnh được chỉ định một số loại kháng sinh kết hợp để ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn. Những kháng sinh thường được sử dụng gồm Amoxicillin, Metronidazole, Clarithromycin, Tetracycline.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Hầu hết trường hợp được chỉ định thuốc ức chế bơm proton (PPI) để điều trị viêm trợt hang vị dạ dày. Thuốc này có tác dụng giảm axit dạ dày, bảo vệ niêm mạc. Từ đó tạo điều kiện cho quá trình chữa lành. Omeprazole, Pantoprazole, Dexlansoprazole, Lansoprazole... là những loại thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng.
  • Thuốc kháng axit: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng axit để trung hòa lượng axit trong dạ dày. Thuốc này có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét và giảm bớt các triệu chứng.
  • Thuốc ức chế thụ thể histamine (thuốc chẹn H2): Đôi khi thuốc ức chế thụ thể histamine (thuốc chẹn H2) được dùng để giảm lượng axit dạ dày. Thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động sản xuất histamin của những hóa chất bảo vệ cơ thể.
  • Bismuth Subsalicylat: Bismuth Subsalicylat có thể được kê vào đơn thuốc điều trị viêm trợt hang vị dạ dày. Thuốc này có tác dụng bao phủ và bảo vệ vết trợt (loét) khỏi axit dạ dày. Từ đó tạo điều kiện cho tổn thương lành lại nhanh chóng.

Thuốc Bismuth Subsalicylat
Thuốc Bismuth Subsalicylat giúp bao phủ và bảo vệ vết trợt trong hang vị khỏi axit dạ dày

2. Điều chỉnh chế đô ăn uống

Những trường hợp viêm trợt hang vị dạ dày cần điều chỉnh chế độ ăn uống. Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng làm trầm trọng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc ảnh hưởng đến quá trình chữa lành vết thương.

Dưới đây là một số lưu ý:

  • Tránh rượu và caffein trong quá trình điều trị.
  • Cân bằng thực phẩm có tính axit cao. Bao gồm: Những sản phẩm từ sữa và thịt, ngũ cốc, trái cây, rau quả và những loại thực phẩm có tính kiềm khác.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn uống, tránh ăn quá no. Chia những bữa ăn lớn thành 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày để giúp tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
  • Uống đủ nước.
  • Nếu thường xuyên khó chịu, đau bụng và ăn uống khó tiêu, hãy tiêu thụ những loại thực phẩm dễ chịu đối với dạ dày, chẳng hạn như cơm, thịt gà, đồ ăn luộc... Ngoài ra người bệnh nên ăn thực phẩm lỏng như súp, cháo để giảm bớt cảm giác khó chịu và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.

3. Can thiệp ngoại khoa

Hầu hết trường hợp điều trị thành công bằng thuốc. Tuy nhiên một số người bị viêm trợt hang vị dạ dày kéo dài và phức tạp. Những trường hợp này có thể được chỉ định phẫu thuật.

Ngoài ra phẫu thuật cũng được chỉ định cho những bệnh nhân đã có biến chứng, bao gồm chảy máu (xuất huyết đường tiêu hóa), thủng dạ dày hoặc thành ruột, phát triển ung thư.

Dựa trên mức độ nghiêm trọng, một trong những lựa chọn dưới đây có thể được thực hiện:

  • Phẫu thuật sửa chữa vết thủng
  • Cắt bỏ vết loét ác tính
  • Phẫu thuật cắt đứt một số dây thần kinh báo hiệu dạ dày sản xuất axit dạ dày. Phương pháp này chi được thực hiện cho những trường hợp viêm loét tái phát nhiều lần.

Phòng ngừa

Những bước dưới đây có thể giúp phòng ngừa viêm trợt hang vị dạ dày hiệu quả:

Tránh rượu
Tránh rượu để không tạo nhiều axit dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày cũng như hang vị

  • Tránh thuốc lá, rượu và những chất kích thích khác. Những chất này có thể góp phần tạo nhiều axit dạ dày, tăng mức độ ăn mòn niêm mạc dạ dày và hang vị. Từ đó gây viêm trợt hang vị và khiến bệnh lý này trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Giảm sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc những loại thuốc có khả năng gây viêm trợt hang vị. Những loại thuốc này cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ dùng khi cần thiết.
  • Thường xuyên kiểm tra vi khuẩn HP. Nếu vi khuẩn phát triển quá mức, hãy tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP bằng cách không dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc ăn chung thức ăn với người bị nhiễm bệnh.
  • Ăn uống điều độ và đúng giờ. Nên ăn những loại thực phẩm lành mạnh và có nguồn dinh dưỡng dồi dào. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid, vitamin, các loại vitamin và trái cây.
  • Nên chế biến thức ăn ở dạng lỏng, nhiều nước, mềm, dễ tiêu hóa.
  • Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm cay nóng, thức ăn nhiều gia vị, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ và chất béo. Những loại thực phẩm này có thể gây kích ứng hang vị dạ dày, gây khó tiêu và đầy bụng.
  • Không nên ăn nhiều thực phẩm có tính axit như các loại trái cây có nhiều vị chua. Điều này có thể làm tăng tiết dịch vị.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị viêm trợt hang vị dạ dày do đâu?

2. Phương pháp điều trị nào phù hợp với tình trạng hiện tại?

3. Biện pháp chăm sóc nào giúp giảm nhẹ triệu chứng?

4. Mất bao lâu để điều trị khỏi?

5. Tôi có cần thay đổi chế độ ăn uống không?

6. Tôi cần kiêng những gì khi điều trị?

7. Những biến chứng nào có thể xảy ra?

Bệnh viêm trợt hang vị dạ dày liên quan đến vi khuẩn Helicobacter Pylori, một số loại thuốc và các nguyên nhân khác. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, hiếm khi phẫu thuật. Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và điều trị sớm để nhanh chữa lành và ngăn biến chứng.