Viêm Sụn Sườn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm sụn sườn còn được gọi là chứng đau sụn sườn và hội chứng đau thành ngực. Bệnh xảy ra khi sụn nối xương sườn và xương ức bị viêm. Điều này dẫn đến những cơn đau ngực dữ dội, tương tự như đau tim.

Tổng quan

Viêm sụn sườn là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm (sưng) sụn nối xương sườn và xương ức - các sụn tạo ra khớp sườn. Tình trạng này gây ra những cơn đau nhói hoặc nhức nhói, có thể phát triển từ từ hoặc bắt đầu đột ngột và lan rộng khắp ngực.

Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn là tình trạng viêm (sưng) sụn nối xương sườn và xương ức, dẫn đến đau nhói nghiêm trọng

Đau do viêm sụn sườn thường bị nhầm lẫn với những cơn đau tim. Tuy nhiên tình trạng này không gây tử vong và được điều trị bằng nhiều phương pháp.

Khoảng 90% bệnh nhân bị đau nhiều xương sườn cùng một bên, thường ảnh hưởng đến xương sườn thứ 2 đến thứ 5. Viêm sụn sườn phổ biến ở người lớn trên 40 tuổi và thanh thiếu nhiên từ 12 đến 14 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm sụn sườn thường không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên tình trạng này có thể được kích hoạt nếu có một hoặc nhiều vấn đề dưới đây:

  • Chấn thương ở ngực. Chẳng hạn như ngã hoặc có tác động cùn từ tai nạn xe hơi
  • Một số bệnh lý liên quan đến hô hấp hoặc nhiễm virus như bệnh lao
  • Ho dữ dội hoặc quá mạnh
  • Cẳng thẳng về thể chất, điển hình như nâng vật nặng, tập thể dục vất vả hoặc quá nhiều
  • Bị nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Sử dụng cánh tay quá nhiều
  • Cố gắng thực hiện một số hoạt động như vớt tay lên vị trí quá cao hoặc di chuyển đồ đạc
  • Những tình trạng có thể ảnh hưởng đến sụn như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp và viêm cột sống dính khớp
  • Trải qua phẫu thuật ảnh hưởng đến thành ngực, chẳng hạn như phẫu thuật bắt cầu tim
  • Có khối u trong ngực (hiếm gặp)

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:

  • Thường xuyên tham gia vào những hoạt động có tác động cao
  • Dị ứng
  • Thường xuyên tiếp xúc với chất kích thích
  • Phụ nữ
  • Người lớn trên 40 tuổi và thanh thiếu nhiên từ 12 đến 14 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị viêm sụn sườn, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Đau ngực vùng trên và giữa xương sườn ở hai bên xương ức
  • Đau và nhức nhói đột ngột hoặc phát triển từ từ, cuối cùng lan rộng khắp vùng ngực
  • Đau trở nên tồi tệ hơn khi nằm, có áp lực lên ngực, ho, hít thở sâu, hoạt động thể chất hoặc thực hiện bất kỳ chuyển động nào của thành ngực
  • Cơn đau sắc nét hoặc tương tự như có áp lực
  • Đau có thể lan tỏa ra vai và cánh tay.

Những triệu chứng thường ảnh hưởng nhiều hơn một xương sườn và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.

Đau ngực vùng trên và giữa xương sườn ở hai bên xương ức
Viêm sụn sườn gây đau ngực vùng trên và giữa xương sườn ở hai bên xương ức

Không có xét nghiệm riêng biệt đối với viêm sụn sườn. Thông thường người bệnh sẽ được kiểm tra tiền sử y tế và các triệu chứng. Điều này giúp xác định vị trí, mức độ và những hoạt động có thể gây đau.

Sau kiểm tra lâm sàng, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm để loại bỏ các nguyên nhân có thể gây đau khác. Những xét nghiệm thường được sử dụng gồm:

  • Kiểm tra thể chất: Di chuyển cánh tay hoặc khung xương sườn theo những cách khác nhau để kích hoạt các triệu chứng. Điều này có thể giúp phát hiện nguyên nhân gây đau.
  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang ngực để đảm bảo rằng xương không bị gãy và phổi không có gì bất thường.
  • Đo điện tâm đồ (ECG): Bệnh nhân được yêu cầu đo điện tâm đồ để đảm bảo nguyên nhân gây đau ngực không liên quan đến tim.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm khớp sụn sườn thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên cơn đau có thể kéo dài vài tháng và quay trở lại sau khi đã điều trị khỏi. Khi không được kiểm soát, cơn đau có thể gây mất ngủ, lo lắng kéo dài và tăng nguy cơ trầm cảm.

Điều trị

Điều trị viêm sụn sườn thường bao gồm thuốc và những phương pháp trị liệu. Đôi khi thuốc tiêm chống viêm được đề nghị cho những trường hợp nặng.

1. Thuốc

Một số loại thuốc được kê đơn để giảm bớt các triệu chứng của viêm sụn sườn. Thông thường loại thuốc cụ thể sẽ được chỉ định dựa trên mức độ đau, bao gồm:

  • Acetaminophen: Acetaminophen mang đến hiệu quả giảm đau cho những cơn đau nhẹ và giúp hạ sốt. Thuốc này thường được sử dụng khi cơn đau mới phát.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID không kê đơn như Ibuprofen được chỉ định cho tình trạng viêm và đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc có tác dụng ngăn viêm, hạ sốt và giảm đau. Nếu đau nặng hơn, thuốc chống viêm không steroid được dùng với một phiên bản mạnh hơn và theo toa.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid): Tramadol là loại thuốc giảm đau gây nghiện thường được sử dụng. Thuốc này có tác dụng giảm nhẹ cho những cơn đau nặng. Tramadol thường được dùng kết hợp với Paracetamol, dùng liều thấp có tác dụng và sử dụng ngắn hạn.
  • Thuốc chống động kinh: Bác sĩ thường chỉ định thuốc động kinh gabapentin cho những trường hợp có cơn đau mãn tính. Thuốc này có khả năng kiểm soát nhanh cơn đau liên quan đến viêm sụn sườn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (chẳng hạn như Amitriptyline) được chỉ định cho những bệnh nhân có cơn đau gây mất ngủ. Thuốc này có tác dụng an thần, kiểm soát đau mãn tính và ngăn cơn đau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Kháng sinh: Bệnh nhân được dùng kháng sinh nếu viêm sụn sườn xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm. Liều đầu tiên thường bao gồm kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Sau đó tiếp tục tiêm tĩnh mạch hoặc dùng kháng sinh đường uống trong 2 - 3 tuần.
  • Tiêm steroid: Nếu điều trị không hiệu quả, bệnh nhân được tiêm Corticosteroid và thuốc tê trực tiếp vào khớp bị đau. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm và giảm đau nhanh chóng.

Tiêm Corticosteroid và thuốc tê trực tiếp vào khớp bị đau
Tiêm Corticosteroid và thuốc tê trực tiếp vào khớp bị đau để trị viêm và làm dịu cơn đau

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu điều trị viêm sụn sườn thường gồm các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng cho cơ ngực. Những bài tập này có tác dụng giảm đau, tăng cường cơ ngực và phục hồi chức năng vận động.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh được chỉ định kích thích dây thần kinh bằng điện xuyên da (TENS). TENS sử dụng một thiết bị nhỏ cung cấp dòng điện yếu thông qua những miếng dán trên da. Điều này giúp che dấu hoặc làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu đau đến não. Từ đó điều trị đau hiệu quả

3. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp tự chăm sóc có thể giúp bạn giảm đau tại nhà và tăng hiệu quả điều trị viêm sụn sườn. Bao gồm:

  • Dùng thuốc giảm đau tại chỗ: Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ có chứa capsaicin, chất gây tê hoặc thuốc chống viêm không steroid. Dán hoặc bôi vào vùng ngực có thể giúp giảm bớt cảm giác đau đớn.
  • Chườm đá: Chườm đá 5 - 10 phút có thể giúp giảm đau và sưng do viêm. Khi thực hiện hãy bọc một vài viên đá trong khăn bông và đặt lên ngực.
  • Chườm ấm: Đặt đệm ấm hoặc túi nước ấm lên vùng đau để thư giãn và giảm nhẹ cơn đau. Biện pháp này cũng giúp cải thiện giấc ngủ và giảm cứng khớp cho bạn. Chườm ấm nen được thực hiện trong 20 phút, mỗi 6 tiếng 1 lần.
  • Nghỉ ngơi: Hãy nghỉ ngơi khi bị đau do viêm sụn sườn. Tránh tập thể dục hoặc thực hiện những hoạt động khiến cơn đau của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra người bệnh cần tránh chơi những môn thể thao tiếp xúc khi các triệu chứng chưa được khắc phục.
  • Bài tập kéo giãn: Người bệnh được khuyên thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để thư giãn và tăng cường cơ ngực. Điều này giúp hỗ trợ điều trị viêm sụn sườn và ngăn cơn đau tái phát.

Thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng
Thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để điều trị viêm sụn sườn và giảm triệu chứng

Phòng ngừa

Do không có nguyên nhân rõ ràng nên viêm sụn sườn không được ngăn ngừa hoàn toàn. Những biện pháp dưới đây chỉ có thể giúp giảm nguy cơ. Bao gồm:

  • Tránh những chấn thương ở ngực bằng cách thận trọng trong các hoạt động, ngăn ngừa té ngã và tai nạn xe hơi
  • Điều trị tốt những bệnh lý và tình trạng có thể đẫn đến viêm sụn sườn cho bạn, chẳng hạn như ho, nhiễm trùng đường hô hấp và các bệnh viêm khớp.
  • Thường xuyên nghỉ giải lao và tránh những cẳng thẳng về thể chất. Không nên nâng vật nặng, tập thể dục vất vả hoặc quá nhiều.
  • Nếu có những hoạt động cần dùng nhiều đến cánh tay, hãy thường xuyên nghỉ giải lao ngăn và xoa bóp thư giãn.
  • Không cố gắng với lấy đồ vật hoặc thực hiện những hoạt động quá sức khác.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

2. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

3. Mất bao lâu để chữa khỏi?

4. Viêm sụn sườn có ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động khác hay không?

5. Tôi nên làm gì để ngăn đau tái phát?

6. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi điều trị?

7. Tôi cần luyện tập như thế nào?

Viêm sụn sườn gây ra những cơn đau ngực nghiêm trọng, thường nhầm lẫn với đau tim. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, các hoạt đọng thường ngày và tăng nguy cơ trầm cảm. Vì vậy cần kiểm soát sớm theo hướng dẫn của bác sĩ.