Viêm Quanh Khớp Vai Thể Đông Cứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng được đặc trưng bởi đau và cứng khớp tăng dần, làm hạn chế vận động khớp vai. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người có tuổi từ 50 đến 60 tuổi, nguy cơ cao hơn ở phụ nữ.

Tổng quan

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng còn được gọi là vai đông cứng (Frozen shoulder) hoặc viêm bao khớp dính. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng đau đớn, vai trở nên cứng, viêm và hạn chế cử động.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng xảy ra khi bao khớp vai dày bất thường khiến vai trở nên cứng, đau

Bệnh xảy ra khi bao khớp vai (mô liên kết quanh khớp vai) dày bất thường, bị viêm, cứng và căng hơn. Điều này làm hạn chế cử động, người bệnh ít sử dụng vai do đau.

Việc ít sử dụng vai sẽ làm tăng độ dày của bao vai và trở nên chật cứng. Từ đó khiến vai khó cử động hơn và bị "đông cứng". Viêm quanh khớp vai thể đông cứng có những triệu chứng bắt đầu từ từ và tăng dần mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên cứng, đau khớp và những triệu chứng khác thường sẽ thuyên giảm trong vòng 1 - 3 năm.

Phân loại

Không có phân loại cho viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Tuy nhiên bệnh lý này có ba giai đoạn phát triển, bao gồm:

  • Giai đoạn I: Đóng băng

Giai đoạn đóng băng kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng. Đây là giai đoạn đau đớn nhất của bệnh, vai bị hạn chế chuyển động một chút.

Trong giai đoạn đóng băng, bệnh nhân có bao khớp vai bị viêm, dày lên và cứng lại. Điều này khiến cử động của vai ngày càng bị hạn chế và đau đớn nghiên trọng hơn. Bất kỳ cử động nào của vai cũng đều gây đau.

  • Giai đoạn II: Đông lạnh (đông cứng)

Giai đoạn đông lạnh kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Trong đó vai bị cứng đáng kể, bệnh nhân không thể thực hiện những cử động vai bình thường (ngay cả khi người khác cố gắng thao tác vai).

Đối với cử động của cánh tay, bệnh nhân không thể cử động cánh tay bình thường. Tuy nhiên có thể thực hiện những thao tác của vai khi có sự hỗ trợ của người khác.

Khả năng xoay khớp vai bị hạn chế khiến việc thực hiện một số hoạt động thường ngày đều trở nên khó khăn và rất đau. Chẳng hạn như gội đầu, thắt dây an toàn, móc áo ngực...

So với giai đoạn đóng băng, giai đoạn đông lạnh ít gây đau hơn. Tuy nhiên thực hiện những chuyển động đơn giản có thể khiến cơn đau khởi phát.

  • Giai đoạn III: Tan băng

Giai đoạn tan băng kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Trong giai đoạn này bệnh nhân có bao khớp vai dày lên và cứng lại. Tuy nhiên triệu chứng giảm dần theo thời gian, không bị đau khớp đột ngột.

Để đảm bảo khớp vai tiếp tục phục hồi, cần căng bao khớp vai theo hướng dẫn của bác sĩ. Mặc dù khó chịu nhưng khả năng vận động sẽ tăng dần.

Bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng có ba giai đoạn tiến triển
Bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng có ba giai đoạn tiến triển gồm đóng băng, đông cứng và phục hồi

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng xảy ra khi bao khớp vai dày lên, cứng và siết chặt quanh khớp vai. Không rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ, cụ thể:

  • Bất động hoặc hạn chế di chuyển: Viêm bao khớp dính thường gặp ở những người cần giữ vai cố định trong thời gian dài. Điều này phổ biến ở những người bị gãy xương cánh tay, rách chóp xoay hoặc cần bất động phục hồi sau phẫu thuật.
  • Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở những người có tuổi từ 50 đến 60 tuổi, hiếm khi xảy ra ở người dưới 40 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới.
  • Bệnh tiểu đường: Khoảng 10 - 20% bệnh nhân bị tiểu đường có vai đông cứng.
  • Đột quỵ: Đột quỵ làm hạn chế cử động của cánh tay và vai dẫn đến tê cứng.
  • Bệnh lý khác: Một số bệnh lý gồm suy giáp, cường giáp, bệnh tim và bệnh Parkinson cũng có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Cứng, đau và hạn chế cử động vai là những triệu chứng chính của viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Dựa vào giai đoạn tiến triển, sự phát triển của những triệu chứng được mô tả như sau:

+ Giai đoạn đóng băng

  • Vai cứng
  • Đau vai nghiêm trọng, đặc biệt là khi cử động
  • Cơn đau tăng dần theo thời gian, có thể xấu đi vào ban đêm
  • Có thể tăng khả năng di chuyển của vai.

+ Giai đoạn đông lạnh (đông cứng)

  • Đau giảm
  • Vai cứng và không thể cử động ngay cả khi có sự hỗ trợ
  • Có thể cử động cánh tay ở vai ảnh hưởng khi được hỗ trợ.

+ Giai đoạn tan băng (hồi phục)

  • Đau giảm
  • Khả năng cử động của vai dần cải thiện.

Vai trở nên ứng, đau và hạn chế cử động
Vai đông cứng được đặc trưng bởi tình trạng vai trở nên ứng, đau và hạn chế cử động

Để xác định tình trạng, bác sĩ sẽ xem lại lịch sử y tế, thảo luận và xem xét các triệu chứng. Trong khi kiểm tra thể chất, bác sĩ ấn nhẹ tìm điểm đau nhất, di chuyển vai theo mọi hướng để đánh giá phạm vi chuyển động thụ động, xem vai có đau đớn khi cử động hay không.

Bác sĩ cũng có thể theo dõi cách bạn di chuyển vai để đánh giá phạm vi chuyển động chủ động. Những người bị có vai đông cứng sẽ bị hạn chế cả phạm vi thụ động và chủ động.

Nhằm xác nhận chẩn đoán, phân biệt viêm quanh khớp vai thể đông cứng với các tình trạng khác, các xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Chụp X-quang: Chụp X- quang để đảm bảo nguyên nhân gây đau vai không do vấn đề về xương hoặc khớp, chẳng hạn như viêm khớp.
  • Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng tử (MRI): Một trong hai kỹ thuật này có thể được dùng để kiểm tra khớp vai và mô quanh khớp. Từ đó phát hiện đau do rách chóp xoay vai hoặc một vấn đề khác không liên quan đến vai đông cứng.

Biến chứng và tiên lượng

Những phương pháp điều trị đơn giản thường đủ để khôi phục chức năng và khả năng vận động của vai trong vòng 1 năm. Chẳng hạn như các bài tập vai, dùng thuốc giảm đau, tiêm cortisone...

Ngay cả khi không điều trị hoàn toàn, viêm quanh khớp vai thể đông cứng vẫn tiếp tục tiến triển và đến giai đoạn phục hồi. Điều này giúp người bệnh lấy lại khả năng sử dụng và phạm vi chuyển động của vai.

Tuy nhiên quá trình phục hồi khi không điều trị diễn ra chậm hơn so với những người được điều trị tích cực. Hầu hết mọi người đều phục hồi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn sau khoảng 2 năm.

Điều trị

Quá trình điều trị thường bao gồm những phương pháp giảm đau (như dùng thuốc,bài tập...), kéo dài đến khi giai đoạn đầu qua đi. Nếu triệu chứng vẫn tiếp diễn và khớp không tự phục hồi khả năng cử động, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn hoặc phẫu thuật.

Dưới đây là những phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng:

1. Chườm nóng và lạnh

Chườm nóng và chườm lạnh có thể kiểm soát sự khó chịu do viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Chườm nóng và chườm lạnh
Giảm cứng khớp vai và kiểm soát sự khó chịu tại nhà bằng biện pháp chườm nóng và chườm lạnh

  • Chườm nóng: Dùng miếng đệm sưởi hoặc túi nước ấm đặt lên vai trong 20 phút, mỗi ngày 3 lần. Biện pháp này có tác dụng kiểm soát cơn đau, thư giãn, giảm co thắt và cứng khớp. Từ đó cải thiện phạm vi chuyển động của vai. Chườm nóng cũng giúp lưu thông máu tại chỗ, cho phép tổn thương được chữa lành.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh giúp giảm sưng, đau và khó chịu. Khi áp dụng, đặt túi đá hoặc túi gel lạnh lên vai, giữ trong 15 phút, thực hiện mỗi ngày vài lần. Nên dùng khăn bông để ngăn đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da.

2. Thuốc uống

Dùng thuốc giảm đau và kháng viêm để điều trị các triệu chứng của viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Những loại thuốc dưới đây có hoạt chất từ nhẹ đến mạnh, ứng với từng mức độ đau của mỗi người.

  • Acetaminophen (Tylenol): Một số bệnh nhân được dùng Acetaminophen để kiểm soát cơn đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc có tác dụng giảm đau và điều trị sốt.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc Naproxen để giảm nhẹ các triệu chứng. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm (sưng) và đau liên quan đến vai đông cứng.

3. Tiêm steroid

Bệnh nhân được tiêm steroid nếu vai đông cứng gây đau nặng và dùng NSAID không hiệu quả. Trong đó, một loại corticosteroid sẽ được tiêm trực tiếp vào khớp vai (dưới hướng dẫn của siêu âm).

Corticosteroid là thuốc chống viêm mạnh. Thuốc này có tác dụng kiểm soát đau, giảm viêm (sưng) và cải thiện khả năng vận động của vai. Hầu hết mọi người đều cảm thấy tốt hơn sau một mũi tiêm, đặc biệt là khi được tiêm sau khi vai của bạn bắt đầu bị đông cứng.

4. Vật lý trị liệu

Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập vận động thích hợp. Những bài tập này giúp kéo giãn nhẹ nhàng, phục hồi chức năng và cử động vai. Từ đó lấy lại phạm vi hoặc nhiều chuyển động nhất có thể.

Khi cử động vai được cải thiện, người bệnh được yêu cầu tiếp tục chương trình tập thể dục tại nhà cho đến khi phục hồi hoàn toàn.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng của vai, lấy lại nhiều chuyển động nhất có thể

5. Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS)

Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) có thể được áp dụng để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Phương pháp này sử dụng một thiết bị nhỏ ngăn chặn các xung thần kinh để giảm đau.

6. Tiêm nước vô trùng vào bao khớp

Bệnh nhân được tiêm nước vô trùng vào bao khớp để kéo căng mô, giúp khớp cử động dễ dàng và linh hoạt hơn. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với tiêm steroid để tăng hiệu quả chữa bệnh.

7. Thao tác vai (thao tác dưới gây mê)

Trong thủ tục này, bệnh nhân được gây mê toàn thân. Sau đó bác sĩ tiến hành di chuyển vai theo nhiều hướng khác nhau để bao khớp căng ra hoặc rách. Điều này giúp nới lỏng khớp và các mô bị thắt chặt, gia tăng phạm vi chuyển động.

7. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định nếu những triệu chứng không giảm sau khoảng 1 năm điều trị bảo tồn. Trong đó nội soi khớp vai được áp dụng để cải thiện viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Phẫu thuật thường được dùng kết hợp với thao tác dưới gây mê để tăng hiệu quả điều trị.

Trong thủ thuật, bác sĩ tạo vết cắt nhỏ, đặt ống nội soi (camera thu nhỏ) và trong để quan sát. Sau đó sử dụng thiết bị phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo bên trong khớp vai hoặc cắt bỏ phần kín của bao khớp. Từ đó giải phóng bao khớp, giảm sự thắt chặt.

Phòng ngừa

Bắt đầu vật lý trị liệu ngay sau khi có chấn thương khiến vai khó cử động hoặc bị đau. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt nguy cơ viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Vật lý trị liệu sớm khi có chấn thương khiến vai khó cử động
Vật lý trị liệu sớm khi có chấn thương khiến vai khó cử động để ngăn viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến vai của tôi đau đớn và khó cử động?

2. Phương pháp điều trị nào phù hợp và hiệu quả nhất?

3. Nếu không điều trị, vai của tôi có thể tự phục hồi hay không?

4. Sẽ mất bao lâu để chữa khỏi?

5. Tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn chức năng và phạm vi chuyển động hay không?

6. Khi nào tôi có thể tiếp tục chơi thể thao?

7. Những biện pháp chăm sóc nào giúp kiểm soát khó chịu?

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng xảy ra ở những người bất động hoặc hạn chế chuyển động vai lâu ngày. Tình trạng này gây đau đớn dữ dội, thắt chặt và hạn chế chuyển động của vai. Tuy nhiên điều trị bằng các phương pháp đơn giản có thể giúp khắc phục.