Bệnh Viêm Phế Quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm phế quản có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này. Các triệu chứng xuất hiện làm bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt đời sống. Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm tuy nhiên trước sự chủ quan của nhiều người viêm nhiễm có thể phát sinh các biến chứng khác.

Tổng quan

Viêm phế quản là tình trạng sưng, viêm ống phế quản. Đây là đường hô hấp chính, đưa không khí ra vào phổi. Hiện tượng viêm nhiễm ống phế quản còn được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp tạm thời, hoặc một số người gọi bệnh lý này là tình trạng cảm lạnh ngực.

Viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp nhiều người đang gặp phải

Viêm phế quản không phải là bệnh lý nguy hiểm, nếu phát hiện và kiểm soát đúng cách có thể nhanh chóng chấm dứt các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn còn thờ ơ, chủ quan khi mắc bệnh dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm ngày càng nặng, dẫn đến các vấn đề hô hấp khác.

Phân loại

Phản ứng viêm hình thành tại ống phế quản khi tác nhân gây hại tấn công niêm mạc cơ quan này. Viêm phế quản được biết đến là chứng viêm nhiễm đường hô hấp dưới nhiều người mắc phải.

Người bệnh trải qua các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là cơn ho kéo dài kèm theo dịch đờm đặc. Dựa vào mức độ viêm nhiễm các chuyên gia đã phân loại bệnh lý này thành viêm cấp và mãn tính. Cụ thể:

  • Viêm phế quản cấp tính: Hay còn được gọi là viêm khí phế mạc cấp tính. Đây là tình trạng nhiễm trùng khiến đường hô hấp bị sưng, tích tụ nhiều chất dịch nhầy. Mỗi đợt bùng phát cấp tính thường kéo dài vài tuần sau đó thuyên giảm.
  • Viêm phế quản mãn tính: Bệnh xuất hiện trong thời gian dài khiến niêm mạc ống phế quản tổn thương nặng nề. Nếu không có biện pháp kiểm soát, viêm phế quản mãn tính có thể gây ra các biến chứng khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm phế quản hình thành do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó có các tác nhân bên trong lẫn bên ngoài cơ thể, đặc biệt có liên quan đến sự viêm nhiễm do hại khuẩn, virus xâm nhập.

nguyên nhân
Hại khuẩn, virus tấn công gây viêm nhiễm ống phế quản

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phế quản:

  • Nhiễm khuẩn: Theo thống kê cho thấy, tình trạng viêm phế quản do nhiễm vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên không cao như trường hợp nhiễm virus. Những dạng khuẩn thường gặp như bordetella ho gà, vi khuẩn chlamydia,...
  • Nhiễm virus: Có đến hơn 85% trường hợp viêm phế quản có liên quan đến hiện tượng nhiễm virus. Tác nhân gây hại có mức độ truyền nhiễm cao, xâm nhập vào đường hô hấp dẫn đến tình trạng sưng viêm niêm mạc phế quả. Bệnh xuất hiện phổ biến sau khi bệnh nhân bị cảm lạnh.
  • Cơ địa yếu, đề kháng kém: Hàng rào bảo vệ cơ thể bị suy giảm, sức đề kháng kém tạo điều kiện cho hại khuẩn tấn công cơ thể dễ dàng hơn. Trường hợp viêm phế quản do đề kháng kém thường gặp ở trẻ em, người đang mắc bệnh, cơ địa yếu.
  • Dị ứng, tác nhân kích ứng: Cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Trong đó có thể kể đến như khói bụi, độc tố, khói thuốc, hóa chất độc hại,...
  • Các nguyên nhân khác: Ngoài các yếu tố đã đề cập, hiện tượng viêm nhiễm ống phế quản có thể hình thành do chịu ảnh hưởng từ các bệnh lý liên quan khác. Nhất là bệnh phỏi, bệnh hen suyễn hoặc do người bệnh thường xuyên bị trào ngược dạ dày thực quản,...

Nhận biết nguy cơ gây bệnh để có hướng can thiệp, điều chỉnh phù hợp bảo vệ an toàn sức khỏe cho người bệnh. Trường hợp chủ quan không khám chữa, viêm nhiễm ngày càng nặng nề không tốt cho sức khỏe và đời sống.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm phế quản gây ra các triệu chứng khó chịu tại đường hô hấp. Tùy cơ địa mỗi người tình trạng viêm nhiễm sẽ ở mức độ khác nhau. Bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu những biểu hiện bất thường kéo dài.

Dưới đây là những triệu chứng viêm phế quản thường gặp:

  • Cơn ho xuất hiện, kéo dài dai dẳng, nhiều đối tượng ho dẫn đến tổn thương niêm mạc đường hô hấp gây xuất huyết, tiết nhiều dịch nhầy.
  • Cơn buồn nôn xuất hiện khiến người bệnh bị nôn ói.
  • Sốt kéo dài, kèm theo hiện tượng khó thở, thở gấp, đau tức ngực khó chịu.
  • Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, gây ớn lạnh, rùng mình.
  • Cơn đau còn lan ra các cơ, làm người bệnh mệt mỏi, cơ thể không còn sức lực.
  • Kèm theo các biểu hiện kể trên, bệnh nhân còn bị mất vị giác, ăn không ngon, đau nhức đầu, bị lú lẫn ở người già.

Nhận biết cơ thể có những biểu hiện bất thường kể trên, sau đó tìm hướng khắc phục, kiểm soát phù hợp để đảm bảo an toàn sức khỏe. Bởi, viêm phế quản cấp, mãn tính khi nặng nề có thể phát sinh các biến chứng nguy hại.

Triệu chứng
Đến gặp bác sĩ thăm khám khi nhận thấy các triệu chứng kéo dài

Đến gặp bác sĩ thăm khám sớm, tại đây bệnh nhân sẽ được thăm hỏi triệu chứng đang gặp phải, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, các vấn đề liên quan khác. Các phương pháp xét nghiệm, kiểm tra được thực hiện nhằm chẩn đoán chính xác vấn đề bệnh nhân đang gặp phải. Bao gồm:

  • Chụp X quang: Chụp X quang vùng ngực xác định có xảy ra hiện tượng viêm nhiễm, nguy cơ tích tụ khí quanh phổi hay không.
  • Chụp CT ngực: Phương pháp được thực hiện với mục đích đánh giá tình hình tổn thương đang xảy ra bên trong phổi.
  • Xét nghiệm máu: Xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm có liên quan đến vi khuẩn hay không.
  • Nội soi phế quản: Kiểm tra tình hình tổn thương, phát hiện có sự bất thường nào bên trong ống phế quản, chẳng hạn như hiện tượng viêm, u sùi hoặc các vấn đề khác.
  • Cấy đờm: Dịch đờm được lấy ra và mang đi xét nghiệm.

Ngoài những biện pháp chẩn đoán kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định đo oxy xung, khí máu động mạch để xác định mức độ viêm phế quản của bệnh nhân. Dựa vào kết quả chẩn đoán, phác đồ điều trị sẽ được thiết kế tương ứng với tình hình sức khỏe của người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm phế quản cấp và mãn tính có thể phát sinh các biến chứng nếu người bệnh không chủ động thăm khám và điều trị. Dưới đây là những trường hợp thường gặp:

Biến chứng
Viêm nhiễm có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm

Biến chứng viêm phế quản cấp:

  • Nhiễm trùng thứ cấp: Một trong những biến chứng viêm phế quản xảy ra do virus xâm nhập đường hô hấp. Tình trạng viêm nhiễm ngày càng trở nặng, tạo cơ hội cho các chủng khuẩn khác tấn công dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp. Những trường hợp thường gặp kể đến như nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi.
  • Viêm phổi: Đây là biến chứng viêm phế quản cấp tính thường gặp hiện nay, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.

Biến chứng viêm phế quản mãn tính:

  • Khó thở: Người bệnh viêm phế quản kéo dài gặp phải biến chứng khó thở. Nếu không sớm kiểm soát, biến chứng có thể trở nên nặng nề hơn, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được cấp cứu.
  • Ho ra máu: Tổn thương niêm mạc đường hô hấp diễn ra thường xuyên khiến bệnh nhân bị ho ra máu. Đây là biến chứng cần được xử lý để phòng tránh các rủi ro không mong muốn khác.
  • Tràn khí màng phổi: Sự thay đổi khí thũng trong phổi khi viêm nhiễm kéo dài là một trong những biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải. Trường hợp tràn khí nghiêm trọng bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong. Khi mắc phải biến chứng này, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng như đau dữ dội, hít thở khó, nhịp tim tăng cao, cơ thể xanh xao, gầy gò.
  • Suy hô hấp: Phổi không cung cấp đủ oxy khiến các mô trong cơ thể bị thiếu hụt dưỡng khí. Lúc này, người bệnh sẽ trải qua các đợt suy hô hấp, khó thở, tim đập dồn dập, mệt mỏi vô cùng khó chịu.
  • Các biến chứng khác: Ngoài những biến chứng kể trên, hiện tượng viêm phế quản nếu không được kiểm soát đúng cách có thể phát sinh nhiều vấn đề nguy hại khác. Chẳng hạn hiện tượng khí phế thũng, đa hồng cầu,...

Không nên chủ quan nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, nhất là khi chúng kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm. Chủ động đến gặp bác sĩ, khám và điều trị theo hướng dẫn để phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng đời sống và sức khỏe.

Điều trị

Theo thống kê cho thấy đa số các trường hợp viêm phế quản có liên quan đến sự xâm nhập của virus gây hại. Chính vì thế, đa số bệnh nhân không cần dùng kháng sinh điều trị đối với trường hợp này. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.

Điều trị
Tuân thủ phác đồ điều trị viêm phế quản của bác sĩ

Tùy từng trường hợp viêm phế quản cấp và mãn tính, tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là các giải pháp được áp dụng:

Điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính

Các phương án khắc phục triệu chứng cho người bệnh được tiến hành. Điều trị triệu chứng kết hợp chăm sóc đúng cách giúp bệnh nhân sớm chữa trị dứt điểm tình trạng viêm cấp tính. Cụ thể:

  • Điều trị sốt: Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đối với trẻ em không dùng thuốc aspirin hạ sốt, thận trọng khi dùng đối với người bị hen suyễn, bệnh dạ dày.
  • Điều trị ho: Phản ứng ho tự nhiên của cơ thể với mục đích tống đờm nhớt, vi khuẩn ra ngoài. Trường hợp ho thường xuyên kèm theo cảm giác mắc ói, mất ngủ, mệt mỏi cơ thể,... người bệnh được chỉ định bổ sung nhiều nước, kết hợp thuốc long đờm trong trường hợp cần thiết.
  • Điều trị nghẹt mũi, sổ mũi: Để tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc kháng histamin, thuốc chống sung huyết mũi. Thay vào đó, bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, kết hợp sử dụng máy phun hơi ẩm giúp mũi không bị khô.

Các nhóm thuốc được dùng trong điều trị bệnh kể đến như:

  • Thuốc long đờm, giảm ho: Codein, dextromethorphan, acetylcysteine, bromhexine,...
  • Thuốc hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen.
  • Thuốc giãn phế quản: Terbutanyl, salbutamol,...
  • Thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi
  • Thuốc kháng virus
  • Thuốc kháng sinh trong trường hợp cần thiết.

Điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính

Đối với trường hợp viêm mãn tính, bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh, ngăn chặn rủi ro biến chứng bằng các biện pháp y tế, kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Cụ thể:

Điều trị y tế:

  • Thuốc giãn phế quản: Bác sĩ chỉ định thuốc cho bệnh nhân, công dụng hỗ trợ người bệnh khai thông đường thở, giúp việc hô hấp dễ dàng hơn. Thông thường, thuốc giãn phế quản sẽ được sử dụng dạng phun hít phát huy công dụng tại chỗ.
  • Thuốc chống viêm: Loại được dùng là thuốc steroid. Công dụng giảm tình trạng sưng viêm đường hô hấp, giảm nguy cơ hẹp đường dẫn khí, giúp điều trị viêm phế quản mãn tính.
  • Liệu pháp oxy: Chỉ định cho nhóm đối tượng viêm phế quản nặng. Trước khi thực hiện bác sĩ kiểm tra nồng độ oxy trong máu bệnh nhân, trường hợp chỉ số thấp sẽ được tiến hành điều trị liệu pháp oxy. Người bệnh sử dụng máy hỗ trợ dạng xâm nhập hoặc không.
  • Phục hồi chức năng phổi: Mục tiêu giúp bệnh nhân sớm cải thiện nhịp thở, ngăn rủi ro biến chứng. Các phương pháp phục hồi chức năng được tiến hành theo phác đồ với sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế.
  • Ghép phổi: Phẫu thuật được thực hiện đối với những trường hợp viêm nhiễm cực kỳ nghiêm trọng không còn đáp ứng điều trị nội khoa. Phổi bị hư hỏng được loại bỏ, tuy nhiên cần tìm được phổi phù hợp để ghép thay thế vị trí bị mất đi. Phẫu thuật có thể thực hiện ở một hoặc cả hai bên phổi. Phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bệnh nhân chỉ thực hiện tại bệnh viên uy tín, có bác sĩ giỏi.

Chăm sóc tại nhà:

Ngoài điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cần kết hợp chăm sóc tại nhà để bệnh sớm cải thiện. Đồng thời, việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp bệnh nhân phòng tránh được những rủi ro không mong muốn. Dưới đây là các lưu ý:

Điều trị
Chăm sóc tại nhà sớm kiểm soát viêm phế quản và các vấn đề khác

  • Tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Việc tập thể dục phù hợp sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng viêm, giúp cơ thể dẻo dai khỏe mạnh hơn.
  • Loại bỏ thuốc lá là một trong những lưu ý hết sức quan trọng đối với bệnh nhân viêm phế quản cũng như các vấn đề hô hấp khác. Bởi, khói thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có viêm phế quản.
  • Dọn dẹp không gian sống, sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh làm khô đường hô hấp, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Để đảm bảo an toàn, tốt hơn hết bệnh nhân nên thường xuyên làm sạch, vệ sinh máy để ngăn sự tấn công của hại khuẩn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
  • Tập hít thở mím môi cũng là một trong những liệu pháp hỗ trợ người bệnh điều trị vấn đề viêm phế quản. Phương pháp hít thở này sẽ đưa không khí vào trong mũi và thoát ra ngoài từ từ bằng miệng. Luyện tập mỗi ngày để cải thiện hoạt động hệ hô hấp.

Phòng ngừa

Viêm phế quản là một trong số các vấn đề hô hấp thường gặp hiện nay. Nhiều người mắc phải chứng bệnh này chủ động thăm khám và chữa trị sớm có thể kiểm soát bệnh không gây hại sức khỏe. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân chủ quan, đối mặt với nhiều rủi ro biến chứng.

Chính vì thế, bạn đọc nên chủ động phòng ngừa chứng bệnh này sớm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Một vài lưu ý như sau:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, lựa chọn thực phẩm phù hợp. Uống đủ nước, hạn chế rượu bia, đồ uống chứa cồn. Bổ sung cho cơ thể nhiều hoa quả tươi, rau củ xanh lá, uống nước ép tươi thay các sản phẩm đóng chai chứa các thành phần bảo quản không có lợi cho sức khỏe.
  • Khi thời tiết thay đổi nên giữ ấm cho cơ thể, lựa chọn quần áo phù hợp.
  • Tập thể dục, nâng cao sức khỏe, đề kháng, giữ tâm lý thoải mái, dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá sức, thức khuya thường xuyên.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không đưa tay dụi mắt, mũi miệng khi chạm vào các đồ vật, thiết bị công cộng.
  • Khi ra ngoài nơi đông người tốt nhất nên sử dụng khẩu trang y tế, tránh nhiễm phải các virus lây truyền qua đường hô hấp.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đến gặp bác sĩ

1. Viêm phế quản có chữa khỏi hoàn toàn được không?

2. Viêm phế quản cấp tính và mãn tính loại nào nguy hiểm hơn?

3. Sử dụng thuốc gì chữa bệnh viêm phế quản?

4. Bị viêm phế quản ăn gì và kiêng ăn gì để bệnh mau khỏi?

5. Bị viêm phế quản có đi ra gió được không?

6. Trường hợp nào cần phẫu thuật khi bị viêm phế quản?

7. Bệnh viêm phế quản có lây nhiễm không?

8. Sau điều trị viêm phế quản có tái phát không?

Bệnh viêm phế quản là một trong những bệnh lý nhiều người gặp phải. Mặc dù có thể điều trị dứt điểm từ giai đoạn đầu, tuy nhiên nhiều bệnh nhân chủ quan. Đến khi bệnh tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế, bệnh nhân nếu phát hiện cơ thể có biểu hiện lạ, kéo dài hãy chủ động liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ sớm.