Bệnh Viêm Phần Phụ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm phần phụ xảy ra khi nữ giới bị viêm buồng trứng, vòi trứng và hệ thống dây chẳng rộng. Tình trạng này thường khởi phát ở vòi trứng và lan ra xung quanh khi không được điều trị, thường liên quan đến những biến chứng sinh đẻ.

Tổng quan

Viêm phần phụ là tình trạng viêm xảy ra ở buồng trứng, vòi trứng và hệ thống dây chẳng rộng (gồm những dây chằng bao quanh tử cung và vòi trứng). Vòi trứng thường bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi không được điều trị, nhiễm trùng lây lan và gây viêm ở những vị trí khác.

Viêm phần phụ
Viêm phần phụ là tình trạng buồng trứng, vòi trứng và hệ thống dây chẳng rộng bị viêm đồng thời

Những người bị viêm phần phụ có những triệu chứng đa dạng và nghiêm trọng. Những trường hợp nặng hơn có thể có áp xe hình thành và làm suy giảm khả năng sinh sản.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phần phụ, bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ với người bị nhiễm trùng hoặc không dùng bao cao su có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Điều này dẫn đến viêm phần phụ và nhiều cơ quan khác ở vùng chậu, chẳng hạn như âm đạo và tử cung.
  • Giữ gìn vệ sinh kém: Viêm phần phụ thường gặp ở những người không giữ gìn vệ sinh cá nhân, vùng kín ẩm ướt và không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Những trường hợp này cũng dễ bị nhiễm nấm âm đạo, viêm âm đạo và viêm cổ tử cung.
  • Biến chứng sinh đẻ: Sinh đẻ quá nhiều (đặc biệt là sinh khó) có thể làm tổn thương âm đạo và cổ tử cung. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và lây lan đến phần phụ.
  • Nạo phá thai: Nạo phá thai không an toàn hoặc nhiều lần gây tổn thương cho niêm mạc tử cung và nhiễm trùng. Điều này thường dẫn đến viêm phần phụ.
  • Thủ thuật: Mặc dù ít gặp nhưng viêm vùng phụ có thể là biến chứng của một số thủ thuật. Chẳng hạn như phẫu thuật cơ quan trong vùng chậu, đặt vòng tránh thai hoặc đặt dụng cụ tử cung không đúng cách.
  • Đồ lót không phù hợp: Nhiễm trùng thường xảy ra ở những người phụ nữ mặc quần lót quá chật, ẩm ướt và không thường xuyên thay quần lót. Khi có sự phát triển của vi khuẩn và nấm trong âm đạo, chúng có thể lây lan, gây viêm ở vòi trứng, buồng trứng và các dây chằng.
  • Viêm nhiễm phụ khoa: Viêm nhiễm có thể lây lan từ những vị trí khác đến phần phụ khi không được điều trị. Chẳng hạn như:
    • Viêm âm đạo
    • Viêm cổ tử cung
    • Viêm tử cung.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của viêm phần phụ đa dạng và rõ ràng, bao gồm:

+ Triệu chứng viêm cấp tính

  • Đau bụng dưới
  • Sốt 39 độ
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu hoặc mùi lạ
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Tiểu buốt, tiểu rắt
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng kín
  • Đau khi giao hợp
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Đau ngang thắt lưng

+ Triệu chứng mãn tính

  • Khí hư nhiều
  • Cơ thể mệt mỏi và mất tập trung
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Đau bụng dưới
  • Xuất hiện một khối bất thường ở vùng chậu, đau khi ấn vào.

Đau bụng dưới
Đau bụng dưới, khí hư có mùi hôi tanh khó chịu hoặc mùi lạ là những triệu chứng thường gặp

Người bệnh được kiểm tra và khám vùng chậu để chẩn đoán viêm phần phụ. Trong quá trình này bệnh nhân được kiểm tra các triệu chứng, tiền sử viêm nhiễm hoặc những tình trạng khác.

Ngoài ra bác sĩ sử dụng mỏ vịt nong âm đạo để quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung. Từ đó loại bỏ những nguyên nhân gây ra các triệu chứng như viêm âm đạo, nhiễm trùng nấm men và viêm cổ tử cung.

Để xác định chẩn đoán, bệnh nhân cũng cần:

  • Siêu âm: Siêu âm kiểm tra phần phụ, phát hiện khối u của những cơ quan hoặc một dạng tổn thương khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh này giúp đánh giá chi tiết hơn về những cơ quan của vùng chậu.
  • Kiểm tra dịch tiết: Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc cổ tử cung được lấy ra để kiểm tra. Điều này giúp phát hiện các dạng nhiễm trùng như nấm men và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Phân tích mẫu máu hoặc/ và nước tiểu có thể giúp kiểm tra và đánh giá nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Khi không được điều trị, bệnh viêm phần phụ có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Viêm phần phụ mãn tính
  • Áp xe phần phụ
  • Áp xe buồng trứng
  • Viêm phúc mạc đáy chậu
  • Viêm phúc mạc toàn thể
  • Nhiễm trùng lây lan
    • Viêm tử cung
    • Viêm cổ tử cung
    • Viêm âm đạo
  • Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
  • Vô sinh, hiếm muộn
  • Nhiễm trùng máu
  • Cơ thể mệt mỏi thường xuyên và giảm chất lượng cuộc sống.

Để tránh các biến chứng, hãy thăm khám và điều trị tích cực khi có các triệu chứng.

Điều trị

Viêm phần phụ thường được điều trị bằng thuốc kết hợp với những cách vệ sinh và chăm sóc vùng kín tại nhà.

1. Thuốc

Dùng thuốc là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm phần phụ. Các loại thường dùng:

Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc được dùng chủ yếu trong điều trị bệnh viêm phần phụ

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được dùng để chữa viêm phần phụ do vi khuẩn. Thuốc giúp điều trị các loại vi khuẩn thông thường và vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI). Kháng sinh thường được dùng trong ít nhất 10 ngày. Thông thường Tetracycline hoặc Fluoroquinolones sẽ được sử dụng. Nếu thất bại, bệnh nhân được điều trị bằng Cephalosporin và Metronidazole hoặc liệu pháp kháng sinh đặc hiệu cho vi trùng.
  • Thuốc chống nấm: Nếu có nhiễm trùng nấm men, thuốc chống nấm sẽ được dùng. Thuốc này giúp ngăn nấm men lây lan và tiêu diệt chúng.
  • Thuốc giảm đau: Nếu viêm phần phụ khiến bạn đau bụng thường xuyên, thuốc giảm đau không kê đơn như Aceminophen hoặc Ibuprofen có thể được sử dụng. Thuốc giúp làm dịu cơm đau và giảm sốt hiệu quả.
  • Thuốc kháng viêm: Đôi khi đau do viêm phần phụ được điều trị bằng thuốc kháng viêm. Thuốc này giúp giảm đau và viêm nhanh chóng.

2. Biện pháp điều trị tại nhà

Song song với việc sử dụng thuốc, người bệnh cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ cho vùng kín luôn khô ráo và thay quần lót thường xuyên. Ngoài ra cần dùng dung dịch vệ sinh phù hợp và dịu nhẹ để tăng hiệu quả điều trị.

Người bệnh tuyệt đối không quan hệ tình dục cho đến khi viêm phần phụ đã được chữa khỏi hoàn toàn. Nên điều trị đồng thời cho bạn tình nếu có bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa viêm phần phụ:

Vệ sinh vùng kín đúng cách
Vệ sinh vùng kín đúng cách, giữ vùng kín luôn khô và sạch để ngăn nhiễm trùng phần phụ

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ 2 lần/ ngày và thường xuyên thay quần lót.
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Giữ vùng kín luôn khô và sạch.
  • Không sử dụng dung dịch vệ sinh có có độ pH cao hoặc có tính tẩy rửa quá mạnh. Nên lựa chọn dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và lành tính.
  • Không mặc quần lót chật, ẩm ướt hoặc quần lót bị bẩn.
  • Thường xuyên rửa sạch vùng kín và thay băng vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Ngoài ra không quan hệ với những người đang bị nhiễm trùng.
  • Điều trị dứt điểm những tình trạng khác để ngăn nhiễm trùng lây lan đến phần phụ. Chẳng hạn như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung...
  • Không nạo phá thai.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần. Điều này giúp phát hiện sớm và điều trị tốt những bất thường. Đặc biệt là những tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan đến phần phụ.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị viêm phần phụ?

2. Loại thuốc nào giúp điều trị tốt nhất?

3. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

4. Điều trị bao lâu thì triệu chứng giảm?

5. Tôi có thể gặp tác dụng phụ nào từ thuốc?

6. Tôi cần tránh hoặc kiêng những gì khi điều trị?

7. Dung dịch vệ sinh nào phù hợp với tình trạng hiện tại của tôi?

Bệnh viêm phần phụ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị. Tình trạng này thường được khắc phục bằng kháng sinh kết hợp vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.