Bệnh Viêm Manh Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm manh tràng là tình trạng viêm xảy ra ở phần đầu của ruột già, được gọi là manh tràng. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Tổng quan

Viêm manh tràng còn được gọi là hội chứng hồi manh tràng và viêm ruột giảm bạch cầu trung tính. Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm ở manh tràng - phần đầu của ruột già. Tình trạng này thường là một tình trạng cấp cứu y tế, cần được điều trị ngay lập tức.

Viêm manh tràng
Viêm manh tràng là tình trạng viêm ở manh tràng, thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu

Đại tràng (ruột già) có cấu tạo 3 phần, gồm: Manh tràng (phần đầu của ruột già), kết tràng và trực tràng. Trong đó manh tràng còn được gọi là van hồi, có vị trí ở ngã ba của ruột non và ruột già, dài khoảng 6cm và đường kính > 7cm.

Manh tràng có chức năng ngăn chặn sự trào ngược qua lại của các chất có trong ruột già vào ruột non. Đồng thời giúp tạm lưu giữ thức ăn, hấp thụ nước, đào thải các chất có hại và lưu giữ những thành phần dinh dưỡng thiết yếu.

Tuy nhiên manh tràng có thể bị viêm (đôi khi kèm theo vết loét) do vi khuẩn. Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của manh tràng mà còn gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm manh tràng xảy ra khi phần đầu của ruột già bị nhiễm vi khuẩn, thường liên quan đến 3 yếu tố sau:

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Tổn thương màng nhầy của ruột
  • Giảm bạch cầu trung tính. Điều này xảy ra khi cơ thể có lượng bạch cầu trung tính thấp bất thường, thường do trải qua hóa trị liệu. Sau một đợt hóa trị, những triệu chứng sẽ xuất hiện khoảng 2 tuần.

Ngoài ra hóa trị trong điều trị ung thư cũng có thể gây tổn thương trực tiếp cho ruột và làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa. Cả hai điều này đều làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm manh tràng.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Vi khuẩn phát triển trong ruột non và ruột già, chẳng hạn như Enterobacter aerogenes, Bacteroides fragilis và Escherichia coli
  • Bệnh bạch cầu (ung thư tế bào máu)
  • Ung thư hạch. Đây là một loại ung thư phát triển trong những tế bào của hệ thống miễn dịch
  • Đa u tủy
  • Thiếu máu bất sản
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy
  • Bệnh HIV hoặc AIDS. Trong đó tế virus HIV phá hủy những tế bào T của hệ thống miễn dịch
  • Cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm manh tràng có những triệu chứng và dấu hiệu tương tự như nhiễm trùng đường ruột nặng. Trong đó các triệu chứng sẽ xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng, cụ thể:

  • Sốt cao đến 40 độ
  • Đau bụng ở vùng chậu bên phải, đau giảm khi đại tiện xong và tăng lên sau khi ăn
  • Buồn nôn
  • Ăn uống khó tiêu
  • Chướng bụng đầy hơi
  • Đại tiện phân lỏng, phân nát hoặc rắn
  • Có máu trong phân
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Chán ăn
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
  • Huyết áp thấp.

Viêm manh tràng gây đau bụng ở vùng chậu bên phải
Viêm manh tràng gây đau bụng ở vùng chậu bên phải, chướng bụng đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón

Bệnh viêm manh tràng thường không được phát hiện khi kiểm tra lâm sàng. Nguyên nhân là do các triệu chứng của bệnh tương tự như những tình trạng khác và dễ nhầm lẫn.

Để xác định chẩn đoán và đánh giá tình trạng, các xét nghiệm cần được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm này tạo ra hình ảnh chi tiết của ruột già và ruột non. Quan sát có thể phát hiện manh tràng có dấu hiệu viêm nhiễm, chẳng hạn như sưng tấy và biến dạng. CT cũng giúp phát hiện vị trí thủng, đo độ giãn và loét.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này có thể cho thấy những dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân có thể nhìn thấy những tế bào máu và loại ký sinh trùng trong phân.
  • Siêu âm ổ bụng: Bệnh nhân được siêu âm ổ bụng để tìm nguyên nhân gây ra những triệu chứng cấp tính, chẳng hạn như đau bụng, tiêu chảy kéo dài và liên tục. Ngoài ra xét nghiệm này cũng giúp xác định đoạn ruột già đang bị tổn thương.
  • X-quang đại tràng: Bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc cản quang và thụt sạch ruột. Sau đó tiến hành chụp X-quang đại tràng để đánh giá tổn thương.
  • Nội soi đại tràng: Nội soi giúp phát hiện vị trí ảnh hưởng và đánh giá tổn thương, chẳng như ổ viêm loét. Khi thực hiện, ống mềm nội soi có camera sẽ được đưa qua đường hậu môn vào đại tràng.

Biến chứng và tiên lượng

Khi được điều trị sớm, những triệu chứng của viêm manh tràng sẽ nhanh chóng thuyên giảm, ổ viêm loét lành lại theo thời gian. Ở những trường hợp không điều trị, các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Thiếu máu
  • Tắc ruột
  • Thủng ruột
  • Chảy máu ruột
  • Viêm phúc mạc (viêm mô lót khoang bụng)
  • Áp xe trong ổ bụng
  • Ung thư đại tràng
  • Nhiễm trùng huyết
  • Tử vong.

Điều trị

Không có phương pháp điều trị chuẩn cho bệnh viêm manh tràng. Các phương pháp sẽ được chỉ định dựa trên kết quả đánh giá triệu chứng, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể:

1. Điều trị nội khoa

Phần lớn bệnh nhân có đáp ứng tốt khi điều trị nội khoa. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Thuốc
Bệnh nhân được dùng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và giảm nhẹ triệu chứng

  • Dùng thuốc
    • Dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và khắc phục tình trạng nhiễm trùng. Thông thường kháng sinh được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch ngay lập tức.
    • Dùng thuốc giảm đau để làm dịu các cơ đau ở bụng. Một số thuốc như Acetaminophen cũng được dùng để hạ sốt.
    • Truyền dịch tĩnh mạch.
  • Hút dịch dạ dày thông qua một ống thông được đưa qua mũi vào dạ dày.
  • Nghỉ ngơi ruột, người bệnh không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì. Thay vào đó người bệnh được nhận chất dinh dưỡng và chất lỏng thông qua ống nối với tĩnh mạch.
  • Phục hồi các chất điện giải bị cạn kiệt, bao gồm kali, natri và magie.
  • Truyền tiểu cầu khi bị thiếu máu.
  • Ở những người bị viêm manh tràng do hóa trị liệu, những đợt hóa trị liệu tiếp theo sẽ được đổi sang một loại thuốc khác.

2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật có thể được thực hiện khẩn cấp khi có biến chứng (tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết ồ ạt...) hoặc sau khi điều trị bảo tồn không hiệu quả.

Khi phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đoạn manh ràng bị viêm và khắc phục các biến chứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng phù hợp để phục hồi.

Phòng ngừa

Có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm nguy cơ viêm manh tràng:

  • Khám và điều tốt những tình trạng có thể gây viêm manh tràng. Đặc biệt là các đợt nhiễm trùng ở ruột già và ruột non, các bệnh có khả năng gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Nếu phải hóa trị điều trị ung thư, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp giúp ngăn ngừa viêm.
  • Nâng cao hệ thống miễn dịch để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất nên duy trì thói quen tập thể kết hợp ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin (đặc biệt là A, C, E), khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhiều hoa quả, các loại rau củ và ngũ cốc để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho những người có thể trạng yếu ớt.

Ăn nhiều hoa quả, các loại rau củ và ngũ cốc
Ăn nhiều hoa quả, các loại rau củ và ngũ cốc để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ viêm manh tràng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi bị viêm manh tràng?

2. Phác đồ điều trị như thế nào?

3. Những biến chứng có thể gặp nếu tôi trì hoãn điều trị?

4. Phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

5. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu thì khỏi?

6. Tôi nên chăm sóc tại nhà như thế nào để khỏe hơn?

7. Tôi có cần thực hiện một chế ăn uống khác hay không?

Bệnh viêm manh tràng gây ra nhiều triệu chứng nặng nề. Hơn nữa việc không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong. Vì thế, bệnh nhân cần được chữa bệnh ngay sau khi có các triệu chứng đầu tiên. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn kỹ lưỡng.