Bệnh Viêm Loét Thực Quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm loét thực quản là một vết loét gây đau hình thành trong niêm mạc của thực quản. Tình trạng này dẫn đến đau rát ngực, kèm theo buồn nôn, trào ngược axit và nhiều triệu chứng khác. Vết loét thường liên quan đến nhiễm khuẩn HP.

Tổng quan

Viêm loét thực quản là vết loét hoặc vết nứt rõ rệt phát triển trong niêm mạc thực quản - ống thon dài nối cổ họng với dạ dày. Bệnh xảy ra khi lớp chất nhầy lót và bảo vệ đường tiêu hóa mòn đi, cho phép axit dạ dày kích thích thành đường tiêu hóa dẫn đến loét.

Viêm loét thực quản
Viêm loét thực quản là vết loét phát triển trong niêm mạc thực quản, có thể gây thủng và xuất huyết

Hầu hết các trường hợp viêm loét thực quản liên quan đến nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori). Tuy nhiên vết loét cũng được gây ra bởi sự xói mòn do trào ngược axit dạ dày lên thực quản, nhiễm trùng do nấm men và virus.

Thực quản bị viêm loét dẫn đến đau và nhiều triệu chứng khó chịu khác, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên việc dùng thuốc có thể giúp bạn chữa khỏi bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm loét thực quản gồm:

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)

Viêm loét thực quản thường liên quan đến một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Sự phát triển quá mức của vi khuẩn này làm tổn thương lớp niêm mạc của thực quản. Từ đó tạo điều kiện cho axit dạ dày gia tăng tổn thương và hình thành vết loét cho thực quản.

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Loét thực quản là kết quả của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) không được điều trị. Bệnh lý này xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới bị hư hỏng hoặc suy yếu và không đóng lại đúng cách. Từ đó tạo điều kiện cho axit và thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược lên thực quản.

Sự tác động của axit dạ dày gây xói mòn lớp lót trong thực quản. Từ đó hình thành một vết loét hoặc vết nứt rõ rệt ở những vị trí này.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra sự xói mòn và hình thành vết loét ở thực quản

  • Thuốc

Dùng kéo dài một số loại thuốc có thể dẫn đến viêm loét thực quản, bao gồm:

    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Ibuprofen
    • Aspirin
    • Bisphosphonates

Những loại thuốc này (đặc biệt là NSAID) làm hỏng lớp niêm mạc của thực quản và dạ dày. Từ đó hình thành một hoặc nhiều vết loét.

Ngoài ra một số loại thuốc chứa kali có thể gây kích ứng, viêm và loét ở thực quản. Điều này phổ biến hơn ở những người nằm ngay sau khi uống thuốc hoặc uống không đủ nước.

  • Nấm và virus

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng vết loét có thể hình thành do nhiễm trùng. Tình trạng này thường liên quan đến nấm men và một số loại virus sau:

    • Virus u nhú ở người (HPV)
    • Herpes
    • Virus HIV
    • Virus cự bào
    • Nấm Candida
  • Tổn thương ăn mòn

Thực quản có thể bị viêm loét do ăn phải chất ăn mòn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em, người lớn bị rối loạn tâm thần, có xu hướng lạm dụng rượu hoặc tự tử.

  • Hút thuốc và uống quá nhiều rượu

Viêm loét thực quản thường gặp ở những người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu. Khi tiêu thụ, các chất có thể làm hao mòn lớp lót của thực quản và gây ra những tổn thương ở dạng vết loét.

Hút thuốc và uống quá nhiều rượu
Hút thuốc và uống quá nhiều rượu làm hao mòn lớp lót của thực quản và gây viêm loét

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của vết loét thực quản, bao gồm:

  • Loét thực quản hoặc loét tá tràng
  • Nấm candida hầu họng hoặc nhiễm trùng nấm men
  • Viêm thực quản
  • Ung thư thực quản
  • Bệnh tiểu đường
  • Thực phẩm cay nóng

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm loét thực quản có những triệu chứng sau:

  • Đau rát ở giữa ngực. Trong đó người bệnh có cảm giác đau và nóng rát ở dưới hoặc phía sau xương ức, giữa ngực
  • Ăn mất ngon
  • Ợ nóng
  • Khó nuốt
  • Buồn nôn
  • Hụt hơi
  • Đau họng
  • Vị chua trong miệng
  • Đau bụng
  • Nôn mửa
  • Đôi khi nôn ra máu
  • Giảm cân
  • Khó tiêu
  • Đau khi nuốt
  • Ho khan
  • Có vị chua trong miệng.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn.

Đau rát ở giữa ngực
Đau rát ở giữa ngực, có vị chua trong miệng, ăn mất ngon, nôn mửa... là các triệu chứng thường gặp

Thông thường bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm loét thực quản dựa trên những triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và xét nghiệm. Những xét nghiệm thường được chỉ định:

  • Nội soi: Ống nội soi linh hoạt có đèn và camera được đưa qua miệng vào trong thực quản và dạ dày. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng nhìn vào bên trong, phát hiện vết loét, đánh giá những tổn thương ở dạ dày và thực quản.
  • Sinh thiết: Nếu phát hiện vết loét, một mẫu nhỏ mô loét có thể được lấy ra và kiểm tra thêm.
  • Chụp X-quang barium: Bệnh nhân được yêu cầu uống một chất lỏng chứa bari. Sau đó dùng tia X để thu được hình ảnh chi tiết của thực quản và dạ dày. Điều này có thể giúp bác sĩ phát hiện những bất thường.
  • Kiểm tra hơi thở: Nếu có nghi ngờ viêm loét xảy ra do vi khuẩn HP, người bệnh sẽ được kiểm tra hơi thở. Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện dấu hiệu của nhiễm khuẩn HP.
  • Xét nghiệm máu: Người bệnh có thể được xét nghiệm máu để tìm kiếm sự có mặt của vi khuẩn HP và các loại virus, chẳng hạn như virus HPV. Từ đó giúp xác định nguyên nhân khiến thực quản bị viêm loét.

Biến chứng và tiên lượng

Nếu không được điều trị sớm, bệnh viêm loét thực quản có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Chảy máu đường tiêu hóa trên
  • Loét dạ dày tá tràng
  • Hẹp thực quản
  • Ung thư thực quản
  • Thủng (vỡ) thực quản
  • Sụt cân do chán ăn và khó nuốt
  • Tử vong do loét xuất huyết hoặc thủng.

Điều trị

Cần dựa trên nguyên nhân khi điều trị viêm loét thực quản. Hầu hết các trường hợp được chữa khỏi bằng thuốc và chế độ ăn uống. Những trường hợp nặng và có biến chứng cần được phẫu thuật.

1. Thuốc

Những loại thuốc được dùng trong điều trị viêm loét thực quản gồm:

Dùng kháng sinh cho những bệnh nhân bị viêm loét thực quản do nhiễm khuẩn HP
Dùng kháng sinh phù hợp cho những bệnh nhân bị viêm loét thực quản do nhiễm khuẩn HP

  • Thuốc kháng sinh: Những người bị viêm loét thực quản do nhiễm khuẩn HP sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Trong đó một hoặc nhiều loại kháng sinh kết hợp sẽ được dùng để sớm chữa khỏi nhiễm trùng và giảm nhẹ các triệu chứng.
  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen thường được dùng để giảm nhẹ cơn đau do viêm loét. Những loại NSAID như Ibuprofen không được kê đơn vì khả năng làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của vết loét.
  • Thuốc kháng virus: Nếu virus là nguyên nhân gây viêm loét thực quản, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng virus để điều trị. Thuốc này giúp tiêu diệt nhanh những loại virus đang gây viêm và loét.
  • Thuốc ức chế thụ thể H2: Thuốc ức chế thụ thể H2 không kê đơn (chẳng hạn như Pepcid) sẽ được chỉ định. Thuốc này có tác dụng làm giảm axit dạ dày. Khi dùng giúp ngăn hình thành và làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của vết loét. Đồng thời giúp làm dịu nhanh những triệu chứng của bệnh.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Bệnh nhân được kê đơn thuốc ức chế bơm proton (PPI) để bảo vệ và giúp thực quản lành lại. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hoặc làm ngừng sản xuất axit dạ dày. Những loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được sử dụng gồm Esomeprazol, Pantoprazol, Omeprazol...
  • Thuốc chống nấm: Một loại thuốc chống nấm được kê đơn cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng nấm men. Thuốc có tác dụng tiêu diệt nấm candida, giảm sự phát triển quá mức của nấm.

2. Thay đổi lối sống và ăn uống

Người bệnh sẽ được hướng dẫn thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khi điều trị viêm loét dạ dày thực. Điều này giúp làm dịu các triệu chứng và ngăn vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Không ăn quá no trong một lần. Tốt nhất nên ăn những bữa ăn nhỏ để giảm áp lực cho thực quản và dạ dày, giảm trào ngược axit khiến vết loét nghiêm trọng hơn.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng protein, các loại trái cây, rau củ, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tránh những loại thực phẩm có thể làm kích hoạt trào ngược dạ dày thực quản và khiến viêm loét thêm nghiêm trọng. Chẳng hạn như cam quýt, đồ chiên rán, sô cô la, thực phẩm/ thức uống chứa caffein, tỏi, đồ ăn chiên rán, thực phẩm nhiều chất béo, thức ăn cay nóng, cà chua và bạc hà.
  • Chọn những loại nước ngọt không chứa caffein, những loại trà đã khử caffein.
  • Tránh nằm xuống trong khoảng 3 giờ sau khi ăn.
  • Không nên ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái. Tránh những bộ quần áo bó sát để không làm tăng áp lực cho dạ dày.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Nên ăn uống lành mạnh và đủ dinh dưỡng cần thiết, kết hợp luyện tập để giữ cân nặng hợp lý.
  • Bỏ thuốc lá. Điều này giúp làm giảm nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản khiến viêm loét thêm nghiêm trọng.
  • Không uống rượu bia để tránh viêm loét thực quản thêm nghiêm trọng, giảm nguy cơ thủng và xuất huyết.
  • Nếu bị viêm loét thực quản do dùng thuốc, người bệnh sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng loại thuốc đang dùng. Điều này giúp vết loét được bảo vệ và lành lại.
  • Nếu thường xuyên bị trào ngược dạ dày thực quản vào bên đêm, hãy nâng cao đầu giường để giảm bớt các triệu chứng.

Nâng cao đầu giường khi ngủ
Nâng cao đầu giường khi ngủ để giảm trào ngược dạ dày thực quản vào bên đêm

3. Phẫu thuật

Đối với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng thủng thực quản, người bệnh sẽ được phẫu thuật.

  • Phẫu thuật điều trị GERD: Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể tiến hành thắt chặt van LES (cơ thắt thực quản dưới) hoặc chèn một thiết bị từ tính để giúp van này hoạt động. Phương pháp này giúp điều trị trào ngược dạ dày thực quản, ngăn axit dạ dày làm nặng hơn mức độ viêm loét.
  • Phẫu thuật điều trị thủng: Nếu có biến chứng thủng hoặc vỡ thực quản, người bệnh sẽ được phẫu thuật để sửa chữa và che lắp vết thủng.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm loét thực quản gồm:

  • Ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) bằng cách không ăn chung thức ăn, dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác.
  • Tránh tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với những người bị nhiễm trùng nấm men và virus (chẳng hạn như virus HPV). Điều này giúp ngăn ngừa lây nhiễm dẫn đến nhiễm trùng lây lan, làm tổn thương các cơ quan khác (bao gồm cả thực quản).
  • Ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn xong.
  • Nên chia khẩu phần ăn lớn thành 5 - 6 bữa nhỏ và dùng thường xuyên.
  • Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, rửa sạch thực phẩm tươi sống trước khi tiêu thụ.
  • Điều trị trào ngược dạ dày thực quản hoặc những bệnh lý khác có thể gây viêm loét thực quản.
  • Không lạm dụng hoặc dùng kéo dài các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm không sreroid (NSAID).
  • Uống thuốc với nhiều nước.
  • Quản lý trẻ nhỏ, tránh ăn phải chất ăn mòn.
  • Bỏ thuốc lá và không uống nhiều rượu. Điều này giúp phòng ngừa hao mòn lớp lót của thực quản và tình trạng viêm loét.

Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá ở người hút thuốc để phòng ngừa hao mòn lớp lót và gây viêm loét thực quản

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm loét thực quản là gì?

2. Phương pháp điều trị được bác sĩ đề nghị là gì?

3. Tôi có thể điều trị tại nhà hay không?

4. Những cách chăm sóc nào giúp vết loét mau lành?

5. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

6. Điều gì xảy ra nếu viêm loét thực quản không được chữa?

7. Những biến chứng của tôi có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Bệnh viêm loét thực quản thường do nhiễm khuẩn HP, trào ngược dạ dày thực quản và một số vấn đề khác. Tình trạng này chủ yếu được chữa bằng thuốc và các cách chăm sóc tại nhà, phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp nặng hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần điều trị sớm để ngăn các biến chứng.