Bệnh Viêm Loét Hành Tá Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm loét hành tá tràng là tình trạng viêm và loét xảy ra ở vị trí đầu tiên của tá tràng. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori. Bệnh cũng có thể liên quan đến việc sử dụng quá mức một số loại thuốc giảm đau.

Tổng quan

Viêm loét hành tá tràng là sự phát triển của những ổ viêm loét ở hành tá tràng. Đây là vị trí đầu tiên của tá tràng - nơi tiếp nhận thức ăn từ dạ dày để đưa vào ruột non.

Viêm loét hành tá tràng
Viêm loét hành tá tràng là tình trạng phát triển một hoặc nhiều ổ viêm loét ở hành tá tràng

Những ổ viêm loét hình thành từ sự xói mòn của lớp niêm mạc trong hành tá tràng, do axit tác động. Điều này khiến thành ruột bị lộ ra ngoài, người bệnh đau bụng thường xuyên và tăng nguy cơ ung thư.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm loét hành tá tràng xảy ra khi lớp bảo vệ trong dày và tá tràng bị suy yếu hoặc tổn thương. Từ đó tạo điều kiện cho axit dạ dày kích thích viêm, làm xói mòn hành tá tràng và hình thành những ổ viêm loét. Điều này thường gặp ở những người có vấn đề về tiêu hóa, làm tăng tiết axit trong dạ dày.

Hành tá tràng tiếp nhận thức ăn từ dạ dày và enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy đổ vào, sau đó đưa vào ruột non. Chính vì thế mà hành tá tràng dễ bị tổn thương hơn so với những vị trí khác.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến của bệnh:

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây viêm loét hành tá tràng thường gặp nhất. Loại vi khuẩn này chủ yếu sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ dạ dày và ruột non.

Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Helicobacter pylori không được chẩn đoán cho đến khi vi khuẩn gây ra những ổ viêm loét ở lớp lót bên trong dạ dày và tá tràng (bao gồm cả hành tá tràng).

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori
Hầu hết các trường hợp viêm loét hành tá tràng liên quan đến nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

  • Một số thuốc

Viêm loét hành tá tràng thường gặp ở những bệnh nhân thường xuyên sử dụng aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri. Những loại thuốc này có thể gây kích ứng hoặc viêm niêm mạc dạ dày, tá tràng và ruột non.

Nguy cơ hình thành ổ viêm loét cũng tăng cao khi sử dụng một số thuốc điều trị dưới đây:

    • Steroid
    • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
    • Thuốc chống đông máu
    • Aspirin liều thấp
    • Alendronate (Fosamax)
    • Risedronate (Actonel)
  • Nguyên nhân khác

Ngoài thuốc và nhiễm khuẩn HP, bệnh viêm loét hành tá tràng còn xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

    • Căng thẳng và lo lắng kéo dài
    • Mất cân bằng tiêu hóa
    • Có quá nhiều axit trong dạ dày và đường tiêu hóa
    • Có vấn đề về lớp lót khiến nó trở nên dễ hư hại hơn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh:

  • Di truyền
  • Lối sống thiếu khoa học, chẳng hạn như uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá
  • Trên 70 tuổi
  • Gần đây có chấn thương về thể chất nghiêm trọng
  • Có tiền sử loét tá tràng hoặc dạ dày
  • Ăn thức ăn cay.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của viêm loét hành tá tràng bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Đau bụng nóng rát
  • Không dung nạp thức ăn béo
  • Chướng bụng
  • Có cảm giác no hoặc ợ hơi
  • Buồn nôn

Đau bụng nóng rát
Bệnh viêm loét hành tá tràng gây đau bụng nóng rát, ợ nóng, có cảm giác no hoặc ợ hơi...

Những triệu chứng ít gặp hơn

  • Xuất huyết đường tiêu hóa dẫn đến nôn ra máu hoặc máu sẫm trong phân
  • Thay đổi khẩu vị
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Cảm thấy mờ nhạt
  • Khó thở

Để chẩn đoán chính xác, người bệnh được kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng và tiền sử bệnh. Trong đó bệnh nhân được ấn nhẹ vào bụng để kiểm tra vị trí đau và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

Viêm loét hành tá tràng có những triệu chứng tương tự như một số tình trạng khác. Chính vì thế mà người bệnh cần thực hiện thêm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

  • Xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở: Để kiểm tra nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc hơi thở. Những xét nghiệm này có thể giúp tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Nội soi: Người bệnh được nội soi để tìm vết loét. Trong đó ống nội soi được đưa qua họng, xuống dạ dày và phần trên của ruột non. Thiết bị này giúp quan sát và đánh giá mức độ nghiêm trọng của những ổ viêm loét. Nội soi cũng giúp chẩn đoán phân biệt viêm loét hành tá tràng với những tình trạng y tế khác.
  • Thử nghiệm nuốt barium: Người bệnh được hướng dẫn nuốt một chất lỏng có chứa bari. Chất lỏng này có thể giúp đường ruột được nhìn thấy rõ ràng hơn trên hình thành X-quang bụng.

Biến chứng và tiên lượng

Những trường hợp viêm loét hành tá tràng cần được điều trị sớm và đúng cách. Thông thường việc dùng thuốc theo chỉ định có thể giúp trung hòa axit, giảm các triệu chứng viêm và tạo điều kiện chữa lành vết loét.

Nếu không được điều trị, bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Chảy máu (xuất huyết) đường tiêu hóa
  • Thủng hành tá tràng
  • Sưng tấy do viêm hoặc sẹo làm tắc nghẽn đường tiêu hóa, ngăn chặn thức ăn đi qua vị trí này
  • Ung thư tá tràng.

Điều trị

Điều trị viêm loét hành tá tràng bao gồm việc tiêu diệt vi khuẩn HP, giảm nhẹ các triệu chứng, chữa lành vết thương, loại bỏ hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

1. Điều trị y tế

Thông thường những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:

Kháng sinh
Kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn HP, điều trị nhiễm trùng và ngăn viêm loét tiến triển

  • Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng 1 - 2 đợt thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP, điều trị nhiễm trùng. Thuốc này được chỉ đinh dựa trên tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh hiện tại và mức độ ảnh hưởng. Thông thường kháng sinh sẽ được dùng trong 2 tuần. Những loại thường được chỉ định gồm: Clarithromycin (Biaxin), amoxicillin (Amoxil), metronidazole (Flagyl)...
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc này có tác dụng làm giảm axit dạ dày bằng cách ức chế (giảm) hoạt động tạo ra axit trong tế bào của các bộ phận. Từ đó giúp trung hòa axit dạ dày, những ổ viêm loét ở hành tá tràng có thời gian lành lại. Những loại PPI thường được sử dụng gồm: Rabeprazole (Aciphex), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec)...
  • Thuốc ức chế axit: Đây là một loại thuốc giảm axit, còn được gọi là thuốc ức chế histamine (H-2). Thuốc này có tác dụng làm giảm số lượng axit dạ dày tiết vào đường tiêu hoa. Từ đó giúp thúc đẩy quá trình chữa lành của niêm mạc lớp lót trong hành tá tràng, giảm đau do ổ viêm loét.
  • Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày: Thuốc này có tác dụng giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày không được sử dụng để chữa lành vết loét.
  • Chất bảo vệ tế bào: Để bảo vệ những mô lót dạ dày, hành tá tràng và ruột, người bệnh sẽ được sử dụng chất bảo vệ tế bào. Thuốc này giúp tạo ra một lớp bảo vệ, chống lại sự xói mòn. Đồng thời tạo điều kiện cho những ổ viêm loét được chữa lành. Trong đó misoprostol (Cytotec) và sucralfate (Carafate) là những loại thuốc bảo vệ tế bào thường được sử dụng.

Sau 4 tuần điều trị bằng thuốc, người bệnh được kiểm tra nhằm chắc chắn rằng viêm loét hành tá tràng đã được chữa khỏi.

Nếu những triệu chứng vẫn tiếp tục hoặc nghiêm trọng, người bệnh sẽ được đề nghị nội soi và tiếp tục điều trị cho đến khi ổ viêm loét đã lành. Một số xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện để đánh giá.

Điều trị vết loét dai dẳng thường bao gồm:

  • Loại bỏ những yếu tố có thể làm cản trở quá trình chữa lành
  • Sử dụng những loại kháng sinh khác nhau.

Nếu có biến chứng do loét (như thủng, chảy máu cấp tính...), người bệnh sẽ được phẫu thuật điều trị. Quá trình này có thể bao gồm việc sửa chữa lỗ thủng và cầm máu.

2. Biện pháp khắc phục tại nhà

Để thúc đẩy chữa lành và giảm đau do viêm loét hành tá tràng, người bệnh được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc dưới đây:

Tránh uống rượu
Tránh uống rượu để không làm tăng mức độ ăn mòn trong niêm mạc, tránh viêm và xuất huyết

  • Tránh uống rượu: Tránh hoặc hạn chế uống rượu. Bởi việc sử dụng nhiều rượu có thể gây kích ứng, tạo phản ứng viêm và ăn mòn niêm mạc trong dạ dày. Cuối cùng làm tăng mức độ viêm loét và gây xuất huyết.
  • Đừng hút thuốc: Bỏ thuốc lá nếu có thói quen hút thuốc. Thuốc lá có thể làm yếu đi lớp lót bảo vệ của dạ dày và tá tràng. Đồng thời kích thích quá trình sản xuất axit dạ dày. Từ đó làm tăng mức độ viêm và loét hành tá tràng.
  • Thay đổi thuốc giảm đau: Hạn chế hoặc ngừng sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thay vào đó hãy sử dụng một loại thuốc giảm đau khác khi cần thiết, chẳng hạn như Acetaminophen. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn kỹ lưỡng hơn.
  • Tránh căng thẳng: Căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài có thể làm nặng hơn những triệu chứng và dấu hiệu của viêm loét hành tá tràng. Để kiểm soát căng thẳng, người bệnh cần suy nghĩ tích cực, thường xuyên tập thể dục, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.

Phòng ngừa

Những bước dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ viêm loét hành tá tràng:

  • Bảo vệ cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn Helicobacter pylori bằng cách:
    • Không hôn, ăn chung thức ăn hoặc dùng chung đũa, muỗng, chén hay ly nước với nhũng người bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này có thể truyền từ người này đến người khác, lây lan thông qua thức ăn hoặc nước uống.
    • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
    • Ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn.
  • Chú ý khi dùng thuốc
    • Thận trọng với thuốc giảm đau để tránh làm tăng nguy cơ viêm loét đường tiêu hóa, đặc biệt là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID).
    • Nên uống thuốc trong bữa ăn và uống với nhiều nước.
    • Nếu phải dùng thuốc giảm đau, hãy dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả.
    • Tránh uống rượu khi dùng thuốc. Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ viêm loét và đau dạ dày, tá tràng.
    • Dùng thuốc ức chế bơm proton, chất bảo vệ tế bào, thuốc kháng axit hoặc thuốc chẹn axit theo chỉ định của bác sĩ khi điều trị với NSAID.
  • Tránh thuốc lá và rượu bia.
  • Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, thức ăn béo, nhiều dầu mỡ, có tính axit. Những loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ viêm loét hành tá tràng và khiến những triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Điều trị tốt nếu có ổ viêm loét để tránh tình trạng này tái phát trong tương lai.
  • Tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, gây khó tiêu và tăng nguy cơ phát triển những ổ viêm loét ở dạ dày và hành tá tràng. Hãy dành nhiều thời gian nghỉ phơi, tập yoga, thiền và hít thở sâu nếu bị căng thẳng quá mức.

Tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần
Tránh căng thẳng để không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ viêm loét hành tá tràng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị viêm loét hành tá tràng?

2. Phác đồ điều trị như thế nào?

3. Loại thuốc nào thích hợp và giúp chữa khỏi nhanh?

4. Mất bao lâu để ổ viêm loét được chữa lành hoàn toàn?

5. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc điều trị?

6. Tôi cần hạn chế những gì trong quá trình điều trị?

7. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn kiêng hay không?

Bệnh viêm loét hành tá tràng thường do nhiễm khuẩn HP và sử dụng kéo dài một số loại thuốc. Hầu hết các trường hợp khỏi nhanh khi dùng điều chỉnh lối sống, dùng kháng sinh và các thuốc kháng axit. Những trường hợp không điều trị sớm có thể phát triển những biến chứng nghiêm trọng.