Viêm Khớp Vảy Nến

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm khớp vảy nến là bệnh viêm khớp mãn tính xảy ra ở một số người bị vảy nến. Bệnh được đặc trưng bởi những mảng da đỏ phủ vảy bạc, đau, cứng và sưng tấy ở những khớp bị ảnh hưởng.

Tổng quan

Viêm khớp vảy nến là một tình trạng viêm và đau khớp liên quan đến bệnh vảy nến. Bệnh gây ra những tổn thương da kèm theo sưng, đau và cứng ở một hoặc nhiều khớp. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng.

Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh viêm khớp mãn tính xảy ra ở bệnh nhân bị vảy nến, làm tổn thương da và khớp

Có khoảng 30% bệnh nhân bị vảy nến phát triển thành viêm khớp vảy nến sau vài năm. Cả hai bệnh lý này đều là bệnh tự miễn mãn tính. Tổn thương xảy ra khi một số tế bào của cơ thể nhắm nhầm mục tiêu, tấn công vào những tế bào và mô đang hoạt động của cơ thể.

Theo thời gian, viêm khớp vảy nến có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, không có cách chữa khỏi. Tuy nhiên tổn thương và các triệu chứng có thể thuyên giảm bằng nhiều phương pháp.

Phân loại

Bệnh viêm khớp vảy nến được chia thành 2 loại dựa trên số khớp bị ảnh hưởng.

  • Thể ít khớp: Tình trạng viêm xảy ra ở bốn khớp hoặc ít hơn.
  • Thể nhiều khớp: Đây là loại nghiêm trọng hơn. Trong đó tình trạng viêm ảnh hưởng bốn khớp trở lên.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm khớp vảy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào những tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể. Đồng thời kích thích sản xuất quá mức các tế bào da.

Không rõ vì sau gây ra sự rối loạn này. Tuy nhiên có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ, bao gồm:

Bệnh vảy nến
Viêm khớp vảy nến phát triển từ bệnh vảy nến, chiếm 30% trường hợp

  • Bệnh vảy nến: Những người mắc bệnh vảy nến đều có nguy cơ phát triển viêm khớp vảy nến. Khoảng 30% trường hợp có triệu chứng viêm khớp phát triển sau vài năm mắc bệnh vảy nến.
  • Di truyền: Bệnh viêm khớp vảy nến liên quan đến một số dấu hiệu di truyền. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở những người có gia đình bị vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến.
  • Chấn thương thể chất: Một chấn thương nặng có thể làm bùng phát các triệu chứng ở những người có khuynh hướng di truyền.
  • Yếu tố môi trường: Bệnh dễ bùng phát hơn ở những người bị phơi nhiễm độc tố, nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
  • Tuổi tác: Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở những người có độ tuổi từ 30 - 55 tuổi.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh vảy nến và khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của viêm khớp vảy nến có thể nhẹ và khó phát hiện hoặc đột ngột và nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một khớp hoặc nhiều khớp vào cùng một thời điểm.

Hầu hết mọi người có các triệu chứng viêm khớp xuất hiện sau một khoảng thời gian phát triển bệnh vảy nến. Tuy nhiên có khoảng 15% bệnh nhân bị viêm khớp xuất hiện trước các triệu chứng của bệnh vảy nến.

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm:

+ Triệu chứng ở khớp

Bệnh viêm khớp vảy nến thường ảnh hưởng đến những khớp sau:

  • Đầu gối
  • Mắt cá chân
  • Cổ tay
  • Bàn tay
  • Bàn chân

Những triệu chứng cụ thể:

  • Đau hoặc nhức, tăng độ nhạy cảm ở một hoặc nhiều khớp
  • Sưng tấy
  • Sờ thấy ấm
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian không hoạt động, chẳng hạn như ngồi lâu
  • Giảm phạm vi chuyển động ở những khớp bị ảnh hưởng
  • Cứng hoặc đau ở lưng dưới
  • Viêm điểm bám gân (đau và sưng nơi gân và dây chằng bám vào xương), đặc biệt là ở lòng bàn chân (viêm cân gan chân) hoặc ở phía sau gót chân (viêm gân Achilles)
  • Sưng toàn bộ ngón tay hoặc ngón chân tạo ra hình dạng tương tự như xúc xích, được gọi là viêm dactyl.

+ Triệu chứng trên da

  • Xuất hiện những đốm có vảy màu xám hoặc bạc ở đầu gối, trên da đầu, khuỷu tay hoặc/ và phần dưới của cột sống
  • Những đốm nhỏ, tròn (sẩn) hình thành trên cánh tay, thân và chân, đôi khi có vảy
  • Móng tay hoặc móng chân bị vỡ vụn hoặc bị tách ra khỏi nền móng
  • Xuất hiện lõm nhỏ ở móng tay.

+ Triệu chứng khác

  • Viêm mắt
    • Viêm màng bồ đào dẫn đến đỏ, đau và mờ mắt. Tình trạng này có thể dẫn đến mất thị lực khi không được điều trị
    • Viêm móng mắt
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi.

Viêm khớp vảy nến gây đau, cứng và sưng tấy ở những khớp bị ảnh hưởng
Bệnh gây tổn thương da dạng đốm có vảy màu xám hoặc bạc gây đau, cứng và sưng tấy ở khớp

Trong lần đầu tiên thăm khám, bác sĩ tiến tiến hành kiểm tra vùng da và các khớp bị ảnh hưởng, xem xét các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra bệnh nhân được hỏi về tiền sử bản thân và gia đình, những yếu tố có thể kích hoạt sự bùng phát của các triệu chứng.

Nếu có nghi ngờ viêm khớp vảy nến, các xét nghiệm dưới đây sẽ được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu có khả năng phát hiện và theo dõi hoạt động của bệnh, cụ thể:
    • Yếu tố dạng thấp và anti-CCP: Xét nghiệm máu giúp tìm kiếm các yếu tố dạng thấp, cho phép phân biệt viêm khớp trong bệnh vảy nến với viêm khớp dạng thấp.
    • HLA-B27: Xét nghiệm HLA-B27 được chỉ định khi có tiền sử gia đình bị viêm khớp vảy nến hoặc bệnh vảy nến. Những yếu tố được tìm thấy trong máu có thể giúp phát hiện bệnh.
    • Tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP): Xét nghiệm kiểm tra tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP) có thể phát hiện tình trạng viêm.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Dùng kim mảnh xuyên qua da và lấy một mẫu chất lỏng nhỏ. Bệnh phẩm được đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra nhiễm trùng và các tinh thể axit uric.
  • Chụp X-quang: X-quang được chỉ định trong giai đoạn sau của bệnh. Xét nghiệm này cho thấy những thay đổi của xương, thường chỉ nhìn thấy ở những bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến. Chẳng hạn như:
    • Phần cuối của xương bị mài mòn thành một đầu nhọn
    • Những thay đổi nghiêm trọng đối với khớp
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ thường không cần thiết. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể giúp theo dõi các bất thường về dây chằng và gân ở lưng dưới và bàn chân.

Biến chứng và tiên lượng

Không có cách điều trị viêm khớp vảy nến. Những triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động, giảm linh hoạt, tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm.

Ngoài ra viêm khớp vảy nến cũng làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng sau:

  • Viêm khớp mutilans. Đây là một dạng viêm khớp vảy nến nghiêm trọng, gây ra những đợt đau đớn và tàn tật. Khi không được kiểm soát tốt, bệnh phá hủy những xương nhỏ ở bàn tay và các ngón tay. Điều này dẫn đến biến dạng và tàn tật vĩnh viễn.
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tim mạch.

Những trường hợp điều trị sớm có thể giảm nhẹ các triệu chứng và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng.

Điều trị

Điều trị viêm khớp vảy nến tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát tình trạng viêm ở những khớp ảnh hưởng, ngăn ngừa tàn tật và giảm tổn thương da.

Các phương pháp cụ thể sẽ được chỉ định dựa trên số lượng khớp ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là những phương pháp hữu hiệu nhất, bao gồm:

1. Thuốc

Các thuốc dùng trong điều trị viêm khớp vảy nến thường bao gồm:

  • Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs)

Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs) là loại thuốc theo toa được sử dụng phổ biến. Thuốc có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh, bảo vệ khớp và da khỏi bị tổn thương vĩnh viễn.

Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs)
Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs) được chỉ định để làm chậm sự tiến triển của bệnh

Những loại DMARD thường dùng:

    • Methotrexate (Trexall, Otrexup).
    • Leflunomide (Arava)
    • Sulfasalazine (Azulfidine)
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được chỉ định cho những trường hợp nhẹ. Thuốc có tác dụng giảm đau và viêm. Thông thường Naproxen và Ibuprofen sẽ được sử dụng. Nếu không đáp ứng tốt, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng NSAID mạnh hơn và theo toa.

  • Corticosteroid

Thuốc Corticosteroid được dùng để trị viêm và đau do viêm khớp vảy nến. Ngoài ra thuốc còn tác động vào hệ thống miễn dịch, ngăn những phản ứng có thể gây tổn thương cho mô và tế bào đang hoạt động.

Bệnh nhân thường được dùng Corticosteroid ngắn hạn và không liên tục để ngăn ngừa các tác dụng phụ không mong muốn.

  • Các tác nhân sinh học

Các tác nhân sinh học được chỉ định khi NSAIDS hoặc DMARD không thể quản lý bệnh. Những loại thường dùng gồm:

    • Adalimumab (Humira)
    • Eanercept (Enbrel)
    • Golimumab (Simponi)
    • Infliximab (Remiacade)...

Những tác nhân sinh học có tác dụng làm chậm và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến. Đồng thời hạn chế những tổn thương ở khớp và da. Thuốc cần được sử dụng đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả.

  • DMARD tổng hợp có mục tiêu

Một loại DMARD tổng hợp có mục tiêu như Tofacitinib (Xeljanz) được dùng khi những tác nhân sinh học và DMARD thông thường không hiệu quả. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của enzym JAK. Từ đó làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu trong các tế bào tạo ra chứng viêm giảm nhẹ triệu chứng.

Thuốc Tofacitinib (Xeljanz) còn có tác dụng ức chế miễn dịch. Việc sử dụng giúp ngăn những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khiến mô thêm tổn thương.

Thuốc Tofacitinib (Xeljanz)
Thuốc Tofacitinib (Xeljanz) giúp giảm nhẹ triệu chứng do viêm và ức chế phản ứng của hệ miễn dịch

  • Apremilast (Otezla)

Thuốc Apremilast (Otezla) điều trị viêm khớp vảy nến bằng cách giảm hoạt động của một số loại enzymb liên quan đến viêm, giảm sưng, đau và cải thiện linh hoạt cho các khớp bị ảnh hưởng.

Ngoài ra thuốc Apremilast (Otezla) còn có tác dụng điều trị những tổn thương da do vảy nến, giảm mẩn đỏ, dày da và đóng vảy.

2. Vật lý trị liệu

Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập tác động nhẹ, giúp làm dịu cơn đau, giữ sự linh hoạt và phạm vi chuyển động cho các khớp. Khi triệu chứng thuyên giảm, những bài tập về sức mạnh sẽ được thực hiện để tăng cường các cơ hỗ trợ cho khớp.

3. Tiêm Steroid

Nếu đau nhiều và không giảm khi dùng thuốc, Corticosteroid được tiêm trực tiếp vào khớp ảnh hưởng. Phương pháp này giúp giảm viêm và đau nhanh chóng. Tuy nhiên tác dụng thường tạm thời, có thể tái phát sau vài tháng. Cần tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả.

4. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể hữu ích trong việc giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ điều trị viêm khớp vảy nến.

  • Nghỉ ngơi và bảo vệ khớp

Giữ cho khớp nghỉ ngơi, tránh những hoạt động làm tăng áp lực hoặc làm nặng hơn các triệu chứng ở khớp. Điều này giúp các khớp bị thương có thời gian lành lại.

Để bảo vệ khớp, người bệnh cũng cần thay đổi cách thực hiện những công việc hàng ngày. Chẳng hạn như:

    • Sử dụng thiết bị hỗ trợ, bao gồm khung tập đi hoặc dụng cụ mở lọ
    • Đẩy cửa mở bằng cả cơ thể, tránh chỉ dùng tay
    • Hạn chế nâng vật nặng. Nếu cần thiết, hãy mâng vật nặng bằng cả hai tay
  • Liệu pháp nhiệt

Dùng khăn ấm hoặc túi chườm ấm đặt vào những khớp bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp thư giãn các cơ và khớp xương bị đau. Đồng thời tăng lưu thông máu, giảm đau, sưng và cứng khớp hiệu quả.

Tắm bồn hoa sen và tắm nước ấm cũng mang đến hiệu quả tương tự. Liệu pháp nhiệt nên được thực hiện cách mỗi 6 giờ, mỗi lần 20 phút.

Liệu pháp nhiệt
Liệu pháp nhiệt mang đến hiệu quả thư giãn, giảm đau, sưng và cứng khớp

  • Liệu pháp lạnh

Dùng khăn bọc túi nước đá hoặc một túi rau củ đông lạnh, sau đó đặt lên các khớp bị ảnh hưởng. Phương pháp này giúp giảm sưng và đau bằng cách làm tê. Chườm lạnh tối đa 20 phút, mỗi ngày vài lần.

  • Nẹp

Bác sĩ có thể yêu cầu nẹp khớp để giữ các khớp ở vị trí thích hợp. Từ đó giảm viêm, tăng sự liên kết và ổn định trong khớp. Tuy nhiên nẹp chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Thỉnh thoảng người bệnh cần tháo nẹp và vận động nhẹ nhàng để duy trì những cử động cho các khớp.

  • Bài tập

Nên duy trì vận động khi bị viêm khớp vảy nến. Trong khi điều trị, người bệnh cần tập thể dục vừa phải để giữ sự linh hoạt và cơ bắp khỏe mạnh. Đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp.

Nên thực hiện những bài tập có tác động thấp (như yoga và thể dục nhịp điệu) kết hợp những bài tập về phạm vi chuyển động và sức mạnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Nếu có cân nặng dư thừa, cần giảm cân để giảm căng thẳng cho các khớp. Điều này giúp ngăn những tổn thương thêm, giảm đau nhức, tăng khả năng vận động và năng lượng.

  • Lối sống lành mạnh

Tránh xa thuốc lá để không làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến. Ngoài ra người bệnh nên hạn chế sử dụng rượu bia. Tiêu thụ cồn có thể tăng tác dụng phụ và giảm hiệu quả điều trị của một số loại thuốc.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không cần thiết. Tuy nhiên các khớp bị tổn thương nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay khớp. Phương pháp này giúp phục hồi chức năng, cải thiện hình dạng bên ngoài của vùng ảnh hưởng và khả năng cử động. Ngoài ra phẫu thuật cũng giúp giảm đau hiệu quả, cho phép các mô mới phát triển.

Phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật thay khớp nhằm phục hồi chức năng và khả năng cử động của các khớp ảnh hưởng

Phòng ngừa

Không có cách ngăn chặn viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên những bước dưới đây có thể giảm nguy cơ bùng phát bệnh.

  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với độc tố và những tác nhân gây bệnh trong môi trường.
  • Tích cực điều trị và kiểm soát bệnh vảy nến.
  • Ăn uống lành mạnh, đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất. Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập thích hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì gây ra các triệu chứng của tôi?

2. Cần thực hiện những bài kiểm tra nào?

3. Có khả năng đảo ngược tình trạng hay không?

4. Phương pháp điều trị hiệu quả và được chỉ định là gì?

5. Tôi cần thay đổi lối sống như thế nào?

6. Tôi nên luyện tập như thế nào?

7. Cần lam gì để kiểm soát và ngăn đợt bùng phát của bệnh?

Viêm khớp vảy nến phát triển ở những người bị vảy nến, gây tổn thương da và các khớp. Bệnh không được chữa khỏi hoàn toàn và có thể gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên các phương pháp có thể ngăn đợt bùng phát và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.