Viêm Khớp Khuỷu Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm khớp khuỷu tay xảy ra do tổn thương hoặc hao mòn sụn, thường liên quan đến sử dụng khớp quá mức, lão hóa và chấn thương. Tình trạng này gây đau đớn và ảnh hưởng đến chuyển động bình thường của khớp.

Tổng quan

Viêm khớp khuỷu tay là tình trạng viêm và đau ảnh hưởng đến khớp khuỷu tay. Tình trạng này có thể gây cứng khớp và ảnh hưởng đến những chuyển động bình thường.

Viêm khớp khuỷu tay
Viêm khớp khuỷu tay xảy ra khi khớp khuỷu tay viêm, đau và ảnh hưởng đến chuyển động bình thường

Có hơn 100 loại viêm khớp. Trong đó nhiều loại có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay. Viêm khớp khuỷu tay xảy ra khi sụn khớp (lớp lót làm đệm cho các xương) bị hao mòn hoặc tổn thương. Điều này làm tăng ma sát giữa xương với xương khi chuyển động. Từ đó gây viêm và đau đớn.

Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do lão hóa, người trẻ bị chấn thương hoặc lạm dụng khớp khuỷu tay. Tùy thuộc vào tình trạng, viêm và đau khuỷu tay sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp.

Phân loại

Những loại viêm khớp có thể xảy ra ở khuỷu tay gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (RA) ở khuỷu tay là một bệnh mãn tính. Bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong hệ thống miễn dịch. Hệ thống này bảo vệ cơ thể, giúp chống lại những kẻ xâm lược như virus và vi khuẩn.

Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch trục trặc, sản sinh kháng thể tấn công niêm mạc của khớp khỏe mạnh. Từ đó dẫn đến viêm và tổn thương. Bệnh thường gây đau và viêm khớp đối xứng. Điều này có nghĩa cả hai khuỷu tay điều bị ảnh hưởng.

Có hai loại RA gồm viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính (chiếm 60 - 80% trường hợp) và huyết thanh âm tính. Không rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng một số gen và yếu tố kích thích trong môi trường có thể liên quan.

  • Viêm khớp vảy nến

Trong bệnh viêm khớp vảy nến, viêm khớp xảy ra sau vài năm chẩn đoán bệnh vảy nến. Tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến khớp khuỷu tay.

Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công mô khỏe mạnh của cơ thể.

  • Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp khuỷu tay là bệnh viêm khớp do thoái hóa. Bệnh xảy ra khi bề mặt sụn khớp khuỷu tay bị hao mòn hoặc tổn thương. Khi bị mòn đi, sụn trở nên khô ráp và sờn, không gian bảo vệ giảm khiến xương cọ xát với xương. Từ đó gây đau đớn và hình thành gai xương.

Thoái hóa khớp thường là kết quả của sự hao mòn tự nhiên khi già đi và sau một khoảng thời gian dài hoạt động. Bệnh cũng có thể xảy ra do chấn thương trước đó. Thoái hóa khớp có tiến triển chậm, thường gây đau và phát ra tiếng kêu lạo xạo khi cử động khớp.

Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp xảy ra khi bề mặt sụn khớp của khuỷu tay bị hao mòn hoặc tổn thương

  • Bệnh gout

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay và ngón tay, đặc biệt là khớp ngón chân cái. Tuy nhiên bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khớp khuỷu tay.

Bệnh lý này xảy ra khi axit uric tăng cao trong máu, khiến những tinh thể sắc nhọn hình thành, tích tụ trong mô và khớp. Những người bị viêm khớp khuỷu tay sẽ có cảm giác đau nhức dữ dội và sưng tấy.

  • Viêm khớp vị thành niên

Viêm khớp vị thành niên (hay viêm khớp thiếu niên) là một nhóm các tình trạng viêm khớp xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó hầu hết các loại là tự viêm và tự miễn.

Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch giải phóng những chất tấn công vào khớp khỏe mạnh. Điều này dẫn đến đau, cứng và tăng độ nhạy cảm của khớp. Viêm khớp vị thành niên được phân thành nhiều loại, gồm:

    • Thể ít khớp (ảnh hưởng ít hơn hoặc 4 khớp lớn, thường kèm theo viêm mắt)
    • Thể đa khớp (ảnh hưởng trên 5 khớp)
    • Toàn thân
    • Viêm khớp vảy nến
    • Viêm khớp liên quan đến gân và dây chằng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh phụ thuộc vào loại viêm khớp ảnh hưởng đến khuỷu tay. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

  • Chấn thương: Viêm xương khớp (thoái hóa khớp) thường xảy ra do chấn thương khuỷu tay trong quá khứ. Chấn thương khiến cơ thể sản sinh các chất phá hủy sụn. Điều này khiến sụn mòn đi và các đầu xương ma sát với nhau.
  • Lão hóa: Thoái hóa khớp thường là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên khi bạn già đi và sau nhiều năm vận động. Theo thời gian, sụn mất nước và mòn dần, giảm không gian bảo vệ giữa những đầu xương.
  • Lạm dụng khớp: Viêm khớp khuỷu tay thường gặp ở những người lạm dụng khớp và lặp đi lặp lại một chuyển động.
  • Tích tụ axit uric: Axit uric được đào thải khỏi cơ thể và không gây hại. Tuy nhiên chế độ ăn uống nhiều purin có làm tăng nồng độ axit uric trong máu dẫn đến dư thừa. Điều này khiến các tinh thể hình thành, lắng đọng trong khớp dẫn đến viêm.
  • Vô căn: Một số loại viêm khớp không được xác định nguyên nhân, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và viêm khớp vị thành niên. Tuy nhiên những bênh lý này có thể liên quan đến một số gen trong cơ thể và yếu tố môi trường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm khớp khuỷu tay có triệu chứng đa dạng và nghiêm trọng. Tùy thuộc vào loại viêm khớp, người bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau.

Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp nhất gồm:

Viêm khớp khuỷu tay gây đau khuỷu tay
Viêm khớp khuỷu tay gây đau khuỷu tay, cứng, sưng khớp, khó hoặc không thể chuyển động

  • Đau khuỷu tay
  • Đau nhiều khi xoay hoặc duỗi cánh tay
  • Cứng khớp
  • Sưng tấy
  • Ấm áp khi sờ
  • Khó hoặc không thể chuyển động khuỷu tay
  • Khớp bị khóa hoặc bung ra khi di chuyển
  • Ngứa ran ở khuỷu tay
  • Tê ở ngón đeo nhẫn và ngón áp út
  • Có tiếng kêu bất thương khi cử động khớp, chẳng hạn như lục cục hoặc lạo xạo (do thoái hóa khớp).

Phần lớn những người bị viêm khớp khuỷu tay do viêm khớp dạng thấp sẽ có hai khuỷu tay đều bị ảnh hưởng.

Khi có bất thường, cần đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán. Chẩn đoán viêm khớp thường gồm các bước:

  • Khám lâm sàng: Bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng quanh khớp, mức độ đau và tiền sử bệnh. Ngoài ra bác sĩ sẽ yêu cầu co duỗi khớp khuỷu tay hoặc/ và ấn nhẹ để đánh giá phạm vi chuyển động và xác định vị trí đau.
  • Chụp X-quang: Người bệnh thường được yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra các xương trong khớp khuỷu tay. Điều này có thể loại bỏ một số nguyên nhân gây đau khớp như gai xương, tổn thương xương.
  • Siêu âm: Đôi khi siêu âm được thực hiện để kiểm tra mô quanh khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn về xương và mô mềm. Từ đó xác định tình trạng.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này thường dược thực hiện để phân loại viêm khớp. Chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp với những yếu tố dạng thấp được tìm thấy trong máu.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm khớp khuỷu tay thường đau và sưng khớp kéo dài, làm giảm khả năng vận động linh hoạt. Khi trì hoãn hoặc không điều trị tốt, người bệnh còn có nguy cơ đối mặt với những biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng hoặc chảy máu trong khớp
  • Hoại tử xương
  • Đau khuỷu tay mãn tính
  • Teo cơ
  • Hỏng khớp
  • Mất chức năng vận động
  • Tăng nguy cơ tàn phế
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Điều trị

Điều trị ban đầu cho viêm khớp khuỷu tay gồm những phương pháp bảo tồn. Hiếm khi cần đến phẫu thuật.

1. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Một số cách có thể giúp giảm đau tại nhà khi bị viêm khớp khuỷu tay.

Chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng hỗ trợ trị viêm, giảm sưng tấy và đau nhức khớp hiệu quả

  • Chườm lạnh: Chườm lạnh vài lần mỗi ngày nếu bị sưng và đau khớp. Biện pháp này giúp giảm viêm, làm dịu sưng và đau hiệu quả. Khi thực hiện, đặt gel lạnh hoặc túi đá lên vị trí đau trong 15 phút.
  • Chườm nóng: Chườm nóng giúp thư giãn khớp, giảm đau và cứng khớp hiệu quả. Khi thực hiện, đặt chai nước ấm hoặc miếng đệm sưởi lên khuỷu tay trong 20 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần.
  • Đeo nẹp: Đeo nẹp khuỷu tay trong thời gian ngắn. Điều này giúp ổn định khớp khuỷu tay, giảm những hoạt động có thể gây đau đớn và tổn thương thêm.
  • Nghỉ ngơi: Để khớp khuỷu tay nghỉ ngơi và chuyển động nhẹ nhàng. Không lạm dụng khớp, tránh những hoạt động gắng sức hoặc có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng.
  • Duy trì vận động: Không nên bất động khớp khuỷu tay lâu ngày để tránh cứng khớp nghiêm trọng. Hãy duy trì vận động với những chuyển động khớp và bài tập thích hợp. Điều này giúp giữ sự linh hoạt, tăng cường cơ hỗ trợ và cải thiện phạm vi chuyển động cho khớp khuỷu tay.

2. Thuốc

Bệnh viêm khớp khuỷu tay cần được điều trị bằng thuốc. Dựa vào mức độ nặng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Một vài loại thuốc kháng viêm không steroid như Naproxen natri và Ibuprofen được chỉ định để ngăn chặn chứng viêm, giảm đau và sưng tấy. Đôi khi NSAID được dùng ở dạng thuốc bôi để hỗ trợ.
  • Corticosteroid: Corticosteroid có thể được dùng ở dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp khuỷu tay. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm viêm và đau nhanh. Đối với tiêm Corticosteroid vào khớp, thuốc được đưa vào khuỷu tay dưới hướng dẫn của siêu âm. Điều này giúp thuốc xâm nhập sâu hơn vào những mô quanh khớp, đảm bảo hiệu quả điều trị. Corticosteroid có thể được tiêm nhắc lại nếu đau tái phát sau vài tháng.
  • Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh (DMARD): DMARD được dùng để ngăn chặn viêm khớp cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng làm chậm hoặc ngăn sự phát triển của viêm. Tuy nhiên cần mất khoảng vài tháng để thuốc phát huy hiệu quả rõ rệt.
  • Sinh học: Thuốc sinh học được dùng nếu DMARD không mang đến hiệu quả cao. Thuốc này cũng có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của viêm khớp khuỷu tay.

3. Vật lý trị liệu

Bệnh nhân thường được hướng dẫn những bài tập vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng. Những bài tập này có tác dụng tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt cho khớp, giảm đau và tăng cường các cơ hỗ trợ khuỷu tay.

Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn những tư thế trong sinh hoạt và các hoạt động giúp ngăn tổn thương thêm nghiêm trọng.

Bài tập vật lý trị liệu
Bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường các cơ hỗ trợ khuỷu tay và tăng phạm vi chuyển động

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định nếu khớp khuỷu tay hỏng nhiều, gây đau đớn liên tục và không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn. Những kỹ thuật thường được áp dụng gồm:

  • Nội soi khớp: Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi để loại bỏ các mô tổn thương và làm phẳng khớp. Trong quy trình này, bác sĩ tạo những vết rạch nhỏ quanh khớp. Sau đó đưa dụng cụ vào trong để lấy các mảnh xương cũng như mô và sụn bị hỏng. Nội soi khớp gây chảy máu ít và có thời gian lành thương nhanh hơn.
  • Phẫu thuật loại bỏ: Bác sĩ có thể tạo một vết rạch lớn, sau đó loại bỏ các vùng bị tổn thương khỏi màng khớp hoặc các gai xương.
  • Thay khớp: Nếu khớp khuỷu tay bị hỏng nặng, người bệnh cần phải tiến hành thay khớp. Trong đó khớp nhân tạo (thường bằng kim loại) được dùng để thế vào vị trí của khớp tổn thương. Điều này giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động.

Phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng viêm khớp khuỷu tay có thể được hạn chế bởi những biện pháp sau:

  • Không lạm dụng khớp khuỷu tay hoặc thực hiện những hoạt động nặng có thể gây tổn thương cho khớp.
  • Tránh lặp đi lặp lại một vài chuyển động đối với khớp. Nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Thận trọng để tránh chấn thương trong sinh hoạt và lao động.
  • Không hút thuốc lá vì thuốc lá có thể đẩy đây quá trình lão hóa xương khớp.
  • Hạn chế rượu bia và chất kích thích. Ngoài ra cần điều trị nhiễm trùng và không tiếp xúc hóa chất để tránh kích hoạt một số loại viêm khớp.
  • Tránh ăn những thực phẩm có chứa nhiều purin.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục đều đặn với bài tập và cường độ thích hợp. Điều này giúp duy trì phạm vi và sự linh hoạt cho khớp, tăng cường sức khỏe xương và các cơ hỗ trợ. Từ đó giảm nguy cơ viêm khớp, bao gồm cả khớp khuỷu tay.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều canxi và vitamin D để duy trì sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ thoái hóa.

Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để giảm nguy cơ thoái hóa khớp khuỷu tay

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh lý nào gây ra các triệu chứng của tôi?

2. Điều trị bằng phương pháp nào giúp đạt hiệu quả cao?

3. Tôi cần vận động và tập thể dục như thế nào?

4. Ngoài thuốc, có cách nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn không?

5. Điều trị trong bao lâu thì giảm?

6. Tôi cần luyện tập như thế nào để đạt hiệu quả cao?

7. Khi nào cần phẫu thuật? Chi phí?

Viêm khớp khuỷu tay gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, làm ảnh hưởng đến chức năng và phạm vi chuyển động của khớp. Ngoài ra bệnh còn làm tăng nguy cơ liệt khớp và đau mãn tính nếu không được điều trị. Tốt nhất nên khám và chữa trị sớm, thực hiện phác đồ đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.