Viêm Khớp Dạng Thấp Huyết Thanh Dương Tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính (Seropositive RA) là bệnh viêm khớp dạng thấp có một số kháng thể trong máu. Những người có các triệu chứng của RA nhưng không có các kháng thể này được gọi là viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính.

Tổng quan

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là thuật ngữ chỉ bệnh viêm khớp dạng thấp có kháng thể peptide citrullinated chống chu kỳ (anti-CCPs) hoặc/và yếu tố thấp khớp (RF) trong máu.

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là tình trạng viêm khớp dạng thấp có anti-CCPs hoặc RA trong máu

Mức độ cao của một hoặc hai kháng thể này dẫn đến viêm và tăng mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên nhiều lựa chọn điều trị có thể giúp kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Hầu hết những người bị viêm khớp dạng thấp đều có RA huyết thanh dương tính. Bệnh được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm kiểm tra mức anti-CCPs và RF.

Những người không kháng thể liên quan nhưng có các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp được gọi là viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân cụ thể của viêm khớp dạng thấp (bao gồm cả RA huyết thanh dương tính vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên di truyền, căng thẳng, nhiễm khuẩn và môi trường là những yếu tố liên quan đến bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính và âm tính đều có những triệu chứng nghiêm trọng và đa dạng, có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian.

Người bệnh sẽ có những giai đoạn mà hoạt động của bệnh và các triệu chứng tăng cao (các đợt bùng phát) và những giai đoạn thuyên giảm (không có triệu chứng hoặc chỉ gặp một vài triệu chứng nhẹ).

Những triệu chứng của RA huyết thanh dương tính có thể là:

+ Triệu chứng ở khớp

  • Sưng và đau ở một số khớp, thường ảnh hưởng nhiều nhất ở bàn tay và bàn chân
  • Đau khớp đối xứng (ảnh hưởng đồng thời hai khớp giống nhau ở hai bên cơ thể)
  • Cứng khớp vào buổi sáng, thường kéo dài 45 phút
  • Sờ thấy ấm và đỏ ở khớp ảnh hưởng
  • Phát triển những cục cứng dưới da, được gọi là nốt thấp khớp
  • Thoái hóa sụn và xương trên hình ảnh X-quang.

Bệnh gây sưng và đau ở một số khớp đối xứng
Bệnh gây sưng và đau ở một số khớp đối xứng, cứng khớp vào buổi sáng, phát triển nốt thấp khớp

+ Triệu chứng toàn thân

  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi liên tục
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Thiếu máu
  • Da dẻ xanh xao
  • Viêm mắt
  • Thay đổi tâm trạng
  • Phiền muộn kéo dài
  • Khô miệng
  • Khô mắt.

Thông thường những triệu chứng phát triển trong vòng một năm trước khi xét nghiệm dương tính với yếu tố dạng thấp. Những người có kháng thể peptide citrullinated chống chu kỳ thường nhạy cảm hơn, có thể xuất hiện nhiều năm trước khi những triệu chứng phát triển.

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, bác sĩ kiểm tra triệu chứng quanh các khớp bị ảnh hưởng. Sau đó tiến hành xét nghiệm máu xem có yếu tố dạng thấp hay anti-CCPs hay không.

Một số xét nghiệm khác cũng được thực hiện để kiểm tra tổn thương xương và mô của khớp. Bao gồm:

 

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy tổn thương (xói mòn) của sụn và xương.
  • Chụp MRI hoặc siêu âm: Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc siêu âm. Hình ảnh thu được giúp đánh giá chi tiết tổn thương của khớp xương và mô mềm xung quanh. Từ đó phân biệt viêm khớp dạng thấp với những tình trạng khác.

Biến chứng và tiên lượng

So với RA huyết thanh âm tính, RA huyết thanh dương tính có những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng kéo dài gây mệt mỏi mãn tính, gây mất ngủ và tăng nguy cơ trầm cảm.

Ngoài ra viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khi không được kiểm soát tốt. Bao gồm:

RA huyết thanh dương tính gây biến dạng khớp
RA huyết thanh dương tính gây biến dạng khớp, viêm mạch, những vấn đề về phổi thấp khớp

  • Nốt thấp khớp
  • Đau mãn tính
  • Biến dạng khớp và ảnh hưởng đến chức năng vận động
  • Viêm mạch
  • Những vấn đề về phổi thấp khớp
    • Xơ sẹo phổi
    • Tăng áp trong phổi
    • Viêm lớp niêm mạc
  • Bệnh tim mạch
  • Tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim
  • Hội chứng Sjogren
  • Viêm lan rộng
  • Hội chứng ống cổ tay
  • Viêm mắt
  • Tăng nguy cơ mù lòa
  • Bệnh cơ cổ tử cung
  • Tổn thương khớp
  • Biến dạng khớp
  • Loãng xương
  • Tổn thương thần kinh
  • Tăng nguy cơ ung thư hạch (liên quan đến những thay đổi trong hệ thống miễn dịch).

Điều trị

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính không được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên các phương pháp có thể giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn những đợt bùng phát và tổn thương khớp thêm.

Dưới đây là những phương pháp điều trị hữu hiệu cho RA huyết thanh dương tính:

1. Thuốc

Bệnh nhân sẽ được kê đơn một hoặc nhiều loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại NSAID như Ibuprofen và Naproxen thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau và viêm.
  • Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARD): Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh là nhóm thuốc thường được sử dụng để làm chậm sự phát triển của viêm khớp dạng thấp. Thuốc này cũng giúp ngăn tổn thương khớp thêm và giảm các triệu chứng. Methotrexate là thuốc chống thấp khớp được dùng phổ biến nhất.
  • Thuốc Corticosteroid: Prednisone hoặc một loại Corticosteroid khác có thể được sử dụng. Thuốc có tác dụng kiểm soát đợt bùng phát cho những bệnh nhân bị viêm nặng, giảm sưng và đau hiệu quả. Corticosteroid thường được dùng ở liều thấp nhất có tác dụng, bệnh nhân được theo dõi khi điều trị. Để tránh tác dụng phụ, bệnh nhân được yêu cầu ngừng sử dụng thuốc ngay khi đợt bùng phát được kiểm soát.
  • Thuốc DMARD sinh học: Trong điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, thuốc sinh học được chỉ định khi các thuốc DMARD cơ bản không mang đến hiệu quả cao. Thuốc này có tác dụng làm giảm hoạt động của những tế bào miễn dịch. Từ đó ngăn viêm làm tổn thương khớp. Khi sử dụng, mỗi loại thuốc sinh học sẽ nhắm vào một loại phân tử cụ thể tác động vào quá trình viêm, chẳng hạn như interleukin (IL), yếu tố hoại tử khối u (TNF)... Từ đó giảm các triệu chứng của bệnh.

Thuốc DMARD sinh học
Thuốc sinh học được dùng để giảm hoạt động của tế bào miễn dịch, ngăn viêm làm tổn thương khớp

2. Trị liệu

Vật lý trị liệu bao gồm những bài tập phù hợp, giúp kiểm soát đau và phục hồi chức năng vận động của khớp. Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn thay đổi thói quen hàng ngày. Đồng thời giúp tránh những hoạt động có thể gây ra bất kỳ tổn thương nào đối với khớp.

3. Thay đổi lối sống

Để quản lý viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, bệnh nhân được yêu cầu thay đổi lối sống. Dưới đây là một số thói quen sinh hoạt có thể giúp ích:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống chống viêm để giảm số lần bùng phát của viêm khớp dạng thấp.
    • Tăng cường bổ sung vitamin A, vitamin C, axit béo omega-3 và các chất chống oxy hóa.
    • Bổ sung đủ canxi và vitamin D cần thiết từ thực phẩm. Hai thành phần này giúp cải thiện sức khỏe xương, giảm nguy cơ phát triển biến chứng loãng xương.
    • Ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều trái cây và rau xanh.
    • Uống nhiều nước mỗi ngày.
    • Tránh thực phẩm cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, nhiều đường hoặc muối. Ngoài ra cần tránh ăn nhiều thịt đỏ.
  • Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, giảm cứng khớp và giữ cho những khớp linh hoạt.
  • Không hút thuốc lá. Thuốc lá có thể làm nặng hơn những triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị.

4. Chườm lạnh và chườm nóng

Nếu RA bùng phát, người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm viêm và đau.

  • Chườm lạnh: Dùng túi chườm đá đặt lên khớp ảnh hưởng từ 10 - 15 phút để giảm đau và viêm. Biện pháp này nên được thực hiện vài tiếng 1 lần.
  • Chườm nóng: Chườm nóng bao gồm việc đặt lên khớp viêm một miếng đệm sưởi hoặc chai nước ấm. Biện pháp này có thể giúp giảm đau, thư giãn và giảm cứng khớp hiệu quả.

Chườm lạnh và chườm nóng
Chườm lạnh và chườm nóng để giảm viêm và đau khi bệnh viêm khớp dạng thấp bùng phát

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương. Phương pháp này giúp sửa chữa khớp và các mô ảnh hưởng. Từ đó cắt giảm cơn đau, khôi phục khả năng sử dụng khớp và cải thiện chức năng.

Một số lựa chọn phẫu thuật:

  • Phẫu thuật chỉnh trục
  • Thay khớp nhân tạo toàn phần hoặc bán phần.

Một số rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng và hình thành cục máu đông. Để ngăn ngừa, cần cân nhắc lợi ích và rủi ro, thực hiện các biện pháp phục hồi sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Tuy nhiên nhiều biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ và ngăn đợt bùng phát của bệnh.

  • Tránh căng thẳng, nhiễm trùng và những yếu tố môi trường có thể kích hoạt bệnh, chẳng hạn như các tác nhân gây dị ứng.
  • Đạt được và giữ cân nặng hợp lý. Điều này giúp giảm áp lực lên các khớp, giảm nguy cơ viêm và tổn thương khớp.
  • Ngừng hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
  • Phát hiện và điều trị tích cực các bệnh nhiễm trùng và viêm khớp.
  • Vận động và luyện tập thể thao mỗi ngày. Điều này giúp duy trì chức năng và tính linh hoạt cho các khớp, tăng cường các cơ hỗ trợ và giảm nguy cơ viêm khớp.
  • Uống nhiều nước lọc mỗi ngày.
  • Ăn một chế độ ăn uống kháng viêm và lành mạnh. Nên ăn nhiều các loại rau xanh, củ quả và trái cây nhằm bổ sung các vitamin và khoáng chất. Ngoài ra nên ăn nhiều cá giàu omega-3 để ngăn ngừa và làm chậm phát triển viêm, tăng tốc độ chữa lành.

Tập thể dục đều đặn và ăn một chế độ ăn uống kháng viêm
Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục và ăn một chế độ ăn uống kháng viêm để giảm nguy cơ

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

2. Phương pháp điều trị được lựa chọn là gì?

3. Mất bao lâu để kiểm soát viêm khớp dạng thấp?

4. Tôi nên làm gì để ngăn những đợt bùng phát của bệnh?

5. Có điều gì cần kiêng hoặc hạn chế hay không?

6. Cách chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

7. Tôi nên làm gì nếu gặp tác dụng phụ?

8. Khi nào phẫu thuật được thực hiện?

 

Bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là một bệnh viêm khớp nghiêm trọng, có các triệu chứng nặng nề và không được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nhiều phương pháp có thể giúp kiểm soát bệnh, giảm đau và ngăn tổn thương thêm. Bệnh nhân lưu ý khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao.