Viêm Gân Cổ Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm gân cổ tay là tình trạng viêm gân nối cơ cẳng tay với xương ở tay, thường do chuyển động lặp đi lặp lại hoặc chấn thương. Tình trạng này gây đau khi cử động cổ tay, nhắc đồ vật hoặc nắm tay.

Tổng quan

Viêm gân cổ tay là tình trạng viêm và kích ứng gân ở khớp cổ tay. Cổ tay có nhiều gân, chúng được được tạo thành từ những sợi dây dày, nối cơ ở cẳng tay với xương ở tay.

Viêm gân cổ tay
Viêm gân cổ tay xảy ra khi gân ở khớp cổ tay bị viêm và kích ứng dẫn đến đau đớn

Thông thường, các gân hoạt động cùng nhau, cho phép thực hiện linh hoạt các cử động ở bàn tay, ngón tay và cổ tay. Khi sử dụng quá mức hoặc bị chấn thương, viêm có thể xảy ra tại bất kỳ gân nào ở cổ tay.

Viêm gân cổ tay gây đau và sưng dọc theo gân ảnh hưởng, yếu chi và giảm khả năng vận động. Dựa vào vị trí và mức độ tổn thương, các phương pháp điều trị thích hợp sẽ được thực hiện.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm gân cổ tay chủ yếu xảy ra do căng thẳng lặp đi lặp lại. Khi sử dụng quá mức, vỏ bọc gân (bao gân) có thể bị kích ứng, viêm và sưng to. Điều này khiến gân không thể trượt trơn tru qua vỏ bọc, tạo lực nén và gây đau khi cử động ngón tay hoặc cổ tay.

Viêm gân cổ tay cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Chấn thương: Va đập hoặc té ngã có thể làm tổn thương các gân ở cổ tay và gây viêm.
  • Bệnh lý: Viêm gân thường là kết quả của các bệnh lý dưới đây:
    • Bệnh gút hoặc giả gút
    • Viêm xương khớp
    • Rối loạn tự miễn, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp
    • Bệnh tiểu đường. Bệnh lý này làm hạn chế lượng máu đến gân ảnh hưởng dẫn đến tổn thương.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Phụ nữ mới sinh và những người chăm sóc trẻ em, cần nâng và bế trẻ nhiều giờ mỗi ngày
  • Trên 40 tuổi
  • Phụ nữ
  • Có tiền sử viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (khuỷu tay quần vợt) hoặc chấn thương gân
  • Có công việc hoặc sở thích cần chuyển động cổ tay lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như gõ bàn phím, trang trí bánh hoặc sử dụng máy móc hạn nặng.
  • Giữ cánh tay, cổ tay hoặc bàn tay ở vị trí kém khi thực hiện các hoạt động như đánh máy hoặc nhắn tin
  • Hút thuốc lá
  • Cố gắng bỏ qua cơn đau để vận động
  • Không khởi động hoặc không luyện tập đúng cách khi bắt đầu một hoạt động mới.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm gân cổ tay gồm:

Viêm gân cổ tay gây đau nhức, cứng, sưng gốc ngón tay hoặc quanh cổ tay
Viêm gân cổ tay gây đau nhức, cứng khớp, sưng gốc ngón tay hoặc quanh cổ tay

  • Đau cổ tay. Đau thường âm ỉ nhưng cũng có thể dữ dội
  • Sưng gốc ngón tay hoặc quanh cổ tay
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động của bàn tay hoặc khó thực hiện một số động tác nhất định, cụ thể như nâng và bế trẻ nhỏ, xoay tay nắm cửa, mở lọ...
  • Nóng và đỏ
  • Gân bị viêm phát ra tiếng kêu cót két khi di chuyển
  • Cảm thấy yếu khi thực hiện các chuyển động thông thường.

Bác sĩ tiến hành kiểm tra thể chất để xem xét các triệu chứng. Trong quá trình này, người bệnh được hỏi về tần suất và mức độ đau, các hoạt động có thể gây đau, triệu chứng đi kèm, tiền sử bệnh và chấn thương.

Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số cử động nhất định, sờ hoặc ấn vào cổ tay, bàn tay, ngón tay hoặc cẳng tay; . Điều này giúp tìm kiếm các điểm đau và sưng, xác định những chuyển động có thể gây ra hoặc làm tăng mức độ đau.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng và phân biệt với các tình trạng khác, một số xét nghiệm hình ảnh cũng được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh giúp kiểm tra gãy xương và viêm khớp cổ tay.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh về mô mềm, xác định gân viêm và tình trạng tích tụ chất lỏng quanh gân. Chụp cộng hưởng từ cũng giúp xác định những bất thường khác, chẳng hạn như khối u.
  • Siêu âm: Siêu âm giúp kiểm tra và đánh giá mức độ tổn thương do viêm gân cổ tay, chẳng hạn như rách hoặc đứt gân.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết mọi người không bị đau và viêm lâu dài, đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. Sau điều trị và cổ tay lành lại, người bệnh có thể cải thiện khả năng vận động và sức mạnh.

Tuy nhiên viêm gân cổ tay làm yếu gân và khiến người bệnh có nhiều khả năng bị chấn thương trở lại. Ngoài ra việc không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ đau cổ tay mãn tính, hạn chế một vài chuyển động và mất sức mạnh.

Điều trị

Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị viêm gân cổ tay dựa trên mức độ nghiêm trọng, loại và vị trí. Hầu hết các trường hợp có thể khỏi khi điều trị không phẫu thuật, chẳng hạn như chăm sóc tại nhà và tránh những hoạt động gây đau.

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp gân có thời gian lành lại và giảm viêm. Cụ thể:

Nghỉ ngơi và cố định
Nghỉ ngơi và cố định giúp hạn chế các hoạt động gây đau, tăng khả năng chữa lành gân tổn thương

  • Nghỉ ngơi và cố định: Để cổ tay nghỉ ngơi, tránh những hoạt động có thể gây đau. Ngoài ra người bệnh có thể dùng nẹp để cố định thêm. Điều này giúp cổ tay được giữ ở vị trí đúng, hạn chế các hoạt động gây đau và thúc đẩy chữa lành.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh cổ tay vài lần mỗi ngày, mỗi lần tối đa 20 phút. Biện pháp này có tác dụng giảm đau, giảm viêm và sưng.
  • Nâng cao: Để giảm sưng do viêm gân cổ tay, hãy giữ cho cổ tay cao hơn tim và ở phía trên thắt lưng bằng một chiếc gối. Biện pháp này nên được thực hiện vào ban đêm trong khi ngủ.
  • Bài tập nhẹ nhàng: Thường xuyên thực hiện những bài tập tay tại nhà để kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho khớp. Điều này giúp hạn chế đau và phục hồi vận động.

2. Thuốc

Thuốc được sử dụng dựa trên mức độ đau và viêm gân cổ tay, có thể được dùng ở dạng viên uống hoặc tiêm.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng giảm viêm và đau, thích hợp với những trường hợp viêm gân ở mức độ nhẹ và trung bình. Những loại thường được sử dụng gồm Naproxen và Ibuprofen.
  • Tiêm Cortisone: Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh. Thuốc được tiêm vào vùng bị viêm để giảm đau. Tiêm Cortisone mang đến hiệu quả giảm đau nhanh cho trường hợp nặng. Tuy nhiên thuốc này chỉ được tiêm một vài mũi để tránh làm suy yếu gân.

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu gồm những bài tập có chuyển động thích hợp, kéo giãn và tăng cường sức mạnh. Những bài tập này giúp phục hồi chức năng của các gân và sức mạnh cơ bắp. Đồng thời tăng chuyển động linh hoạt của bàn tay và cổ tay.

Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn thay đổi các chuyển động gây đau, sinh hoạt và làm việc không bị đau.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm các bài tập giúp kéo giãn, tăng cường sức mạnh, phục hồi chức năng của các gân

4. Liệu pháp siêu âm

Liệu pháp siêu âm sử dụng sóng siêu âm để xác định gân tổn thương. Sau đó dùng kim nhỏ (dụng cụ cắt gân) để phá vỡ và loại bỏ mô bị thương.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện khi viêm gân cổ tay không được chữa khỏi bằng những phương pháp khác, đau tiếp diễn do tổn thương nghiêm trọng. Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ gân bị viêm hoặc cắt bao gân để giải phóng áp lực. Cả hai kỹ thuật này đều được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ ở cổ tay.

Trong khi cổ tay lành lại, người bệnh được dùng thuốc và vật lý trị liệu để thúc đẩy chữa lành và giảm đau sau mổ. Thông thường người bệnh sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng để cổ tay lành lại.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ phát triển và bùng phát viêm gân cổ tay, cụ thể:

  • Không làm việc gắng sức.
  • Tránh lạm dụng cổ tay, bàn tay và các ngón tay.
  • Không lặp đi lặp lại những chuyển động có thể gây căng thẳng cho gân.
  • Đặt cánh tay, bàn tay và cổ tay ở vị trí thích hợp khi đánh máy hoặc thực hiện những hoạt động khác.
  • Không cố gắng bỏ qua cơn đau hoặc dùng thuốc che lắp cơn đau để tiếp tục công việc.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Luôn duỗi cổ tay trước khi chơi thể thao hoặc hoạt động thể chất. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương cho gân.
  • Nếu phải đánh máy nhiều hoặc thường xuyên thực hiện các hoạt động làm căng cổ tay, hãy nghỉ giải lao mỗi 30 - 60 phút. Biện pháp này giúp gân được thư giãn, giảm căng thẳng và tránh chấn thương.
  • Sử dụng nẹp hoặc nẹp bảo vệ cổ tay nếu có chấn thương và được bác sĩ khuyến nghị.

Luôn duỗi cổ tay trước khi hoạt động thể chất
Luôn duỗi cổ tay trước khi hoạt động thể chất nhằm giảm nguy cơ chấn thương và viêm gân cổ tay

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp nào giúp điều trị an toàn và hiệu quả?

2. Tôi cần tránh và nên làm những gì để phục hồi nhanh?

3. Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp tôi cảm thấy tốt hơn hay không?

4. Mất bao lâu để điều trị?

5. Tôi có thể trở lại hoạt động thể chất không?

6. Phẫu thuật có những lợi ích và rủi ro gì?

7. Tôi nên làm gì để ngăn tái phát viêm gân cổ tay?

Viêm gân cổ tay thường nhẹ, được điều trị khỏi bằng nhiều phương pháp, người bệnh phục hồi nhanh. Tình trạng này có thể gây yếu gân và hạn chế vận động nếu không được chữa trị. Vì vậy cần sớm thăm khám và tư vấn điều trị với bác sĩ chuyên khoa.