Bệnh Viêm Đại Tràng Sigma

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm đại tràng sigma là tình trạng viêm và kích ứng xảy ra tại niêm mạc đại tràng sigma. Vùng tổn thương thường có vết loét, gây ra những cơn đau vùng bụng dưới, rối loạn đại tiện và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Tuy nhiên hầu hết trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị.

Tổng quan

Viêm đại tràng sigma là tình trạng niêm mạc đại tràng sigma bị viêm và có vết loét. Đại tràng sigma (đại tràng xích - ma) có hình dáng chữ S, được xác định ở vị trí thấp nhất của đại tràng, nối với trực tràng.

Viêm đại tràng sigma
Viêm đại tràng sigma xảy ra khi niêm mạc đại tràng sigma bị viêm và có vết loét

Do là nơi chứa chất thải cơ thể nên đại tràng sigma thường dễ bị nhiễm trùng và viêm. Viêm đại tràng sigma thường có những triệu chứng đột ngột và ngắn hạn (cấp tính). Tuy nhiên viêm và các triệu chứng cũng có thể kéo dài hoặc thường xuyên tái phát (mãn tính).

Viêm đại tràng sigma thường có đáp ứng tốt với thuốc. Ở những trường hợp không chữa trị, người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Phân loại

Viêm đại tràng sigma được phân thành 2 thể, bao gồm cấp tính và mãn tính.

  • Cấp tính: Thể cấp tính chủ yếu xảy ra do đường ruột bị nhiễm trùng hoặc nhiễm độc. Bệnh có những triệu chứng đột ngột và phát triển nhanh. Tuy nhiên các triệu chứng kéo dài trong thời gian ngắn.
  • Mãn tính: Thể mãn tính xảy ra khi tình trạng viêm đại tràng sigma xảy ra kéo dài hoặc thường xuyên tái phát. Điều này thường gặp ở những bệnh nhân có những triệu chứng cấp tính nhưng không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm đại tràng sigma xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Viêm và nhiễm khuẩn đường ruột

Viêm đại tràng sigma thường là kết quả của tình trạng viêm và nhiễm khuẩn xảy ra ở đường ruột. Điều này chủ yếu liên quan đến những loại vi khuẩn dưới đây:

    • Vi khuẩn thương hàn (Salmonella)
    • Vi khuẩn lỵ (Shigella)
    • Lỵ amíp

Đôi khi đại tràng sigma bị kích ứng và viêm do một số tình trạng nhiễm trùng khác. Chẳng hạn như tăng sinh vi khuẩn kỵ khí (Clostridium difficile) sau khi dùng kháng sinh, nhiễm trùng do vi khuẩn lao

Viêm nhiễm khuẩn đường ruột
Bệnh viêm đại tràng sigma thường liên quan đến viêm và nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn

  • Dị ứng hoặc ngộ độc thức ăn

Dị ứng hoặc ngộ độc thức ăn có chứa hóa chất hoặc vi sinh vật làm tăng nguy cơ viêm đại tràng sigma. Điều này thường gây ra những triệu chứng cấp tính gồm tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Những trường hợp ngộ độc thực phẩm không được điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Viêm đại tràng xích - ma vô căn

Đôi khi không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng này được gọi là viêm đại tràng xích - ma vô căn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Hút thuốc lá
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, không đảm bảo vệ sinh, nhiều đường và nhiều chất béo
  • Căng thẳng và lo lắng
  • Suy giảm hệ miễn dịch hoặc có sức đề kháng kém
  • Thói quen lười vận động
  • Rối loạn thần kinh thực vật
  • Ăn uống không đủ chất
  • Người già bị suy dinh dưỡng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng sigma gồm:

  • Đau bụng
    • Đau ở vùng bụng dưới, ngay tại vị trí đại tràng sigma hoặc đau vùng hạ sườn trái
    • Đôi khi cơn đau lan dọc theo khung đại tràng
    • Cơn đau có thể âm ỉ hoặc quặn thắt
    • Đau kèm theo mót đi ngoài
    • Đau giảm khi đi ngoài được
  • Chuột rút ở bụng
  • Rối loạn đại tiện
    • Đi ngoài nhiều lần, phân có nhầy hoặc có máu
    • Phân nát sống và khuôn phân nhỏ
    • Đôi khi phân rắn gây táo bón, tạo cảm giác đau trong hậu môn sau khi đi đại tiện
    • Tiêu chảy sau khi tiêu thụ thức ăn tanh (như cá) hoặc những loại thực phẩm cay nóng
  • Bụng ì ạch và đầy hơi
  • Sưng chướng
  • Bụng reo ọc ạch cả ngày
  • Mệt mỏi
  • Hay cau có và nóng giận
  • Sốt nhẹ do nhiễm khuẩn
  • Suy giảm trí nhớ do độc tố của vi sinh vật.

Đau bụng
Đau bụng, bụng sưng chướng, đi ngoài nhiều lần và phân lỏng là các triệu chứng thường gặp

Để chẩn đoán xác định viêm đại tràng sigma, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng. Bệnh nhân được hỏi về vị trí ảnh hưởng, mức độ đau, số lần đi ngoài trong 24 giờ và những triệu chứng đi kèm.

Sau kiểm tra lâm sàng, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định để xác định chẩn đoán:

  • Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này sử dụng ống nội soi nhỏ có đèn và camera để kiểm tra đại tràng sigma và những phần khác của ruột già. Khi thực hiện có thể nhìn thấy lớp niêm mạc của đại tràng. Từ đó phát hiện tình trạng sưng, viêm, đỏ, khối u bất thường hoặc những mạch máu bị viêm trong ruột của bạn.
  • Chụp X-quang đại tràng: X-quang được thực hiện cho những bệnh nhân không thể nội soi. Hình ảnh thu được có thể giúp phát hiện những bất thường, chẳng hạn như viêm đại tràng sigma.
  • Xét nghiệm phân: Bệnh nhân được xét nghiệm phân để tìm kiếm tế bào máu, bất kỳ loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng nào có trong phân. Điều này giúp tìm kiếm nguyên nhân gây viêm và lên phác đồ điều trị đặc hiệu.
  • Chụp CT hoặc MRI: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được chụp CT hoặc MRI để kiểm tra cấu trúc của đại tràng.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm đại tràng sigma có nhiều triệu chứng khó chịu, gây căng thẳng và giảm chất lượng đời sống. Tuy nhiên hầu hết trường hợp đều có đáp ứng tốt với điều trị, các triệu chứng giảm nhanh và không gây biến chứng.

Khi không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng dưới đây:

  • Xuất huyết đại tràng
  • Thủng đại tràng
  • Ung thư đại tràng sigma
  • Suy nhược cơ thể
  • Sụt cân

Điều trị

Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc kết hợp biện pháp chăm sóc để điều trị viêm đại tràng sigma. Những trường hợp nặng và có biến chứng có thể được yêu cầu phẫu thuật.

1. Thuốc

Dựa trên tình trạng, viêm đại tràng sigma thường được điều trị bằng những loại thuốc dưới đây:

Dùng thuốc kháng viêm
Dùng thuốc kháng viêm để điều trị viêm và sưng đau cho những bệnh nhân bị viêm đại tràng sigma

  • Thuốc kháng viêm: Một loại thuốc kháng viêm mạnh (chẳng hạn như corticosteroid) được dùng để điều trị viêm, đau và sưng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Dựa vào mức độ nhiễm trùng và loại vi khuẩn cụ thể, kháng sinh phù hợp sẽ được chỉ định.
  • Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thường được kê đơn thuốc giảm đau để giảm bớt cảm giác đau đớn do viêm đại tràng sigma.
  • Thuốc chống tiêu chảy: Nếu bị tiêu chảy nhiều lần, người bệnh được dùng một loại thuốc chống tiêu chảy để giảm bớt các triệu chứng.
  • Thuốc điều trị chướng bụng và đầy hơi: Thuốc này thường được dùng ở dạng viêm uống hoặc viên sủi. Thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm chướng bụng và đầy hơi hiệu quả.
  • Tiêm steroid tĩnh mạch: Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân bị viêm đại tràng sigma có thể được tiêm steroid tĩnh mạch để điều trị. Thuốc giúp điều trị viêm và giảm nhanh những triệu chứng liên quan.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Để giảm bớt những triệu chứng của viêm đại tràng sigma, người bệnh cần thay đổi thói quen ăn uống và lối sống, bao gồm:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày để chống mất nước do đi ngoài phân lỏng.
  • Ăn 5 - 6 bữa ăn nhỏ thay vì ăn những bữa ăn lớn và quá no trong 1 lần.
  • Nên ăn những loại thực phẩm mềm, lỏng và dễ tiêu hóa.
  • Tránh những loại thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo hoặc dầu mỡ. Bởi những loại thực phẩm này có thể làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh.
  • Tránh những loại thức uống chứa caffein khi bị tiêu chảy.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, có nhiều rau xanh, ngũ cốc và trái cây.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể được phục hồi.
  • Tránh căng thẳng và lo lắng quá mức.

3. Phẫu thuật

Hiếm khi viêm đại tràng sigma được chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi có thủng hoặc xuất huyết đại tràng, viêm nặng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương. Sau cùng nối những phần khỏe mạnh với nhau để người bệnh có thể đi ngoài bình thường.

Phẫu thuật loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương
Phẫu thuật loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương khi đại tràng sigma bị thủng hoặc không đáp ứng với thuốc

Phòng ngừa

Sinh hoạt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm đại tràng sigma. Cụ thể:

  • Nên ăn chín, uống sôi. Tránh ăn thịt tái hoặc còn sống.
  • Rau sống nên được ngâm trong nước muối và rửa kỹ trước khi ăn.
  • Bổ sung nhiều chất lỏng mỗi ngày (khoảng 2 lít nước/ ngày), bao gồm uống nước lọc và những loại nước ép trái cây.
  • Không ăn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, hư hỏng, ôi thiu. Ngoài ra nên hạn chế những loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ và chất béo để tránh kích thích hệ tiêu hóa.
  • Ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, canh, ngũ cốc nguyên hạt và những loại thực phẩm lành mạnh khác.
  • Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A và C để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch.
  • Tránh căng thẳng và lo lắng quá mức. Nên giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ, áp dụng những kỹ thuật thư giãn nếu cần thiết.
  • Vận động thể chất đều đặn, ít nhất 30 phút vào tất cả các ngày trong tuần. Nên lựa chọn những bài tập và bộ môn phù hợp với thể trạng.

Vận động thể chất đều đặn
Vận động thể chất đều đặn kết hợp chế độ ăn uống hợp lý có thể ngăn ngừa viêm đại tràng sigma

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng viêm của tôi có nghiêm trọng không? Nguy cơ phát triển biến chứng?

2. Phác đồ điều trị viêm đại tràng sigma của tôi là gì?

3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được chỉ định?

4. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn kiêng không?

5. Những điều cần tránh khi chữa trị là gì?

6. Cách ngăn ngừa tái viêm trong tương lai?

7. Điều trị trong bao lâu để các triệu chứng thuyên giảm?

Viêm đại tràng sigma gây ra nhiều triệu chứng khó chịu nhưng thường đáp ứng tốt với thuốc. Việc không điều trị sớm và đúng cách có thể khiến những triệu chứng trở nặng và tăng nguy cơ phát triển biến chứng. Tốt nhất nên khám và điều trị theo chỉ định ngay khi có những triệu chứng đầu tiên.