Bệnh Viêm Đại Tràng Giả Mạc

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi có sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile dẫn đến viêm ruột kết. Bệnh thường liên quan đến kháng sinh và sự suy giảm của hệ miễn dịch.

Tổng quan

Bệnh viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm của đại tràng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile (C. diff) - trước đây là Clostridium difficile. Khi lây nhiễm vào niêm mạc ruột, loại vi khuẩn này có thể dẫn đến kích ứng và sưng.

Bệnh viêm đại tràng giả mạc
Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn Clostridioides difficile phát triển gây viêm ở đại tràng

Vi khuẩn Clostridioides difficile thường phát triển quá mức do sử dụng thuốc kháng sinh. Vì thế mà viêm đại tràng giả mạc còn được gọi là viêm đại tràng do kháng sinh hoặc viêm đại tràng do Clostridioides difficile.

Bệnh thường gặp hơn ở nhóm người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Viêm đại tràng giả mạc gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bắt đầu sau khi dùng kháng sinh từ 1 - 2 ngày.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vi khuẩn Clostridioides difficile phát triển và lây nhiễm vào niêm mạc ruột dẫn đến viêm đại tràng giả mạc. Điều này xảy ra do sử dụng thuốc kháng sinh.

Có nhiều loại vi khuẩn trong ruột kết. Chúng được cơ thể giữ ở trạng thái cân bằng lành mạnh tự nhiên. Tuy nhiên thuốc kháng sinh hoặc một vài loại thuốc khác có khả năng làm mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột kết. Điều này dẫn đến sự tăng lên quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile và một số khác.

Sau khi phát triển, vi khuẩn Clostridioides difficile tăng tiết độc tố làm hại và gây viêm cho ruột kết. Tất cả kháng sinh đều có khả năng gây ra tình trạng này. Tuy nhiên viêm đại tràng giả mạc thường phổ biến hơn ở những người sử dụng các loại kháng sinh dưới đây:

  • Fluoroquinolones như levofloxacin và ciprofloxacin
  • Penicillin như ampicillin và amoxicillin
  • Cephalosporin như cefixime (Suprax)
  • Clindamycin (Cleoxin).

Một số loại kháng sinh khiến Clostridioides difficile phát triển và lây nhiễm
Một số loại kháng sinh khiến Clostridioides difficile phát triển và lây nhiễm vào niêm mạc ruột

Nguy cơ viêm đại tràng giả mạc ở những người có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:

  • Thuốc hóa trị: Thuốc hóa trị thuốc hóa trị dùng trong điều trị ung thư làm mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột kết. Từ đó dẫn đến sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn và gây viêm.
  • Bệnh lý ở đại tràng: Nguy cơ tăng cao ở những người có các bệnh lý ở đại tràng. Cụ thể như bệnh Crohn, ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột và viêm loét đại tràng.
  • Lây truyền: Một số chủng C. difficile có nhiều độc tố hơn và kháng nhiều chất khử trùng. Chúng lây truyền khi tiếp xúc.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu làm giảm khả năng chống vi khuẩn và bảo vệ cơ thể. Từ đó làm tăng khả năng nhiễm trùng và viêm.
  • Một số yếu tố khác:
    • Trải qua phẫu thuật đường ruột
    • Có độ tuổi trên 65
    • Thường xuyên ở bệnh viện
    • Uống thuốc kháng sinh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc thường xảy ra sau 1 - 2 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng xuất hiện sau khi dùng xong thuốc kháng sinh từ vài tuần đến vài tháng.

Những triệu chứng thường gặp gồm:

  • Thường xuyên tiêu chảy nước, đôi khi có máu lẫn vào phân
  • Chuột rút
  • Buồn nôn
  • Ăn mất ngon
  • Đau ở dạ dày
  • Sốt.

Nếu bị nhiễm trùng nặng, có những mảng mô thô chảy máu hoặc mủ ở chỗ viêm, người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Sốt cao
  • Tiêu chảy nước từ 10 - 15 lần/ ngày
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau quặn bụng
  • Mất nước
  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn
  • Có lẫn máu hoặc mủ trong phân
  • Giảm cân
  • Bụng sưng
  • Tăng số lượng bạch cầu
  • Suy thận

Nhiễm trùng có thể gây sốt cao, tiêu chảy nước từ 10 - 15 lần/ ngày
Nhiễm trùng có thể gây sốt cao, đau quặn bụng, tiêu chảy nước từ 10 - 15 lần/ ngày

Nếu nhiễm trùng Clostridioides difficile nặng và lan rộng, nhiễm trùng máu có thể xảy ra. Tất cả những trường hợp nặng đều được điều trị khẩn cấp và theo dõi trong phòng đặc biệt.

Bệnh nhân được kiểm tra các triệu chứng để đánh giá mức độ nghiêm trọng. Nếu có nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân có thể giúp phát hiện nhiễm trùng vi khuẩn C. difficile ở đại tràng.
  • Nội soi đại tràng hoặc đại tràng sigma: Ống nội soi nhỏ, có camera ở đầu được đưa qua trực tràng và vào đại tràng. Hình ảnh thu được có thể giúp tìm kiếm những dấu hiệu của viêm như sưng và những mảng màu vàng nổi lên.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho phép kiểm tra số lượng bạch cầu. Trong đó tăng bạch cầu có thể giúp phát hiện nhiễm trùng C. difficile.
  • Chụp X-quang bụng hoặc CT: Hình ảnh thu được từ X-quang hoặc CT có thể giúp xác định tình trạng vỡ ruột kết và chứng phình đại tràng nhiễm độc.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường được điều trị thành công. Tuy nhiên đây là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hơn nữa bệnh có thể tái phát sau vài ngày đến vài tuần điều trị thành công.

Một số biến chứng có thể gặp từ bệnh viêm đại tràng giả mạc:

  • Mất nước
  • Suy thận
  • Thủng ruột
  • Phình đại tràng nhiễm độc (Toxic megacolon). Tình trạng này khiến đại tràng không thể loại bỏ khí và phân dẫn đến căng phồng. Khi không được điều trị kịp thời, ruột kết sẽ vỡ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào khoang bụng và tử vong.
  • Tử vong. Viêm đại tràng giả mạc nhẹ đến trung bình đều có khả năng tiến triển nhanh, gây bệnh nguy hiểm và tử vong.

Để ngăn ngừa những biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh cần được đưa đến bệnh ngay khi các triệu chứng xảy ra.

Điều trị

Nếu bị viêm đại tràng giả mạc, người bệnh sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng loại thuốc gây ra tình trạng nhiễm trùng. Điều này giúp làm dịu các triệu chứng và ngăn nhiễm trùng thêm nghiêm trọng.

Ngay sau đó, người bệnh sẽ được áp dụng những phương pháp điều trị dưới đây:

1. Dùng kháng sinh hiệu quả với C. difficile

Bệnh nhân được yêu cầu ngừng sử dụng loại kháng sinh có thể gây ra các triệu chứng và sử dụng một loại kháng sinh có thể hiệu quả đối với vi khuẩn C. difficile. Chẳng hạn như:

  • Metronidazole (Flagyl®)
  • Fidaxomicin (Dificid®)
  • Vancomycin (Vancocin®)

Những loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động tăng sinh hoặc tiêu diệt vi khuẩn C. difficile. Đồng thời cho phép những loại vi khuẩn điển hình phát triển trở lại. Từ đó khôi phục lại sự cân bằng lành mạnh các vi khuẩn trong ruột kết.

Dùng kháng sinh hiệu quả với C. difficile
Dùng một loại kháng sinh hiệu quả với C. difficile để điều trị viêm đại tràng giả mạc

Kháng sinh thường được dùng tối đa trong vòng 14 ngày. Tùy thuộc vào tình trạng, thuốc có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

Nếu viêm đại tràng giả mạc tái phát sau điều trị thành công (gặp ở 20% trường hợp), người bệnh sẽ được kê đơn một loại kháng sinh khác, có hoạt chất mạnh và mang đến hiệu quả cao hơn.

2. Cấy vi sinh vật trong phân (FMT)

Cấy vi sinh vật trong phân (FMT) là một phương pháp điều trị mới. Trong đó phân từ người khỏe mạnh hiến tặng được sử dụng để khôi phục hệ vi sinh bình thường cho ruột của người bệnh.

Phường pháp này thường được thực hiện cho những trường hợp có nhiễm trùng tái phát nhiều lần sau điều trị hoặc nhiễm trùng cực kỳ nghiêm trọng.

Phân từ người hiến tặng có thể được đặt trong viên nang hoặc đưa qua ống thông đến đại tràng. Thông thường bác sĩ kết hợp điều trị bằng kháng sinh, sau đó là phương pháp cấy vi sinh vật trong phân (FMT).

3. Thuốc Bezlotoxumab (Zinplava)

Thuốc Bezlotoxumab (Zinplava) là một loại thuốc kháng thể đơn dòng, được phê duyệt trong điều trị viêm đại tràng giả mạc. Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng C. difficile tái phát. Bezlotoxumab thường được dùng với thuốc kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị.

4. Phẫu thuật

Viêm đại tràng giả mạc tái phát có thể dẫn đến suy nội tạng tiến triển, viêm niêm mạc thành bụng (viêm phúc mạc) sau vỡ đại tràng. Những trường hợp này sẽ được phẫu thuật để điều trị.

Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho người bị suy nội tạng tiến triển, viêm phúc mạc và vỡ đại tràng

Phẫu thuật thường bao gồm việc loại bỏ toàn bộ hoặc một phần của đại tràng. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được phẫu thuật mở hồi tràng vòng và rửa đại tràng. Điều này bao gồm việc nội soi tạo ra một vòng đại tràng, sau đó làm sạch nó.

5. Thay đổi chế độ ăn

Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gây tiêu chảy và mất nước. Để giảm nhẹ các triệu chứng, người bệnh được khuyên uống nhiều nước và tránh thực phẩm làm trầm trọng hơn tình trạng.

  • Uống nhiều nước: Bệnh nhân được khuyên uống nhiều nước để giảm nguy cơ mất nước do tiêu chảy. Tốt nhất nên uống nước lọc, nước canh, nước ép trái cây và những loại nước có khả năng bổ sung chất điện giải, chẳng hạn như dung dịch bù nước đường uống. Tránh đồ uống có cồn, caffein và chứa nhiều đường. Bởi những loại đồ uống này có khả năng làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh.
  • Ăn một chế độ lành mạnh và phù hợp: Tránh những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chiên rán và thức ăn cay nóng. Những loại thực phẩm này có khả năng khiến cho những triệu chứng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt, cá. Ưu tiên thức ăn luộc, lỏng, mềm và dễ nuốt.

Phòng ngừa

Để ngăn ngừa viêm đại tràng giả mạc, cần áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Tuân thủ hướng dẫn kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt tại những cơ sở y tế.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm. Đặc biệt là sau khi đến bệnh viện và viện dưỡng lão.
  • Nhân viên y tế cần vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi khám / chăm sóc cho người bệnh.
  • Thường xuyên làm sạch những bề mặt tiếp xúc bằng chất khử trùng hoặc sản phẩm có chứa thuốc tẩy clo. Điều này giúp tiêu diệt bào tử C. difficile và phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Nếu chăm sóc những người bị viêm đại tràng giả mạc, bạn cần mang găng tay dùng một lần, rửa tay sạch sẽ bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc.
  • Nếu trên quần áo dính phân của những người bị nhiễm C. difficile, hãy dùng xà phòng và thuốc tẩy có chứa clo để giặt quần áo.
  • Không dùng thuốc kháng sinh bừa bãi. Thuốc này chỉ được dùng khi cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nếu cần, thuốc kháng sinh nên được dùng với phạm vi hẹp và thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra hãy thường xuyên theo dõi sức khỏe và những biểu hiện sau khi dùng thuốc.

Kháng sinh chỉ được dùng khi cần thiết
Kháng sinh chỉ được dùng khi cần thiết, dùng với phạm vi hẹp và thời gian ngắn nhất có thể

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phác đồ điều trị của tôi là gì?

2. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

3. Những gì cần tránh khi điều trị viêm đại tràng giả mạc?

4. Tôi nên làm gì để ngăn nhiễm trùng tái phát?

5. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn kiêng không?

6. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác?

7. Quá trình chữa bệnh kéo dài bao lâu?

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh nguy hiểm, phát triển nhanh, dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp khắc phục nhiễm trùng, ngăn ngừa tái phát và những biến chứng trong tương lai.