Bệnh Viêm Da Tiếp Xúc

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi tiếp xúc với những tác nhân hóa học / vật lý dẫn đến viêm cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa, khô da, phát ban đỏ... Những trường hợp nặng có thể bị phồng rộp và sưng tấy nhưng không đe dọa đến tính mạng.

Tổng quan

Viêm da tiếp xúc là một dạng thường gặp của bệnh chàm. Bệnh thể hiện cho tình trạng phát ban ngứa do tiếp xúc với một chất kích ứng hoặc phản ứng dị ứng với chất đó. Chẳng hạn như thực vật, nước hoa, mỹ phẩm...

Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban ngứa do tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng

Phát ban thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân. Ban đỏ thường kèm theo ngứa ngáy, da khô, sưng và phồng rộp... tạo cảm giác vô cùng khó chịu.

Tuy nhiên viêm da tiếp xúc không truyền nhiễm và không đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra những triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát bằng nhiều phương pháp.

Phân loại

Bệnh viêm da tiếp xúc được phân thành 3 loại gồm: Viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc với ánh sáng.

1. Viêm da tiếp xúc kích ứng

Bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với chất kích thích khiến lớp bảo vệ bên ngoài của da hư hỏng. Từ đó gây ra tình trạng phát ban kèm theo ngứa ngáy và sưng phồng.

Tình trạng này có thể xảy ra sau một lần tiếp xúc duy nhất với chất kích thích mạnh (như thuốc tẩy) hoặc tiếp xúc nhiều lần với những chất kích thích nhẹ (chẳng hạn như xà phòng và nước).

Đối với viên da tiếp xúc kích ứng, khả năng chịu đựng chất gây kích ứng của cơ thể sẽ tăng dần theo thời gian.

Viêm da tiếp xúc kích ứng
Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi lớp bảo vệ bên ngoài của da hư hỏng do tiếp xúc với chất kích ứng

2. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Bệnh xảy ra khi chất dị ứng (những chất cơ thể nhạy cảm) kích thích phản ứng miễn dịch trên da khi tiếp xúc. Từ đó gây ra tình trạng phát ban kèm theo ngứa ngáy và phồng rộp ở vùng da tiếp xúc với chất dị ứng.

Bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng cũng có thể xảy ra khi một thứ gì đó xâm nhập vào cơ thể (như phấn hoa, thực phẩm, thuốc, hương liệu...) làm kích hoạt phản ứng dị ứng. Từ đó dẫn đến viêm da tiếp xúc toàn thân.

Hầu hết các trường hợp trở nên nhạy cảm với chất gây dị ứng khi tiếp xúc nhiều lần và trong nhiều năm. Khi đã có dấu hiệu dị ứng, việc tiếp xúc với một lượng nhỏ và tiếp xúc một lần cũng có thể gây ra những triệu chứng.

3. Viêm da tiếp xúc với ánh sáng

Loại này ít phổ biến hơn. Trong đó phản ứng xảy ra khi một hoạt chất trong sản phẩm da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Từ đó dẫn đến tình trạng kích ứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm da tiếp xúc xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với những chất gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng da. Cụ thể:

+ Viêm da tiếp xúc kích ứng

Những chất gây kích ứng thường bao gồm:

  • Sản phẩm cho tóc
  • Thuốc tẩy
  • Chất tẩy rửa
  • Bao tay cao su
  • Dung môi
  • Xà phòng
  • Những tác nhân trong không khí
  • Thực vật
  • Thuốc trừ sâu và phân bón

Kích ứng với cao su
Những người dị ứng với cao su có thể bị viêm da kích ứng khi mang bao tay cao su

+ Viêm da tiếp xúc dị ứng

Những chất gây dị ứng thường bao gồm:

  • Niken thường có trong khóa và đồ trang sức
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như kháng sinh điều trị tại chỗ
  • Chất bảo quản thực phẩm
  • Hương liệu
  • Các sản phẩm chăm sóc cá nhân như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng...
  • Thuốc nhuộm
  • Một số loại cây, chẳng hạn như cây thường xuân độc và xoài
  • Thuốc trừ sâu dạng phun
  • Phấn hoa
  • Những sản phẩm làm tăng độ nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Sản phẩm gây phản ứng như mỹ phẩm và kem chống nắng
  • Viêm da dị ứng ở trẻ em thường do tã lót, khăn lau, quần áo vải thô cứng hoặc có khuy cài, thuốc nhuộm, trang sức (như bông tai...)

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nhạy cảm với chất gây kích ứng da và phản ứng dị ứng, những triệu chứng dưới đây có thể xảy ra:

+ Viêm da tiếp xúc kích ứng

  • Da khô, dày và nứt nẻ
  • Da bị viêm
  • Phồng rộp
  • Sưng tấy
  • Có cảm giác cứng hoặc căng ở da
  • Loét
  • Vết loét mở hình thành trên bề mặt da
  • Nóng rát hoặc châm chích

+ Viêm da tiếp xúc dị ứng

  • Da khô, bong tróc và có vảy
  • Phát ban đỏ
  • Đỏ da
  • Mụn nước, rỉ nước và đóng vảy
  • Da sần sùi hoặc sẫm màu hơn bình thường (tăng sắc tố)
  • Ngứa ngáy từ trung bình đến nặng
  • Có cảm giác bỏng rát
  • Tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
  • Sưng. Đặc biệt là những vị trí như háng, mặt và mắt
  • Đôi khi có cảm giác đau

Phát ban đỏ, nổi mụn nước
Phát ban đỏ, nổi mụn nước, da khô, bong tróc và có vảy là triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và những chất có khả năng gây dị ứng/ kích ứng. Ngoài ra người bệnh được kiểm tra những triệu chứng trên da, xác định đặc điểm tổn thương và đánh giá mức độ nghiêm trọng.

Để chẩn đoán xác định, một vài xét nghiệm sẽ được chỉ định, bao gồm:

  • Thử nghiệm miếng dán: Thử nghiệm này cho phép kiểm tra phản ứng với những chất gây kích ứng. Trong quá trình thử nghiệm, một lượng chất gây dị ứng sẽ được dán vào lưng hoặc cánh tay. Sau 2 ngày, gỡ bỏ miếng dán và tiến hành kiểm tra da.
  • Thử nghiệm ứng dụng mở lặp đi lặp lại (ROAT): Trong thử nghiệm, mỹ phẩm hoặc một chất có khả năng gây kích ứng được bôi lên da 2 lần/ ngày trong 7 ngày. Sau đó kiểm tra da để đánh giá phản ứng.

Biến chứng và tiên lượng

Nhìn chung bệnh viêm da tiếp xúc có tiên lượng tốt, được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên tình trạng sưng tấy, ngứa ngáy và nhiều triệu chứng khác của bệnh có thể gây khó chịu.

Hơn nữa gãi nhiều lần vào vùng da bệnh có thể gây trầy xước, chảy dịch và dẫn đến nhiễm trùng.

Điều trị

Viêm da tiếp xúc thường được điều trị tại chỗ bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc.

1. Thuốc

Nếu triệu chứng không giảm sau khi áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà, các thuốc điều trị sẽ được sử dụng. Một số loại thuốc thường được kê đơn:

  • Thuốc kháng histamine đường uống: Trong nhiều trường hợp, người bệnh được yêu cầu sử dụng thuốc kháng histamine đường uống. Chẳng hạn như diphenhydramine hoặc loratadine. Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm giảm những triệu chứng khó chịu của dị ứng, giảm ngứa ngáy và nổi hồng ban trên da. Hầu hết trường hợp có triệu chứng giảm nhanh sau vài lần sử dụng thuốc kháng histamine.
  • Thuốc mỡ hoặc kem steroid: Thông thường triamcinolone 0,1%, clobetasol 0,05% hoặc một loại kem steroid khác sẽ được sử dụng để làm dịu phát ban. Thuốc có tác dụng giảm nhanh tình trạng kích ứng/ dị ứng, giảm viêm sưng và ngứa da. Dựa vào tình trạng, kem chứa steroid sẽ được sử dụng với liều lượng khác nhau.
  • Viên nén steroid: Nếu viêm da tiếp xúc nghiêm trọng và tổn thương bao phủ một vùng da rộng, người bệnh có thể được sử dụng viên nén steroid. Thuốc có tác dụng giảm ngứa và sưng, chống nhiễm trùng do vi khuẩn.

Dùng thuốc mỡ hoặc kem steroid
Dùng thuốc mỡ hoặc kem steroid có thể làm dịu phát ban, giảm nhanh những triệu chứng của bệnh

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Viêm da tiếp xúc nhẹ thường có đáp ứng tốt với những biện pháp chăm sóc tại nhà. Đối với những trường hợp nặng, các biện pháp có thể thúc đẩy quá trình chữa bệnh.

Những biện pháp giảm ngứa và làm dịu da hiệu quả gồm:

  • Tránh tác nhân gây bệnh

Tránh tiếp xúc với những chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Điều này giúp ngăn ngừa những đợt phát ban bùng phát và làm dịu tình trạng hiện tại của da.

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để không làm tăng mức độ nhạy cảm của da. Tốt nhất nên dùng kem chống nắng, che chắn da kỹ lưỡng khi ra ngoài hoặc áp dụng những biện pháp chống nắng khác.

  • Tránh gãi

Không gãi vào những vùng da đang bị ảnh hưởng. Tốt nhất nên cắt gọn móng tay hoặc dùng băng băng lại. Điều này giúp tránh gãi không tự chủ dẫn đến trầy xước và nhiễm trùng do vi khuẩn.

  • Thoa thuốc mỡ hoặc kem chống ngứa

Hãy thử thoa thuốc mỡ hoặc kem chống ngứa lên vùng da đang bị kích ứng hoặc dị ứng. Những sản phẩm này có thể giúp giảm nhanh những triệu chứng của bệnh.

    • Hydrocortisone 1%: Hydrocortisone 1% là một loại thuốc điều trị không kê đơn, thường có dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ. Thuốc này có tác dụng làm dịu vùng da tổn thương, giảm sưng viêm và cảm giác ngứa ngáy. Khi sử dụng, Hydrocortisone 1% nên được bôi lên vùng da ngứa từ 1 - 2 lần/ ngày.
    • Kem dưỡng da calamine: Kem dưỡng da calamine thường được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da tiếp xúc. Loại kem này có tác dụng làm dịu và bảo vệ da. Đồng thời làm se da, sát trùng nhẹ và chống ngứa.

Bôi kem dưỡng da calamine
Bôi kem dưỡng da calamine giúp làm dịu và bảo vệ da, sát trùng nhẹ và chống ngứa hiệu quả

  • Chườm mát và ướt

Dùng gạc y tế hoặc một miếng vải ướt và mát đặt lên những vùng phát ban và ngứa ngáy. Biện pháp này giúp làm dịu và giảm ngứa da hiệu quả. Chườm mát từ 10 - 15 phút mỗi ngày, thực hiện vài ngày sẽ cảm thấy hiệu quả rõ rệt.

  • Ngâm mình hoặc tắm với nước mát

Tắm hoặc ngâm vùng ảnh hưởng trong nước mát khoảng 20 phút. Nước mát có thể giúp giảm ngứa và mang đến cảm giác dễ chịu cho làn da.

  • Bảo vệ tay

Rửa sạch và lau khô tay nhẹ nhàng. Sau đó bôi kem dưỡng ẩm suốt cả ngày. Điều này giúp làm ẩm da, giảm khô da, ngứa viêm và bong tróc. Từ đó giảm nhanh các triệu chứng và thúc đẩy quá trình chữa lành.

  • Dùng bột yến mạch

Trộn bột yến mạch xay mịn với lượng nước phù hợp để tạo thành một hỗn hợp hơi sệt. Sau đó thoa đều lên những vùng da đang bị ảnh hưởng và giữ trong 15 phút. Biện pháp này giúp làm ẩm và mịn da, giảm phù nề và ngứa ngáy hiệu quả.

Phòng ngừa

Có nhiều biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc hiệu quả, bao gồm:

  • Tránh những chất có thể gây kích ứng hoặc dị ứng cho bạn, sử dụng sản phẩm dịu nhẹ, dùng đồ trang sức được làm bằng những chất không gây kích ứng (chẳng hạn như vàng...), tránh những chất hóa học.
  • Rửa sạch da thường xuyên và nhẹ nhàng lau khô.
  • Rửa tay với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ sau khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng hoặc dị ứng đã biết. Chẳng hạn như cây thường xuân độc, cây thù du độc, chất kích ứng trong mỹ phẩm...
  • Nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi hoặc hương tự nhiên, không chứa những chất tẩy mạnh. Ngoài ra nên rửa sạch da hoàn toàn bằng nước.
  • Nếu phải tiếp xúc với những chất gây kích ứng (như chất tẩy rửa gia dụng), hãy mang găng tay hoặc/ và mặc quần áo bảo hộ.
  • Tránh mặc quần áo được làm từ những chất liệu vải thô cứng. Nên mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát.
  • Sử dụng mỹ phẩm phù hợp với làn da, dịu nhẹ và không chứa những thành phần có khả năng gây kích ứng như cồn và hương liệu. Ngoài ra nên dùng mỹ phẩm với lượng thích hợp, tránh lạm dụng.
  • Nên dùng những biện pháp bảo vệ da khỏi ánh nắng như mặc áo dài tay, mặc quần dài, đội mũ và bôi kem chống nắng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Không mang găng tay cao su nếu bị dị ứng với cao su. Có thể chọn găng tay vinyl để thay thế.
  • Thường xuyên tắm cho thú cưng để tránh những chất gây dị ứng từ thú cưng lây sang người.
  • Nếu có dấu hiệu kích ứng khi dùng một sản phẩm mới, hãy ngừng sử dụng sản phẩm này ngay lập tức. Đồng thời rửa sạch chất gây dị ứng.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày để cấp ẩm, làm dịu da, giữ cho da mềm mại và phục hồi lớp ngoài cùng của da. Điều này giúp giảm nguy cơ phát ban khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng và dị ứng.

Sử dụng kem dưỡng ẩm mỗi ngày để giữ cho da mềm mại, phục hồi da
Dùng kem dưỡng ẩm mỗi ngày để giữ cho da mềm mại, phục hồi da, phòng ngừa viêm da tiếp xúc

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân và loại viêm da tiếp xúc của tôi là gì?

2. Phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng của tôi?

3. Gãi ngứa hoặc làm vỡ mụn nước có lây phát ban lan rộng không?

4. Những điều cần tránh khi chữa bệnh là gì?

5. Những thói quen chăm sóc da nào giúp cải thiện tình trạng?

6. Triệu chứng kích ứng / dị ứng có tự biến mất hay không?

7. Làm cách nào để ngăn tái phát trong tương lai?

Bệnh viêm da tiếp xúc là một tình trạng không quá nghiêm trọng, dễ điều trị và ít gây biến chứng. Những triệu chứng thường giảm nhanh khi áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Những trường hợp nặng được điều trị tốt bằng thuốc.