Viêm Đa Cơ (Polymyositis)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm đa cơ (Polymyositis) là bệnh viêm cơ toàn thân, được đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ. Bệnh thường ảnh hưởng đến những cơ gần thân nhất, khiến những chuyển động trở nên khó khăn.

Tổng quan

Viêm đa cơ (Polymyositis) là một dạng của viêm cơ, thể hiện cho tình trạng viêm cơ toàn thân dẫn đến yếu cơ. Tình trạng này gây khó khăn cho việc đứng lên từ tư thế ngồi, leo cầu thang, nhấc đồ vật và với tay qua đầu.

Viêm đa cơ (Polymyositis)
Viêm đa cơ là tình trạng viêm cơ toàn thân dẫn đến yếu cơ, thường ảnh hưởng đến các cơ gần thân nhất

Ban đầu, viêm đa cơ gây yếu các cơ gần thân nhất. Theo thời gian, các cơ khác sẽ bị ảnh hưởng và gây khó khăn cho việc chuyển động. Bệnh hiếm khi ảnh hưởng đến những người dưới 18 tuổi, phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam.

Bệnh viêm đa cơ xuất hiện đồng thời với những tổn thương da được gọi là viêm da cơ. Cả hai tình trạng này có thể liên quan đến các bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư ruột kết, ung thư phổi và ung thư hạch.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm đa cơ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên đây là một tình trạng tự miễn, trong đó cơ thể tấn công vào mô của chính nó dẫn đến những thương tổn, bao gồm cả cơ bắp.

Bệnh viêm đa cơ xảy ra khi những tế bào của hệ thống miễn dịch xâm nhập và tấn công nhầm vào mô cơ. Từ đó dẫn đến tổn thương và viêm.

Nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có một số yếu tố dưới đây:

  • Di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy phản ứng tự miễn dịch có khuynh hướng di truyền. Tình trạng này thường liên quan đến các phân nhóm gồm HLA -DR3, -DR52 và -DR6 có khả năng di truyền trong gia đình.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới.
  • Độ tuổi: Bệnh thường phát triển ở những người trên 18 tuổi
  • Yếu tố khác:
    • Rối loạn mô liên kết
    • Các tình trạng tự miễn dịch
      • Viêm khớp dạng thấp
      • Bệnh Lupus
      • Xơ cứng bì
      • Hội chứng Sjogren
    • Bệnh hô hấp làm ảnh hưởng đến khả năng thở
    • Nhiễm virus, chẳng hạn như HIV và AIDS
    • Có các tế bào ung thư trong cơ thể

Triệu chứng và chẩn đoán

Yếu, đau cơ và nhạy cảm là những triệu chứng đầu tiên của viêm đa cơ. Những triệu chứng này xảy ra ở những cơ gắn liền với thân, bụng và di chuyển đến những nhóm cơ khác. Cụ thể như:

  • Đôi vai
  • Cổ
  • Lưng
  • Cánh tay trên
  • Hông
  • Đùi

Sự khởi đầu của suy nhược và yếu cơ thường diễn ra từ từ, kéo dài trong vòng 3 đến 6 tháng. Theo thời gian, viêm đa cơ tiến triển và ảnh hưởng đến các cơ khác, bao gồm:

  • Cơ ở cẳng tay, bàn tay và ngón tay
  • Cơ ở mắt cá chân và ngón chân

Bệnh viêm đa cơ khiến các cơ suy yếu, đau cơ và nhạy cảm
Viêm đa cơ khiến các cơ suy yếu, đau và nhạy cảm dẫn đến khó nuốt, khó thở và nhiều triệu chứng khác

Các triệu chứng khác:

  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Ho khan kéo dài
  • Rối loạn nhịp tim
  • Viêm khớp
  • Khó thực hiện những chuyển động
    • Dễ té ngã
    • Khó leo cầu thang
    • Khó đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc khó nhấc mình lên khỏi mặt đất
    • Khó nâng vật nặng hoặc nhấc vật
    • Không có khả năng với lấy đồ vật
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Giảm cân
  • Đau khớp
  • Hiện tượng Raynaud do những vấn đề về lưu lượng máu. Trong đó ngón tay hoặc ngón chân trở nên rất lạnh và đổi màu
  • Phát ban đỏ hoặc tím loang lổ quanh mắt, những đốt ngón tay, đầu gối và khuỷu tay. Đôi khi phát ban đỏ ở cổ và ngực trên.

Việc chẩn đoán đoán thường bao gồm kiểm tra bệnh sử, triệu chứng và xét nghiệm máu. Khi bị viêm đa cơ, các cơ bị yếu rõ rệt, khó thực hiện các yêu cầu trong quá trình kiểm tra thể chất, kèm theo nhạy cảm và đau cơ.

Ngoài ra xét nghiệm máu có thể cho thấy lượng enzym cơ cao bất thường. Cơ bị tổn thương do viêm giải phóng nhiều enzym vào máu. Xét nghiệm này cũng có thể thực hiện đồng thời với phân tích nước tiểu để để kiểm tra và đánh giá những bất thường của cơ quan nội tạng.

Để loại bỏ các tình trạng y tế khác, bệnh nhân còn được thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác, bao gồm:

  • EMG (electromyography) và nghiên cứu tốc độ dẫn truyền thần kinh: Đây là những xét nghiệm điện của cơ và dây thần kinh. Các xét nghiệm giúp kiểm tra xem các dạng xung điện trong cơ bắp có bình thường hay không. Đồng thời cho thấy những dấu hiệu bất thường của viêm đa cơ, loại trừ những bệnh cơ thần kinh khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI tạo ra hình ảnh của những vùng cơ lớn. Điều này giúp phát hiện các cơ đang bị tổn thương, đánh giá tình trạng viêm trên vùng cơ rộng lớn.
  • Sinh thiết cơ: Những mô cơ được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp phát hiện tình trạng viêm và tổn thương cơ.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm đa cơ gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Chứng khó nuốt
  • Sụt cân và suy dinh dưỡng
  • Viêm phổi do hít phải nước bọt, thức ăn hoặc chất lỏng
  • Những vấn đề về hô hấp do cơ ngực bị ảnh hưởng
    • Khó thở
    • Suy hô hấp
  • Tàn tật
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn, loãng xương và ung thư.

Chứng khó nuốt
Viêm đa cơ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn, khó nuốt, sụt cân và suy dinh dưỡng

Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hầu hết mọi người có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, lấy lại một phần sức mạnh và tính linh hoạt.

Hiếm khi viêm đa cơ đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên người bệnh sẽ có nguy cơ tàn tật và phát triển nhiều bệnh lý khác (như bệnh lý tự miễn, loãng xương và ung thư) nếu không đáp ứng với điều trị.

Điều trị

Không có cách chữa khỏi viêm đa cơ. Tuy nhiên điều trị sớm và tích cực có thể cải thiện chức năng và sức mạnh của cơ bắp, hạn chế biến chứng.

1. Thuốc

Bệnh viêm đa cơ chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Dưới đây là những loại thường được chỉ định:

  • Corticoid: Bác sĩ có thể chỉ định Prednisone hoặc một loại Corticoid khác. Thuốc này đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát những triệu chứng của viêm đa cơ. Prednisone có tác dụng điều trị viêm và giảm đau. Ngoài ra thuốc này còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, ngăn ngừa những phản ứng quá mức đối với các bệnh tự miễn dịch.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprine và Methotrexate thường được dùng trong điều trị viêm đa cơ. Đây đều là những loại thuốc ức chế miễn dịch. Những loại thuốc này có tác dụng làm suy yếu hệ miễn dịch, ngăn viêm và tổn thương thêm cho cơ. Azathioprine hoặc Methotrexate thường được dùng kết hợp với Corticosteroid để giảm liều dùng và tác dụng phụ của Corticosteroid.
  • Rituximab (Rituxan): Nếu điều trị ban đầu không thể kiểm soát đầy đủ các triệu chứng, người bệnh sẽ được sử dụng Rituximab (Rituxan). Thuốc có tác dụng điều trị viêm, làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh và giảm các triệu chứng.

Các thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch
Các thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch được sử dụng trong điều trị viêm đa cơ

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu gồm những bài tập giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt cho người bệnh. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết kế chương trình luyện tập với các bài tập và cường độ thích hợp.

3. Ngôn ngữ trị liệu

Viêm đa cơ thường ảnh hưởng đến cơ nuốt. Tuy nhiên liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp người bệnh rèn luyện một số kỹ năng thích ứng và bù đắp cho những thay đổi đó.

4. Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg)

Đây là một sản phẩm máu tinh khiết, chứa hàng loạt những kháng thể khỏe mạnh từ những người hiến máu. Khi được tiêm vào cơ thể, các kháng thể khỏe mạnh có khả năng chống lại những kháng thể gây hại, tấn công vào mô cơ. Điều này giúp ngăn bệnh viêm đa cơ tiến triển và cho phép các cơ tổn thương lành lại.

Thông thường phương pháp Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg) sẽ được lặp lại thường xuyên để duy trì tác dụng mà nó mang lại. Người bệnh sẽ được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiến hành điều trị.

5. Điều chỉnh dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người bị viêm đa cơ nên thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng với đủ lượng protein, calo và chất xơ cần thiết. Những thành phần dinh dưỡng này có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo và xây dựng cơ bắp, chống mệt mỏi và duy trì sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra người bệnh cần ăn uống lành mạnh, tăng cường chất lỏng để duy trì hoạt động và chức năng của cơ bắp. Trong những giai đoạn sau, bệnh viêm đa cơ có thể gây khó nhai và nuốt. Những trường hợp này nên ưu tiên những món ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và bổ dưỡng.

Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên những món ăn mềm, lỏng, dễ nuốt

Phòng ngừa

Vì không rõ nguyên nhân gây viêm đa cơ nên không có cách để ngăn ngừa cho bệnh lý này. Tuy nhiên những người có nguy cơ cao có thể thường xuyên khám và theo dõi sức khỏe. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp kiểm soát nhanh tình trạng và ít dẫn đến biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

2. Các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian không?

3. Phương pháp điều trị nào thích hợp và được chỉ định cho tình trạng của tôi?

4. Tôi có một số bệnh lý khác, làm cách nào để kiểm soát đồng thời?

5. Mất bao lâu thì kiểm soát được bệnh?

6. Tôi có khả năng gặp các biến chứng của của bệnh hay không?

7. Tôi nên làm gì để cải thiện chất lượng cuộc sống?

8. Có những gì cần tránh trong quá trình điều trị hay không?

Bệnh viêm da cơ là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào mô cơ. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên điều trị sớm có thể giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh và ngăn các biến chứng.