Bệnh Viêm Cột Sống Dính Khớp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm cột sống dính khớp là một dạng viêm khớp thường gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống, khớp cùng chậu và lưng dưới. Bệnh gây ra những cơn đau dai dẳng, cứng khớp, giảm hoặc mất khả năng vận động.

Tổng quan

Viêm cột sống dính khớp (AS) là một bệnh viêm khớp chủ yếu ảnh hưởng đến khớp cùng chậu và phần dưới của cột sống. Bệnh xảy ra khi khớp nối bị viêm.

AS gây ra sự hình thành xương ở cột sống và quá trình tổng hợp xương. Từ đó khiến một số đốt sống dính lại với nhau, cột sống kém linh hoạt hơn và dẫn đến gù lưng.

Viêm cột sống dính khớp (AS)
Viêm cột sống dính khớp (AS) là bệnh viêm khớp ảnh hưởng đến khớp cùng chậu và lưng dưới

Đôi khi sự hợp nhất cũng xảy ra ở đốt sống ngực. Điều này làm ảnh hưởng đến xương sườn và khiến bạn khó thở sâu. Ngoài ra viêm cột sống dính khớp còn gây đau đớn kéo dài, cứng khớp và hạn chế khả năng vận động.

Không có cách chữa khỏi AS. Tuy nhiên việc dùng thuốc theo chỉ định có thể giúp kiểm soát đau và viêm. Ngoài ra vật lý trị liệu cũng được chỉ định để cải thiện khả năng vận động.

Phân loại

Viêm cột sống dính khớp không được phân loại. Tuy nhiên bác sĩ có thể phân độ dựa trên hình ảnh X-quang khung chậu phẳng.

  • Độ 0: Bình thường.
  • Độ I: Có những thay đổi nhưng khó nhìn thấy.
  • Độ II: Có bất thường nhẹ. Hình ảnh X-quang cho thấy một vùng nhỏ của cột sống có xương bị xói mòn và xơ cứng. Tuy nhiên không nhìn thấy thay đổi của bề rộng khe khớp.
  • Độ III: Nhìn thấy rõ những bất thường trên hình ảnh X-quang. Trong giai đoạn này, người bệnh có những biểu hiện gồm:
    • Viêm khớp cùng chậu từ trung bình đến nặng
    • Xơ cứng xương
    • Vài chỗ bị xói mòn xương
    • Rộng hoặc hẹp khe khớp
    • Dính một phần khớp cùng chậu.
  • Độ IV: Nhìn thấy bất thường nặng trên hình ảnh X-quang. Trong đó bệnh nhân bị dính khớp cùng chậu hoàn toàn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp không được biết đến. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển của bệnh. Nguy cơ sẽ tăng cao ở những người có gen HLA-B27.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 95% trường hợp viêm cột sống dính khớp có một biến thể gen B kháng nguyên bạch cầu người (HLA-B). Gen này bị đột biến tạo ra HLA-B27 và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên nhiều người có hen HLA-B27 không phát triển bệnh. Có đến 80% trẻ em thừa hưởng gen đột biến bởi cha hoặc mẹ bị viêm cột sống dính khớp không phát triển bệnh. Bệnh thường xảy ra vào cuối tuổi vị thành niên, đôi khi là đầu tuổi trưởng thành.

Bệnh viêm cột sống dính khớp thường phát triển ở người có gen HLA-B27
Bệnh viêm cột sống dính khớp thường phát triển ở người được truyền gen HLA-B27 từ cha mẹ

Những yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Bệnh vẩy nến
  • Viêm loét đại tràng
  • Bệnh Crohn

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh viêm cột sống dính khớp gây ra nhiều triệu chứng và ảnh hưởng đến những khu vực sau:

  • Các đốt sống ở lưng dưới
  • Khớp nối giữa xương chậu và đáy cột sống
  • Nơi dây chằng gắn vào xương ở cột sống
  • Các khớp hông và vai
  • Sụn giữa xương ức và xương sườn.

Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:

  • Đau lưng dưới
  • Cứng ở lưng dưới và hông
  • Đau cổ
  • Đau khớp
  • Đau và cứng khớp thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng, sau khi nghỉ ngơi hoặc sau một thời gian không hoạt động
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Chán ăn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đau bụng và tiêu chảy
  • Có vấn đề về tầm nhìn.

Viêm dẫn đến đau nhức, cứng ở lưng dưới và hông
Viêm dẫn đến đau nhức, cứng ở lưng dưới và hông, mệt mỏi, khó thở, vấn đề về tầm nhìn

Triệu chứng thường xuất hiện trong giai đoạn từ 17 - 45 tuổi. Tuy nhiên những thay đổi ở cột sống cũng có thể phát triển sớm hoặc chậm hơn. Các triệu chứng thường nhẹ trong giai đoạn đầu, nặng và dai dẳng hơn trong giai đoạn tiến triển; có thể xấu đi (bùng phát) và tự cải thiện, sau đó tiếp tục.

Bệnh nhân sẽ được thực hiện những bước dưới đây để xác định chẩn đoán:

  • Khám lâm sàng: Bệnh nhân được hỏi về triệu chứng để kiểm tra mức độ đau và cứng vùng cột sống thắt lưng. Ngoài ra người bệnh cũng được yêu cầu thực hiện một số chuyển động để đánh giá phạm vi chuyển động. Dưới đây là những tiêu chuẩn lâm sàng:
    • Đau và cứng lưng dưới kéo dài trên 3 tháng, không giảm khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động.
    • Khả năng vận động cột sống thắt lưng sang bên và trước - sau bị hạn chế.
    • Độ giãn nở của lồng ngực giảm so với tuổi và giới tính.
  • Chụp X-quang khung chậu thẳng: Bệnh nhân được chụp X-quang khung chậu thẳng để xác định chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
  • Quét MRI: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI để phát hiện viêm cột sống dính khớp giai đoạn sớm.
  • Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra dấu hiệu viêm và gen HLA-B27.

Biến chứng và tiên lượng

Khi không điều trị, cơ thể có xu hướng hình thành xương mới để chữa lành. Tuy nhiên sự phát triển này làm thu hẹp khoảng cách giữa những đốt sống và hợp nhất các phần của cột sống. Từ đó gây ra những vấn đề sau:

  • Đốt sống hợp nhất (ankylosis)
  • Gù lưng
  • Loãng xương
  • Dính cột sống và những khớp ngoại biên
    • Dính khớp háng
    • Dính khớp gối
    • Dính khớp xương ức và sụn sườn
  • Cột sống cứng và không linh hoạt
  • Cứng khung xương sườn
  • Hạn chế dung tích và chức năng của phổi.

Một số biến chứng khác gồm:

  • Biến chứng ở mắt: Bệnh viêm cột sống dính khớp thường gây biến chứng cho mắt. Bao gồm:
    • Tăng mức độ nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng)
    • Đau mắt và mờ mắt
    • Viêm mống mắt hoặc viêm màng bồ đào
  • Nén gãy xương: Những đốt sống suy yếu có thể bị gãy hoặc nhàu nát. Điều này làm tổn thương tủy sống và dây thần kinh, làm tăng mức độ nghiêm trọng của chứng gù lưng
  • Vấn đề về tim mạch: Một số biến chứng ở tim mạch gồm:
    • Viêm động mạch chủ dẫn đến phình động mạch và biến dạng van động mạch chủ trong tim. Cuối cùng làm suy yếu chức năng của nó và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
    • Bệnh cơ tim
    • Rối loạn nhịp tim
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Tình trạng viêm và hợp nhất đốt sống có thể gây sẹo và viêm dây thần kinh. Từ đó dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa. Những người có hội chứng này thường bị mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang (đại tiện và tiểu không tự chủ).
  • Viêm hàm: Đôi khi viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến viêm hàm.
  • Đau ngực: Cứng khung xương sườn có thể dẫn đến đau ngực và ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Điều trị

Không có cách điều trị dứt điểm viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên biến chứng, viêm và các triệu chứng có thể giảm khi điều trị bằng thuốc và trị liệu. Những trường hợp nặng có thể cân nhắc phẫu thuật.

1. Thuốc

Các thuốc thường được chỉ định:

Bệnh viêm cột sống dính khớp thường được điều trị bằng các thuốc kháng viêm
Bệnh viêm cột sống dính khớp thường được điều trị bằng các thuốc kháng viêm và thuốc sinh học

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen hoặc Naproxen natri (Aleve) là những thuốc chống viêm không steroid thường được chỉ định. Nhóm thuốc này giúp giảm viêm, đau và cứng khớp hiệu quả. Tuy nhiên NSAID cần được dùng theo chỉ định, kết hợp thuốc bảo vệ đường tiêu hóa để tránh gây đau bụng và xuất huyết tiêu hóa.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): DMARDs là một trong những loại thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp. Trong đó Sulfasalazine thường được sử dụng để giảm đau, sưng và viêm. Thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân có tổn thương khớp ngoại biên và gân. Sulfasalazine cũng có tác dụng điều trị tổn thương do bệnh viêm ruột gây ra.
  • Các thuốc sinh học ức chế TNF: Nếu không đáp ứng tốt với NSAIDs và Sulfasalazine, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc sinh học ức chế TNF. Thuốc có khả năng làm giảm triệu chứng của viêm cột sống dính khớp và ngăn chặn viêm hiệu quả.
  • Thuốc ức chế IL-17: Nếu dùng NSAID không hiệu quả, một loại thuốc ức chế interleukin 17 (IL-17) sẽ được sử dụng, chẳng hạn như Secukinumab (Cosentyx) và Ixekizumab (Taltz). Nhóm thuốc này giúp giảm viêm bằng cách nhắm vào cytokine IL-17 và ngăn dẫn truyền tín hiệu.
  • Thuốc ức chế JAK: Đây là một loại thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc có tác dụng giảm viêm cho những trường hợp viêm mạn tính. Trong đó Upadacitinib (Rinvoq) và Tofacitinib (Xeljanz) là những loại thuốc được sử dụng.
  • Canxi và vitamin D3: Viên uống bổ sung canxi và vitamin D3 được chỉ định cho những trường hợp có nguy cơ mất khoáng xương. Thuốc giúp cải thiện chất lượng xương, giảm nguy cơ gãy và nhàu nát đốt sống.
  • Corticosteroid: Đôi khi Corticosteroid dạng tiêm được chỉ định để giảm viêm và đau khớp tạm thời. Thuốc có hiệu quả nhanh và kéo dài vài tháng.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một phần trong phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp. Phương pháp này bao gồm một số bài tập có tác dụng giảm đau, thư giãn cột sống và các khớp. Đồng thời cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt cho lưng dưới và khớp cùng chậu.

Ngoài ra người bệnh còn được hướng dẫn những bài tập có tác dụng tăng cường cơ bụng và lưng. Điều này giúp ổn định cột sống, tăng phạm vi chuyển động và cải thiện tư thế.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp tăng cường các cơ, giảm đau, cải thiện tính linh hoạt cho lưng dưới và khớp cùng chậu

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được cân nhắc khi:

  • Bị đau dữ dội
  • Khớp hông bị tổn thương nặng và cần phải thay thế

Trong quá trình này, bác sĩ có thể tiến hành cấy ghép một khớp nhân tạo hoặc sửa chữa cột sống cong.

4. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Ngoài điều trị y tế, cần áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà để tăng khả năng kiểm soát viêm cột sống dính khớp.

  • Thực hiện chế độ ăn uống bổ dưỡng: Đảm bảo ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để cải thiện sức khỏe xương; thực phẩm giàu omage-3, vitamin C để giảm viêm và đau, tăng khả năng chữa lành. Tránh thực phẩm chiên, thực phẩm giàu chất béo, đường và thịt chế biến. Bởi những loại thực phẩm này có thể gây viêm.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân ở những người thừa cân và duy trì cân nặng ở mức an toàn. Điều này giúp giảm áp lực lên các xương và khớp, hạn chế đau nhức.
  • Ngừng hút thuốc: Thuốc lá có khả năng làm tăng đau, tăng tốc độ thoái hóa và tổn thương cột sống. Do đó người bệnh cần bỏ thuốc lá để tránh làm nặng hơn các triệu chứng.
  • Hạn chế rượu: Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Bởi uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và khiến xương yếu.
  • Thực hành tư thế tốt: Tập đứng thẳng để tránh gù lưng và một số vấn đề khác. Ngoài ra nên giữ thẳng lưng khi đi, đứng, nằm và ngồi.
  • Tập thể dục: Nên tập thể dục thường xuyên để giảm triệu chứng, làm chậm hoặc ngừng tiến triển bệnh. Hoạt động thể chất giúp giảm đau, cải thiện phạm vi và khả năng vận động. Đồng thời giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, giảm cứng khớp và giữ tư thế tốt. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được đề xuất những bài tập an toàn.

Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên với những bài tập thích hợp để giảm đau, làm chậm tiến triển bệnh

Phòng ngừa

Không có cách phòng ngừa viêm cột sống dính khớp do không rõ nguyên nhân gây bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Những điều gì có thể gây ra các triệu chứng của tôi?

2. Phương pháp điều trị nào phù hợp và hiệu quả?

3. Tôi cần điều trị trong bao lâu?

4. Tôi nên làm gì để ngăn đợt bùng phát?

5. Có những biện pháp nào giúp tôi giảm bớt các triệu chứng?

6. Có điều gì cần tránh khi điều trị?

7. Tôi nên luyện tập như thế nào khi bị viêm cột sống dính khớp?

Bệnh viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm mãn tính, không có cách chữa dứt điểm. Ngoài ra bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng do không được điều trị. Để giảm giảm các triệu chứng và kiểm soát bệnh, tốt nhất nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.