Viêm Chóp Xoay Vai

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm chóp xoay vai ảnh hưởng đến gân và cơ cử động khớp vai. Bệnh xảy ra khi gân bị viêm hoặc kích ứng. Điều này dẫn đến đau và sưng tấy rõ rệt, cứng khớp, mất sức mạnh và khả năng vận động ở cánh tay bị ảnh hưởng.

Tổng quan

Viêm chóp xoay vai là tình trạng viêm hoặc kích ứng xảy ra ở những mô liên kết giúp vai cử động. Tình trạng này phát triển theo thời gian do nhiều nguyên nhân.

Viêm chóp xoay vai
Viêm chóp xoay vai xảy ra khi những mô liên kết giúp vai cử động bị viêm hoặc kích thích

Chóp xoay vai là một nhóm cơ và gân bao quanh khớp vai gồm: Cơ dưới vai, cơ dưới gai, cơ trên gai và cơ tròn bé. Những cơ này có chức năng giữ vững đầu xương cánh tay trên trong hốc nông của vai, không cho trật khớp. Đồng thời giúp cung cấp sức mạnh và vận động cho khớp vai.

Tuy nhiên chóp xoay vai dễ bị viêm và tổn thương (rách) do sử dụng vai liên tục và chấn thương. Chính vì thế mà viêm chóp xoay vai thường gặp ở những người có công việc hoặc hoạt động cần nâng cánh tay qua đầu, giữ vai ở một vị trí trong thời gian dài và ngủ trên vai mỗi đêm.

Viêm chóp xoay vai gây đau đớn, sưng, hạn chế cử động và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng này sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm chóp xoay vai xảy ra khi có sự hao mòn dần của gân và cơ cử động khớp vai. Điều này gây ra những kích ứng hoặc tổn thương cho chúng. Một số nguyên nhân của bệnh gồm:

  • Lạm dụng khớp: Thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại những hoạt động cần nâng cánh tay qua đầu. Chẳng hạn như ném, rửa ô tô hoặc cửa sổ. Ngoài ra viêm chóp xoay vai còn là kết quả của việc giữ vai ở một vị trí trong thời gian dài và ngủ trên vai mỗi đêm
  • Chấn thương: Chấn thương xảy ra khi có một số sự cố như ngã hoặc va đập. Trong đó viêm chóp xoay vai là dạng nhẹ nhất của chấn thương chóp xoay. Điều này gây đau vai và hạn chế hoạt động thể thao.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Tuổi tác: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên những người trên 60 tuổi có nguy cơ cao hơn.
  • Một số môn thể thao: Một số hoạt động và bộ môn thể thao có thể làm tăng nguy cơ chấn thương và viêm chóp xoay vai. Cụ thể như bóng chày, quần vợt và cử tạ.
  • Nghề nghiệp: Viêm gân chóp xoay dễ xảy ra hơn ở những công việc đòi hỏi lặp đi lặp lại những chuyển động trên cao của cánh tay. Cụ thể như thợ mộc và thợ sơn nhà. Những công việc này khiến chóp xoay vai của bạn bị hỏng theo thời gian.
  • Tiền sử gia đình: Một số người có nguy cơ cao hơn khi có người thân trong gia đình bị chấn thương chóp xoay vai.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm chóp xoay vai có triệu chứng ban đầu bao gồm đau nhẹ. Thường không có những biểu hiện đi kèm.

  • Đau nhẹ xảy ra ngay cả khi hoạt động và nghỉ ngơi
  • Đau từ phía trước vai lan đến một bên cánh tay
  • Đột ngột đau nhói khi với và nâng, đau khi ném hoặc giao bóng tennis.

Viêm chóp xoay vai gây đau đớn
Viêm chóp xoay vai gây đau phía trước vai lan đến cánh tay, đột ngột đau nhói khi với và nâng

Khi viêm tiến triển nặng hơn, những triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau vào ban đêm. Cơn đau có thể khiến bạn tỉnh giấc và cần thay đổi tư thế ngủ
  • Đau nặng hơn và kéo dài khi thực hiện một số chuyển động như với, giơ cao cánh tay qua đầu trong khi chơi thể thao
  • Khó thực hiện một số hoạt động như đặt cánh tay ra sau lưng, kéo khóa quần và cài cúc áo
  • Mất sức mạnh và chuyển động của vai
  • Cứng vai
  • Sưng và đau ở phía trước vai, cơn đau kéo dài từ trước sang bên vai
  • Nghe thấy có âm thanh nhấp chuột khi sử dụng vai.

Trong lần đầu tiên thăm khám, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, thói quen sinh hoạt và chấn thương trong quá khứ. Sau đó bệnh nhân sẽ được kiểm tra vai để tìm kiếm những bất thường như sưng và đỏ.

Người bệnh cũng có thể được yêu cầu nâng cánh tay nhẹ nhàng và chuyển động vai. Bước này giúp đánh giá phạm vi chuyển động và các hoạt động có thể gây đau. Cuối cùng bệnh nhân được hướng dẫn một số thử nghiệm để kiểm tra tính linh hoạt và sức mạnh của vai.

Để loại bỏ những nguyên nhân có thể gây đau khác, xác xét nghiệm đánh giá sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được kiểm tra các xương trong khớp qua hình ảnh X-quang. Điều này giúp phát hiện một số tình trạng như gãy xương, trật khớp... Từ đó chẩn đoán xác định.
  • Siêu âm: Siêu âm thường được thực hiện để kiểm tra chóp xoay vai của bạn. Xét nghiệm này có thể giúp kiểm tra gân và cơ, tình trạng viêm nhiễm, tổn thương (như rách hoặc thoái hóa), sự tích tụ của những chất lỏng dư thừa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một số trường hợp được chụp cộng hưởng từ để đánh giá rõ hơn về mô mềm quanh khớp. Hình ảnh thu được giúp đánh giá chính xác vị trí tổn thương và mức độ nghiêm trọng.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm chóp xoay vai có thể được chữa khỏi bằng nhiều phương pháp. Nhưng nếu không điều trị, người bệnh sẽ gặp một số vấn đề sau:

  • Yếu khớp vai
  • Teo cơ
  • Mất cử động vĩnh viễn.

Điều trị

Viêm chóp xoay vai chủ yếu được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Nếu viêm và tổn thương nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.

1. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Những biện pháp chăm sóc dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, giảm đau và cứng khớp do viêm gân chóp vai.

Chườm đá
Chườm đá đều đặn giúp giảm đau và sưng tấy hiệu quả ở vùng vai bị ảnh hưởng

  • Chườm đá: Chườm đá lên vùng ảnh hưởng có thể giúp giảm đau và sưng tấy hiệu quả. Khi thực hiện, đặt túi đá lạnh hoặc gel lạnh trên vai, giữ từ 10 đến 15 phút. Thực hiện 3 - 4 lần/ ngày, trong 2 ngày đầu.
  • Để vai nghỉ ngơi: Giữ cho vai nghỉ ngơi để giảm bớt khó chịu và đau. Đồng thời tạo điều kiện cho chóp xoay vai có thời gian tự chữa lành. Một số lưu ý:
    • Ngừng hoặc giảm những hoạt động yêu cầu nâng cánh tay cao hơn hoặc ở mức vai.
    • Cắt giảm mọi hoạt động lặp đi lặp lại.
    • Cố gắng không ngủ trên vai đau.
    • Luôn giữ cho cơ vai thư giãn và không bị siết chặt.
  • Tắm nước ấm: Thường xuyên tắm nước ấm có thể giúp thư giãn cơ vai và giảm đau.
  • Dùng thuốc bôi hoặc miếng dáng không kê đơn: Đau vai có thể giảm khi sử dụng miếng dáng, kem, gel hoặc thuốc mỡ có chứa chất giảm đau. Chẳng hạn như tinh dầu bạc hà, metyl salicylat hoặc capsaicin.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu viêm chóp xoay vai gồm những bài tập kéo giãn và tăng cường cơ bắp. Những bài tập này có tác dụng tăng cường các cơ và gân hỗ trợ khớp vai. Từ đó giúp phục hồi sức mạnh và chuyển động linh hoạt.

Ngoài ra các bài tập còn giúp tăng sự ổn định cho khớp vai, giảm đau hiệu quả và giảm nguy cơ chấn thương trong tương lai. Vật lý trị liệu thường kéo dài từ 1 - 2 tháng.

Vật lý trị liệu cũng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Trong thời gian đầu, bệnh nhân được hướng dẫn những chuyển động và bài tập nhẹ nhàng. Sau đó thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp và sức mạnh. Quá trình này thường kéo dài trong vòng 3 tháng.

3. Thuốc

Các thuốc được chỉ định dựa trên mức độ đau và viêm chóp xoay vai. Bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại thuốc chống viêm không steroid sẽ được chỉ định trong giai đoạn đầu của viêm chóp xoay vai. Thuốc này giúp ngăn viêm tiến triển và giảm đau hiệu quả.
  • Tiêm Cortisone: Hầu hết các trường hợp có đáp ứng tốt với NSAID. Nhưng nếu đau không giảm hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được tiêm Cortisone. Thuốc này rất hiệu quả trong việc điều trị cơn đau và viêm. Cortisone mang đến hiệu quả nhanh chóng, kéo dài vài tháng và có thể không cần phải tiêm nhắc lại.

Tiêm Cortisone
Tiêm Cortisone cho những trường hợp nặng và đau nhiều để điều trị các cơn đau và viêm

4. Phẫu thuật

Trong viêm khớp chóp vai, phẫu thuật được cân nhắc khi:

  • Thất bại trong điều trị bảo tồn và đau không giảm
  • Có những tổn thương nghiêm trọng ở chóp xoay vai và không thể tự phục hồi
  • Có khả năng gây mất cử động vĩnh viễn
  • Viêm tái phát nhiều lần.

Một số lựa chọn phẫu thuật:

  • Sửa chữa gân khớp: Sửa chữa gân khớp được thực hiện thông qua nội soi khớp. Trong quy trình này, máy nội soi khớp và các dụng cụ chuyên dụng được đưa qua những vết rạch nhỏ. Sau đó các gân bị thương sẽ được sửa chữa và gắn lại vào xương.
  • Cắt bỏ: Bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ những phần của túi hoạt dịch bị viêm mãn tính và cạnh trước của xương ở đỉnh vai. Điều này giúp giảm đau cho vai.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa viêm gân chóp vai, hãy lưu ý một số điều dưới đây:

  • Không lạm dụng khớp
  • Tránh lặp đi lặp lại những hoạt động cần nâng cánh tay qua đầu. Nếu điều này là cần thiết, hãy thường xuyên nghỉ giải lao ngắn. Điều này giúp vai của bạn có thời gian thư giãn và phục hồi.
  • Tránh giữ vai ở một vị trí trong thời gian dài.
  • Cố gắng không ngủ trên vai mỗi đêm.
  • Thận trọng khi chơi những môn thể thao tiếp xúc. Cần mặc đồ bảo hộ để giảm nguy cơ chấn thương và viêm chóp xoay vai khi va đập hoặc té ngã.
  • Tránh những hoạt động có thể gây tác động mạnh và trực tiếp lên khớp vai.
  • Khởi động kỹ bằng cách kéo giãn và xoay vai trước khi chơi thể thao hoặc có những hoạt động cần nhiều sức lực. Điều này giúp khớp vai của bạn được làm nóng, tăng tính linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Thường xuyên tập thể dục với những bài tập và bộ môn thích hợp, chẳng hạn như bơi lội và yoga. Điều này giúp tăng cường cơ bắp hỗ trợ, nâng cao sức mạnh cũng như tính linh hoạt cho vai và cánh tay. Từ đó giảm nguy cơ viêm chóp xoay vai.

Thường xuyên tập thể dục với những bài tập tốt cho vai
Thường xuyên tập thể dục với những bài tập tốt cho vai để duy trì chóp xoay vai khỏe mạnh

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

2. Điều trị viêm chóp xoay vai như thế nào?

3. Tôi có thể trở lại với công việc và bộ môn yêu thích hay không?

4. Những bài tập nào thích hợp cho tình trạng hiện tại của tôi?

5. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn?

6. Tôi cần tránh những gì trong quá trình điều trị?

7. Có những lựa chọn thay thế cho phẫu thuật hay không?

Viêm chóp xoay vai gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng đến chức năng vận động. Việc không điều trị còn gây teo cơ, yếu khớp và mất cử động vĩnh viễn. Chính vì vậy người bệnh cần sớm điều trị để giảm rủi ro và khắc phục nhanh tình trạng.