Bệnh Viêm Buồng Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm buồng trứng là tình trạng viêm xảy ra ở buồng trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Tình trạng này thường do vi khuẩn thuộc những chủng lây truyền qua đường tình dục hoặc vi khuẩn thông thường.

Tổng quan

Viêm buồng trứng là một bệnh viêm và nhiễm trùng ở buồng trứng (tuyến sinh dục nữ có chức năng tiết hormone sinh dục nữ và rụng trứng). Bệnh lý này thuộc nhóm bệnh viêm vùng chậu (PID) - một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của nữ giới, ảnh hưởng đến tử cung, buồng trứng hoặc/ và ống dẫn trứng.

Viêm buồng trứng
Viêm buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị viêm và nhiễm trùng, thường do vi khuẩn gây STI

Buồng trứng viêm thường do vi khuẩn, đặc biệt là những chủng lây truyền qua đường tình dục (STI). Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai buồng trứng, thường xảy ra đồng thời với viêm ống dẫn trứng và viêm tử cung.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm buồng trứng thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI). Trong đó có nhiễm trùng lậu hoặc chlamydia là phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn lây truyền khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, sau đó lây lan từ âm đạo đến buồng trứng.

Trong một số trường hợp, viêm nhiễm xảy ra do sự phát triển quá mức của những loại vi khuẩn thông thường làm mất cân bằng môi trường trong âm đạo. Điều này thường xảy ra sau khi sinh con và trong chu kỳ kinh nguyệt.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng buồng trứng:

  • Đang hoạt động tình dục
  • Hoạt động tình dục sớm (dưới 25 tuổi)
  • Có nhiều bạn tình
  • Giao hợp với người có nhiều hơn một bạn tình
  • Không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc không sạch sẽ
  • Thường xuyên thụt rửa âm đạo làm đảo lộn sự cân bằng của môi trường vi sinh trong âm đạo
  • Tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm ống dẫn trứng, viêm cổ tử cung hoặc viêm vùng chậu (PID).

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh viêm buồng trứng có những triệu chứng dưới đây:

+ Triệu chứng viêm cấp tính

  • Đau khu vực hạ vị
  • Co thắt ở bụng dưới bên phải hoặc/ và bên trái
  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh
  • Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh
  • Đau ngực phải và hai bên sườn nếu bị bệnh thận và gan
  • Có cảm giác sưng nóng hậu môn
  • Ẩm ướt và đau khi đi đại tiện
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi, màu xanh hoặc vàng
  • Kinh nguyệt kéo dài
  • Tiểu đau
  • Mệt mỏi
  • Nắn vào phần phụ thấy đau rõ rệt và sưng nề
  • Chán ăn
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và nôn ói.

Co thắt ở bụng dưới
Co thắt ở bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, tiết dịch âm đạo có mùi hôi, màu vàng hoặc xanh

+ Triệu chứng viêm mãn tính

  • Rong kinh hoặc lượng kinh nguyệt ra nhiều bất thường, máu kinh vón cục lớn, màu đen kèm theo đau vùng chậu và thắt lưng
  • Bụng dưới đau tức, cương và trướng, có thể nhẹ hoặc nặng
  • Đau bụng có thể lan sang hai bên hông, thắt lưng và hạ vị
  • Đau bụng kinh dữ dội
  • Đau bụng nhiều hơn khi mệt mỏi
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Sốt cao, nhiều trường hợp kèm theo co giật
  • Căng trướng bụng
  • Đau bụng dưới
  • Chán ăn
  • Giảm cân
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Tăng dịch tiết âm đạo, khí hư có mùi và màu bất thường
  • Khí hư kèm theo mủ và máu
  • Nắn vào phần phụ thấy đau và sưng.

Trong lần đầu thăm khám, người bệnh được hỏi về thói quen tình dục, tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, triệu chứng và những biện pháp ngừa thai. Cần cung cấp cho bác sĩ tất cả dấu hiệu và triệu chứng ngay cả những triệu chứng nhẹ.

Để xác định chẩn đoán, một số xét nghiệm sẽ được thực hiện bổ sung, bao gồm:

  • Kiểm tra vùng chậu: Bác sĩ tiến hành kiểm tra vùng chậu bằng tay xem có bị sưng và đau hay không. Sau đó dùng bông gòn lấy dịch tiết từ âm đạo và cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm được mang đi kiểm tra giúp tìm kiếm những dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Siêu âm: Trong quá trình này, sóng siêu âm được thực hiện để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ quan sinh sản. Điều này giúp phát hiện bất thường ở buồng trứng và những cơ quan khác.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Những xét nghiệm này được thực để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai, tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm khác.
  • Nội soi ổ bụng: Xét nghiệm này bao gồm việc sử dụng một ống mỏng chèn vào tử cung thông qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Ống nội soi có đèn và camera giúp xem những cơ quan vùng chậu của bạn.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Trong một số trường hợp bệnh nhân sẽ được sinh thiết nội mạc tử cung. Khi thực hiện, ống mỏng được chèn vào tử cung và lấy một mẫu mô nội mạc tử cung. Mẫu bệnh phẩm được mang đi kiểm tra để xác định dấu hiệu viêm và nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm buồng trứng không được điều trị có thể làm phát triển áp xe buồng trứng. Từ đó gây ra các tổn thương vĩnh viễn kèm theo những biến chứng dưới đây:

Có thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra nếu bệnh viêm buồng trứng không được điều trị

  • Có thai ngoài tử cung
  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Nhiễm trùng lan rộng như viêm nhiễm ống dẫn trứng và cổ tử cung. Ngoài ra áp xe vùng trứng bị vỡ có thể dẫn đến viêm phúc mạc
  • Vô sinh.

Điều trị

Điều trị viêm buồng trứng thường gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh. Những trường hợp nặng và có áp xe có thể được phẫu thuật để loại bỏ.

Khi điều trị, cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Ngoài ra đối tác của bạn cũng cần điều trị đồng thời để ngăn tái nhiễm STI.

1. Thuốc kháng sinh

Bệnh nhân được cấp một đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm buồng trứng. Thông thường 2 hoặc 3 loại thuốc kháng sinh sẽ được dùng kết hợp và bắt đầu ngay lập tức. Điều này giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn nhiễm trùng lây lan.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, đơn thuốc kháng sinh được điều chỉnh để phù hợp hơn với những nguyên nhân gây nhiễm trùng buồng trứng. Điều này giúp đảm bảo quá trình điều trị có hiệu quả nhanh.

Thuốc kháng sinh
Bệnh nhân bị viêm buồng trứng chủ yếu được dùng thuốc kháng sinh để điều trị

Nếu không đáp ứng với thuốc uống, nghi ngờ áp xe, đang mang thai hoặc bị ốm nặng, kháng sinh sẽ được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch. Sau đó người bệnh được dùng kháng sinh đường uống để tiếp tục điều trị.

Lưu ý: Đơn thuốc kháng sinh cần được dùng tiếp tục ngay cả khi những triệu chứng đã giảm. Luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khi dùng thuốc để ngăn nhiễm trùng tái phát.

2. Phẫu thuật

Bệnh nhân chỉ được phẫu thuật khi:

  • Áp xe bị vỡ hoặc có nguy cơ
  • Không đáp ứng khi điều trị bằng kháng sinh
  • Có chẩn đoán đáng ngờ.

Thông thường phẫu thuật sẽ được thực hiện để dẫn lưu mủ và loại bỏ áp xe.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị viêm buồng trứng, hãy thực hiện tình dục an toàn và giữ gìn vệ sinh cho vùng kín. Cụ thể:

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
Ngăn ngừa nhiễm trùng lây qua đường tình dục và viêm buồng trứng bằng cách dùng bao cao su

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn đến viêm buồng trứng.
  • Bao cao su nên được dùng ngay cả khi thực hiện những biện pháp ngừa thai khác, chẳng hạn như thuốc tránh thai.
  • Hạn chế số lượng bạn tình.
  • Hạn chế quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với người đang nhiễm STI.
  • Thường xuyên xét nghiệm nếu có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này giúp điều trị sớm, ngăn STI gây ra viêm buồng trứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ và khô ráo.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và có độ pH phù hợp.
  • Không thụt rửa để tránh làm đảo lộn môi trường vi sinh vật trong âm đạo. Từ đó tránh làm tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và lây lan.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi có phải do bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay không?

2. Tôi có cần ngừng quan hệ tình dục không? Kiêng trong bao lâu?

3. Bạn tình của tôi có cần được khám và điều trị đồng thời không?

4. Phương pháp điều trị nào giúp ích cho tình trạng của tôi?

5. Quá trình điều trị diễn ra trong bao lâu?

6. Tôi có cần quay lại tái khám không?

7. Tôi nên làm gì để ngăn viêm buồng trứng tái phát?

Viêm buồng trứng chủ yếu do các vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bệnh thường kèm theo viêm ống dẫn trứng và viêm tử cung, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó bệnh lý này cần được điều trị ngay lập tức, tuân thủ chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.