Viêm Bao Hoạt Dịch

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm bao hoạt dịch thường gặp ở những người có công việc hoặc hoạt động gây căng thẳng nhiều cho bao hoạt dịch. Bệnh xảy ra bao hoạt dịch bị viêm. Điều này dẫn đến đau đớn, cứng khớp và ảnh hưởng đến vận động.

Tổng quan

Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm của bao hoạt dịch. Đây là một túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, nó làm đệm cho xương và mô (gân và cơ gần khớp). Bệnh xảy ra khi có những chuyển động lặp đi lặp lại hoặc gây căng thẳng cho bao hoạt dịch.

Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi bao hoạt dịch làm đệm cho xương và mô bị viêm

Khi bao hoạt dịch vị viêm, người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn lan tỏa, khớp sưng, đỏ và cứng. Để điều trị, người bệnh được khuyên giữ khớp ảnh hưởng nghỉ ngơi, kết hợp thuốc giảm nhẹ cơn đau.

Phân loại

Có hơn 150 túi hoạt dịch trong cơ thể. Bất kỳ vị trí nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở những khớp có các chuyển động lặp đi lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như:

  • Khuỷu tay: Bệnh xảy ra ở khuỷu tay được gọi là viêm bao hoạt dịch olecranon hay khuỷu tay của thợ mỏ.
  • Đầu gối: Viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè.
  • Vai: Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.
  • Hông: Viêm xảy ra ở hông được gọi là viêm bao hoạt dịch iliopectineal hoặc trochanteric.
  • Bàn chân: Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến gót chân, gốc ngón chân cái và đầu bàn chân.
  • Mông: Viêm xảy ra ở mông được gọi là viêm bao hoạt dịch ischial.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại hoặc kéo dài là nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch, chẳng hạn như quỳ, ném bóng chày hoặc dựa vào khuỷu tay. Những hoạt động này làm tăng áp lực lên bao hoạt dịch và gây viêm.

Mặc dù ít gặp nhưng viêm bao hoạt dịch cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng và chấn thương. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến bao hoạt dịch ở những khớp lớn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Tuổi: Bệnh phổ biến hơn ở những người sau 40 tuổi. Khi bạn già đi, gân của bạn bị thoái hóa và không thể xử lý căng thẳng. Điều này khiến gân kém đàn hồi, khớp mất tính ổn định và túi hoạt dịch dễ bị tổn thương hơn.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Bệnh xảy ra ở những người thường xuyên thực hiện những hoạt động làm tăng áp lực lên bao hoạt dịch hoặc lặp đi lặp lại một chuyển động cụ thể. Chẳng hạn như ném bóng, chạy, lát gạch, sơn, xúc đất, cào đất, chơi golf...
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ, bao gồm:
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Viêm khớp vảy nến
    • Bệnh tuyến giáp
    • Bệnh tiểu đường
    • Bệnh gút
  • Thừa cân: Những người thừa cân béo phì sẽ làm tăng nguy cơ viêm túi hoạt dịch ở đầu gối và hông.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của viêm bao hoạt dịch gồm:

  • Đau (triệu chứng phổ biến nhất). Đau tăng khi ấn hoặc di chuyển
  • Sưng tấy và đỏ
  • Phạm vi chuyển động hạn chế
  • Cứng khớp.

Sưng tấy và đỏ
Viêm bao hoạt dịch gây đau đớn, giảm phạm vi chuyển động, sưng tấy và đỏ ở khớp ảnh hưởng

Nếu bị viêm do nhiễm trùng, người bệnh sẽ có thêm những triệu chứng sau:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Nổi mẩn đỏ trên da hoặc thay đổi màu sắc da
  • Có cảm giác nóng hoặc ấm áp.

Bác sĩ kiểm tra khớp ảnh hưởng, có thể ấn nhẹ hoặc yêu cầu cử động để kiểm tra vị trí và đặc điểm đau. Ngoài ra người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Bác sĩ chỉ định chụp X-quang để loại trừ những vấn đề ở xương.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để tìm kiếm dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Những xét nghiệm này có thể giúp phát hiện tình trạng sưng bao hoạt dịch. Từ đó xác định chẩn đoán.
  • Chọc hút bằng kim: Bác sĩ có thể dùng kim chọc hút chất lỏng trừ bao hoạt dịch bị ảnh hưởng. Bệnh phẩm được kiểm tra để xác định nghiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm bao hoạt dịch là một tình trạng không quá nghiêm trọng, dễ điều trị và có thời gian tồn tại ngắn. Hầu hết bệnh nhân có thể khỏi bệnh trong vòng một vài tuần.

Tuy nhiên viêm có thể tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến các hoạt động. Trước khi bao hoạt dịch được chữa lành hoàn toàn, việc thực hiện những hoạt động gây căng thẳng hoặc áp lực lên nó đều làm tăng nguy cơ tái phát.

Nếu không được điều trị, bao hoạt dịch có thể bị hỏng, gây viêm mãn tính hoặc làm ảnh hưởng đến vận động. Những trường hợp bị viêm do vi khuẩn có thể khiến nhiễm trùng lây lan.

Điều trị

Điều trị viêm bao hoạt dịch gồm:

1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà

Viêm bao hoạt dịch thường giảm nhanh khi nghỉ ngơi và áp dụng những biện pháp giảm đau tại nhà. Nếu những triệu chứng không giảm, bạn có thể cần phải điều trị y tế.

Nghỉ ngơi và nâng cao
Nghỉ ngơi và nâng cao nhằm giảm áp lực lên túi hoạt dịch, giảm tổn thương và đau

  • Nghỉ ngơi và nâng cao: Tránh những hoạt động khiến cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất nên dành thời gian nghỉ ngơi và nâng cao vị trí ảnh hưởng. Điều này giúp giảm áp lực lên túi hoạt dịch bị thương và giảm đau hiệu quả.
  • Dùng thiết bị hỗ trợ: Nếu cần thiết, hãy dùng nạng hoặc gậy khi di chuyển. Điều này giúp giảm áp lực lên chi ảnh hưởng.
  • Cố định khớp: Bác sĩ có thể hướng dẫn dùng nẹp hoặc đai treo để bất động vị trí ảnh hưởng. Điều này giúp bảo vệ và cho phép túi hoạt dịch tổn thương lành lại. Ngoài ra cố định khớp tạm thời còn giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên không nên cố định quá lâu để tránh cứng khớp.
  • Chườm lạnh: Bọc đá lạnh trong một chiếc khăn mỏng, sau đó đặt lên khu vực bị ảnh hưởng. Điều này giúp giảm đau, viêm và sưng bao hoạt dịch. Biện pháp chườm lạnh nên được thực hiện mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 15 phút.
  • Chườm ấm: Cơn đau có thể thuyên giảm khi áp dụng biện pháp chườm ấm. Dùng khăn ấm, chai nước ấm hoặc miếng đệm sưởi ấm đặt lên vùng ảnh hưởng. Điều này giúp giảm cứng khớp và giảm đau. Chườm ấm và lạnh nên được thực hiện xen kẽ để tăng hiệu quả.

2. Thuốc

Nếu đau không giảm sau vài ngày chăm sóc, người bệnh được hướng dẫn dùng thuốc để điều trị.

  • Thuốc kháng sinh: Người bệnh được dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc nhóm NSAID thường được sử đụng để giảm đau và kháng viêm.
  • Tiêm corticosteroid: Nếu không đáp ứng tốt với NSAID, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid. Thuốc có tác dụng điều trị viêm và giảm đau, thường mang đến hiệu quả nhanh và chỉ cần tiêm một mũi.

Tiêm corticosteroid
Tiêm corticosteroid để điều trị viêm và giảm đau cho những trường hợp nghiêm trọng

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện tính linh hoạt và cung cấp nhiều chuyển động cho khớp. Ngoài ra các bài tập còn có tác dụng giảm đau hiệu quả.

4. Phẫu thuật

Bệnh nhân được phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, những triệu chứng kéo dài hoặc thường xuyên tái phát. Hầu hết các trường hợp được phẫu thuật dẫn lưu. Một số khác có thể được chỉ định cắt bỏ túi hoạt dịch.

Phòng ngừa

Có nhiều biện pháp giúp giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch và ngăn những đợt bùng phát, bao gồm:

  • Nếu đột ngột cảm thấy đau, hãy ngừng chuyển động và thăm khám.
  • Không nên ngồi hoặc quỳ quá lâu.
  • Sử dụng miếng đệm nếu phải chống khuỷu tay hoặc quỳ. Điều này giúp giảm áp lực lên đầu gối của bạn.
  • Cong đầu gối của bạn khi nâng. Điều này giúp giảm căng thẳng cho bao hoạt dịch ở hông.
  • Hạn chế mang vác vật nặng bởi điều này có thể làm căng thẳng cho những túi hoạt dịch trên vai. Tốt nhất nên sử dụng xe đẩy có bánh xe để vận chuyển hàng hóa.
  • Tránh lặp đi lặp lại một chuyển động. Nên thường xuyên nghỉ giải lao, thay đổi chuyển động hoặc thực hiện hoạt động với các phần còn lại của cơ thể. Điều này giúp giảm nguy cơ gây căng thẳng cho túi hoạt dịch ở một vị trí cụ thể.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch ở hông và đầu gối.
  • Luôn thực hiện những tư thế thích hợp cho những công việc và hoạt động.
  • Thường xuyên tập thể dục để tăng cường cơ bắp. Điều này giúp bảo vệ và giữ cho khớp khỏe mạnh.
  • Nếu chơi thể thao, hãy kết hợp mọi chuyển động. Không nên lặp đi lặp lại một chuyển động ở mọi lúc.
  • Nếu đang thử một bài tập hoặc một bộ môn thể thao mới, hãy bắt đầu với những chuyển động dễ dàng và một cách từ từ. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương do chịu nhiều áp lực. Bạn có thể thực hiện chuyển động thường xuyên hơn hoặc nhiều lực hơn khi đã tăng cường sức mạnh.
  • Khởi động và giãn cơ. Trước khi tập thể dục hoặc thực hiện những hoạt động gắng sức, hãy khởi động và giãn cơ trong 10 phút. Điều này giúp bảo vệ khớp khỏi chấn thương.

Khởi động và giãn cơ trước khi tập thể dục và chơi thể thao
Khởi động và giãn cơ trước khi tập thể dục và chơi thể thao để giảm nguy cơ chấn thương và viêm

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

2. Điều gì khiến tôi có các triệu chứng?

3. Phương pháp điều trị nào tốt nhất?

4. Có những điều gì cần tránh khi điều trị?

5. Tôi có thể vận động bình thường sau khi khỏi bệnh hay không?

6. Tôi nên làm gì để ngăn viêm tái phát?

7. Biện pháp chăm sóc nào giúp giảm các triệu chứng?

Viêm bao hoạt dịch thường gây đau nhức nhiều và ảnh hưởng đến vận động. Tuy nhiên tình trạng này không quá nghiêm trọng, thường đáp ứng tốt với những biện pháp chăm sóc. Nếu đau kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ để được điều trị y tế.