Vẹo Cột Sống

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống cong sang một bên, thường gặp trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cột sống. Tuy nhiên cột sống ngực và lưng dưới là những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất.

Tổng quan

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Tình trạng này gây ra sự bất đối xứng giữa hai vai, eo, hông và khung sườn. Bệnh thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên và những trẻ trong độ tuổi từ 10 - 12 tuổi. Vẹo cột sống bẩm sinh có thể xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.

Vẹo cột sống
Vẹo cột sống xảy ra khi cột sống bị cong sang một bên, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên

Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, được theo dõi bằng X-quang định kỳ và không cần can thiệp. Một số trẻ cần phải đeo nẹp để điều chỉnh và ngăn đường cong trở nên tồi tề hơn.

Vẹo cột sống có thể rất nghiêm trọng, giảm không gian trong lồng ngực, khiến phổi khó hoặc không thể hoạt động bình thường. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật để sửa chữa.

Phân loại

Vẹo cột sống được phân thành những loại dưới đây:

  • Vẹo cột sống vô căn

Phần lớn bệnh nhân bị vẹo cột sống vô căn. Loại này xảy ra khi cột sống bị căn nhưng không xác định được nguyên nhân.

  • Vẹo cột sống bẩm sinh

Ở loại này, đốt sống phát triển bất thường, phân chia không đúng cách hoặc thiếu đốt sống trong giai đoạn thai kỳ. Từ đó gây ra đường cong bất thường cho cột sống.

Chứng vẹo cột sống bẩm sinh thường được chẩn đoán sau khi trẻ được sinh ra. Một số trường hợp không được phát hiện sớm do không phát triển triệu chứng cho đến khi trẻ đến tuổi vị thành niên.

  • Vẹo cột sống thần kinh cơ

Loại này xảy ra khi cột sống của bạn bị cong do những rối loạn thần kinh cơ. Chẳng hạn như bại bão, tật nứt đốt sốt và chấn thương tủy sống. Những tình trạng này khiến các cơ bị hỏng hoặc phát triển không bình thường. Từ đó làm mất tính ổn định, giảm hỗ trợ và khiến cột sống không được giữ ở vị trí chính xác. Sau cùng dẫn đến cong vẹo.

  • Vẹo cột sống thoái hóa

Loại này xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh xảy ra khi xương cột sống hoặc đĩa đệm bị thoái hóa và mòn theo thời gian.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có khoảng 65% trường hợp vẹo cột sống không rõ nguyên nhân (vô căn), 10% trường hợp là thứ phát sau một bệnh thần kinh cơ, 15% trường hợp là bẩm sinh.

Đối với yếu tố nguy cơ, khoảng 62% có sự khác biệt về nguy cơ vẹo cột sống là do yếu tố môi trường và 38% là do di truyền. Tuy nhiên di truyền học có thể phức tạp hơn do sự bất hòa và sự không nhất quán giữa những cặp song sinh đơn nhân.

Các nghiên cứu cho thấy, ít nhất có một gen liên quan đến biến dạng vẹo cột sống vô căn, chẳng hạn như CHD7.

Phần lớn trường hợp bị vẹo cột sống không rõ nguyên nhân
Phần lớn trường hợp bị vẹo cột sống vô căn (không rõ nguyên nhân)

Những nguyên nhân cụ thể liên quan đến chứng vẹo cột sống gồm:

  • Dị tật bẩm sinh làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương cột sống
  • Một số tình trạng thần kinh cơ, thường gặp gồm loạn dưỡng cơ và bại não
  • Bất thường ở tủy sống
  • Có tiền sử phẫu thuật thành ngực khi còn nhỏ
  • Nhiễm trùng cột sống
  • Chấn thương cột sống
  • Di truyền

Đối với người lớn, chứng vẹo cột sống xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Thoái hóa cột sống. Điều này khiến cột sống bị cong khi bạn già đi
  • Vẹo cột sống ở trẻ em không được phát hiện và điều trị cho đến khi trưởng thành.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phổ biến nhất gồm:

  • Tuổi tác: Những triệu chứng thường phát triền ở tuổi thiếu niên.
  • Giới tính: Tỉ lệ phát triển bệnh ở bé trai và bé gái là như nhau. Tuy nhiên bé gái có nguy cơ biến dạng cột sống nặng hơn và cần phải điều trị.
  • Tiền sử gia đình: Bệnh có khả năng di truyền trong gia đình.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những người bị vẹo cột sống sẽ có những dấu hiệu dưới đây:

  • Vai không đều, một bên cao hơn bên còn lại
  • Vòng eo không đều
  • Một bên khung sườn hoặc một xương bả vai nhô ra hay nổi bật hơn so với bên còn lại. Điều này thường gặp trong chứng vẹo cột sống ngực, xảy ra khi khung xương sườn xoay đáng kể
  • Một bên hông cao hơn bên còn lại
  • Cúi lưng về phía trước có thể nhìn thấy một điểm nổi bật trên lưng
  • Cột sống xoay hoặc xoắn. Điều này khiến cho các cơ hoặc/ và xương sườn một bên nhô xa hơn so với bên còn lại
  • Tư thế không đều
  • Thay đổi dáng đi
  • Hạn chế phạm vi chuyển động
  • Xét nghiệm kiểm tra thất canxi lắng đọng trong đĩa đệm.

Các triệu chứng của bệnh:

  • Đau lưng ở vị trí có đường cong. Cơn đau có xu hướng lan xuống chân
  • Xuất hiện những vấn đề về tim và phổi trong trường hợp nghiêm trọng
  • Táo bón do cột sống cong làm thắt chặt dạ dày và ruột.

Chẩn đoán vẹo cột sống bao gồm kiểm tra bệnh sử, dấu hiệu và hình ảnh. Trong đó người bệnh được kiểm tra kỹ lưỡng về sự phát triển gần đây và tiền sử bệnh chi tiết. Điều này giúp xác định xem biến dạng xảy ra do một nguyên nhân cơ bản hay những tình trạng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra và xét nghiệm để xác định chứng vẹo cột sống, bao gồm:

Bài kiểm tra uốn cong về phía trước của Adams
Cúi người về phía trước và thả lỏng hai cánh tay có thể nhìn thấy một điểm nổi bật trên lưng

  • Bài kiểm tra uốn cong về phía trước của Adams: Trong quá trình kiểm tra thể chất, người bệnh cúi người về phía trước càng xa càng tốt, hai cánh tay thả lỏng. Nếu có cột sống bị vẹo, bác sĩ có thể nhìn thấy một điểm nổi bật trên lưng. Trong khi cúi người, thước đo độ cong sẽ được đặt lên cột sống để đo mức độ vẹo. Nếu có độ cong trên 5 độ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang.
  • Chụp X-quang: Nếu nghi ngờ vẹo cột sống, người bệnh sẽ được chụp X-quang toàn bộ cột sống AP/ coronal (nhìn từ trước ra sau), sau đó chụp nghiêng/ xương dọc (nhìn từ bên). Điều này giúp đánh giá đường cong liên quan đến chứng vẹo cột sống và gù lưng. Ngoài ra chụp X-quang cột sống toàn thân khi đứng giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng và sự tiến triển của bệnh. Điều này cũng giúp xác định dị dạng là bẩm sinh hay tự phát. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được chụp X-quang nhiều lần trong vòng 12 tháng để theo dõi sự phát triển của bệnh.
  • Đo góc Cobb: Đây là một kỹ thuật giúp đo độ cong của cột sống. Trên hình ảnh X-quang, bác sĩ vẽ lần lượt vẽ một đường vuông góc bắt đầu từ đốt sống nghiêng nhất ở phía trên và một đường bắt đầu từ đốt sống nghiêng nhất ở phía dưới. Góc tạo ra từ hai đường thẳng này được gọi là góc Cobb. Góc Cobb từ 10 độ trở lên có nghĩa bạn hoặc con của bạn đang bị vẹo cột sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI được khuyến nghị nếu có nghi ngờ chứng vẹo cột sống xảy ra do bất thường ở tủy sống. Hình ảnh thu được có thể giúp bác sĩ kiểm tra chi tiết về tủy sống, dây thần kinh, các mô mềm và cấy trúc cột sống.
  • Chụp CT: CT cung cấp các hình ảnh cắt ngang của cột sống. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện các bất thường.
  • Quét xương: Một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào cơ thể trước khi quét hình ảnh. Chất này tập trung tại những điểm bất thường của cột sống và những khu vực tăng tuần hoàn. Từ đó giúp phát hiện nhanh những điểm bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp vẹo cột sống đều nhẹ, điều trị bảo tồn có thể giúp điều chỉnh và ngăn biến dạng thêm. Tuy nhiên một số trường hợp phát hiện muộn có thể bị vẹo cột sống rất nặng. Khi không được chữa trị, bệnh lý này sẽ gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Khó thở do khung xương sườn chèn ép vào phổi
  • Tăng nguy cơ đau lưng mãn tính khi trưởng thành, đặc biệt là khi cột sống có đường cong lớn và không được điều trị
  • Tự ti về ngoại hình, tăng nguy cơ trầm cảm
  • Hạn chế khả năng bơm máu và tăng nguy cơ phát triển những bệnh lý tim mạch khi xương sườn xoắn nghiêm trọng
  • Thoát vị đĩa đệm do tải trọng cơ thể không đều.

Tiên lượng phụ thuộc vào khả năng tiến triển của bệnh. Cụ thể:

  • Đường cong lớn hơn có nguy cơ tiến triển cao hơn đường cong nhỏ
  • Đường cong ở ngực có nguy cơ tiến triển cao và nhanh hơn so với đường cong ở thắt lưng hoặc ở cả ngực và thắt lưng
  • Những người chưa hoàn thành giai đoạn tăng trưởng tối đa (như trẻ em và thanh thiếu niên) sẽ có khả năng tiến triển cao hơn.

Mặc dù tiên lượng của mỗi người là khác nhau nhưng vẹo cột sống hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ và chức năng hoạt động bình thường.

Điều trị

Nếu bị vẹo cột sống ở mức độ rất nhẹ, người bệnh có thể không cần phải điều trị. Thay vào đó bệnh nhân sẽ được chụp X-quang thường xuyên để kiểm tra cột sống, xem liệu đường cong có xấu hơn hay không.

Điều trị được thực hiện cho những trường hợp bị vẹo cột sống nặng hoặc có đường cong xấu hơn theo thời gian. Dựa vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, những lựa chọn dưới đây sẽ được thực hiện:

1. Nẹp cột sống

Nẹp cột sống được dùng cho những trường hợp có xương đang phát triển và vẹo cột sống ở mức độ vừa phải. Thiết bị này giúp ngăn đường cong trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên nó không thể làm đảo ngược hoặc chữa khỏi tình trạng.

Nẹp cột sống
Nẹp cột sống giúp ngăn bệnh tiến triển người có xương đang phát triển và vẹo cột sống mức độ nhẹ

Hầu hết các trường hợp sẽ được yêu cầu đeo nẹp từ 13 - 16 giờ. Thiết bị thường được làm bằng nhựa và thiết kế phù hợp với cơ thể. Việc sử dụng sẽ không làm ảnh hưởng hoặc hạn chế các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Để giúp trẻ thoải mái hơn, có thể tháo nẹp khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động thể chất khác.

Khi trải qua giai đoạn tăng trưởng và không còn phát triển chiều cao, trẻ sẽ được ngừng sử dụng nẹp.

2. Phẫu thuật

Vẹo cột sống có xu hướng phát triển theo thời gian. Bệnh có thể nghiêm trọng đến mức gây ra các biến chứng về hô hấp và tim do khung sườn xoắn nghiêm trọng.

Để điều chỉnh cột sống và ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được yêu cầu phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể phẫu thuật với một trong những kỹ thuật dưới đây:

  • Hợp nhất cột sống

Một hoặc nhiều đốt sống sẽ được kết nối với nhau. Điều này giúp các đốt sống phát triển cùng nhau, giảm độ cong cho cột sống.

Phẫu thuật hợp nhất cột sống
Phẫu thuật hợp nhất cột sống giúp giảm độ cong cho cột sống, đảo ngược tình trạng

Khi thực hiện, bác sĩ tạo một vết mổ trên lưng, xuyên qua da và cơ, sau đó đẩy cơ qua một bên để tiếp cận với các đốt sống. Miếng ghép xương hoặc vật liệu giống như xương được đặt giữa các đốt sống cần hợp nhất.

Để cố định cột sống, các thanh, đinh vít, móc hoặc dây kim loại được sử dụng. Theo thời gian, vật liệu xương cũ và mới sẽ phát triển cùng nhau và hợp nhất với nhau.

Sau phẫu thuật hợp nhất cột sống, người bệnh có thể được gây tê ngoài màng cứng để giúp giảm đau. Quy trình thực hiện thường kéo dài từ 4 - 8 tiếng.

  • Thanh mở rộng

Thanh mở rộng được sử dụng cho những trẻ có chứng vẹo cột sống tiến triển nhanh khi còn nhỏ. Trong khi thực hiện, các thanh kim loại sẽ được sử dụng để mở rộng dọc theo cột sống. Điều này giúp điều chỉnh mức độ thẳng hàng và độ dài của cột sống khi trẻ lớn hơn.

Thông thường người bệnh được phẫu thuật điều chỉnh độ dài của thanh mỗi 3 - 6 tháng.

  • Dây buộc thân đốt sống

Bác sĩ tạo các vết rạch nhỏ và đặt vít dọc theo mép ngoài của đường cong cột sống. Sau đó một sợ dây linh hoạt và chắc chắn được luồn qua các vít. Điều này giúp cột sống thẳng ra khi dây thắt chặt. Hiệu quả càng tăng khi trẻ càng lớn.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa vẹo cột sống. Tuy nhiên việc phát hiện sớm và can thiệp y tế có thể ngăn sự phát triển thêm của đường cong. Vì vậy cần liên hệ với bác sĩ nếu trẻ có những triệu chứng và dấu hiệu bất thường.

Sớm khám và điều trị để ngăn sự phát triển của đường cong
Sớm khám và điều trị để ngăn sự phát triển của đường cong, tránh vẹo cột sống nghiêm trọng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?

2. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Chi phí?

3. Có những rủi ro và lợi ích nào khi phẫu thuật?

4. Mất bao lâu để chữa khỏi?

5. Các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hay không?

6. Có những bài tập nào giúp điều chỉnh biến dạng cột sống?

7. Tôi nên thực hiện hoặc tránh những gì khi điều trị?

Chứng vẹo cột sống thường nhẹ, có thể dùng nẹp để tránh biến dạng thêm. Đối với trường hợp nặng, phẫu thuật được thực hiện để ngăn phát triển các biến chứng và điều chỉnh đường cong cột sống. Điều quan trọng là theo dõi sự phát triển của trẻ, thông báo ngay với bác sĩ và điều trị theo chỉ định nếu có bất thường.