Vẹo Cổ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Vẹo cổ là một dạng rối loạn vận động do co thắt cơ trơn. Các cơ ở cổ bị vặn xoắn khiến đầu nghiêng sang một bên bên. Điều này thường kèm theo cứng cổ và đau đớn đến mức suy nhược. 

Tổng quan

Vẹo cổ còn được gọi là xoắn cổ hay trẹo cổ - một tình trạng co thắt hoặc xoắn vặn các cơ ở cổ khiến đầu nghiêng sang một bên, trông giống như bị xoay ở một góc kỳ lạ. Tình trạng này thường kèm theo đau và cứng cổ.

Vẹo cổ
Vẹo cổ xảy ra khi các cơ ở cổ co thắt hoặc xoắn vặn khiến đầu nghiêng sang một bên

Chứng vẹo cổ thường là bẩm sinh nhưng cũng có thể làm kết quả của tổn thương cơ (do bệnh lý hoặc các nguyên nhân cơ học). Bất thường có thể nhẹ hoặc nặng, đỉnh đầu nghiêng sang một bên trong khi cằm nghiêng sang một bên khác. Dựa trên tình trạng, những phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

Phân loại

Chứng vẹo cổ được phân thành nhiều loại, gồm:

+ Theo thể bệnh

  • Cấp tính: Thường xảy ra đột ngột, chẳng hạn như sau một đêm ngủ dậy. Xoắn cổ cấp tính chủ yếu do căng cơ. Tình trạng này thường kèm theo đau và cứng cổ nhưng nhẹ, ngắn hạn và có thể tự khỏi.
  • Mãn tính: Chứng vẹo cổ mãn tính có thể là bẩm sinh hoặc phát triển theo thời gian do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có đầu nghiêng sang một bên rõ rệt kèm theo cứng cổ và đau lặp đi lặp lại. Những trường hợp mãn tính cần được điều trị y tế.

+ Theo đặc điểm

  • Chứng vẹo cổ mắc phải (acquired torticollis): Chứng vẹo cổ mắc phải xảy ra đột ngột hoặc có thể chậm hơn, thường trong 4 - 6 tháng đầu đời của bé. Tình trạng này vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Vẹo cổ tạm thời: Vẹo cổ tạm thời thường là kết quả của một chấn thương nhẹ, đôi khi liên quan đến nhiễm trùng (chẳng hạn như nhiễm trùng tai, nhiễm lạnh) và sưng hạch bạch huyết. Tình trạng này có thể tự khỏi sau 1 - 2 ngày
  • Vẹo cổ cố định: Tình trạng này liên quan đến bất thường về cấu trúc cơ hoặc xương.
  • Loạn trương lực cơ cổ: Tình trạng này còn được gọi là rối loạn cơ thắt - một dạng hiếm gặp. Loạn trương lực cơ cổ làm co thắt các cơ ở cổ khiến đầu bị vẹo hoặc quay sang một bên bất thường. Tình trạng này thường gặp ở những người có độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
  • Hội chứng Klippel-Feil: Hội chứng này là một dạng vẹo cổ bẩm sinh. Trong đó hai hoặc nhiều đốt sống cổ (xương tạo nên cột sống ở cổ) dính lại với nhau. Sự hợp nhất khiến cổ ngắn hơn bình thường, đầu nghiêng sang một bên, ảnh hưởng đến thính giác và thị lực.
  • Vẹo cổ do vấn đề ở cơ bắp: Đây là dạng phổ biến, xảy ra khi cơ ở một bên cổ bị căng hoặc hình thành sẹo.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ở trẻ em, chứng vẹo cổ thường là bẩm sinh, không rõ nguyên nhân. Ở người lớn, tình trạng này có thể do bệnh lý hoặc nguyên nhân cơ học.

+ Bẩm sinh

Chứng vẹo cổ bẩm sinh xảy ra khi một trong những cơ ức đòn chũm (SCM) - hai cơ lớn ở cổ của trẻ bị ngắn lại. Những cơ này giúp kết nối mặc sau của hộp sọ với xương đòn và xương ức.

Không rõ vì sao SCM bị ngắn lại. Tuy nhiên tình trạng này có thể liên quan đến cách em bé được định vị trong bụng mẹ (chẳng hạn như tư thế ngôi mông), không gian chật hẹp trong tử cung khiến cơ cổ của trẻ bị chấn thương và để lại sẹo khi lành. Số lượng sẹo có thể quyết định độ căng của cơ.

Chứng vẹo cổ bẩm sinh xảy ra khi một trong những cơ ức đòn chũm (SCM) của trẻ bị ngắn lại
Chứng vẹo cổ bẩm sinh xảy ra khi một trong những cơ ức đòn chũm (SCM) của trẻ bị ngắn lại

Vẹo cổ bẩm sinh cũng có thể liên quan đến một số vấn đề sau:

  • Sự phát triển bất thường trong những cơ ức đòn chũm
  • Tụ máu ở cơ cổ của bé (khối máu tụ)
  • Chấn thương trong khi sinh
  • Mô cơ của bé dày lên bất thường (xơ hóa)
  • Bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến cơ và hệ thần kinh
  • Hội chứng đầu phẳng
  • Hội chứng Klippel-Feil khiến đốt sống cổ của bé bị dính chặt.

+ Bệnh lý

Chứng vẹo cổ thường xảy ra do cổ họng bị sưng tấy. Điều này khiến các mô xung quanh cột sống trên của trẻ bị lỏng ra. Từ đó tạo điều kiện cho cột sống di chuyển khỏi vị trí bình thường, đồng thời khiến cơ cổ co thắt và đầu nghiêng sang một bên. Sưng có thể liên quan đến chấn thương hoặc nhiễm trùng, đôi khi không rõ nguyên nhân.

Những nguyên nhân khác:

  • Nhiễm trùng vùng đầu cổ khiến cơ co lại
  • Nhiễm trùng ở những bộ phận gần với cổ, chẳng hạn như hàm, tai, mũi xoang...
  • Viêm khớp cột sống cổ
  • Mô sẹo
  • Những vấn đề ở mạch máu
  • Vấn đề về tầm nhìn
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Viêm khớp cổ (thoát hóa đốt sống cổ)
  • Hội chứng Sandifer
  • Hội chứng Grisel - biến chứng của phẫu thuật tai mũi họng (ENT) hoặc nhiễm trùng đầu cổ

+ Nguyên nhân cơ học

Chứng vẹo cổ thường liên quan đến tư thế kém và chấn thương.

  • Duy trì tư thế sai hoặc nghiêng đầu sang một bên trong khi ngủ, ngồi trước màn hình máy tính
  • Thường xuyên mang vật nặng hoặc vật cồng kềnh ở một bên vai
  • Chấn thương cơ hoặc cột sống cổ
  • Lạm dụng các thuốc có khả năng gây thiếu kiểm soát cơ

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng và dấu hiệu của chứng vẹo cổ gồm:

+ Chứng vẹo cổ ở người lớn

  • Đầu nghiêng hoặc vẹo sang một bên
  • Khó chịu hoặc đau cổ
  • Đau âm ỉ kéo dài, thường nghiêm trọng hơn khi cố gắng xoay cổ
  • Có cảm giác căng ở cổ
  • Cứng cổ, khó xoay hoặc cúi đầu
  • Co thắt hoặc chuột rút ở cổ
  • Đau đâu và lưng
  • Mắt nhìn lên và lưỡi thè (hiếm gặp)

+ Chứng vẹo cổ bẩm sinh

  • Đầu nghiêng sang một bên và cằm hướng về phía vai đối diện
  • Dẹt ở một bên đầu sau tai
  • Một bên vai của bé cao hơn vai kia
  • Cơ cổ bị sưng
  • Trong vài tuần đầu tiên của em bé, xuất hiện một khối u mềm cỡ hạt đậu ở cơ cổ bị ảnh hưởng, không gây đau, thường tự biến mất khi bé được 6 tháng tuổi
  • Cứng khớp
  • Căng cơ cổ
  • Hạn chế chuyển động ở đầu và cổ, trẻ khó quay đầu sang bên hoặc di chuyển lên xuống
  • Một bên mặt và đầu bị bẹp (xảy ra do trẻ luôn ngủ nghiêng sang một bên)
  • Những đặc điểm trên gương mặt như mắt, mũi, miệng không đối xứng
  • Loạn sản xương hông
  • Thích bú một bên vú (ở trẻ còn bú mẹ)

Đầu nghiêng sang một bên và cằm hướng về phía vai đối diện
Trẻ có đầu nghiêng sang một bên và cằm hướng về phía vai đối diện, căng cơ cổ, cứng khớp

+ Chứng vẹo cổ mắc phải

  • Đầu nghiêng sang một bên và cằm nghiêng sang bên kia
  • Hạn chế chuyển động của đầu và cổ
  • Căng cơ cổ hoặc cứng khớp
  • Một bên vai cao hơn bên còn lại
  • Sưng ở cổ
  • Nhức đầu
  • Đầu run rẩy
  • Đau cổ dữ dội

Chứng vẹo cổ thường được phát hiện nhanh thông qua kiểm tra thể chất. Bác sĩ có thể hỏi về bệnh sử hoặc chấn thương, yêu cầu xoay nhẹ cổ để kiểm tra phạm vi và độ cứng cổ.

Để kiểm tra nguyên nhân và đánh giá thêm về tình trạng, một số xét nghiệm sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này giúp kiểm tra xương sống ở cổ.Từ đó xác định nguyên nhân gây đau và đánh giá bất thường.
  • Siêu âm: Siêu âm thường được thực hiện để tra mô mềm ở cổ.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT thường được thực hiện nếu khó hoặc không thể nhìn thấy tổn thương trên hình ảnh X-quang. Tình trạng này có thể giúp phát hiện nhanh những bất thường liên quan đến vẹo cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh của cơ, dây chằng, đĩa đệm, tủy sống, dây thần kinh và các mô xung quanh. Điều này giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ra những bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Vẹo cổ do nguyên nhân cơ học thường nhẹ và tự khỏi, trong vòng 1 - 2 ngày. Đối với vẹo cổ bẩm sinh, việc kéo căng cổ và định vị lại đầu có thể giúp điều trị tình trạng này. Đầu và cổ thường cải thiện rõ rệt trong vòng vài tháng.

Ngoài ra việc được khám và can thiệp sớm có thể ngăn bất kỳ vấn đề lâu dài nào. Khi không được điều trị, tình trạng này sẽ gây ra một số biến chứng dưới đây:

  • Dị tật vĩnh viễn ở cổ và đầu
  • Biến dạng trên khuôn mặt do thiếu cử động cơ
  • Hội chứng đầu phẳng
  • Đau mãn tính
  • Mất hoặc giảm tầm vận động của cổ và lưng

Điều trị

Điều trị chứng vẹo cổ dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

1. Điều trị không phẫu thuật

Những phương pháp dưới đây có thể mang đến nhiều lợi ích:

  • Bài tập giãn cơ

Bác sĩ sẽ hướng dẫn một chương trình luyện tập thích hợp để thư giãn và kéo căng cơ ức đòn chũm. Các bài tập thích hợp gồm:

    • Nhẹ nhàng xoay cổ sang một bên để cằm chạm vào từng vai
    • Nhẹ nhàng nghiêng đầu sao cho tai bên lành được đưa xuống vai.

Lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày để sớm đạt hiệu quả điều trị. Đối với trẻ nhỏ, ba mẹ cũng nên thường xuyên cho bé nằm sấp khoảng 10 - 15 phút trước khi bé thức để tăng cường cơ cổ. Ngoài ra nên đặt đồ chơi ở những nơi khiến bé phải quay đầu lại để nhìn.

Bài tập giãn cơ
Bài tập giãn cơ giúp thư giãn và kéo căng cơ ức đòn chũm, giảm chứng vẹo cổ

  • Xoa bóp

Xoa bóp nhẹ nhàng đầu - cổ - vai giúp thư giãn mô mềm, giảm co thắt và cải thiện lưu thông máu. Biện pháp này cúng giúp giảm đau và điều chỉnh chứng vẹo cổ.

  • Liệu pháp nhiệt

Dùng túi chườm ấm hoặc đệm sưởi đặt vào bên cổ bị ảnh hưởng. Nhiệt độ cao giúp khí huyết lưu thông, thư giãn cơ xương, giảm căng cơ và cứng khớp. Ngoài ra liệu pháp nhiệt còn giúp giảm đau, tăng phạm vi chuyển động cho cổ và đầu. Đồng thời giúp hỗ trợ khắc phục chức vẹo cổ.

  • Dùng nẹp cổ

Nẹp cổ thường được sử dụng để hỗ trợ nâng đỡ, điều chỉnh cột sống cổ và hạn chế đau đớn. Tuy nhiên thiết bị này chỉ được dùng ngắn hạn để tránh cứng cổ thêm nghiêm trọng.

  • Vật lý trị liệu

Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu vật lý trị liệu tại phòng khám, kéo dài vài tháng. Dựa vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập xoay cổ, nghiêng cổ...

Vận động trị liệu giúp điều chỉnh cột sống cổ, thư giãn xương và mô mềm xung quanh. Đồng thời tăng độ dẻo dai, cải thiện các cơ ở cổ và khắc phục dị tật.

  • Thuốc

Thuốc thường được dùng để giảm đau do vẹo cổ. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định:

    • Paracetamol: Đây là thuốc giảm đau thông thường, được dùng để trị cơn đau nhẹ.
    • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Naproxen hoặc Ibuprofen thường được sử dụng để trị những cơn đau nhẹ đến vừa. So với Paracetamol, NSAID hoạt động tốt hơn.
    • Thuốc giãn cơ: Thuốc này giúp giảm đau và chứng co cứng cơ. Từ đó cải thiện phạm vi chuyển động cho vùng cổ.
    • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc này có thể được dùng để trị cơn đau mãn tính cho người lớn hoặc đau kéo dài làm ảnh hưởng đến giác ngủ.
    • Opioid: Hiếm khi thuốc giảm đau nhóm opioid được chỉ định. Thuốc này thường chỉ được dụng ngắn hạn, khi những loại thuốc khác không có hiệu quả.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Chứng vẹo cổ có tiến triển nặng, không được khắc phục bằng những phương pháp khác
  • Vẹo cổ bẩm sinh. Phẫu thuật được chỉ định cho khoảng 10% trẻ em bị ảnh hưởng
  • Dị tật liên quan đến một tình trạng nghiêm trọng cần phải phẫu thuật.

Phẫu thuật thường được thực hiện khi trẻ đến tuổi mẫu giáo. Trong thủ tục này, bác sĩ tạo một vết mổ thích hợp, sau đó kéo dài cơ ức đòn chũm bị ngắn.

Phẫu thuật kéo dài cơ ức đòn chũm bị ngắn để điều trị chứng vẹo cổ ở trẻ
Phẫu thuật kéo dài cơ ức đòn chũm bị ngắn để điều trị chứng vẹo cổ ở trẻ

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa chứng vẹo cổ bẩm sinh. Tuy nhiên việc điều trị sớm sẽ ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ phẫu thuật trong tương lai.

Nên thực hiện những động tác giúp điều chỉnh vẹo cổ trong vòng vai tháng đầu sau khi bé chào đời. Điều này cũng giúp ngăn ngừa những biến chứng lâu dài.

Đối với người lớn và trẻ nhỏ, những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ:

  • Điều trị tốt những bệnh lý có thể khiến cơ cổ co thắt và đầu nghiêng sang một bên.
  • Thực hành tư thế đúng trong mọi hoạt động, đặc biệt là khi ngồi trước màn hình máy tính.
  • Tránh giữ tư thế nghiêng đầu sang một bên trong suốt thời gian khi ngủ.
  • Không nên mang vật nặng hoặc vật cồng kềnh ở một bên vai. Điều này diễn ra lâu ngày có thể làm tổn thương cơ và cột sống cổ, gây ra chứng vẹo cổ.
  • Một số thuốc có khả năng gây thiếu kiểm soát cơ, ảnh hưởng đến lưu thông máu và tăng nguy cơ vẹo cổ. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì gây ra tình trạng của tôi/ con tôi?

2. Có khả năng đảo ngược tình trạng hay không?

3. Những biến chứng nào có thể gặp khi bị vẹo cổ?

4. Phương pháp điều trị tốt nhất và được chỉ định là gì?

5. Chăm sóc trẻ bị vẹo cổ như thế nào?

6. Mất bao lâu để chữa khỏi?

7. Có cần phẫu thuật không? Rủi ro và lợi ích?

Chứng vẹo cổ thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Tình trạng này thường được điều trị bảo tồn, một số khác cần phẫu thuật để sửa chữa, tránh nghiêm trọng hơn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi phát hiện bất thường.