Bệnh Ung Thư Tuyến Tiền Liệt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, phát triển từ tuyến tiền liệt. Bệnh thường có tiến triển chậm, giới hạn trong tuyến tiền liệt. Nhiều trường hợp có ung thư di căn và tử vong.

Tổng quan

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư bắt đầu ở tuyến tiền liệt. Đây là một tuyến nhỏ nằm giữa dương vật và bàng quang, ở phía trước trực tràng của nam giới. Tuyến này tiết ra chất lỏng trộn với tinh dịch, nuôi dưỡng và giữ cho tình trùng khỏe mạnh để thụ thai thành công.

Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi khối u ung thư hình thành ở tuyến tiền liệt của nam giới

Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên bệnh có nhiều loại tiến triển chậm. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán trước khi ung thư lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Việc điều trị trong giai đoạn sớm có thể giúp bỏ ung thư nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển mạnh, lây lan nhanh chóng và vượt khỏi giới hạn trong tuyến tiền liệt . Những trường hợp điều trị muộn sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Phân loại

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phân loại dựa trên tế bào nơi ung thư phát triển, bao gồm:

  • Ung thu biểu mô tuyến (chiếm hầu hết các trường hợp). Loại nay bắt đầu trong tế bào của các tuyến
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp
  • Sarcoma
  • Khối u thần kinh nội tiết

Các giai đoạn của bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phân loại dựa trên mức độ lây lan của ung thư, mức PSA, điểm Gleason và điểm nhóm lớp. Trong đó điểm Gleason cho phép đánh giá mức độ bất thường của những tế bào ung thư, xác định cấp độ ung thư và khả năng xâm lấn.

  • Giai đoạn I

Đây là giai đoạn đầu của ung thư. Bệnh nhân có khối u ung thư còn nhỏ, khu trú (chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt). Những người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn I có tỉ lệ sống sót gần như 100%.

Các chỉ số:

    • Mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): < 10ng/ mL
    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: 6
    • Điểm nhóm lớp: 1
  • Giai đoạn II

Khối u ung thư vẫn còn giới hạn trong tuyến tiền liệt. Ung thư chưa lan đến những hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể. Khi siêu âm hoặc khám tuyến tiền liệt, khối u sẽ được phát hiện. Ở giai đoạn II, bệnh nhân có tỉ lệ sống sót gần 100%.

Giai đoạn II được phân thành 3 giai đoạn nhỏ hơn, bao gồm:

Giai đoạn IIA

    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: < 6
    • Điểm nhóm lớp: 1

Giai đoạn IIB

    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: 7 (3+4)
    • Điểm nhóm lớp: 2

Giai đoạn IIC

    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: 7 (4+3) hoặc 8
    • Điểm nhóm lớp: 3 hoặc 4
  • Giai đoạn III

Trong giai đoạn III, khối u ung thư đã phát triển sâu hơn nhưng chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt hoặc chưa ảnh hưởng đến những hạch bạch huyết lân cận.

    • Mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): 20ng/ mL hoặc cao hơn
    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: < 8
    • Điểm nhóm lớp: 1 - 4

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn III
Giai đoạn III có khối u ung thư chưa ra khỏi tuyến tiền liệt hoặc chưa lan rộng đến các hạch bạch huyết

Ung thư giai đoạn III được phân thành 3 giai đoạn nhỏ hơn dựa trên mức độ lan rộng của bệnh, bao gồm:

Giai đoạn IIIA

Ung thư chưa đến bất kỳ hạch bạch huyết nào hoặc chưa ra ngoài tuyến tiền liệt.

    • Mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): 20ng/ mL hoặc cao hơn
    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: < 8
    • Điểm nhóm lớp: 1 - 4

Giai đoạn IIIB

Khối u ung thư đã phát triển ra bên ngoài tuyến tiền liệt, có thể đã ảnh hưởng đến những mô xung quanh như túi tinh. Tuy nhiên ung thư chưa lan đến những hạch bạch huyết hoặc những bộ phận khác.

    • Mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Mọi cấp độ
    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: < 8
    • Điểm nhóm lớp: 1 - 4

Giai đoạn IIIC

Ung thư có thể chưa hoặc đã phát triển ra bên ngoài tuyến tiền liệt, ảnh hưởng đến những hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận.

    • Mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Mọi cấp độ
    • Điểm ung thư tuyến tiền liệt Gleason: 9 hoặc 10
    • Điểm nhóm lớp: 5
  • Giai đoạn IV

Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Trong đó người bệnh có bất kỳ nhóm cấp độ, điểm Gleason và giá trị PSA nào. Bệnh nhân sẽ có những tế bào ung thư đã di căn đến những cơ quan xa của cơ thể. Tỉ lệ sống sót trên 5 năm chỉ còn 30%.

Bệnh ung thư giai đoạn 4 được chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn, bao gồm:

Giai đoạn IVA: Khối u đã lan đến những hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa xuất hiện ở những vị trí khác.

Giai đoạn IVB: Khối u ung thư đã lan đến những hạch bạch huyết ở xa, xương và những bộ phận khác của cơ thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên ung thư sẽ bắt đầu khi có sự thay đổi ADN của những tế bào có trong tuyến tiền liệt. Trong đó ADN chứa các thông tin hướng dẫn cho những tế bào biết phải làm gì.

Khi có thay đổi trong ADN, những tế bào phát triển và phân chia nhanh hơn so với các tế bào bình thường. Trong khi những tế bào khỏe mạnh chết đi (quy trình tự nhiên), những tế bào bất thường tiếp tục sống, tích tụ lại và tạo thành khối u.

Theo thời gian, khối u ung thư phát triển về kích thước và xâm lấn những mô lân cận. Khi những tế bào bất thường vỡ ra, ung thư sẽ di căn (lây lan) đến những bộ phận xa hơn của cơ thể.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt:

  • Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở những người đàn ông trên 50 tuổi. Nguy cơ cũng tăng cao khi bạn già đi.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên ở những người có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người thừa hưởng gen đột biến có liên quan đến ung thư vú (BRCA1 và BRCA2) hoặc mắc hội chứng Lynch .
  • Thừa cân béo phì: So với những người có cân nặng khỏe mạnh, những người béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Những yếu tố rủi ro tiềm ẩn khác:
    • Hút thuốc lá
    • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
    • Viêm tuyến tiền liệt
    • Tiếp xúc với chất độc màu da cam.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bênh ung thư tuyến tiền liệt thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Khi ung thư phát triển hơn, người bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:

  • Khó khăn khi đi tiểu
  • Thường xuyên muốn đi tiểu hoặc tiểu khẩn cấp, đặc biệt là vào ban đêm
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Mất kiểm soát bàng quang (tiểu không tự chủ)
  • Mất kiểm soát ruột (đại tiện không tự chủ)
  • Rối loạn xuất tinh
  • Xuất tinh đau
  • Đau ở lưng dưới, hông hoặc ngực
  • Có máu trong nước tiểu
  • Có máu trong tinh dịch
  • Giảm lực trong dòng nước tiểu
  • Đau xương
  • Rối loạn cương dương
  • Sút cân.

Khó khăn khi đi tiểu
Khó khăn khi đi tiểu, đau rát khi đi tiểu hoặc xuất tinh, tiểu thường xuyên... là những triệu chứng của bệnh

Khi có bất thường, người bệnh sẽ được kiểm tra những triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh. Nếu có nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân sẽ được thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây:

  • Khám trực tràng kỹ thuật số: Trong quá trình thăm khám, đưa một ngón tay đã đeo găng và bôi trơn vào trực tràng. Sau đó kiểm tra tuyến tiền liệt. Điều này có thể giúp phát hiện khối u, vùng cứng hoặc một vết sưng.
  • Xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Xét nghiệm này được thực hiện để đo lượng protein do tuyến tiền liệt sản sinh (kháng nguyên đặc hiệu protein). Ở những bệnh nhân bị ung thư, mức PSA sẽ tăng cao.
  • Siêu âm: Siêu âm giúp thu về hình ảnh của tuyến tiền liệt và những bộ phận xung quanh. Điều này cho phép bác sĩ phát hiện những bất thường.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI giúp xác định vị trí, số lượng và kích thước của khối u. Xét nghiệm này cũng giúp kiểm tra những cơ quan lân cận, phát hiện sự xâm lấn của khối u ung thư.
  • Sinh thiết: Nếu phát hiện khối u thông qua kiểm tra hình ảnh, người bệnh sẽ được sinh thiết để xác định u lành hay ác tính. Trong đó một mẫu mô sẽ được lấy ra và xét nghiệm ung thư. Điều này giúp xác định đặc tính của khối u và đánh giá mức độ xâm lấn.
  • Xét nghiệm bộ gen: Xét nghiệm này giúp phát hiện các gen đột biến. Đồng thời giúp cung cấp thông tin về tiên lượng.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt phát hiện bệnh trong giai đoạn khu trú. Điều trị trong giai đoạn này tương đối dễ dàng, bệnh nhân có tiên lượng tốt và tỉ lệ sống sót cao (99%).

Khi không được phát hiện và điều trị sớm, ung thư có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Ung thư di căn
  • Tiểu không tự chủ
  • Đại tiện không tự chủ
  • Rối loạn cương dương
  • Tử vong.

Dưới đây là tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân:

  • Giai đoạn 1 và 2: Tỉ lệ sống soát trên 5 năm là 100%, trong 10 năm là 98% và trong 15 năm là 96%
  • Giai đoạn 3: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm > 75%
  • Giai đoạn 4: Tỉ lệ sống soát trên 5 năm là 30%

Điều trị

Một số người được yêu cầu theo dõi tình trạng, không cần điều trị ngay đối với ung thư tuyến tiền liệt cấp thấp. Những trường hợp khác có thể được phẫu thuật kết hợp hóa trị hoặc/ và xạ trị (dựa trên mức độ di căn).

1. Phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt ngay khi phát hiện ung thư. Trong đó tuyến tiền liệt, hạch bạch huyết và một số mô xung quanh sẽ bị cắt bỏ thông qua nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng.

  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để có hỗ trợ robot: Phương pháp này loại bỏ tuyến tiền liệt thông qua một số vết mổ nhỏ ở bụng.
  • Phẫu thuật mở tuyến tiền liệt triệt để: Trong khi thực hiện, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng, kéo dài từ rốn đến xương mu. Thông qua vết rạch, bác sĩ tiến hành cắt bỏ tuyến tiền liệt.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, hạch bạch huyết và một số mô xung quanh để loại bỏ ung thư

2. Xạ trị

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng chùm tia năng lượng cao. Phương pháp này có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật, được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phương pháp khác.

Có hai hình thức phóng xạ, bao gồm:

  • Xạ trị áp sát (xạ trị bên trong): Những hạt phóng xạ được đặt bên trong tuyến tiền liệt, gần với khối u ung thư. Điều này giúp tiêu diệt nhanh những tế bào ung thư trong khi các mô khỏe mạnh xung quanh được bảo tồn.
  • Xạ trị chùm tia bên ngoài (xạ trị bên ngoài): Phương pháp này sử dụng máy cung cấp chùm tia X cực mạnh để tiếp cận và tiêu diệt khối u ung thư từ bên ngoài. Trong khi điều trị, bác sĩ có thể định hướng liều lượng phóng xạ cao và tác động vào khối u nhưng không ảnh hưởng đến những mô khỏe mạnh.

3. Hóa trị

Hóa trị điều trị ung thư bằng cách sử dụng loại thuốc mạnh để tiêu diệt những tế bào bất thường trong cơ thể (bao gồm cả những tế bào ung thư). Thuốc thường được tiêm qua tĩnh mạch ở cánh hoặc được dùng ở dạng viên uống.

Hóa trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u ung thư, thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn những tế bào ác tính còn sót lại. Đôi khi hóa trị được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư di căn để kéo dài thời gian sống.

4. Liệu pháp nhiệt hoặc lạnh

Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nhiệt hoặc lạnh để phá hủy những mô tuyến tiền liệt.

  • Đóng băng mô tuyến tiền liệt: Phương pháp này sử dụng khí lạnh để đóng băng mô tuyến tiền liệt. Sau đó để tan băng và lặp lại quy trình. Đóng băng mô tuyến tiền liệt giúp tiêu diệt những tế bào ác tính và một số mô khỏe mạnh xung quanh.
  • Làm nóng mô tuyến tiền liệt: Đây là phương pháp siêu âm tập trung cường độ cao (HIFU). Trong đó năng lượng siêu âm tập trung sẽ được sử dụng để làm nóng và giết chết mô tuyến tiền liệt.

5. Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone (liệu pháp nội tiết tố) có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp này ngăn cơ thể sản xuất nội tiết tố nam testosterone. Từ đó cắt đứt nguồn cung cấp testosterone cho tế bào ác tính. Khi không được nuôi dưỡng, chúng sẽ phát triển chậm hơn hoặc chết đi.

Dưới đây là một số lựa chọn:

  • Cắt tinh hoàn: Nồng độ testosterone giảm nhanh khi cắt bỏ tinh hoàn. Phương pháp này không thể đảo ngược, chỉ được thực hiện cho nam giới không có kế hoạch sinh con.
  • Thuốc kháng androgen: Đây là một loại thuốc giúp ngăn chặn testosterone tiếp cận tế bào ung thư. Thuốc này thường được sử dụng với chất chủ vận LHRH để gây ra sự gia tăng testosterone tạm thời, sau đó giảm xuống.
  • Thuốc ngăn cơ thể sản xuất testosterone: Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng chất chủ vận kết hợp chất đối kháng hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc dùng chất chủ vận kết hợp chất đối kháng hormone giải phóng hormone tạo hoàng thể (LHRH). Những loại thuốc này có khả năng ngăn tinh hoàn sản xuất testosterone.

Sử dụng thuốc ngăn cơ thể sản xuất testosterone
Sử dụng thuốc để ngăn cơ thể sản xuất hormone testosterone nuôi dưỡng tế bào ung thư

6. Thuốc nhắm mục tiêu

Thuốc nhắm mục tiêu giúp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tập trung bào những tế bào bất thường cụ thể của tế bào ác tính. Thuốc ngăn chặn những bất thường và khiến tế bào ác tính chết đi.

Thuốc nhắm mục tiêu thường được chỉ định cho những bệnh nhân điều trị không hiệu quả khi dùng liệu pháp hormone hoặc ung thư tuyến tiền liệt triến triển.

7. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư và tiêu diệt những tế bào bất thường trong cơ thể.

Thông thường những tế bào ung thư ẩn nấu bằng cách sản sinh các protein. Khi áp dụng liệu pháp miễn dịch, các tế bào của hệ miễn dịch có thể xác định và tấn công những tế bào ung thư.

Phòng ngừa

Không thể ngăn ngừa bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên thực hiện những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ. Bao gồm:

  • Thường xuyên kiểm tra tuyến tiền liệt và tầm soát ung thư, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Điều này có thể giúp phát hiện những bất thường hoặc ung thư trong giai đoạn sớm. Từ đó điều trị dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Những người béo phì nên áp dụng những biện pháp giảm cân khoa học và an toàn.
  • Bỏ hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, chứa đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây và rau xanh để tăng cường bổ sung vitamin, tăng khả năng chống ung thư và duy trì sức khỏe tổng thể. Tránh ăn nhiều những loại thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ.
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Tốt nhất nên tập hơn 20 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn mấy?

2. Phác đồ chữa bệnh của tôi như thế nào?

3. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?

4. Tiên lượng của tôi như thế nào?

5. Tôi có thể sống được bao lâu khi ung thư di căn?

6. Biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

7. Rủi ro từ những phương pháp điều trị là gì?

8. Tôi có khả năng sinh con bình thường không?

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện trong giai đoạn khu trú, có tiên lượng tốt và khả năng điều trị thành công cao. Tuy nhiên ở những trường hợp không điều trị, ung thư có thể di căn và gây tử vong. Vì vậy người bệnh cần xét nghiệm chẩn đoán và điều trị theo chỉ định ngay khi phát hiện bệnh.