Ung Thư Sụn (Chondrosarcoma)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Ung thư sụn (Chondrosarcoma) là một loại ung thư xương hiếm gặp bắt đầu trong sụn. Bệnh lý này có diễn tiến chậm, tiên lượng tốt nhưng thường không gây ra nhiều triệu chứng và dấu hiệu trong giai đoạn đầu.

Tổng quan

Ung thư sụn (chondrosarcoma / sarcoma sụn) là một nhóm các khối u xương hiếm gặp bắt đầu trong sụn (mô liên kết mềm cho phép chuyển động trơn tru giữa xương và khớp). Khối u có thể phát triển từ u xương lành tính đã trở thành ung thư hoặc từ mô ung thư trên xương.

Ung thư sụn (chondrosarcoma)
Ung thư sụn (chondrosarcoma) là các khối u xương hiếm gặp bắt đầu trong sụn

Hầu hết chondrosarcoma có tiến triển chậm, không có nhiều triệu chứng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên một số loại có khả năng phát triển nhanh và lây lan sang nhiều vùng khác của cơ thể.

Ung thư sụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào có sụn. Tuy nhiên xương chậu, xương sườn, xương ức, xương tay và chân là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất.

Phân loại

Dựa vào đặc điểm, ung thư sụn được phân thành nhiều loại. Bao gồm:

  • Sarcoma sụn tế bào sáng (Sarcoma sụn thông thường): Loại ung thư tế bào sụn này thường được tìm thấy ở gần khớp. Chúng phát triển trong xương bình thường, chiếm khoảng 90% các trường hợp bệnh. Các sarcoma sụn tế bào sáng có xu hướng phát triển chậm, hiếm khi lan rộng đến những vị trí khác của cơ thể. So với nữ, bệnh phổ biến hơn ở nam giới có độ tuổi từ 30 - 50 tuổi.
  • Sarcoma sụn biệt hóa: Loại này bắt đầu từ sarcoma sụn điển hình. Tuy nhiên khối u có một số phần thay đổi thành các tế bào có cấu trúc giống với tế bào của sarcoma cấp độ cao, chẳng hạn như sarcoma màng phổi không biệt hóa cấp độ cao, sarcoma sợi và sarcoma xương. Sarcoma sụn biệt hóa phát triển nhanh hơn so với những loại khác và thường gặp ở người lớn tuổi.
  • Sarcoma sụn trung mô: Sarcoma sụn trung mô thường gặp ở những người trẻ tuổi. Loại này có tiến triển nhanh, nhiều khả năng lây lan và tái phát sau điều trị (so với những loại ung thư sụn khác).

Phân loại theo vị trí phát triển:

  • Sarcoma sụn trung tâm: Loại này có khối u phát triển mạnh trong sụn lót khoang trung tâm của xương. Hầu hết sarcoma sụn thông thường là loại trung tâm.
  • Sarcoma sụn ngoại vi: Loại này có khối u phát triển ở bề mặt bên ngoài.

Ngoài ra ung thư sụn được phân thành 3 cấp. Cấp càng thấp càng có xu hướng xu hướng phát triển chậm, ít nguy hiểm hơn do ít có khả năng lây lan.

  • Sarcoma sụn cấp độ thấp (cấp I): Sarcoma sụn cấp độ thấp còn được gọi là khối u sụn không điển hình. Loại này có tiến triển chậm nhất, ít nguy hiểm nhất do khó lây lan.
  • Sarcoma sụn cấp độ trung bình (cấp II): Loại này có khả năng lây lan cao hơn một chút so với sarcoma sụn cấp độ thấp.
  • Sarcoma sụn cấp độ cao (cấp độ III): Sarcoma sụn cấp độ cao nguy hiểm nhất do có khả năng lây lan cao nhất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây ung thư sụn vẫn chưa được biết. Bệnh xảy ra khi một số tế bào có những thay đổi trong DNA. DNA chứa thông tin hướng dẫn cho những tế bào biết phải làm gì.

Khi có đột biến trong DNA của tế bào, chúng phát triển nhanh chóng và tiếp tục sống trong khi các tế bào khỏe mạnh yếu và chết đi theo thời gian. Những tế bào bất thường tụ lại và hình thành một khối u. U khối này có thể lây lan đến vùng lân cận và phá hủy các mô bình thường của cơ thể.

Khi những tế bào bất thường vỡ ra, chúng có thể di căn (lan rộng) đến những vùng khác của cơ thể. Sau cùng khiến người bệnh tử vong.

Ung thư sụn xảy ra khi tế bào có những thay đổi trong DNA
Mặc dù không rõ nguyên nhân nhưng ung thư sụn xảy ra khi tế bào có những thay đổi trong DNA

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Hội chứng di truyền: Một số hội chứng di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư xương, bao gồm:
    • Hội chứng Maffucci: Hội chứng Maffucci làm phát triển u mạch máu, các u xương lành tính và khiến xương yếu đi.
    • Bệnh Ollier: Bệnh làm phát triển nhiều khối u lành tính trên xương. Những sự tăng trưởng này có khả năng chuyển thành chondrosarcoma
    • Nhiều Exostose di truyền (osteochondromatoses): Đây là những khối u lành tính có khả năng làm gián đoạn sự phát triển của xương.
  • Tuổi tác: Ung thư sụn thường gặp hơn ở những người có độ tuổi trung niên và người lớn tuổi. Mặc dù vậy bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Giới tính: Những người đàn ông thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư sụn cao hơn so với phụ nữ.
  • U xương lành tính: Những khối u xương lành tính đôi khi có thể biến thành ung thư.

Triệu chứng và chẩn đoán

Do có diễn tiến chậm nên ung thư sụn thường không có nhiều triệu chứng và dấu hiệu trong giai đoạn đầu. Khi khối u lớn hơn, các triệu chứng có thể rõ ràng hơn và thường bao gồm:

  • Đau xương, cơn đau ngày càng tăng
  • Sưng tấy xung quanh khối u
  • Có một khối u ngày càng lớn trên xương
  • Yếu chi, mất kiếm soát ruột và bàng quang nếu khối u nằm trong xương chậu và chèn ép lên tủy sống
  • Cứng, đau, sưng hoặc có cảm giác tăng áp lực xung quanh khối u
  • Yếu khớp hoặc cử động bị hạn chế
  • Cứng khớp
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Để chẩn đoán ung thư sụn, trước tiên người bệnh sẽ được khám sức khỏe. Trong quá trình này, người bệnh được hỏi về bệnh sử bản thân và gia đình, các triệu chứng gần đây, mức độ đau và sưng ở vị trí ảnh hưởng.

Ngoài ra các xét nghiệm được thực hiện để rõ hơn về tình trạng. Bao gồm:

Chụp X-quang ung thư sụn
Chụp X-quang giúp phát hiện ung thư, xác định chính xác vị trí, hình dạng và kích thước của khối u

  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để kiểm tra các xương. Điều này giúp phát hiện sự hình thành của khối u trên xương hoặc những nguyên nhân khác có thể gây đau. Hình ảnh X-quang cũng giúp xác định chính xác vị trí, hình dạng và kích thước của khối u.
  • Quét xương: Người bệnh được hướng dẫn uống dung dịch chứa lượng phóng xạ thấp để các tế bào ung thư hấp thu. Sau đó tiến hành quét xương nhằm xác định tổn thương, bao gồm cả những nơi ung thư đã lan rộng (điểm nóng). Điểm nóng sẽ có màu đen hoặc màu xám đậm trên hình ảnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Điều này giúp tìm ra ung thư và các tổn thương khác. Hình ảnh CT cũng giúp xem liệu ung thư đã lây lan đến những khu vực khác hay chưa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh chi tiết của những cơ quan và cấu trúc. Đồng thời hiển thị rõ nét phác thảo của một khối u.
  • Quét PET: Xét nghiệm này sử dụng chất đánh dấu phóng xạ và tia X để xem liệu khối u của bạn có phải là khối u ung thư không. Quét PET cũng giúp xác định chính xác vị trí của khối u.
  • Sinh thiết: Xét nghiệm này bao gồm việc lấy một mẫu khối u bằng kim hoặc phẫu thuật để kiểm tra ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết những người bị ung thư sụn đều có triển vọng tốt, ung thư phát triển chậm. Tuy nhiên loại ung thư này có thể di căn đến các cơ quan xa. Có khoảng 6% phát hiện ung thư di căn tại thời điểm chẩn đoán, người bệnh có tiên lượng thấp và có thời gian sống ngắn.

Khả năng lây lan của các khối u:

  • Sarcoma sụn cấp độ thấp (cấp I): Có 10% khả năng lây lan.
  • Sarcoma sụn cấp độ trung bình (cấp II): Có 10 - 50% khả năng lây lan.
  • Sarcoma sụn cấp độ cao (cấp độ III): Có 50 - 70% khả năng lây lan.

Tỉ lệ sống trên 5 năm đối với các loại ung thư sụn:

  • Sarcoma sụn cấp độ thấp (cấp I): Tỉ lệ sống sống trên 5 năm là 83%
  • Sarcoma sụn cấp độ trung bình (cấp II): Tỉ lệ sống sống trên 5 năm là 53%
  • Sarcoma sụn cấp độ cao (cấp độ III): Tỉ lệ sống sống trên 5 năm là 53%

So với sarcoma sụn ở các vị trí khác, những khối u ở xương chậu hung hăng hơn, chèn ép vào tủy sống và có tỉ lệ sống sót thấp nhất.

Đối với những trường hợp được phẫu thuật thành công, ung thư xương được khắc phục và không còn lây lan. Tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đối chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Để tăng khả năng phục hồi hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị tốt nhất. Đồng thời yêu cầu người bệnh tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật để phục hồi chức năng.

Điều trị

Phẫu thuật được chỉ định để điều trị ung thư xương. Ngoài ra các phương pháp khác như xạ trị và hóa trị cũng được thực hiện để loại bỏ hoàn toàn những tế bào ác tính.

1. Phẫu thuật

Mục tiêu của phương pháp phẫu thuật là loại bỏ ung thư và các mô tổn thương. Dưới đây là một số tùy chọn:

  • Cạo các tế bào ung thư ra khỏi xương

Thủ thuật này được chỉ định cho những trường hợp có sarcom sụn nhỏ và phát triển chậm tại các xương ở chân và cánh tay. Trong khi thực hiện, bác sĩ sử dụng những dụng cụ đặc biệt để loại bỏ những tế bào ung thư ra khỏi xương.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng hóa chất hoặc áp dụng khí lạnh để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Sau cùng, xương hỏng được sửa chữa bằng xi măng xương hoặc ghép xương.

  • Cắt bỏ nhiều xương

Để loại bỏ tất cả tế bào ung thư, bác sĩ thường tiến hành cắt bỏ khối u, xương bị ảnh hưởng và mô khỏe mạnh xung quanh. Điều này giúp đảm bảo không làm sót tế bào ung thư.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u, xương bị ảnh hưởng và mô khỏe mạnh xung quanh
Phẫu thuật cắt bỏ khối u, xương bị ảnh hưởng và mô khỏe mạnh xung quanh để điều trị

  • Phẫu thuật cứu chi

Phẫu thuật cứu chi gồm việc loại bỏ khối u và mô bình thường xung quanh như để lại chi nguyên vẹn. Ở đoạn xương và khớp bị ảnh hưởng, bác sĩ có thể tái tạo bằng kỹ thuật ghép xương nhân tạo hoặc tự thân. Điều này giúp xây dựng hoặc sửa chữa lại xương bị ảnh hưởng.

  • Phẫu thuật cắt chi

Phẫu thuật cắt chi được thực hiện khi có các tình trạng sau:

  • Sarcoma sụn ở cánh tay hoặc chân
  • Khối u có kích thước lớn, lan sang khu vực xung quanh và không thể bảo tồn chi.

Trong quy trình này, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần của chi chứa khối u và các mô bị ảnh hưởng. Sau phẫu thuật cắt chi, người bệnh được sử dụng chi giả để cải thiện chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.

2. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng một loại thuốc mạnh, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện cho một số loại sarcoma sụn nhất định, có khả năng phát triển nhanh. Những trường hợp khác thường không đáp ứng tốt.

3. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư bằng chùm tia năng lượng cao (như tia X và proton). Trong khi điều trị, người bệnh được hướng dẫn nằm yên trên bàn trong khi máy xạ trị di chuyển xung quanh. Bức xạ từ máy hướng đến các điểm chính xác trên cơ thể, giúp tiêu diệt tế bào ung thư.

Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật cho những người không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư hoặc ung thư nằm ở những vị trí mà phẫu thuật khó tiếp cận. Khi thực hiện, bức xạ có thể giúp loại bỏ những tế bào còn sót lại.

Bức xạ cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc dùng để kiểm soát sự lây lan sang những khu vực khác của ung thư.

Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao hướng vào các điểm chính xác để điều trị ung thư sụn

Phòng ngừa

Không có phương pháp phòng ngừa cho bệnh ung thư sụn. Tuy nhiên người bệnh có thể thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường. Điều này giúp ngăn ung thư lây lan và tăng khả năng chữa khỏi.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị ung thư sụn loại nào và giai đoạn mấy?

2. Phương pháp điều trị an toàn và được chỉ định là gì?

3. Tôi có thể bảo tồn được chi hay không?

4. Ung thư và phương pháp điều trị có ảnh hưởng đến sinh hoạt và khả năng vận động của tôi không?

5. Tiên lượng của tôi như thế nào?

6. Tôi có khả năng chữa khỏi hoàn toàn hay không?

7. Tôi cần luyện tập như thế nào sau phẫu thuật?

Bệnh ung thư sụn thường có tiến triển chậm và ít hung hăng hơn so với những loại ung thư xương khác. Tuy nhiên người bệnh cũng cần thận trọng, điều trị sớm và tích cực để tránh ung thư di căn.