U Tế Bào Khổng Lồ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U tế bào khổng lồ là một khối u xương hiếm gặp, được đặc trưng bởi những tế bào khổng lồ đa nhân. Khối u này không phải ung thư, thường không lan sang những bộ phận khác. Tuy nhiên chúng có thể làm hỏng những mô xung quanh, gây ra những hạn chế trong chuyển động.

Tổng quan

U tế bào khổng lồ là một loại khối u không phải ung thư (lành tính), được đặc trưng bởi những tế bào khổng lồ đa nhân (tương tự như tế bào hủy xương). Khối u này thường gặp ở những người trẻ tuổi, từ 20 - 40 tuổi, không xảy ra ở người lớn trên 65 tuổi và trẻ em.

U tế bào khổng lồ
U tế bào khổng lồ là khối u không phải ung thư, chúng phát triển nhanh và hủy các xương xung quanh

Những khối u tế bào khổng lồ thường có vị trí gần khớp gối. Trong đó, khối u chủ yếu hình thành ở đầu trên của xương chày (xương ống chân) và đầu dưới của xương đùi.

Những vị trí phổ biến khác:

  • Cổ tay. U hình thành ở đầu dưới của xương cánh tay dưới
  • Hông, ngay tại đầu trên của xương đùi
  • Lưng dưới, ngay tại điểm kết nối giữa xương chậu và cột sống
  • Vai. U hình thành ở phần trên của xương cánh tay trên

Mặc dù không phải là ác tính nhưng những khối u tế bào khổng lồ rất hung hăng. Chúng có khả năng phát triển nhanh và phá hủy các xương gần khớp. Khoảng 2% trường hợp có u tế bào khổng lồ biến đổi ác tính và lây lan đến phổi và làm hỏng những mô xung quanh (được gọi là khối u xâm lấn cục bộ).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U tế bào khổng lồ xảy ra một cách tự phát, không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên khối u này thường phát triển ở những người mắc chứng cường cận giáp.

Đôi khi u tế bào khổng lồ phát triển trong những mô mềm. Những khối u này được gọi là khối u tế bào khổng lồ bao hoạt dịch (TGCT). Chúng có thể gây hấn cục nhưng ít có khả năng lây lan hơn bình thường.

TGCT phát triển khi có sự thay đổi trong nhiễm sắc thể (phần trung tâm của tế bào có chứa DNA). Tuy nhiên không rõ nguyên nhân gây ra sự thay đổi nhiễm sắc thể dẫn đến hình thành TGCT.

Phần lớn u tế bào khổng lồ xảy ra ở những người có độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Trong đó hầu hết trường hợp có TGCT đều trong độ tuổi từ 25 - 50. Nữ giới có nguy cơ cao hơn một chút so với nam.

Triệu chứng và chẩn đoán

U tế bào khổng lồ được phân thành 3 giai đoạn phát triển, từ nhẹ đến nặng. Bao gồm:

+ Giai đoạn 1

  • Khối u mới hình thành, có kích thước nhỏ, ít hoặc không tiến triển
  • Trên hình ảnh X-quang, nhìn thấy rõ ranh giới giữa vỏ xương với khối u, vỏ xương còn nguyên vẹn
  • Thường không có triệu chứng
  • Mô học lành tính.

+ Giai đoạn 2

  • Khối u tế bào khổng lồ phát triển lớn hơn, xâm lấn, gây ra các triệu chứng và tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý
  • Có dấu hiệu tăng hoạt tính trên xạ hình
  • Trên hình ảnh X-quang, tổn thương xương lan rộng, vỏ xương chưa thủng nhưng mỏng và giãn rộng
  • Mô học lành tính.

Giai đoạn 2 có khối u tăng đáng kể về kích thước
Giai đoạn 2 có khối u tăng đáng kể về kích thước, tổn thương xương lớn, vỏ xương mỏng và giãn rộng

+ Giai đoạn 3

  • Khối u phát triển nhanh và gây ra những triệu chứng nghiêm trọng
  • Chụp X-quang hoặc CT có thể thấy các mô mềm bên trong bị tổn thương, vỏ xương bị phá hủy
  • Tăng sinh mạch máu khi chụp mạch
  • Xạ hình xương cho thấy hoạt tính phóng xạ tăng cao
  • Mô học lành tính

U tế bào khổng lồ trong xương thường không có triệu chứng trong giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2 và 3 (tổn thương xương phát triển), người bệnh có thể gặp những triệu chứng dưới đây:

  • Đau ở vùng có khối u
  • Đau khi cử động các khớp gần khối u
  • Đau tăng khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi
  • Cơn đau thường nhẹ, tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian, khi khối u tăng kích thước
  • Nhìn thấy một khối hoặc vùng sưng tấy
  • Gãy xương do khối u làm suy yếu xương xung quanh nó

Những dấu hiệu đầu tiên của u tế bào khổng lồ bao hoạt dịch:

  • Đau hoặc sưng quanh một khớp
  • Có cảm giác bắt hoặc khóa khớp
  • Cứng khớp
  • Mềm hoặc ấm khi sờ vào da.

U tế bào khổng lồ
U tế bào khổng lồ gây đau ở vùng có khối u, gãy xương, nhìn thấy một khối hoặc vùng sưng tấy

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sưng và đau quanh khớp ảnh hưởng. Người bệnh cũng được yêu cầu đi lại để kiểm tra dáng đi, khả năng vận động và những hoạt động có thể gây đau.

Để xác định chính xác tình trạng bệnh, những bài kiểm tra dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Chụp X-quang: X-quang giúp kiểm tra xương và phát hiện khối u bất thường bên trong. Trên hình ảnh X-quang, khối u sẽ xuất hiện ở dạng tổn thương tiêu xương cạnh khớp, có sự mở rộng hoặc có một vành xương trắng mỏng bao quanh khu vực có xương liên quan, xương hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh. Đôi khi CT hoặc X-quang ngực được thực hiện để kiểm tra phổi có bị ảnh hưởng hay không (kiểm tra di căn).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI): Sau khi chụp X-quang, bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp CT hoặc MRI. Cả hai kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết, giúp bác sĩ quan sát, đánh giá kỹ lưỡng hơn về khối u, mô và các xương xung quanh khối u.
  • Quét xương: Kỹ thuật này bao gồm tiêm tĩnh mạch một lượng nhỏ thuốc phóng xạ và chụp ảnh bằng tia X. Khối u tế bào khổng lồ làm gia tăng sự hấp thu chất phóng xạ. Những nơi có khối u sẽ hiển thị bằng điểm nóng trên hình ảnh.
  • Sinh thiết: Trong xét nghiệm này, bệnh nhân được gây tê cục bộ bằng kim, phẫu thuật mở nhỏ và lấy mẫu mô. Bệnh phẩm được đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi.

 Biến chứng và tiên lượng

Khối u tế bào khổng lồ là những khối u lành tính, hiếm khi biến đổi ác tính (chỉ chiếm 2% trường hợp). Tuy nhiên khối u này rất hung hăng. Chúng có xu hướng phát triển nhanh, phá hủy các xương xung quanh. Điều này gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Gãy xương bệnh lý
  • Hỏng khớp
  • Mất hoặc giảm khả năng vận động

Nếu khối u biến đổi ác tính, chúng có thể di căn đến những vùng khác như phổi. U tế bào khổng lồ cỏ tỉ lệ tái phát tại chỗ sau khi nạo vét rộng là 10% và sau khi nạo vét đơn thuần là 50%.

Điều trị

Mục tiêu điều trị:

  • Loại bỏ khối u và ngăn tái phát
  • Ngăn ngừa tổn thương xương.

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị được ưu tiên. Tuy nhiên ở một số trường hợp , bác sĩ không thể đảm bảo an toàn hoặc hiệu quả khi cắt bỏ khối u. Những trường hợp này sẽ được điều trị không phẫu thuật.

1. Điều trị không phẫu thuật

Đối với u tế bào khổng lồ, các lựa chọn phẫu thuật thường bao gồm:

  • Xạ trị

Xạ trị được thực hiện cho những bệnh nhân có u tế bào khổng lồ quá lớn, ở vị trí khó tiếp cận hoặc phẫu thuật có thể làm tổn thương những mô nhạy cảm. Phương pháp này sử dụng chùm tia năng lượng cao để thu nhỏ kích thước khối u, tăng hiệu quả và mức độ an toàn khi phẫu thuật.

Xạ trị cũng được thực hiện cho những bệnh nhân có u tế bào khổng lồ tiến triển ác tính. Khi thực hiện, các bức xạ có thể tiêu diệt tế bào ung, làm giảm và ngăn khối u phát triển.

Xạ trị
Xạ trị được thực hiện nhằm thu nhỏ kích thước khối u, tăng hiệu quả khi can thiệp

  • Thuyên tắc khối u

Thuyên tắc khối u có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện cho những trường hợp không thể phẫu thuật. Phương pháp này giúp loại bỏ khối u bằng cách chặn các động mạch cung cấp máu cho chúng. Khi không được cung cấp chất dinh dưỡng và oxy, những tế bào của khối u sẽ chết đi.

  • Thuốc tiêm

Để tiêu diệt khối u tế bào khổng lồ, một loại thuốc tiêm đặc biệt sẽ được sử dụng. Khi được tiêm vào cơ thể, các hoạt chất trong thuốc nhắm vào một thụ thể trên các tế bào khổng lồ, làm giảm hoạt động của chúng và làm chậm quá trình hủy xương. Tuy nhiên việc ngưng điều trị có thể khiến khối u tái phát.

2. Phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn khối u, mang đến hiệu quả cao nhất.

Những phương pháp phẫu thuật thường được dùng trong điều trị u tế bào khổng lồ:

  • Nạo

Bệnh nhân thường được khuyến khích nạo bỏ khối u tế bào khổng lồ. Trong khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng những dụng cụ đặc biệt để nạo bỏ toàn bộ khối u ra khỏi xương của bạn.

  • Ghép xương

Bệnh nhân được ghép xương sau khi nạo bỏ khối u. Phương pháp này giúp lắp đầy lổ hổng sau nạo, ổn định xương và giúp bệnh nhân phục hồi chức năng.

Xương được ghép có thể là xương từ bộ phận khác của cơ thể (thường là xương hông) hoặc xương lấy từ người hiến tặng. Đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng hỗn hợp xi măng xương để lắp đầy khoang xương.

Phẫu thuật nạo và ghép xương
Phẫu thuật nạo và ghép xương được thực hiện phổ biến cho những bệnh nhân có u tế bào khổng lồ

Để giảm nguy cơ tái phát, bác sĩ có thể thêm các hóa chất bổ sung như hydro peroxide, phenol hoặc nitơ lỏng vào khoang xương.

  • Phẫu thuật cắt bỏ 

Phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo phức tạp hiếm khi được thực hiện. Phương pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp sau:

    • Khối u tế bào khổng lồ tái phát nhiều lần
    • Khối u lớn, gây tổn thương xương hoặc mô quá mức.

Trong khi thực hiện, bác sĩ tiến hành loại bỏ toàn bộ khối u, xương và mô bị ảnh hưởng. Sau đó tái tạo lại vị trí của xương, mô mềm hoặc khớp bằng một hoặc nhiều kỹ thuật sau:

    • Thay khớp nhân tạo
    • Ghép xương

Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể phục hồi khả năng vận động và sinh hoạt bình thường, giảm nguy cơ tái phát khối u tế bào khổng lồ.

Nếu khối u đã chuyển sang ác tính và lây lan đến vùng phổi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ xương và vùng phổi. Sau đó hóa trị hoặc xạ trị có thể được áp dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót.

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa sự phát triển của khối u tế bào khổng lồ. Khi có vết sưng hoặc đau đớn bất thường, người bệnh nên đến chuyên khoa để được khám và điều trị.

Việc phát hiện sớm có thể đơn giản hóa quá trình điều trị. Ngoài ra phẫu thuật sẽ giúp bạn loại bỏ và ngăn ngừa sự tái phát của khối u. Mặc dù vậy bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình này, người bệnh được chụp X-quang, phát hiện sớm sự tái phát của khối u và xử lý kịp thời.

Tái khám định kỳ và chụp X-quang sau điều trị
Tái khám định kỳ và chụp X-quang sau điều trị để theo dõi và phát hiện sớm khối u tái phát

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u của tôi là lành tính hay ác tính? Vị trí và kích thước?

2. Mức độ xâm lấn và phá hủy của u tế bào khổng lồ là gì?

3. Tiên lượng của tôi như thế nào?

4. Phương pháp điều trị nào được ưu tiên và phù hợp nhất?

5. Nếu không thể phẫu thuật, phương pháp nào sẽ được chỉ định?

6. Tôi có thể làm gì để ngăn khối u tái phát trong tương lai?

7. Tôi có thể trở lại các hoạt động thể chất sau điều trị hay không?

8. Phẫu thuật bao nhiêu tiền?

U tế bào khổng lồ là những khối u lành tính, không rõ nguyên nhân hình thành. Chúng có thể phát triển nhanh, phá hủy các mô/ xương xung quanh và gây gãy xương bệnh lý. Do đó người bệnh cần được điều trị sớm và tích cực, phẫu thuật theo chỉ định để ngăn phát triển biến chứng.