U Nguyên Bào Sụn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U nguyên bào sụn (Chondroblastoma) là một khối u hiếm gặp, không phải ung thư. Khối u này thường hình thành ở những đầu xương dài của cơ thể, bao gồm phần cuối của xương đùi, xương ống chân và xương cánh tay trên.

Tổng quan

U nguyên bào sụn là một khối u lành tính, hiếm gặp, được tạo thành từ khối mô sụn. Khối u này hình thành khi có sự phát triển và phân chia không kiểm soát của những tế bào bất thường. Trong quá trình sinh trưởng, các tế bào bất thường không chết đi như những tế bào khác, chúng tích tụ tạo thành một khối u.

U nguyên bào sụn
U nguyên bào sụn là khối u không phải ung thư, thường phát triển trên những đầu của xương dài

Hầu hết u nguyên bào sụn được tìm thấy gần khớp gối. Chúng có thể phát triển ở đầu trên của xương chày (xương ống chân) hoặc phần dưới của xương đùi. Đôi khi khối u cũng được tìm thấy gần vai (ngay tại đầu xương cánh tay trên), gót chân, hộp sọ và nhiều vị trí khác.

U nguyên bào sụn không phải là ung thư. Tuy nhiên việc không điều trị có thể khiến khối u có thể tiếp tục phát triển, phá hủy xương xung quanh, gây đau và không thể cử động. Thông thường người bệnh sẽ được phẫu thuật để điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân gây u nguyên bào sụn. Khối u phát triển từ những mảng tăng trưởng ở đầu xương. Không giống như sụn bình thường, chúng không tạo nên những đĩa tăng trưởng và không bảo vệ khớp.

Yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Giới tính: Nguy cơ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 2 lần so với nữ.
  • Tuổi tác: Khối u thường gặp ở người lớn 30 tuổi, đặc biệt là những người trẻ tuổi có xương đang trong quá trình phát triển.

Triệu chứng và chẩn đoán

U nguyên bào sụn có những triệu chứng nghiêm trọng, tăng dần mức độ nặng theo thời gian. Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Đau khớp. Đau có thể nhẹ hoặc nhói buốt
  • Đau ở trên hoặc gần xương dài
  • Cứng khớp
  • Tràn dịch khớp dẫn đến sưng tấy
  • Teo cơ và yếu cơ gần khối u
  • Đi khập khiễng.

Đau khớp
U nguyên bào sụn gây đau khớp, sưng tấy, cứng khớp, teo cơ và yếu cơ bắp gần khối u

Khối u thường nhỏ và nằm trong xương, thường không được nhìn thấy hoặc sờ thấy. Khi thăm khám, người bệnh chủ yếu được kiểm tra triệu chứng (đau, sưng, cứng và teo cơ), tiền sử bệnh, dáng đi và phạm vi chuyển động.

Để rõ hơn về tình trạng, các nghiên cứu hình ảnh sẽ được thực hiện. Bao gồm:

  • Chụp X-quang: U nguyên bào sụn thường được chẩn đoán thông qua chụp X-quang. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh của xương, giúp bác sĩ phát sĩ phát hiện những tổn thương hoặc sự phát triển bất thường. Hầu hết u nguyên bào sụn có kích thước nhỏ, khoảng 1 - 4cm, thường được bao quanh bởi vành xương mỏng màu trắng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT được thực hiện nhằm đánh giá thêm về khối u. Hình ảnh thu được có thể giúp phát hiện tình trạng vôi hóa bên trong và định hướng điều trị.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ để kiểm tra thêm về cấu trúc khớp và mô mềm. Hình ảnh MRI giúp bác sĩ nhìn rõ các cạnh của khối u, đánh giá sự lan rộng và viêm quanh khối u.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô được lấy từ khối u và kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này có thể giúp chẩn đoán u nguyên bào sụn.

 Biến chứng và tiên lượng

Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ u nguyên bào sụn, hạn chế phát triển tổn thương. Tuy nhiên có 10% khối u sẽ tái phát trong vài tháng đến vài năm đầu sau phẫu thuật.

Tỉ lệ tái phát phụ thuộc vào phương pháp điều trị và vị trí giải phẫu. Trong đó những người có khối u phát triển ở xương phẳng sẽ gặp nhiều biến chứng hơn và có tỉ lệ tái phát cao hơn. Do có thể được điều trị bằng phẫu thuật nên không tồn tại tỉ lệ tử vong liên quan trực tiếp đến khối u.

Khi không điều trị, khối u gia tăng kích thước và gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Hỏng sụn bảo vệ khớp
  • Viêm khớp
  • Gãy xương bệnh lý
  • Thoái hóa khớp
  • Suy giảm chức năng và khả năng vận động
  • Biến đổi ác tính và di căn (chiếm 1% trường hợp)

Suy giảm chức năng và khả năng vận động
U nguyên bào sụn phát triển theo thời gian dẫn đến hỏng sụn, viêm khớp, suy giảm chức năng vận động

Mặc dù ít gặp nhưng người bệnh có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Ghép xương không thành công
  • Gãy xương hoặc xẹp ở vùng điều trị
  • Đóng đầu xương sớm.

Điều trị

Hầu hết u nguyên bào sụn được phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp không thể loại bỏ khối u một cách an toàn và hiệu quả. Những trường hợp này sẽ được cân nhắc điều trị không phẫu thuật.

Mục tiêu điều trị:

  • Loại bỏ khối u
  • Ngăn ngừa tổn thương xương khớp do khối u gây ra.

Phương pháp điều trị cụ thể:

1. Điều trị không phẫu thuật

Nếu phẫu thuật không an toàn, có khả năng dẫn đến những biến chứng không chấp nhận được, các phương pháp dưới đây có thể được cân nhắc:

  • Cắt bỏ tần số vô tuyến: Phương pháp này mang đến hiệu quả cao cho những trường hợp có u nguyên bào sụn kích thước nhỏ. Trong đó dòng điện tần số cao sẽ được sử dụng để làm nóng và phá hủy khối u.
  • Áp lạnh: Phương pháp này sử dụng nhiệt độ cực lạnh do nitơ lỏng tạo ra để phá hủy khối u.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp được ưu tiên và cần thiết trong điều trị u nguyên bào sụn. Phương pháp này có thể giúp loại bỏ hoàn toàn khối u, chấm dứt cơn đau, đồng thời ngăn ngừa những tổn thương trong tương lai.

Những kỹ thuật được thực hiện trong phẫu thuật u nguyên bào sụn:

  • Nạo

Trong phương pháp nạo, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để cạo khối u ra khỏi xương.

  • Ghép xương

Phương pháp ghép xương được thực hiện sau khi nạo bỏ khối u. Phương pháp này giúp xương ổn định và phục hồi chức năng. Trong khi thực hiện, mảnh ghép xương được lấy từ một xương khác trong cơ thể (ghép tự thân) hoặc xương được hiến tặng để lắp đầy khoang.

Đôi khi lỗ hổng được lắp đầy bằng hỗn hợp xi măng xương. Các hóa chất bổ sung như phenol hoặc nitơ lỏng cũng có thể được sử dụng. Hóa chất được đặt bên trong khoang xương để giảm nguy cơ u nguyên bào sụn tái phát trong tương lai.

phẫu thuật điều trị u nguyên bào sụn
Nạo bỏ khối u và ghép xương nhằm giúp xương ổn định và phục hồi chức năng

  • Cắt bỏ

Nếu khối u lớn và ở những vị trí khó tiếp cận, bác sĩ có thể cân nhắc loại bỏ toàn bộ phần xương chứa khối u. Sau đó cố định xương bằng đinh vít và thanh hoặc tấm kim loại.

Mặc dù hiếm gặp nhưng u nguyên bào sụn có thể biến đổi ác tính, lan đến phổi hoặc những cơ quan khác. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ xương và cơ quan bị ảnh hưởng.

Sau cắt bỏ, hóa trị hoặc xạ trị được thực hiện để loại bỏ những tế bào ác tính trong cơ thể.

  • Phục hồi sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh được ở lại bệnh viện để theo dõi và tái khám theo chỉ định. Người bệnh có thể cảm thấy hơi đâu trong vài tuần trước khi vết thương lành lại. Để giảm nhẹ, một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen sẽ được chỉ định. Ngoài ra người bệnh có thể được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động.

Phục hồi sau phẫu thuật U Nguyên Bào Sụn
Vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia nhằm phục hồi chức năng sau phẫu thuật

Phòng ngừa

Không có biện pháp ngăn ngừa và giảm nguy cơ phát triển u nguyên bào sụn. Để tránh biến chứng và tăng hiệu quả chữa lành, người bệnh cần khám và phẫu thuật sớm để loại bỏ khối u.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u của tôi ở đâu, lớn như thế nào?

2. Phương pháp điều trị u nguyên bào sụn được chỉ định là gì?

3. Phẫu thuật có thể loại bỏ khối u của tôi một cách an toàn hay không?

4. Lợi ích và rủi ro sau phẫu thuật là gì?

5. Tiên lượng của tôi là gì? Có thể phục hồi hoàn toàn hay không?

6. Có cách nào giúp ngăn u nguyên bào sụn tái phát?

7. Làm các nào để ngăn ngừa tại vị trí phẫu thuật?

U nguyên bào sụn là một khối u không phải ung thư, thường hình thành gần các khớp, có thể chữa được. Khối u này có thể gây đau, tăng kích thước theo thời gian và làm hỏng sụn. Tốt nhất nên loại bỏ khối u sớm theo chỉ định của bác sĩ.