U Nang Hoạt Dịch (Synovial Cyst)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U nang hoạt dịch là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng hình thành dọc theo cột sống. Những u nang này thường là kết quả của sự thoái hóa một mặt khớp liên quan đến các đốt sống của cột sống.

Tổng quan

U nang hoạt dịch (Synovial Cyst) là thuật ngữ chỉ những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng ở cột sống. Chúng không phải ung thư, có xu hướng phát triển ở phần dưới của cột sống (được gọi là cột sống thắt lưng).

U nang hoạt dịch
U nang hoạt dịch là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng ở cột sống, không phải ung thư

U nang hoạt dịch không phổ biến. Chúng có thể phát triển mà không gây ra bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên một vài u nang có kích thước lớn và gây ra những vấn đề cho cột sống, chẳng hạn như hẹp ống sống.

Không gian trong ống sống bị thu hẹp làm tăng áp lực lên tủy sống và dây thần kinh. Điều này dẫn đến những đợt đau nhức, thường xuyên chuột rút ở chân và lưng.

Có nhiều lựa chọn điều trị cho u nang hoạt dịch. Hầu hết mọi người sẽ được dùng thuốc giảm đau và trị liệu. Nếu u nang phát triển lớn và gây đau dữ dội, người bệnh sẽ được đề nghị phẫu thuật.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các bề mặt bên trong của khớp được lót bởi một lớp màng mỏng được gọi là synovium. Lớp màng này tạo ra chất nhầy hoạt dịch, giúp bôi trơn, giảm ma sát khi chuyển động và bảo vệ khớp khỏi sự hao mòn.

Trong cột sống, những mặt khớp bị hỏng (thoái hóa) sẽ tạo ra nhiều chất lỏng hơn so với khớp khỏe mạnh. Chất lỏng bôi trơn và giúp khớp hỏng dễ dàng cử động hơn. Tuy nhiên quá nhiều chất lỏng có thể dẫn đến dư thừa, kẹt trong lớp màng hoạt dịch của khớp. Từ đó tạo thành u nang hoạt dịch.

Ngoài cột sống, u nang hoạt dịch cũng có thể phát triển ở những khớp khác, chẳng hạn như cổ tay. Những u nang này lành tính và chất lỏng bên trong không gây nguy hiểm. Ngoài ra chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng hay vấn đề gì cho đến khi u nang đẩy vào cột sống.

Do u nang là kết quả của sự thoái hóa nên những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hiếm khi bệnh xảy ra ở những người dưới 50 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hiếm khi u nang hoạt dịch gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Những nếu u nang đủ lớn và cản trở cột sống, người bệnh có thể có những triệu chứng của hẹp ống sống, bao gồm:

  • Đau lưng
  • Đau ở một hoặc cả hai chân
  • Đau từ lưng dưới lan xuống mông, mặt sau của chân và đến bàn chân (đau thần kinh tọa)
  • Chuột rút ở lưng và chân
  • Tê hoặc ngứa ran ở một hoặc cả hai chân
  • Khó đi lại hoặc đứng
  • Đau tăng khi đứng, giảm bớt khi ngồi.

U nang hoạt dịch gây hẹp ống sống dẫn đến đau lưng
U nang hoạt dịch gây hẹp ống sống dẫn đến đau lưng, tê hoặc ngứa ran ở một hoặc cả hai chân

Bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi liên quan đến triệu chứng, tiền sử bệnh, vị trí ảnh hưởng, tần suất và mức độ đau đớn. Bác sĩ cũng có thể sờ vào vùng ảnh hưởng để tìm kiếm khối u.

Sau đó người bệnh được yêu cầu di chuyển nhiều hướng và nhiều cách khác nhau. Điều này kiểm kiểm tra thể chất ở lưng, phạm vi chuyển động của cột sống.

Nếu có dấu hiệu bất thường hoặc phát hiện khối u ở lưng, các xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp phát hiện vị trí và kích thước khối bất thường, xem liệu có phải là u nang hoạt dịch hay không.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể được đề nghị để kiểm tra tình trạng của xương và khớp. Hình ảnh thu được giúp phát hiện dấu hiệu thoái hóa khớp (mặt khớp hao mòn, gai xương...), gãy xương do nén hoặc những nguyên nhân khác có thể gây đau lưng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp kiểm tra mô mềm và đánh giá không gian trong ống sống. Thông qua hình ảnh chi tiết, bác sĩ có thể phát hiện nhanh tình trạng hẹp ống sống, xác định đoạn tủy sống và dây thần kinh đang bị chèn ép. Chụp cộng hưởng từ cũng giúp phân biệt u nang với khối u ác tính ở cột ống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể được chỉ định để kiểm tra chi tiết cấu trúc của cột sống và phát hiện bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Những u nang hoạt dịch lành tính, không phải ung thư. Những u nang này có thể phát triển mà không gây triệu chứng, thường không cần điều trị. Tuy nhiên một số người có u nang hoạt dịch lớn, gây ra các vấn đề cho cột sống, chẳng hạn như hẹp ống sống.

Khi không được điều trị, tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép có thể gây ra những vấn đề dưới đây:

  • Đau thần kinh tọa
  • Đau lưng mãn tính
  • Yếu chi
  • Teo cơ chân do thiếu vận động.

Mặc dù hiếm gặp nhưng u nang hoạt dịch cũng có thể gây hội chứng chùm đuôi ngựa. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể làm mất cảm giác và khả năng di chuyển, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

U nang hoạt dịch có thể gây hội chứng chùm đuôi ngựa
U nang hoạt dịch có thể gây hội chứng chùm đuôi ngựa dẫn đến mất cảm giác và khả năng di chuyển

Những người bị hội chứng chùm đuôi ngựa thường đau đớn dữ dội, dẫn đến tiểu tiện và đại tiện không tự chủ (mất kiểm soát bàng quang và ruột). Thiệt hại do tình trạng này có thể là vĩnh viễn, người bệnh phục hồi chức năng khó khăn.

Điều trị

Khi u nang hoạt dịch được phát hiện tình cờ và không gây triệu chứng, người bệnh được khuyên kiểm tra định kỳ và không cần can thiệp điều trị.

Nếu có triệu chứng, các u nang sẽ được điều trị, thường bằng các phương pháp không phẫu thuật. Ở trường hợp có hẹp ống sống nghiêm trọng, người bệnh sẽ được đề nghị phẫu thuật sau chẩn đoán.

1. Điều trị không phẫu thuật

Những lựa chọn điều trị không phẫu thuật thường bao gồm:

+ Thuốc

Điều trị đau do u nang hoạt dịch thường bao gồm những loại thuốc sau:

  • Acetaminophen: Bác sĩ hướng dẫn sử dụng Acetaminophen cho những cơn đau lưng nhẹ.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc kháng viêm không steroid được dùng để điều trị viêm và đau, thường bao gồm Naproxen hoặc Ibuprofen. Thuốc này giúp ngăn ngừa và điều trị viêm, làm dịu cơn đau hiệu quả.
  • Tiêm steroid: Đối với những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid. Thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm đau và giảm áp lực từ u nang. Trong thủ thuật, bác sĩ dùng kim tiêm và ống bơm xuyên qua da, hút chất lỏng từ u nang qua khe khớp. Sau đó một loại steroid được tiêm vào bên trong để giảm sưng và viêm. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được tiêm steroid ngoài màng cứng để giảm đau do u nang gây ra. Thuốc mang đến hiệu quả nhanh nhưng tạm thời, có thể cần phải tiêm nhắc lại.

+ Vật lý trị liệu

Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn sửa đổi một số hoạt động nhất định có thể gây đau, điều chỉnh các chuyển động và hoạt động để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng.

Trong quá trình trị liệu, người bệnh cũng được hướng dẫn một số bài tập tăng cường và kéo dài. Những bài tập này có thể giúp giảm đau, tăng cường các cơ hỗ trợ và cải thiện cột sống.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm các bài tập tăng cường và kéo dài giúp cải thiện cột sống thắt lưng

+ Liệu pháp nhiệt và lạnh

Chườm nóng giúp giảm đau, thư giãn khớp xương và thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Khi chườm nóng, đặt đệm sưởi hoặc chai nước ấm lên lưng dưới, thư giãn trong 20 phút.

Người bệnh có thể thực hiện xen kẽ nhiệt và lạnh để tăng hiệu quả giảm đau. Biện pháp chườm lạnh giúp giảm sưng viêm và giảm đau hiệu quả. Khi thực hiện, bọc túi đá trong vải, đặt lên vùng đa và thư giãn tối đa 20 phút.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được cân nhắc khi những lựa chọn điều trị bảo tồn không làm giảm các triệu chứng, người bệnh bị hẹp ống sống nghiêm trọng. Phương pháp này được thực hiện với mục đích loại bỏ u nang, giải nén dây thần kinh và tủy sống.

Nếu u nang hoạt dịch gây hội chứng chùm đuôi ngựa, người bệnh sẽ được phẫu thuật ngay lập tức để tránh những thiệt hại vĩnh viễn.

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa u nang bao hoạt dịch. Tình trạng thường là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên, xảy ra khi đốt sống (xương cột sống) bị hỏng, làm tăng tiết chất nhờn hoạt dịch.

Tuy nhiên duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D có thể làm chậm sự phát triển của lão hóa. Từ đó giảm nguy cơ hình thành u nang hoạt dịch.

Tập thể dục thường xuyên với những bài tập thích hợp
Làm chậm quá trình lão hóa bằng cách tập thể dục thường xuyên với những bài tập thích hợp

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi có cần điều trị u nang hoạt dịch hay không?

2. Phương pháp nào được chỉ định và có hiệu quả cao?

3. Khi nào cần phẫu thuật? Lợi ích và rủi ro là gì?

4. Những biện pháp tự chăm sóc có thể giúp tôi cảm thấy tốt hơn hay không?

5. Điều trị trong bao lâu thì khỏi hẳn?

6. Nếu có biến chứng, tôi có thể phục hồi hoàn hay không?

7. Tôi có thể tiếp tục các hoạt động bình thường hay không?

U nang hoạt dịch thường không có triệu chứng và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu u nang lớn hơn, người bệnh có thể có những vấn đề ở cột sống, cần được theo dõi và phẫu thuật. Thăm khám và điều trị dựa trên hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.