Bệnh U Nang Buồng Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng phát triển trong hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Những u nang này thường có kích thước nhỏ, vô hại, biến mất mà không cần điều trị. Ngoài ra người bệnh có thể ít hoặc không cảm thấy khó chịu.

Tổng quan

U nang buồng trứng là thuật ngữ chỉ những túi chứa đầy chất lỏng hoặc chất bán đặc nằm trên bề mặt hoặc trong buồng trứng. Chúng có thể phát triển ở một hoặc cả hai buồng trứng.

U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chất lỏng nằm trên bề mặt hoặc trong buồng trứng, được phân thành nhiều loại

Những khối u này thường vô hại, hiếm khi có biến chứng. Ngoài ra u nang ít gây triệu chứng, thường được phát hiện thông qua quá trình khám phụ khoa định kỳ.

Hầu hết trường hợp có u nang buồng trứng biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh cần khám vùng chậu thường xuyên để theo dõi và có những cách xử lý tốt nhất.

Phân loại

U nang buồng trứng được phân thành nhiều loại. Bao gồm:

1. U nang chức năng

Hầu hết u nang buồng trứng là u nang chức năng (u nang sinh lý), phát triển do quá trình rụng trứng. Đây là những u nang phục vụ cho những mục đích trong chức năng sinh sản - nơi trứng, các hormone estrogen và progesterone được tạo ra.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, những u nang này được hình thành để đáp ứng với những thay đổi của cơ thể. Nang trứng của buồng trứng sản xuất hormone estrogen và progesterone. Khi rụng trứng, chúng vỡ ra để giải phóng trứng. Nang này phát triển hàng tháng và được gọi là u nang chức năng.

U nang chức năng
U nang chức năng hình thành để đáp ứng với những thay đổi của cơ thể, hầu hết đều lành tính

Có hai loại u nang chức năng, bao gồm:

  • U nang thể vàng (nang hoàng thể): Sau khi giải phóng trứng, nang co lại, sản xuất estrogen và progesterone. Lúc này nang trứng được gọi là hoàng thể. Khi lỗ mở trứng bị chặn, những chất lỏng bất đầu tích tụ bên trong hoàng thể và hình thành u nang.
  • Nang bì: Giữa chu kỳ kinh nguyệt, trứng vỡ khỏi nang trứng và di chuyển xuống ống dẫn trứng. Tuy nhiên một vài yếu tố khiến nang không vỡ, không giải phóng trứng mà tiếp tục phát triển.

Theo thời gian, u nang chức năng có thể co lại, biến mất trong vòng 3 chu kỳ kinh nguyệt mà không cần điều trị đặc hiệu. Ngoài ra chúng thường vô hại và hiếm khi gây đau.

2. U nang bệnh lý

U nang bệnh lý là những u nang buồng trứng phát triển do sự bất thường của những tế bào bao phủ bên ngoài buồng trứng hoặc được dùng để tạo ra trứng. Những khối u này hoàn toàn không liên quan đến quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Thông thường u nang bệnh lý hình thành trước và sau thời kỳ mãn kinh. Chúng có thể vỡ sau một thời gian hoặc phát triển lớn hơn. Những khối u lớn sẽ cản trở nguồn cung cấp máu đến buồng trứng nhưng thường không phải ung thư. Chỉ một số ít là khối u ác tính và cần được phẫu thuật cắt bỏ.

U nang bệnh lý
U nang bệnh lý hình thành từ sự bất thường của những tế bào, phát triển lớn và gây biến chứng

Dưới đây là những u nang bệnh lý thường gặp:

  • U nang nước

U nang nước là loại phổ biến, bên trong chứa dịch và bên ngoài là một lớp vỏ mỏng. U nang nước thường lành tính nhưng cũng có thể bị ung thư hóa. Những dấu hiệu thường bao gồm:

    • Có các nhú trong lòng u hoặc trên bề mặt của u
    • Tăng sinh nhiều mạch máu trên bề mặt.
  • U nang nhầy

U nang nhầy là những u nang có nhiều thùy, bên trong chứa dịch nhầy đặc, màu vàng và thường bám vào những tạng xung quanh. So với những u nang khác, u nang nhầy có kích thước lớn hơn. Chúng chiếm khoảng 20% trường hợp u nang buồng trứng.

  • Nang lạc nội mạc buồng trứng

Nang lạc nội mạc buồng trứng xảy ra khi những tế bào nội mạc tử cung phát triển bên mặt buồng trứng. Những tế bào này có thể phá hủy mô lành buồng trứng và tạo thành u nang.

Những nang lạc nội mạc buồng trứng có vỏ mỏng, bên trong chứa dịch màu nâu như chocolate, dính vào những tổ chức xung quanh. Những u nang này làm tăng lượng máu và đau khi hành kinh. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến tắc vòi trứng và gây vô sinh.

  • U nang tuyến

U nang tuyến (cystadenoma) hình thành từ những tế bào trên bề mặt buồng trứng. Chúng thường chứa đầy chất nhầy hoặc chất lỏng và có kích thước rất lớn.

  • U nang bì

U nang bì phát triển từ những tế bào mầm. Đây là những tế bào sinh sản tạo trứng trong buồng trứng. U này có thể chứa mô, hiếm khi phát triển thành ung thư.

Tương tự như u nang tuyến, u nang bì có thể có kích thước lớn và di chuyển buồng trứng. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ xoắn buồng trứng, lưu lượng máu lưu thông đến buồng trứng bị cản trở.

  • Ung thư buồng trứng

U nang ung thư buồng trứng hiếm gặp. Chúng là những khối rắn phát triển từ những tế bào ung thư.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển u nang buồng trứng gồm:

  • Tuổi tác: U nang buồng trứng thường phổ biến hơn ở nữ giới chưa trải qua thời kỳ mãn kinh.
  • Mang thai: Trong thai kỳ, u nang dễ hình thành hơn.
  • Bệnh lý: Những người có các vấn đề về nội tiết tố, lạc nội mạc tử cung, đang dùng clomiphene (Clomid©) hoặc một loại thuốc chống rụng trứng khác sẽ có nguy cơ cao hơn. Đối với lạc nội mạc tử cung, các mô có thể dính vào buồng trứng và phát triển thành u nang.
  • Tiền sử u nang buồng trứng: Nhiều u nang khác có thể phát triển nếu buồng trứng đã có một u nang trước đây.
  • Nhiễm trùng: Khi bị nhiễm trùng vùng chậu, vi khuẩn có thể lan đến buồng trứng và tạo điều kiện cho những u nang phát triển.
  • Sinh sản tế bào không điển hình: Quá trình sinh sản những tế bào không điển hình như dermoids và cystadenomas có thể hình thành u nang.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hầu hết u nang buồng trứng không có triệu chứng, không gây hại và có thể tự biến mất. Trong một số trường hợp khác, u nang có thể phát triển lớn hơn và gây ra nhiều triệu chứng. Cụ thể:

Những u nang buồng trứng lớn có thể gây đau vùng chậu
Những u nang buồng trứng lớn có thể gây đau vùng chậu thường xuyên, kinh nguyệt bất thường

  • Đau vùng chậu
    • Đau ở vùng dưới rốn về một bên
    • Cơn đau thường âm ỉ hoặc đau nhói
    • Cơn đau có thể đến và đi, tái phát nhiều lần
    • Đau khi quan hệ tình dục
  • Kinh nguyệt bất thường
  • Đầy hơi
  • Đầy bụng, có cảm giác nặng nề hoặc áp lực ở bụng

Nếu u nang phát triển nhanh và ung thư hóa, người bệnh có thể gặp thêm những dấu hiệu sau:

  • Cơ thể mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sụt cân

Chẩn đoán u nang buồng trứng bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra vùng chậu, xác định triệu chứng và tiền sử bệnh.

Để chắc chắn hơn về tình trạng và kiểm tra đặc điểm u nang, một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Siêu âm vùng chậu: Hình ảnh siêu âm cho phép xác định vị trí u nang, kích thước, đặc điểm và số lượng.
  • Chụp cộng hưởng tử (MRI): Hình ảnh MRI có thể xác định vị trí và đặc điểm u nang. Đồng thời phân biệt u lành và ác tính.
  • CT scan: Kỹ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp có u ác tính hoặc nhiều u nang lành tính. CT scan giúp xác định sự di căn hoặc lan rộng của u nang.
  • Xét nghiệm tìm các dấu ấn bướu: Bệnh nhân được xét nghiệm tìm các dấu ấn bướu nhằm xác định tính ác tính của u nang.

Biến chứng và tiên lượng

Tùy thuộc vào phân loại và sự tiến triển của bệnh, u nang buồng trứng có thể là lành tính hoặc ác tính. Hầu hết u nang cơ năng là những u lành tính, không nguy hiểm, ít triệu chứng và thường tự biến mất.

Trong khi đó một số u nang bệnh lý là ác tính, có diễn tiến chậm. Những u nang lớn có nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Hơn nữa việc không xử lý sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng là biến chứng thường gặp ở những người có u nang lớn

  • Xoắn buồng trứng: Những u nang lớn khiến buồng trứng di chuyển và gây xoắn buồng trứng.
  • Vỡ u nang buồng trứng: Quá nhiều dịch làm tăng áp lực và khiến u nang bị vỡ. Biến chứng này thường gây đau đớn dữ đội kèm theo tình trạng chảy máu bên trong vùng chậu. Vỡ u nang thường gặp ở những người có u nang quá lớn. Quan hệ tình dục qua đường âm đạo có thể làm tăng nguy cơ.
  • Chèn ép tạng xung quanh: Các cơ quan xung quanh bị chèn ép bởi u nang có kích thước lớn. Bao gồm trực tràng, bàng quang, niệu quản...
  • U nang ung thư: U nang phát triển sau thời kỳ mãn kinh có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư.

Điều trị

Phác đồ điều trị u nang buồng trứng phụ thuộc vào loại u nang, đặc điểm khối u (kích thước, số lượng), độ tuổi, triệu chứng và nguyên nhân.

Dưới đây là những phương pháp phổ biến trong điều trị u nang buồng trứng:

1. Theo dõi

U nang chức năng thường tự biến mất mà không cần can thiệp. Chính vì vậy người bệnh được yêu cầu theo dõi và duy trì lối sống lành mạnh. Nếu có bất thường, người bệnh sẽ được áp dụng những phương pháp khác để xử lý.

2. Thuốc

Thuốc tránh thai hoặc một loại thuốc chứa kích thích tố khác có thể được sử dụng để trì hoãn quá trình rụng trứng. Điều này giúp ngăn ngừa u nang hình thành và phát triển thêm.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ u nang thường được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • U nang phát triển nhanh, kích thước lớn và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng
  • U nang bệnh lý
  • U nang ung thư

Tùy thuộc vào kích thước khối u, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng hoặc phẫu thuật bóc tách u nang (bảo tồn buồng trứng).

Có hai phương pháp phẫu thuật, bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi

Đây là một phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trong đó dụng cụ và ống nội soi sẽ được đưa qua những vết cắt nhỏ ở bụng. Từ đó giúp loại bỏ u nang hoặc buồng trứng.

Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi giúp loại bỏ u nang hoặc buồng trứng qua những vết cắt nhỏ ở bụng

So với phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi có vết thương nhỏ, ít chảy máu và lành lại nhanh hơn. Vì vậy phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp sau:

    • U nang lành tính
    • U nàng buồng trứng không quá dính và không quá to
    • Ung thư vú có chỉ định cắt buồng trứng
  • Phẫu thuật mở bụng

Bệnh nhân được phẫu thuật mở bụng khi:

    • U nang có kích thước lớn hoặc quá nhiều
    • U nang ung thư hoặc có nghi ngờ

Phương pháp này có thể bao gồm việc loại bỏ u nang hoặc buồng trứng. Khi thực hiện, u nang được lấy ra từ một vết mổ lớn ở bụng và được kiểm tra mô bệnh học.

Do có vết mổ lớn nên bệnh nhân thường bị chảy nhiều máu, đau và có thời gian lành thương chậm. Tuy nhiên phẫu thuật mở bụng có thể giúp đảm bảo loại bỏ hoàn toàn những u nang có kích thước lớn.

Phòng ngừa

Hầu hết u nang buồng trứng không được phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi áp dụng một vài biện pháp gồm:

  • Mang thai và cho con bú trên 6 tháng.
  • Phát hiện và điều trị sớm những thay đổi trong buồng trứng hoặc thay đổi trong chu kỳ hàng tháng. Chẳng hạn như đau vùng chậu liên tục, đầy bụng, ăn mất ngon, kinh nguyệt bất thường, những triệu chứng như kinh nguyệt kéo dài và đau kéo dài trong nhiều chu kỳ.
  • Điều trị những bệnh lý có thể khiến u nang hình thành.
  • Dùng thuốc chứa kích thích tố như thuốc tránh thai có thể trì hoãn quá trình rụng trứng và ngăn một số u nang tái phát.
  • Khám phụ khoa đình kỳ nhằm phát hiện những bất thường và kịp thời xử lý.

Khám phụ khoa đình kỳ
Khám phụ khoa đình kỳ để kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời các bất thường

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. U nang buồng trứng của tôi là loại nào? Có nguy hiểm không?

2. Điều gì xảy ra nếu không điều trị?

3. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn của tôi là gì?

4. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại của tôi?

5. Cần tránh gì khi bị u nang buồng trứng?

6. Tôi nên làm gì để ngăn u nang phát triển?

7. Vì sao tôi cần phẫu thuật?

8. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật cho tình trạng của tôi? Chi phí?

U nang buồng trứng thường là những khối u lành tính, không gây triệu chứng và có thể tự mất. Tuy nhiên nhiều u nang có thể phát triển lớn hơn, gây đau và nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy người bệnh cần sớm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.