Bệnh U Nang Âm Đạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U nang âm đạo là những cục u chứa đầy không khí hoặc chất lỏng ở âm đạo. Những u nang này thường có kích thước nhỏ hoặc lớn, chủ yếu hình thành do chấn thương âm đạo khi sinh con và do tích tụ chất lỏng.

Tổng quan

U nang âm đạo là một vết sưng hoặc khối u hình thành trên thành âm đạo. Những khối u này có thể chứa chất lỏng, chất nhầy, mủ hoặc không khí. Chúng thường có kích thước nhỏ và vô hại. Đôi khi u nang có kích thước lớn, làm tắc trong ống âm đạo.

U nang âm đạo
U nang âm đạo là những khối u hình thành trên thành âm đạo, thường có kích thước nhỏ

Những u nang âm đạo thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên những u lớn có thể gây khó chịu và khó khăn hơn khi đặt tampon hoặc sinh hoạt tình dục. Nhiều loại u có thể trở nên to ra theo thời gian. Từ đó dẫn đến đau, ngứa và nhiễm trùng.

Phân loại

U nang âm đạo được phân thành nhiều loại. Bao gồm:

  • U nang Inclusion: Đây là loại u nang âm đạo phổ biến nhất, gồm những u nang nhỏ trên thành âm đạo. Loại u nang này thường hình thành khi có chấn thương âm đạo, xảy ra sau phẫu thuật âm đạo hoặc trong khi sinh. Khi bị chấn thương, các mô mới phát triển nhanh và bị kẹt dưới bề mặt của âm đạo. Từ đó khiến các u nang hình thành.
  • U nang bã nhờn: Khi những tuyến bã nhờn sản xuất dầu của âm hộ bị tắc nghẽn, u nang bã nhờn sẽ hình thành. Đây là những cục u chứa đầy chất béo màu trắng vàng.
  • U nang Müllerian: Loại u nang âm đạo này hình thành khi trong ống dẫn Mullerian có chứa những chất còn sót lại trong quá trình phát triển của thai nhi. U nang Müllerian sẽ hình thành ở thành âm đạo.
  • U nang ống Gartner: Ống Gartner hình thành khi thai nhi phát triển và biến mất trước khi sinh. Tuy nhiên những ống này có thể không biến mất mà hình thành những u nang trên thành âm đạo.
  • U nang tuyến Bartholin: Đây là những khối u hoặc vết sưng chứa đầy chất lỏng hoặc mủ. Những u nang này phát triển gần lỗ âm đạo, hai bên môi âm hộ. U nang tuyến Bartholin hình thành khi những tuyến sản xuất chất nhầy giúp bôi trơn âm đạo (tuyến Bartholin) bị chặn. Những u nang này thường nhỏ và không gây đau. Tuy nhiên u nang có thể trở thành áp xe nếu bị nhiễm vi khuẩn. Điều này dẫn đến đau đớn và cần được điều trị.

U nang tuyến Bartholin
U nang tuyến Bartholin hình thành khi tuyến Bartholin bị chặn, thường nhỏ và không gây đau

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tùy thuộc vào phân loại, nguyên nhân gây u nang âm đạo có thể khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

  • Tắc nghẽn tuyến hoặc ống dẫn: Sự tắc nghẽn tuyến hoặc ống dẫn ở âm đạo là nguyên nhân hình thành u nang tuyến Bartholin và u nang bã nhờn. Những u nang này xảy ra khi một ống hoặc một tuyến bị tắc làm tích tụ chất lỏng, mủ hoặc dầu do vạt da. Từ đó tạo điều kiện cho những u nang chứa đầy chất lỏng và mủ hình thành. Nếu có nhiễm trùng, chúng có thể trở thành áp xe hoặc/ và gây đau đớn.
  • Chấn thương: Chấn thương thành âm đạo thường là nguyên nhân gây u nang âm đạo Müllerian và u nang ống Gartner. Điều này thường liên quan đến vết rách từ quá trình sinh nở, phẫu thuật cắt tầng sinh môn để mở rộng âm đạo trước khi sinh hoặc phẫu thuật làm tổn thương niêm mạc âm đạo.
  • Nhiễm trùng: U nang có thể là kết quả của nhiễm trùng âm đạo do các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu. Chúng cũng có thể hình thành do một số loại vi khuẩn có trong đường ruột, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli. Những u nang âm đạo hình thành do nhiễm trùng thường trở thành áp xe.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những u nang âm đạo thường có kích thước nhỏ và không gây ra triệu chứng. Chúng thường được tìm thấy trong quá trình khám phụ khoa định kỳ.

Những u nang lớn hơn có thể gây ra nhiều khó chịu, bao gồm:

  • Có cục nhỏ nhô ra từ âm đạo
  • Sờ thấy một khối u nhỏ trên môi của âm đạo hoặc dọc theo thành âm đạo
  • Cảm thấy khó chịu và đau khi quan hệ tình dục, nhét băng vệ sinh (tampon), khi ngồi, đi lại hoặc lau sau khi đi vệ sinh xong

Khi u nang nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp thêm những triệu chứng dưới đây:

  • Đau đớn
  • Sốt
  • Xuất hiện một khối chứa đầy mủ (áp xe) kèm theo đau đớn dữ dội
  • Sưng tấy và mềm.

U nang âm đạo bị nhiễm trùng thường gây đau đớn
U nang âm đạo bị nhiễm trùng thường gây đau đớn, sốt, khối u sưng tấy và mềm

U nang âm đạo được phát hiện trong quá trình khám vùng chậu. Trong quá trình này, bác sĩ có thể nhìn thấy và sờ thấy khối u trên thành âm đạo. Bên cạnh đó người bệnh sẽ được hỏi thêm về những triệu chứng (chẳng hạn như đau và khó chịu), bệnh lý và chấn thương trong quá khứ.

Những xét nghiệm được bổ sung để phân biệt u nang hoặc loại những tình trạng khác. Cụ thể:

  • Xét nghiệm dịch tiết: Dịch tiết từ âm đạo hoặc cổ tử cung được lấy ra và phân tích. Điều này giúp xác định nhiễm trùng, bao gồm cả những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI).
  • Sinh thiết: Bệnh nhân được sinh thiết mẫu mô từ u nang trong khi khám vùng chậu. Xét nghiệm này giúp loại trừ khả năng bị ung thư âm đạo.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể tiến hành siêu âm, chụp MRI hoặc CT xem chi tiết u nang. Từ đó xác định vị trí, kích thước, đặc tính và số lượng của u nang.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết u nang âm đạo là những khối u nhỏ, lành tính và vô hại. Chúng có thể không tăng thêm kích thước trong nhiều năm. Tuy nhiên nhiều u nang phát triển nhanh theo thời gian và có kích thước lớn. Chúng thường gây đau hoặc khó chịu khi hoạt động, chẳng hạn như đi lại, ngồi và quan hệ tình dục. Đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Các nang trở thành áp xe khi bị nhiễm trùng. Đây là những khối u chứa đầy mủ, gây sưng tấy và đau đớn. Khi áp xe vỡ ra, nhiễm trùng có thể lây lan. Ngoài ra phẫu thuật cắt bỏ u nang cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiều biến chứng khác. Mặc dù vậy u nang thường không quay trở lại khi được phẫu thuật cắt bỏ.

Điều trị

U nang âm đạo được kiểm tra định kỳ để theo dõi sự phát triển về hình dạng và kích thước của u nang. Nếu u nang có kích thước lớn, gây ra các triệu chứng hoặc nhiễm trùng, những phương pháp điều trị dưới đây sẽ được chỉ định:

1. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được dùng cho những trường hợp có u nang gây nhiễm trùng hoặc áp xe, u nang hình thành do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình tình dục. Thuốc giúp tiêu diệt loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định trong điều trị u nang gây nhiễm trùng hoặc hình thành áp xe

2. Bồn tắm ngồi

Ngồi trong bồn tắm chứa đầy nước ấm có thể tăng sự thoải mái và giảm bớt cảm giác khó chịu do u nang âm đạo gây ra. Đồng thời giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Biện pháp này nên được thực hiện vài lần mỗi ngày.

3. Dẫn lưu bằng ống thông

Nếu u nang âm đạo (như u nang tuyến Bartholin và u nang bã nhờn) chứa đầy chất lỏng, bác sĩ có thể tiến hành chèn ống thông để u nang mở rộng và dịch tích tụ chảy ra nhiều hơn. Điều này giúp vết thương lành lại nhanh hơn. Thông thường ống thông sẽ được giữ cố định trong vòng 4 - 6 tuần.

4. Phẫu thuật mở và dẫn lưu

U nang quá lớn và chứa đầy dịch bên trong thường được phẫu thuật mở và dẫn lưu. Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành rạch một đường nhỏ trong u nang để dịch được dẫn lưu ra ngoài. Sau đó, những cạnh của thành nang sẽ được khâu lại để tạo thành túi để dẫn lưu liên tục.

5. Phẫu thuật loại bỏ u nang

Nếu u nang âm đạo tiếp tục tái phát hoặc người bệnh cảm thấy rất khó chịu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ toàn bộ u nang. Phương pháp này cũng thường được chỉ định cho những người trên 40 tuổi để ngăn một số u nang trở thành u thư. Thông thường u nang sẽ không quay trở lại sau quá trình phẫu thuật cắt bỏ.

Phẫu thuật loại bỏ u nang
Phẫu thuật loại bỏ u nang nếu u nang thường xuyên tái phát hoặc gây ra nhiều khó chịu

Phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng một số cách có thể giảm nguy cơ mắc chứng u nang âm đạo. Cụ thể:

  • Duy trì thói quen vệ sinh tốt, giữ vùng kín khô ráo và sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) kích thích sự phát triển của u nang.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u của tôi là lành tính hay ác tính?

2. Tôi có cần phẫu thuật cắt bỏ u nang?

3. Phương pháp điều trị nào được đề nghị cho tình trạng của tôi?

4. Khối u của tôi có trở thành u thư hay không?

5. Tôi nên làm gì để giảm bớt cảm giác khó chịu?

6. Có cách nào để ngăn u nang phát triển không?

7. Có những lợi ích và rủi ro gì từ phương pháp điều trị?

U nang âm đạo thường nhỏ, vô hại và không có triệu chứng. Tuy nhiên u nang có thể phát triển lớn hơn, có triệu chứng hoặc gây khó chịu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những trường hợp này cần được khám và xử lý u nang sớm.