Bệnh U Mềm Lây

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U mềm lây là bệnh nhiễm trùng da xảy ra do sự xâm nhập của virus. Bệnh được đặc trưng bởi những cụm sẩn tròn, bên ngoài sáng bóng như sáp và ở giữa có một lỗ nhỏ. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 10 tuổi.

Tổng quan

U mềm lây là bệnh nhiễm trùng da do một loại virus có tên Molluscum Contagiosum virus (MCV). Bệnh gây ra những vết sưng tròn, có kích thước từ 2 - 6mm, lõm giữa, màu hồng, trắng hoặc vàng. Những vết sưng này có thể đứng riêng lẻ hoặc sắp xếp thành dải, theo vệt.

U mềm lây
U mềm lây là bệnh nhiễm trùng da do virus, gây ra những vết sưng tròn và lõm giữa

Tổn thương do gãi có thể khiến vết sưng lây sang những vùng da lân cận. Ngoài ra bệnh u mềm lây cũng có thể lây lan cho người khác khi tiếp xúc với đồ vật nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 10 tuổi. Tuy nhiên u mềm lây cũng có thể xảy ra ở người lớn, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu và đang hoạt động tình dục với người nhiễm bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh u mềm lây xảy ra khi bạn bị nhiễm Molluscum Contagiosum virus (MCV). Loại virus này thuộc nhóm poxvirus, có 4 chủng loại gồm MCV 1, 2, 3 và 4.

Trong đó type 1 là nguyên nhân chủ yếu của bệnh u mềm lây ở trẻ em. Type 2 gây u mềm lây ở người lớn đang hoạt động tình dục và được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Virus Molluscum Contagiosum thường dễ dàng lây lan qua những con đường dưới đây:

  • Tiếp xúc da kề da hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh
  • Sử dụng đồ vật bị nhiễm bệnh. Cụ thể như khăn tắm, đồ chơi trẻ em, thảm đấu vật và ván trượt
  • Sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc bơi trong hồ bơi chứa virus
  • Chà xát hoặc gãi lên vết thương khiến virus nhanh chóng lây lan sang vùng da lân cận.

Nhiễm virus Molluscum Contagiosum (MCV)
Nhiễm virus Molluscum Contagiosum (MCV) là nguyên nhân gây bệnh u mềm lây

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Trẻ em có độ tuổi từ 1 đến 10 tuổi
  • Những người sinh sống và làm việc ở vùng có khí hậu nhiệt đới
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Da khô
  • Viêm da cơ địa
  • Đang điều trị tại chỗ bằng những loại kem corticoid
  • Thường xuyên chơi những môn thể thao có tiếp xúc da kề da.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh u mềm lây có thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 6 tháng. Trong giai đoạn này người bệnh thường không có triệu chứng.

Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ có những tổn thương ở dạng sẩn chắc (vết sưng). Chúng thường xuất hiện với các đặc điểm sau:

  • Hầu hết các trường hợp có 1 - 20 vết sưng. Tuy nhiên vết sưng có thể lây lan lên đến hàng trăm
  • Có hình tròn và nhô cao
  • Sẩn chắc có màu trắng, hồng nhạt hoặc màu vàng. Vết sưng ở một số trường hợp có màu da bình thường
  • Lõm giữa hoặc chấm nhỏ ở đỉnh gần trung tâm, bên ngoài sáng bóng như sáp
  • Nhỏ, đường kính từ 2 - 6mm
  • Những vết sưng đứng riêng lẻ hoặc tập trung thành từng đám. Chúng có thể sắp xếp thành dải, theo vệt (dấu hiệu Koebner)
  • Da xung quanh tổn thương có thể đỏ và ngứa

Vết sưng có hình tròn và nhô cao, lõm giữa
Vết sưng có hình tròn và nhô cao, lõm giữa, mọc riêng lẻ hoặc tập trung thành từng đám

Vị trí ảnh hưởng:

  • Trẻ em bị nhiễm trùng thường có những nốt sẩn xuất hiện trong và xung quanh nếp gấp da như nách, đầu gối và bẹn. Ngoài ra tổn thương cũng xuất hiện ở những vùng da hở như mặt và cổ.
  • Người lớn thường có những nốt sẩn xuất hiện ở nơi có nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục như bụng dưới, xương mu, bộ phận sinh dục và phía trong đùi. Một số trường hợp có tổn thương xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, lưỡi và miệng.
  • Người có hệ miễn suy yếu thường có tổn thương xuất hiện trên mặt, quanh mắt. Chúng thường có kích thước lớn hơn và nhiều đốm.

Tổn thương u mềm thường lan tỏa toàn thân, có số lượng nhiều (>30) và có kích thước >5mm ở những trường hợp sau:

  • Có những bệnh mãn tính bẩm sinh
  • Dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch
  • Nhiễm HIV

Bệnh u mềm lây dễ dàng được phát hiện khi kiểm tra các triệu chứng. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ quan sát vùng da ảnh hưởng và đặc tính của vết sưng, kiểm tra tiền sử bệnh nhằm đánh giá sơ nét về tình trạng.

Sau đó các xét nghiệm sẽ được thực hiện nhằm kiểm tra nguyên nhân và chẩn đoán xác định. Những xét nghiệm thường được sử dụng gồm:

  • Xét nghiệm huyết thanh phát hiện những kháng thể kháng virus Molluscum Contagiosum.
  • Kỹ thuật nhuộm giêm-sa giúp xét nghiệm tế bào, phát hiện những tế bào sừng lớn và chứa nhiều thể vùi bên trong.
  • Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang phát hiện kháng nguyên MCV.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh u mềm lây ít khi gây ra những biến chứng nặng. Bệnh thường tự khỏi sau một thời gian tiến triển (khoảng 6 tháng đến 2 năm). Ngoài ra các tổn thương lành lại nhanh hơn khi điều trị bằng thuốc.

Khi tổn thương biến mất, người bệnh không có tổn thương lây nhiễm nữa. Tuy nhiên bệnh nhân có thể bị tái nhiễm virus sau khi lành bệnh.

Đôi khi, những phản ứng với virus hoặc tình trạng gãi ngứa có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:

  • Viêm da: Viêm thường gặp ở nhưng gặp ở những bệnh nhân bị u mềm lây. Tình trạng này là một phản ứng của hệ thống miễn dịch khi bị nhiễm trùng. Dùng thuốc có thể giúp ngăn ngừa.
  • Nhiễm trùng: Quanh tổn thương có thể bị đỏ và ngứa. Khi gãi, vết sưng bị trầy xước dẫn đến nhiễm trùng da hoặc bệnh chốc lở và để lại sẹo.
  • Đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Những tổn thương xuất hiện trên mí mắt có thể dẫn đến viêm kết mạc.
  • Bệnh chàm thứ phát lan tỏa: Hệ thống miễn dịch phản ứng thái hóa với virus có thể dẫn đến bệnh chàm thứ phát lan tỏa.
  • Sẹo: Đột ngột hình thành sẹo ở dạng rỗ. Điều này có thể do phẫu thuật cắt bỏ tổn thương hoặc tự phát.
  • Ảnh hưởng tâm lý: U mềm lan rộng hơn ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch, tập trung ở mặt. Điều này làm giảm tính thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

  • Loại bỏ tổn thương
  • Ngăn tổn thương lây lan và phòng ngừa tái phát
  • Điều trị những tình trạng y tế kèm theo như khô da và viêm da cơ địa.

Phương pháp điều trị cụ thể gồm:

1. Thuốc

Bệnh u mềm lây thường được chữa bằng thuốc chống phồng rộp và một số loại thuốc điều trị nhiễm trùng. Tùy thuộc vào tình trạng, một hoặc các thuốc dưới đây có thể được sử dụng kết hợp, cụ thể:

Thuốc Cantharidin 0,7%
Thuốc Cantharidin 0,7% là thuốc chống phồng rộp được dùng để loại bỏ vết sưng tấy

  • Cantharidin 0,7%: Đây là loại thuốc chống phồng rộp được dùng phổ biến. Thuốc có tác dụng loại bỏ vết sưng tấy bằng cách gây bong tróc lớp trên cùng của da, kích ứng vết loét. Cantharidin 0,7% thường được dùng bôi lên những tổn thương đơn độc, không bôi lên mặt.
  • Salicylic 2-5%: Thuốc Salicylic 2-5% có thể được dùng để thay thế Cantharidin 0,7%. Thuốc này được dùng bằng cách bôi lên tổn thương cho đến khi lành, bôi từ 2 - 3 lần/ ngày.
  • Dung dịch KOH 10%: Bôi dung dịch KOH 10% vào vị trí tổn thương, bôi 2 lần/ ngày cho đến khi hết tổn thương. Dung dịch này có tác dụng kích thích vết loét và loại bỏ vết sưng.
  • Imiquimod 5%: Thuốc Imiquimod 5% được dùng ở dạng kem bôi. Thuốc có tác dụng điều chỉnh đáp ứng miễn dịch. Thuốc này được bôi vào buổi tối, vệ sinh lại da sau 8 - 10 giờ. Mỗi tuần bôi thuốc 3 ngày liên tiếp và nghỉ 4 ngày, điều trị trong 16 tuần.
  • Thuốc kháng virus (ART): Thuốc kháng virus thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị HIV và có u mềm lây. Thuốc này có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và chống lại virus.
  • Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng sinh nếu những vết sưng bị nhiễm trùng.
  • Kem steroid: Trong nhiều trường hợp bệnh nhân được yêu cầu sử dụng kem steroid để điều trị phát ban chàm liên quan đến u mềm lây. Thuốc này có tác dụng giảm ngứa, khô và đau da.

2. Can thiệp tối thiểu

Ngoài thuốc, những phương pháp dưới đây có thể được dùng trong điều trị u mềm lây:

  • Liệu pháp áp lạnh: Liệu pháp này sử dụng nitơ lỏng đóng băng từng vết sưng. Khí lạnh sẽ trực tiếp làm đông lạnh mô, giúp giảm triệu chứng.
  • Liệu pháp laser: Liệu pháp laser sử dụng tia laser có chùm sáng và cường độ thích hợp để loại bỏ những tổn thương u mềm.
  • Nạo: Trong quy trình này, bác sĩ sử dụng một dụng cụ nhỏ để chọc thủng vết sưng và nạo bỏ nó ra khỏi da.

3. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan và triệu chứng của bệnh.

Giữ vùng da ảnh hưởng khô thoáng, tổn thương tiếp xúc với không khí
Giữ vùng da ảnh hưởng khô thoáng, tổn thương tiếp xúc với không khí để thúc đẩy quá trình phục hồi

  • Để khu vực bị ảnh hưởng tiếp xúc với không khí: Khi không gần người khác, người bệnh nên để tổn thương tiếp xúc với không khí. Điều này có thể giúp thúc đẩy quá trình lành lại của da và giúp da khỏe mạnh. Ngoài ra nên giữ cho giữ cho vết sưng luôn sạch sẽ.
  • Tắm nước mát: Tắm nước mát giúp làm dịu làn da ngứa.
  • Đắp khăn ẩm và mát: Dùng một chiếc khăn ẩm và mát đắp lên da. Biện pháp này giúp giảm tình trạng khô da và ngứa da hiệu quả.
  • Bôi kem dưỡng ẩm: Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm không mùi lên da. Kem dưỡng giúp da ẩm mượt, giảm ngứa và ngăn những tổn thương u mềm phát triển.
  • Dùng bao cao su: Để tránh lây nhiễm cho bạn tình, người bệnh có u mềm lây trên hoặc gần bộ phận sinh dục không quan hệ tình dục.
  • Tránh gãi: Không nên gãi lên những vùng da bị ảnh hưởng. Trầy xước có thể làm tăng mức độ lây lan và gây nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa u mềm lây:

  • Tránh chạm vào da của những người bị nhiễm trùng.
  • Không tiếp xúc với những đồ dùng có virus. Không dùng chung đồ dùng cá nhân của người khác, chẳng hạn như khăn tắm, quần áo và lược chải tóc.
  • Hạn chế tắm bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi công cộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm để diệt vi khuẩn và virus.
  • Tránh sử dụng chung dụng cụ thể thao hoặc chơi những môn thể thao tiếp xúc với người bệnh.
  • Mặc quần áo dài hoặc băng gạc để che đi những tổn thương u mềm. Điều này giúp ngăn người khác tiếp xúc với tổn thương và phòng ngừa lây lan.
  • Không quan hệ tình dục với người bệnh có u mềm lây trên hoặc gần bộ phận sinh dục. Tốt nhất nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi những tổn thương u mềm được điều trị và biến mất.

Không quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh
Không quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh để phòng ngừa lây lan bệnh u mềm lây

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi / con tôi là gì?

2. Những phương pháp nào có thể cải thiện nhanh các triệu chứng?

3. Phương pháp điều trị nào được ưu tiên? Lợi ích và rủi ro là gì?

4. Điều gì có thể làm trầm trọng hơn những triệu chứng?

5. Những cách chăm sóc da hiệu quả là gì?

6. Cần tránh những gì để ngăn ngừa lây nhiễm?

7. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

Bệnh u mềm lây là một tình trạng lành tính, ít gây biến chứng, thường tự lành sau một thời gian tiến triển. Tuy nhiên bệnh có khả năng lây lan mạnh mẽ khi tiếp xúc trực tiếp. Vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ để hướng dẫn những phương pháp điều trị và phòng ngừa lây lan.