Ứ Dịch Vòi Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Ứ dịch vòi trứng là tình trạng ứ dịch khiến ống dẫn trứng bị tắc. Tình trạng này xảy ra ở tai vòi, có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa khác. Ứ dịch ống dẫn trứng cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tổng quan

Ứ dịch vòi trứng còn được gọi là ứ dịch ống dẫn trứng, ứ dịch tai vòi. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng tắc nghẽn vòi trứng do có sự tích tụ của những chất dịch và mủ.

Ứ dịch vòi trứng
Ứ dịch vòi trứng là tình trạng tích tụ những chất dịch và mủ khiến vòi trứng bị tắc nghẽn

Vòi trứng (ống dẫn trứng) nối buồng trứng và tử cung. Đây là nơi chứa trứng trưởng thành (được giải phóng bởi buồng trứng) để chờ quá trình thụ tinh.

Khi tinh trùng di chuyển qua âm đạo, đến tử cung và ống dẫn trứng, chúng sẽ gặp trứng để thực hiện quá trình thụ tinh. Phôi thai (trứng đã thụ tinh) được các cơ của ống dẫn trứng đẩy đến tử cung. Tại đây, thai nhi sẽ phát triển.

Tuy nhiên ứ dịch vòi trứng làm ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh và phát triển của thai nhi. Đồng thời tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và gây ra những vấn đề khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ứ dịch vòi trứng xảy ra khi có sự tích tụ của dịch hoặc mủ trong ống dẫn trứng. Điều này thường liên quan đến những tình trạng dưới đây:

  • Viêm nhiễm phụ khoa: Viêm vòi trứng, viêm buồng trứng hoặc tử cung không được điều trị có thể dẫn đến áp xe phần phụ hoặc ứ dịch mủ ở ống dẫn trứng. Từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Ứ dịch ống dẫn trứng thường gặp ở những người bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Chẳng hạn như bệnh lậu và chlamydia. Nhiễm trùng lây lan khi quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình hoặc không có biện pháp hỗ trợ.
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: Giữ gìn vệ sinh kém, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng lây lan và gây viêm vùng chậu, dịch lỏng hoặc mủ có xu hướng tích tụ và gây tắc nghẽn vòi trứng.
  • Một số thủ thuật: Mặc dù hiếm gặp nhưng ống dẫn trứng có thể bị nhiễm trùng do tổn thương sau phẫu thuật vùng chậu, đặt vòng tránh thai, nạo phá thai, sinh con. Điều này làm tăng nguy cơ ứ dịch ở ống dẫn trứng.
  • Nạo phá thai: Nạo phá thai thường xuyên hoặc không đúng cách làm tổn thương tử cung và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều này thường ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ áp xe và ứ dịch ở vòi trứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Ứ dịch vòi trứng có những triệu chứng sau:

  • Khó có thai
  • Kinh nguyệt không đều. Nữ giới thường xuyên chậm kinh, mất kinh, chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc dài bất thường
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, dịch lỏng và loãng như nước.
  • Đau bụng dưới, đau âm ỉ hoặc dữ dội
  • Đau bụng tăng lên khi gần có kinh và trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Mệt mỏi
  • Đau lưng
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh

Ứ dịch vòi trứng khiến kinh nguyệt không đều
Ứ dịch ống dẫn trứng khiến kinh nguyệt không đều, khó có thai, dịch tiết âm đạo bất thường

Nữ giới được kiểm tra bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng, xem âm đạo và cổ tử cung (thông qua mỏ vịt) để đánh giá sơ bộ về tình trạng. Khi có nghi ngờ ứ dịch vòi trứng, những xét nghiệm dưới đây có thể cần thiết, bao gồm:

  • Chụp X-quang vùng chậu: Nữ giới được chụp X-quang vùng chậu để kiểm tra các cơ quan sinh sản. Điều này có thể giúp phát hiện những bất thường ở vòi trứng.
  • Siêu âm: Hình ảnh được tạo ra từ sóng siêu âm giúp quan sát âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và ống dẫn trứng. Từ đó loại bỏ những nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Những xét nghiệm này có thể giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Kiểm tra dịch tiết: Bác sĩ sử dụng tăm bông lấy dịch tiết ở âm đạo và cổ tử cung trong khi kiểm tra bằng mỏ vịt. Sau đó phân tích mẫu bệnh phẩm có thể giúp phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục và những dạng nhiễm trùng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Ứ dịch vòi trứng là một bệnh lý nghiêm trọng, cần được xử lý sớm. Khi được phát hiện và điều trị muộn, nữ giới có thể gặp những biến chứng dưới đây:

  • Vô sinh, hiếm muộn
  • Tắc vòi trứng hoàn toàn
  • Viêm nhiễm nặng làm hỏng vòi trứng, cần phẫu thuật để loại bỏ
  • Viêm nội mạc tử cung mãn tính
  • Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
Ứ dịch vòi trứng không được điều trị sớm làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung

Điều trị

Điều trị ứ dịch vòi trứng gồm những phương pháp loại bỏ dịch ứ, ngăn nhiễm trùng lan rộng hoặc làm hỏng ống dẫn trứng. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, nữ giới có thể được chỉ định một trong những phương pháp điều trị dưới đây:

  • Thông tắc vòi trứng bằng bơm hơi

Bệnh nhân bị ứ dịch ống dẫn trứng thường được thông tắc bằng bơm hơi. Trong đó bơm hơi được đưa vào vòi trứng và hút hết dịch để thông chỗ tắc.

  • Phẫu thuật nội soi thông tắc ống dẫn trứng

Phẫu thuật nội soi thông tắc ống dẫn trứng được thực hiện cho những bệnh nhân bị tắc nghẽn vòi trứng do viêm, dịch ứ hoặc có mảng mô nhỏ ở ống dẫn trứng.

Khi thực hiện, ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật được đưa vào ống dẫn trứng, sau đó lấy dịch ứ đọng ra khỏi ống dẫn trứng. Ngoài ra phần ống dẫn trứng bị dính cũng được tách ra và mở thông vòi trứng.

Phẫu thuật nội soi thông tắc ống dẫn trứng mang đến hiệu quả cao, an toàn, có thời gian thực hiện và phục hồi nhanh.

  • Chích xơ

Đối với phương pháp này, bơm hơi sẽ được sử dung để hút hết chất lỏng ứ trong ống dẫn trứng. Sau đó tiêm một loại thuốc đặc biệt vào trong để ngăn ứ dịch tái phát.

  • Cắt bỏ ống dẫn trứng

Cắt bỏ ống dẫn trứng chỉ được thực hiện cho những trường hợp nặng, ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc nhiễm trùng nặng, có thể khiến nhiễm trùng lây lan đến các cơ quan xung quanh.

Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể loại bỏ một đoạn hoặc toàn bộ ống dẫn trứng bị hỏng, loại bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng. Tuy nhiên việc cắt bỏ hai ống dẫn trứng sẽ khiến nữ giới không còn khả năng mang thai tự nhiên. Vì vậy phương pháp này luôn được cân nhắc kỹ lưỡng khi điều trị.

Phòng ngừa

Thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ quan sinh sản và ngăn ngừa nhiễm trùng có thể giúp giảm nguy cơ ứ dịch vòi trứng. Cụ thể:

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày với dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và lành tính

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày. Ngoài ra cần giữ cho vùng kín luôn khô thoáng.
  • Rửa sạch vùng kín 2 lần/ ngày bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, lành tính và có độ pH phù hợp.
  • Không dùng dung dịch vệ sinh có độ pH cao, chứa chất tẩy rửa mạnh, chất tạo mùi hoặc những thành phần có khả năng gây kích ứng.
  • Thường xuyên làm sạch vùng kín bằng nước và thay băng vệ sinh mỗi 4 giờ/ lần để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Mặc quần lót sạch, vừa vặn, khô ráo và có khả năng thấm hút mồ hôi. Tránh mặc quần dơ hoặc ẩm ướt.
  • Hoạt động tình dục an toàn để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
    • Luôn dùng bao cao su khi quan hệ.
    • Hạn chế bạn tình.
    • Không quan hệ với người có nhiều bạn tình.
    • Không quan hệ tình dục với người có nguy cơ hoặc đang bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Đặc biệt nên ăn nhiều rau, trái cây giàu vitamin và các chất chống oxy hóa. Điều này giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh, duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan. Đồng thời nâng cao hệ miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần. Điều này giúp nữ giới theo dõi sức khỏe sinh sản, sớm phát hiện và điều trị những tình trạng có thể gây ứ dịch vòi trứng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng của tôi?

2. Tôi bị ứ dịch vòi trứng do đâu?

3. Phương pháp điều trị nào phù hợp với tình trạng của tôi?

4. Tôi có thể có những lợi ích và bất lợi nào từ những phương pháp điều trị?

5. Tôi có thể có con tự nhiên không?

6. Tôi có cần kiêng hoạt động tình dục?

7. Tôi nên làm gì để ngăn tái phát ứ dịch ống dẫn trứng?

Ứ dịch vòi trứng có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên điều tri muộn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung và vô sinh. Vì vậy nữ giới nên khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi có bất thường. Đồng thời điều trị sớm và tuân theo chỉ định của bác sĩ.