Bệnh U Dây Thần Kinh Thính Giác

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

U dây thần kinh thính giác là một khối u không phải ung thư, phát triển trên dây thần kinh tiền đình, nối tai trong với não. Khối u này phát triển chậm, làm ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và thính giác.

Tổng quan

U dây thần kinh thính giác còn được gọi là u bao sợi thần kinh tiền đình hay u thần kinh số 8. Đây là một khối u lành tính, phát triển trên dây thần kinh tiền đình (dây thần kinh sọ số 8 của não) - dây thần kinh thăng bằng và thính giác, dẫn từ tai trong đến não.

U dây thần kinh thính giác
U dây thần kinh thính giác là khối u lành tính phát triển trên dây thần kinh tiền đình

Các nhánh của dây thần kinh ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác và khả năng giữ thăng bằng. Chính vì thế mà áp lực từ u dây thần kinh thính giác có thể khiến người bệnh loạng choang, gây mất thính lực và ù tai.

Khối u thường phát triển chậm hoặc không phát triển. Hiếm khi khối u phát triển nhanh chóng và đủ lớn, làm cản trở chức năng quan trọng của não và đè lên não. Tùy thuộc vào tình trạng, khối u có thể làm ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên tai.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U dây thần kinh thính giác thường phát triển từ những tế bào Schwann bao phủ dây thần kinh tiền đình. Nguyên nhân bệnh có thể liên quan đến những vấn đề xảy ra ở gen trên nhiễm sắc thể 22.

Thông thường gen trên nhiễm sắc thể 22 tạo ra một loại protein có chức năng ức chế khối u. Điều này giúp kiểm soát sự phát triển quá mức của những tế bào Schwann bao phủ các dây thần kinh.

Gen trên nhiễm sắc thể 22 có thể gặp một số vấn đề nhưng không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên điều này có thể liên quan đến rối loạn di truyền được gọi là u sợi thần kinh loại 2 (NF2) - rối loạn gen trội trên nhiễm sắc thể thường.

Trong đó đội biến được truyền bởi một gen trội. Những trẻ có ba mẹ thừa hưởng gen này sẽ có 50% mắc bệnh. U sợi thần kinh loại 2 làm tăng nguy cơ phát triển của những khối u trên dây thần kinh tiền đình ở cả hai bên đầu của bạn.

Triệu chứng và chẩn đoán

U dây thần kinh thính giác thường phát triển chậm hoặc không phát triển. Vì vậy các triệu chứng và dấu hiệu có thể không xảy ra trong vài năm. Khi khối u lớn hơn, nó có thể làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác và thăng bằng.

Ngoài ra khối u lớn tăng áp lực lên những dây thần kinh xung quanh (gồm dây thần kinh sinh ba và dây thần kinh mặt), cấu trúc não và những mạch máu gần đó. Điều này khiến những triệu chứng đa dạng và trở nên nghiêm trọng hơn.

Tùy thuộc vào kích thước và mức độ ảnh hưởng của khối u, những triệu chứng có thể gặp gồm:

U dây thần kinh thính gây mất thính lực tăng dần
U dây thần kinh thính gây mất thính lực tăng dần, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng

  • Mất thính lực tăng dần từ nhiều tháng đến nhiều năm. Nhiều trường hợp bị mất thính lực đột ngột, thường xảy ra hoặc nghiêm trọng hơn ở một bên
  • Ù tai
  • Mất thăng bằng, đi loạng choạng
  • Chóng mặt
  • Tê mặt
  • Yếu hoặc mất cử động cơ ở mặt

Khi khối u phát triển lớn hơn, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng dưới đây:

  • Nhức đầu
  • Buồn nôn và nôn
  • Khó nuốt
  • Miệng có vị lạ
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.

Khi khám sức khỏe, người bệnh sẽ được hỏi về những triệu chứng. Để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh:

  • Thính lực đồ: Xét nghiệm này cho phép kiểm tra khả năng nghe.
  • Electronystagmography: Đây là phương pháp ghi điện rung giật nhãn cầu. Phương pháp này giúp kiểm kiểm tra thăng bằng và ghi lại chuyển động của mắt. Từ đó giúp đánh giá hoạt động các dây thần kinh của mắt và tai.
  • Phản ứng của thân não thính giác: Phương pháp này giúp đo cách dây thần kinh thính giác phản ứng với âm thanh. Đồng thời giúp kiểm tra chức năng của thân não.
  • Chụp MRI và CT: Bệnh nhân được chụp CT hoặc MRI để xác định vị trí và kích thước của khối u, đánh giá mức độ chèn ép lên các dây thần kinh.

Biến chứng và tiên lượng

Nếu không được điều trị kịp thời, u dây thần kinh thính giác có thể gây ra những biến chứng vĩnh viễn, bao gồm:

  • Mất thính lực
  • Tê và yếu mặt
  • Ù tai
  • Khó giữ thăng bằng
  • Não úng thủy. Những khối u lớn có thể đè lên thân não, cản trở dòng chảy bình thường của dịch não tủy. Điều này khiến chất lỏng tích tụ trong đầu dẫn đến não úng thủy. Từ đó làm tăng áp lực bên trong hộp sọ.

Mất thính lực, mất thăng bằng, tê và yếu mặt vĩnh viễn
Mất thính lực, mất thăng bằng, tê và yếu mặt vĩnh viễn là những biến chứng thường gặp

Điều trị

Nếu khối u nhỏ, không phát triển và không gây ra bắt kỳ triệu chứng nào, người bệnh có thể không cần điều trị. Thay vào đó bệnh nhân được yêu cầu theo dõi khối u thường xuyên và xử lý sớm nếu có bất lợi.

Khi khối u lớn hơn và gây ra các triệu chứng, người bệnh được điều trị bằng những phương pháp chuyên sâu. Lựa chọn cụ thể dựa vào:

  • Kích thước và vị trí khối u
  • Sức khỏe tổng thể
  • Tuổi tác
  • Mức độ tổn thương dây thần kinh thính giác và thân bằng.

Các phương pháp điều trị:

1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân có:

  • Khối u rất lớn, quá gần với dây thần kinh mặt hoặc những bộ phận quan trọng của não
  • Gây triệu chứng
  • Tiếp tục phát triển.

Trong đó bệnh nhân được gây mê toàn thân, loại bỏ khối u qua một vết mổ trong hộp sọ hoặc qua tai trong. Điều này giúp bảo tồn dây thần kinh và ngăn ngừa liệt mặt.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu khối u có kích thước quá lớn, tăng áp lực cho dây thần kinh và não

Phẫu thuật loại bỏ khối u có thể gây ra một số biến chứng. Bao gồm ù tai, mất thính lực, mặt yếu hoặc tê, đau đầu dai dẳng, vấn đề về thăng bằng... Điều này xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương hoặc kích thích trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên một số biến chứng chỉ tạm thời.

2. Xạ trị

U dây thần kinh thính giác có thể được điều trị bằng một số kỹ thuật xạ trị, bao gồm:

  • Phẫu thuật phóng xạ lập thể

Phẫu thuật phóng xạ lập thể có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị u dây thần kinh thính giác. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân có khối u nhỏ, đường kính dưới 2,5cm, không thể phẫu thuật do sức khỏe yếu và người lớn tuổi.

Phương pháp phẫu thuật phóng xạ lập thể có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của khối u, bảo tồn thính giác và chức năng của dây thần kinh mặt.

Khi thực hiện, xạ phẫu Gamma Knife được áp dụng với nhiều tia gamma nhỏ. Các tia gamma cung cấp một liều phóng xạ nhắm chính xác vào khối u, không làm hỏng mô xung quanh.

  • Xạ trị lập thể

Liệu pháp xạ trị lập thể phân đoạn (SRT) được áp dụng để hạn chế sự phát triển của khối u nhưng không làm tổn thương hay ảnh hưởng đến mô não xung quanh.

Trong đó một lượng nhỏ bức xạ sẽ được cung cấp cho khối u trong nhiều đợt. Điều trị 2 - 3 đợt có thể nhận thấy hiệu quả.

Xạ trị lập thể
Xạ trị lập thể sử dụng một lượng nhỏ bức xạ trong nhiều đợt để hạn chế sự phát triển của khối u

  • Liệu pháp chùm proton

Liệu pháp chùm proton được dùng để ngăn sự phát triển của khối u, giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ cho các mô và những khu vực xung quanh. Phương pháp này chuyển proton đến khu vực ảnh hưởng với lượng thích hợp.

Phòng ngừa

Không có biện pháp ngăn ngừa u dây thần kinh thính giác. Tuy nhiên cần chú ý đến hoạt động và cảm giác. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp tăng hiệu quả chữa bệnh và ngăn phát triển các biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng cụ thể của tôi là gì? Kích thước của khối u?

2. Phác đồ điều trị như thế nào?

3. Phương pháp nào phù hợp nhất cho tình trạng hiện tại?

4. Lợi ích và những rủi ro có thể gặp khi điều trị?

5. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

6. Điều gì có thể xảy ra nếu tôi trì hoãn điều trị?

7. Biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

8. Thính giác và tình trạng liệt mặt có thể phục hồi sau điều trị không?

U dây thần kinh thính giác là một khối u lành tính và phát triển chậm. Tuy nhiên khối u lớn có thể chèn ép vào dây thần kinh xung quanh và những bộ phận quan trọng của não. Từ đó gây ra nhiều biến chứng vĩnh viễn. Tốt nhất nên khám và chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ.