U Bao Hoạt Dịch Khớp Cổ Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U bao hoạt dịch khớp cổ tay là một túi chứa chất lỏng phát triển dọc theo gân và khớp ở cổ tay, đôi khi là bàn tay. Những u nang này có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, không gây đau đớn đến khi chúng có kích thước lớn làm tăng áp lực lên dây thần kinh.

Tổng quan

U bao hoạt dịch khớp cổ tay còn có tên gọi khác là thoát vị bao hoạt dịch cổ tay. Đây là một túi chứa đầy chất lỏng, dính, hình bầu dục, phát triển dọc theo gân và khớp của cổ tay hoặc các khớp ở bàn tay. Những u nang này lành tính, không phát triển thành ung thư và thường không gây đau.

U bao hoạt dịch khớp cổ tay
U bao hoạt dịch khớp cổ tay là túi chứa đầy chất lỏng, dính, phát triển dọc theo gân và khớp của cổ tay

Tùy thuộc vào thời gian phát triển, u bao hoạt dịch khớp cổ tay có thể có đường kính từ vài mm đến 2,5 cm, lộ rõ trên cổ tay và được nhìn thấy bằng mắt thường. Hầu hết các trường hợp không cần điều trị. Nhưng nếu u nang đủ lớn và chèn ép dây thần kinh, người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng hoặc phẫu thuật loại bỏ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U bao hoạt dịch khớp cổ tay thường là kết quả của thoái hóa khớp cổ tay. Tại khớp hỏng, chất lỏng hoạt dịch tiết ra nhiều hơn nhằm bôi trơn và giúp khớp chuyển động trơn tru. Tuy nhiên sự tăng tiết quá mức có thể khiến chất lỏng mắc kẹt tại lớp màng hoạt dịch. Từ đó hình thành các túi chứa đầy chất lỏng được gọi là u nang hoạt dịch (hay u bao hoạt dịch).

Các u nang hoạt dịch thường phổ biến hơn ở những người có các điều kiện sau:

  • Là nữ giới khi sinh
  • Trên 50 tuổi
  • Có một trong các bệnh lý gồm:
    • U tế bào khổng lồ
    • U mỡ
    • Nhiễm trùng
    • U xương cổ tay
    • Viêm khớp cổ tay
  • Tiền sử chấn thương hoặc lạm dụng cổ tay quá mức.

Triệu chứng và chẩn đoán

U bao hoạt dịch khớp cổ tay có đường kính từ vài mm đến 2,5 cm, hình tròn hoặc hình bầu dục. Các u nang phát triển dọc theo các gân hoặc khớp cổ tay hoặc ngón tay, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, u nang mềm khi sờ, không thể di chuyển tự do bên dưới da.

U bao hoạt dịch thường không gây đau và không có các triệu chứng khác. Nhưng nếu u nang lớn hơn và tăng áp lực lên các dây thần kinh, người bệnh sẽ có một số triệu chứng dưới đây:

  • Đau cổ tay và bàn tay
  • Đau nhiều hơn khi nắm chặt tay hoặc vặn nắp chai
  • Ngứa ran hoặc tê bì
  • Cảm thấy yếu ớt
  • Cứng khớp

U bao hoạt dịch khớp cổ tay lớn có thể lộ rõ trên khớp
U bao hoạt dịch khớp cổ tay lớn có thể lộ rõ trên khớp và được xác định bằng mắt thường

Để chẩn đoán u bao hoạt dịch khớp cổ tay, bác sĩ kiểm tra triệu chứng và bệnh sử, sờ hoặc ấn nhẹ vị trí có u nang. Ngoài ra người bệnh được yêu cầu chuyển động cổ tay và các ngón tay theo nhiều hướng, cầm nắm đồ vật để đánh giá phạm vi chuyển động, xác định những hoạt động có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn.

Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm:

  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể giúp phát hiện một túi chứa đầy chất lỏng ở khớp cổ tay. Kỹ thuật này cũng giúp kiểm tra gân và các mô mềm quanh khớp, xác định nguyên nhân gây đau.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp loại bỏ những tổn thương liên quan đến xương và khớp, chẳng hạn như viêm khớp, gãy xương cổ tay do nén...
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh chi tiết về khớp và mô mềm quanh khớp. Xét nghiệm này cũng giúp phát hiện và đánh giá u nang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Ít khi bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh cắt ngang, giúp phát hiện những tổn thương nhỏ nhất.
  • Kiểm tra chất lỏng: Bác sĩ có thể rút một ít chất lỏng bên trong u nang, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này có thể giúp phát hiện nhiễm trùng, phân biệt u nang hoạt dịch với viêm bao hoạt dịch cổ tay.

Biến chứng và tiên lượng

U bao hoạt dịch khớp cổ tay không phải là khối u ung thu, không lây lan và thường không có triệu chứng. Hầu hết mọi người không cần điều trị. Nếu u nang gây đau, thuốc hoặc phẫu thuật có thể cần thiết, giúp loại bỏ u nang và triệu chứng.

Khi không được điều trị thích hợp, u bao hoạt dịch khớp cổ tay phát triển lớn và gây ra những vấn đề sau:

  • Hạn chế chuyển động của khớp
  • Đau cổ tay mãn tính
  • Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.

Điều trị

Không cần điều trị nếu u bao hoạt dịch khớp cổ tay nhỏ và không gây triệu chứng. Những trường hợp này sẽ được thăm khám định kỳ để theo dõi. Khi u nang phát triển lớn hơn và gây triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị với những phương pháp sau:

1. Điều trị không phẫu thuật

Những phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể giúp ít trong việc giảm các triệu chứng khó chịu của u nang.

+ Sử dụng thuốc

  • Acetaminophen: Acetaminophen được dùng cho những cơn đau nhẹ, có nhiễm trùng gây sốt. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc chống viêm không steroid là nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị u bao hoạt dịch khớp cổ tay, thường bao gồm Naproxen và Ibuprofen. Thuốc có tác dụng điều trị viêm và giảm những cơn đau liên quan.
  • Kháng sinh: Nếu có nhiễm trùng do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định để điều trị nhiễm trùng.

+ Tiêm steroid

Nếu không đáp ứng với những thuốc khác, một loại steroid như Corticosteroid sẽ được tiêm vào u nang. Thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm sưng và đau ở mức độ nghiêm trọng. Hầu hết mọi người chỉ cần tiêm một liều duy nhất. Những nếu đau tái phát, Corticosteroid có thể được tiêm nhắc lại.

Tiêm steroid
Hút chất lỏng và tiêm steroid giúp điều trị viêm sưng và làm dịu cơn đau nhanh chóng

Thường có hai mũi tiêm trong quá trình điều trị. Mũi tiêm đầu tiên được dùng để hút hết chất lỏng ra ngoài. Mũi tiêm thứ hai đưa thuốc vào u nang nhằm giảm đau và viêm.

+ Vật lý trị liệu

Nếu u bao hoạt dịch khớp cổ tay gây đau và hạn chế các chuyển động, người bệnh sẽ được yêu cầu vật lý trị liệu với những bài tập thích hợp. Những bài tập này thường bao gồm các động tác kéo giãn nhẹ nhàng và tăng cường, giúp làm mạnh gân cơ và tăng khả năng vận động linh hoạt của người bệnh.

+ Biện pháp giảm đau tại nhà

Mặc dù không thể loại bỏ u bao hoạt dịch khớp cổ tay, nhưng các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng.

  • Chườm lạnh: Đặt một túi đá lạnh (được bao bọc trong miếng vải) lên vùng sưng đau, thư giãn trong 15 phút. Nhiệt độ thấp giúp giảm đau và sưng hiệu quả.
  • Chườm ấm: Đặt miếng đệm sưởi quanh vùng ảnh hưởng, thư giãn 20 phút. Nhiệt độ cao giúp máu huyết lưu thông, thư giãn khớp xương và giảm đau nhức hiệu quả.
  • Dùng nguyên liệu thiên nhiên: Dùng quế và nghệ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của u bao hoạt dịch khớp cổ tay.
    • Quế + gừng: Thành phần trong quế gồm tinh dầu, chất kháng viêm và những hoạt chất chống oxy hóa. Gừng chứa gingerol - một chất kháng viêm cực mạnh. Việc sử dụng kết hợp quế và gừng có thể giúp giảm sưng tấy, giảm viêm và giảm đau hiệu quả. Cách thực hiện: Đun quế với gừng đập dập trong 10 phút, đổ nước đun ra chậu ngâm và đợi nước nguội bớt, ngâm tay trong 10 phút trước khi đi ngủ.
    • Nghệ + dầu dừa: Nghệ chứa nhiều curcumin. Chất này có tác dụng giảm viêm, giảm đau và chống oxy hóa mạnh. Nhờ vậy việc sử dụng nghệ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của u bao hoạt dịch. Ngoài ra loại thảo dược này cũng giúp thúc đẩy quá trình chữa lành. Cách thực hiện: Trộn 3 thìa cà phê bột nghệ cùng với 2 thìa cà phê dầu dừa, khuấy đều để tạo thành một dung dịch sền sệt. Đắp hỗn hợp lên vùng bị đau trong 20 phút, sau đó rửa sạch da bằng nước ấm.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện nếu u bao hoạt dịch khớp cổ tay gây đau nhiều và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành cắt bỏ u nang thông qua một vết cắt nhỏ.

Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn chăm sóc vết mổ, nẹp ngắn hạn và luyện tập nhẹ nhàng để phục hồi.

Phẫu thuật bao gồm việc cắt bỏ u nang thông qua một vết cắt nhỏ
Phẫu thuật bao gồm việc cắt bỏ u nang thông qua một vết cắt nhỏm, giúp khắc phục các triệu chứng

Phòng ngừa

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn u bao hoạt dịch khớp cổ tay. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ, bao gồm:

  • Tránh lặp đi lặp lại những chuyển động có thể gây căng thẳng và chấn thương cho cổ tay.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin D, canxi và các khoáng chất khác vào chế độ ăn uống mỗi ngày.
  • Uống đủ nước.
  • Tránh lao động vất vả, hạn chế mang vác vật nặng.
  • Làm việc với bàn phím, tập thể dục hoặc nâng tạ thường xuyên có thể gây căng thẳng cho khớp cổ tay và bàn tay. Để giảm căng thẳng và phục hồi, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn mỗi 60 phút.
  • Thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn, tăng cường cho cổ tay và bàn tay. Điều này giúp giảm nguy cơ thoái hóa khớp sớm và hình thành u nang hoạt dịch khớp cổ tay.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u của tôi là lành tính hay ác tính?

2. Nếu không bị đau, tôi có cần điều trị hay không?

3. Rủi ro và lợi ích khi phẫu thuật điều trị là gì?

4. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

5. Tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn sau điều trị hay không?

6. Tôi cần tránh những gì trong thời gian điều trị?

7. Cần làm gì để ngăn ngừa u bao hoạt dịch khớp cổ tay tái phát trong tương lai?

U bao hoạt dịch khớp cổ tay là những u nang lành tính, không nguy hiểm và thường không có triệu chứng. Tuy nhiên những u nang này có thể lớn, gây chèn ép và đau. Dựa vào kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được thực hiện những phương pháp thích hợp nhất.