Bệnh Tự Miễn

Bệnh tự miễn là một nhóm bệnh lý liên quan đến sự rối loạn của hệ miễn dịch. Trong đó hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể và khiến chúng bị tổn thương.

Tổng quan

Bệnh tự miễn là thuật ngữ chỉ một nhóm các bệnh lý xuất phát từ những phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể được tạo thành từ những cơ quan và tế bào giúp chống lại bệnh tật, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây nhiễm trùng gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và những tế bào ung thư.

Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là các bệnh lý xuất phát từ những phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch

Trong bệnh tự miễn, hệ miễn dịch nhắm nhầm mục tiêu và liên tục tấn công vào những bộ phận khỏe mạnh và đang hoạt động, tương tự như chúng là những sinh vật lạ.

Có hơn 100 bệnh tự miễn dịch được biết đến. Trong đó nhiều tình trạng phổ biến làm ảnh hưởng đến cơ và khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Lupus, viêm da cơ... Không có cách điều trị bệnh. Tuy nhiên can thiệp đúng cách có thể giảm nhẹ triệu chứng.

Phân loại

Có hơn 100 bệnh tự miễn. Dưới đây là những bệnh phổ biến nhất:

1. Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến phát triển ở 30% bệnh nhân bị vảy nến. Đây là một bệnh tự miễn mãn tính được đặc trưng bởi những tổn thương khớp và da. Bệnh phát triển ở những người có tiền sử gia đình hoặc đang bị vảy nến.

Những người bị viêm khớp vảy nến sẽ có các triệu chứng dưới đây:

  • Đau nức, sưng hoặc/ và tăng độ nhạy cảm ở nhiều khớp
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Đau hoặc cứng ở lưng dưới
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Sưng toàn bộ ngón tay hoặc/ và ngón chân
  • Xuất hiện những đốm có vảy màu xám hoặc bạc trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay hoặc/ và phần dưới của cột sống
  • Hình thành sẩn nổi lên, có vảy trên thân, cánh tay và chân
  • Tách móng tay hoặc móng chân
  • Rỗ (lõm nhỏ) của móng tay

Những triệu chứng có thể nhẹ, chỉ ảnh hưởng đến một khớp hoặc rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng thời điểm.

2. Viêm khớp dạng thấp (RA)

Viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh tự miễn mãn tính thường gặp. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các mô của khớp và khiến chúng bị tổn thương.

RA có tính đối xứng, ảnh hưởng đến các khớp ở cả hai bên cơ thể. Trong đó đầu gối, cổ tay, các ngón tay, bàn chân, mắt cá chân và ngón chân là những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất.

Khi tình trạng viêm không được kiểm soát, sụn bị hỏng và gây ra sự xói mòn của xương. Điều nầy dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Ngoài khớp, RA đôi khi cũng ảnh hưởng đến những bộ phận khác như da, mắt, miệng, tim và phổi.

Viêm khớp dạng thấp (RA)
Viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh tự miễn thường gặp, ảnh hướng đến khớp và có tính đối xứng

Triệu chứng phổ biến gồm:

  • Đau, cứng và sưng ở nhiều khớp, có tính đối xứng
  • Cứng khớp nghiêm trọng vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Sốt
  • Yếu đuối.

3. Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tuyến cung cấp chất bôi trơn cho mắt và miệng khiến chúng bị hỏng. Tình trạng này gây khô mắt và miệng. Đôi khi ảnh hưởng đến khớp và da.

Bệnh được phân thành 2 dạng, bao gồm:

  • Hội chứng Sjogren nguyên phát: Bệnh phát triển mà không liên quan đến bất kỳ tình trạng sức khỏe nào.
  • Hội chứng Sjogren thứ phát: Bệnh phát triển đồng thời với những bệnh lý tự miễn khác, chẳng hạn như viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp và bệnh Lupus.

4. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống hay bệnh Lupus là một bệnh tự miễn mãn tính đặc đặc trưng bởi tình trạng mất khả năng dung nạp miễn dịch trên diện rộng. Từ đó dẫn đến sưng (viêm) và đau khắp cơ thể.

Những người mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống sẽ có da nhạy cảm và phát ban hình cánh bướm, sưng đau khớp, tổn thương nhiều hệ thống cơ quan khác như phổi, thận, tim, máu và não.

Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống được đặc trưng bởi tình trạng da nhạy cảm và phát ban hình cánh bướm

Các triệu chứng chính gồm:

  • Phát ban hình cánh bướm ở má và mũi
  • Đau đầu
  • Co giật
  • Viêm và sưng khớp
  • Mệt mỏi
  • Thiếu máu
  • Rụng tóc
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Hội chứng Raynaud
  • Vấn đề về đông máu.

5. Bệnh viêm da cơ

Bệnh viêm da cơ được đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ và phát ban trên da. Đây là một dạng bệnh cơ, tiến triển theo thời gian, gây ra những triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến khả năng nuốt và thở. Ngoài ra viêm da cơ có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư.

Những triệu chứng chính gồm:

  • Yếu cơ
  • Phát ban trên da, đặc biệt là những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mí mắt, xung quanh mắt, ngực, phía trước vai, cổ và sau vai, da đầu
  • Vết sưng trên khuỷu tay hoặc đầu gối
  • Xuất hiện sẩn Gottron với da đổi màu và sưng
  • Đau khớp
  • Canxi lắng đọng dưới da

6. Đa xơ cứng (MS)

Đa xơ cứng (MS) xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào những tế bào trong myelin -lớp vỏ bảo vệ dây thần kinh trong não và tủy sống. Điều này làm gián đoạn sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ não đến những bộ phận khác của cơ thể. Từ đó gây ra những triệu chứng của não, tủy sống và mắt.

Những triệu chứng thường gặp gồm:

  • Mệt mỏi
  • Thay đổi dáng đi
  • Mờ và đau một bên mắt
  • Co thắt cơ bắp
  • Mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp
  • Tê hoặc ngứa ran, đặc biệt là ở cánh tay và chân.

7. Hội chứng Guillain-Barre (GBS)

Trong hội chứng Guillain-Barre (GBS), hệ miễn dịch tấn công vào các dây thần kinh cho phép cảm nhận môi trường và kiểm soát cơ bắp. Điều này gây ra những triệu chứng sau:

  • Yếu cơ
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân và bàn tay
  • Đau lưng
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Xuất hiện những vấn đề về nhịp tim và huyết áp.

Hội chứng Guillain-Barre (GBS)
Hội chứng Guillain-Barre (GBS) xảy ra khi các dây thần kinh cảm nhận và kiểm soát cơ bắp bị tổn thương

8. Bệnh nhược cơ (MG)

Bệnh nhược cơ (MG) là một bệnh tự miễn và bệnh thần kinh suốt đời. Bệnh lý này làm ảnh hưởng đến điểm nối thần kinh cơ (điểm nối giữa thần kinh và cơ bắp).

Những người mắc bệnh nhược cơ sẽ bị mất khả năng kiểm soát cơ bắp một cách tự nguyện, yếu cơ, mệt mỏi ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ở những trường hợp nặng, MG khiến khiến người bệnh không thể cử động các cơ ở mặt, mắt, cổ và tứ chi.

Những triệu chứng phổ biến của chứng nhược cơ gồm:

  • Sụp mí mắt
  • Khó nói
  • Khó nhai và nuốt
  • Tầm nhìn đôi
  • khó ngẩng cao đầu hoặc di chuyển cổ
  • Đi lại khó khăn
  • Tay chân yếu ớt.

9. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột kéo dài suốt đời. Bệnh gây viêm và kích ứng đường tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy và co thắt dạ dày. Những người mắc bệnh Crohn thường có những triệu chứng dưới đây:

  • Đau bụng
  • Thường xuyên cảm thấy no
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Sốt
  • Giảm cân
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Nứt hậu môn
  • Rò hậu môn
  • Chảy máu trực tràng
  • Thẻ da bất thường.

10. Bệnh tự miễn khác

Các bệnh tự miễn phổ biến khác gồm:

  • Viêm loét đại tràng
  • Bệnh celiac
  • Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
  • Bệnh lí Addison
  • Bệnh Graves
  • Viêm đa dây thần kinh khử myelin mãn tính (CIDP)
  • Viêm mạch tự miễn dịch
  • Bệnh tiểu đường loại 1
  • Viêm mạch máu
  • Thiếu máu ác tính
  • Xơ cứng bì
  • Bệnh vảy nến
  • Viêm đa cơ
  • Bệnh bạch biến
  • Chứng thiếu máu, tan máu

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ vì sao hệ miễn dịch tấn công vào những mô khỏe mạnh và đang hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn. Cụ thể:

Di truyền
Người được sinh ra trong gia đình mắc bệnh tự miễn sẽ có nhiều khả năng phát triển bệnh lý này

  • Di truyền: Bệnh có tính chất gia đình và liên quan đến một số gen nhất định. Do đó những người được sinh ra trong gia đình có bệnh tự miễn sẽ có nguy cơ cao.
  • Thuốc: Một số thuốc có thể gây ra những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh, statin và thuốc điều trị huyết áp.
  • Hút thuốc: Nguy cơ tăng cao ở những người hút thuốc lá.
  • Các bệnh tự miễn khác: Nếu đang có một bệnh lý tự miễn như Lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc một bệnh lý tự miễn khác.
  • Giới tính: Bệnh tự miễn thường phổ biến hơn ở nữ giới (chiếm khoảng 78% trường hợp).
  • Nhiễm trùng / phơi nhiễm độc tố: Một vài bệnh tự miễn có xu hướng phát triển sau khi bị nhiễm trùng do virus/ vi khuẩn hoặc phơi nhiễm độc tố, chẳng hạn như bệnh viêm da cơ, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Thừa cân bép phì: Những người sở hữu cân nặng dư thừa sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Nội tiết tố: Một số bệnh tự miễn có xu hướng bùng phát khi nồng độ hormone cao (chẳng hạn như trong thời kỳ mang thai) và cải thiện khi nồng độ hormone giảm (sau mãn kinh).
  • Căng thẳng: Căng thẳng quá mức hoặc kéo dài có thể kích hoạt đợt bùng phát hoặc làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh tự miễn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào phân loại và vị trí ảnh hưởng, bệnh tự miễn có những triệu chứng dưới đây:

+ Ảnh hưởng đến cơ và khớp

  • Sưng và đau khớp
  • Đỏ và sờ thấy ấm
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu
  • Giảm linh hoạt và phạm vi chuyển động
  • Biến dạng khớp
  • Đau nhức cơ bắp
  • Yếu cơ
  • Khó nhai và nuốt
  • Viêm nhiễm

+ Ảnh hưởng đến da

  • Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
  • Phát ban da, chẳng hạn như phát ban hình cánh bướm ở má và mũi
  • Ngứa da
  • Khô mắt
  • Khô miệng
  • Viêm nhiễm
  • Da khô
  • Rụng tóc

+ Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa

  • Táo bón
  • Đầy hơi
  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Trào ngược dạ dày
  • Nhạy cảm với thực phẩm
  • Có chất nhầy hoặc máu trong phân

+ Ảnh hưởng đến hệ thần kinh

  • Mờ mắt
  • Mất ngủ
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Nhầm lẫn và khó suy nghĩ
  • Lo lắng và trầm cảm
  • Giảm trí nhớ
  • Chứng đau nửa đầu
  • Tê và ngứa tan
  • Cảm giác lâng lâng

+ Triệu chứng khác

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Hụt hơi
  • Tăng hoặc giảm cân
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Nhạy cảm với nhiệt độ

Để chẩn đoán và phân loại các bệnh tự miễn, đầu tiên người bệnh sẽ được xem xét triệu chứng, tiền sử bản thân/ gia đình, đánh giá các bộ phận hoặc cơ quan bị ảnh hưởng.

Ngoài ra bác sĩ có thể kiểm tra bất kỳ sự tiếp xúc nào trong môi trường có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch; kiểm tra thể chất xác định tổn thương nội tạng hoặc tìm dấu hiệu viêm nhiễm.

Các xét nghiệm bổ sung gồm:

Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu thường được dùng để làm tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh tự miễn

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh tự miễn. Khi có bệnh lý tự miễn, một số tự kháng thể và các dấu hiệu miễn dịch khác có thể xuất hiện. Dưới đây là một số xét nghiệm cụ thể gồm:
    • Xét nghiệm tự kháng thể
    • Kiểm tra công thức máu toàn bộ (CBC)
    • Protein phản ứng C (CBC)
    • Tốc độ lắng đọng hầu cầu (ESR)
    • Xét nghiệm dành riêng cho cơ quan như đánh giá chức năng gan, thận, tuyến giáp...
  • Sinh thiết: Nếu có nghi ngờ mắc bệnh celiac, bệnh nhân sẽ được nội soi và sinh thiết để xác định những tổn thương ở ruột non.
  • Chụp X-quang hoặc CT: Bệnh nhân được chụp X-quang hoặc CT nhằm kiểm tra những tổn thương xương, phổi. Đồng thời xác định các tổn thương có liên quan đến bệnh Lupus ban đỏ và bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh thu được sau chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện những thương tổn ở tủy sống, não và các dây thần kinh. Xét nghiệm này cũng giúp kiểm tra mức độ tổn thương khớp và cột sống.
  • Điện cơ đồ: Bác sĩ thường chỉ định điện cơ đồ để kiểm tra hoạt động của cơ và dây thần kinh. Kỹ thuật này thường được thực hiện khi có bệnh cơ.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh tự miễn thường là mãn tính. Bệnh tồn tại trong một thời gian dài hoặc suốt đời. Các triệu chứng của bệnh thay đổi theo thời gian. Chúng có thể thuyên giảm (đặc biệt là khi được điều trị sớm) hoặc bùng phát khiến bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.

Không có cách điều trị bệnh tự miễn. Tuy nhiên các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ, ngăn ngừa những đợt bùng phát và biến chứng của bệnh. Không ít bệnh nhân có thể sống một cuộc sống bình thường.

Khi không được điều trị, các bệnh tự miễn có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho da, khớp, mạch máu, các cơ quan nội tạng và những khu vực mà bệnh ảnh hưởng. Các bệnh cũng có thể gián tiếp gây tử vong ở một số người.

Điều trị

Các bệnh tự miễn không được chữa khỏi. Tuy nhiên các triệu chứng có thể được kiểm soát và ngăn những đợt bùng phát của bệnh. Điều trị dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là những cách chữa trị cụ thể:

1. Thuốc

Sử dụng thuốc là giải pháp hữu hiệu và được ưu tiên trong điều trị các bệnh tự miễn. Các thuốc sẽ được chỉ định dựa trên dạng rối loạn và tình trạng cụ thể của bệnh nhân, thường bao gồm:

  • Thuốc ức chế hệ miễn dịch

Để điều trị các bệnh tự miễn, bệnh nhân thường được kê đơn thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc có tác dụng giảm phản ứng miễn dịch chống lại các mô khỏe mạnh của cơ thể. Từ đó ngăn ngừa những đợt bùng phát, các triệu chứng thuyên giảm nhanh.

Thuốc ức chế hệ miễn dịch
Thuốc ức chế hệ miễn dịch được dùng để giảm phản ứng miễn dịch chống lại các mô khỏe mạnh của cơ thể

Thuốc ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do làm suy yếu phản ứng miễn dịch tổng thể. Chính vì vậy, việc giảm các triệu chứng phải được cân bằng với việc đạt được và duy trì khả năng chống nhiễm trùng của bệnh nhân.

  • Corticosteroid

Thuốc Corticosteroid được dùng để điều trị viêm và đau. Ngoài ra thuốc này còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, giảm những phản ứng quá mức khiến các mô bị tổn thương.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Nhóm thuốc chống viêm không steroid được dùng để điều trị viêm và giảm đau, thích hợp với các trường hợp viêm cơ và xương, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ... Thuốc có tác dụng ngăn ngừa và chữa viêm, làm dịu cơn đau hiệu quả.

  • Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARDs)

Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh thường được dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng làm giảm quá trình phá hủy sụn và xương. Ngoài ra DMARDs còn có tác dụng giảm tác động gây tổn thương của hệ thống miễn dịch đối với những tổn thương mô và cơ quan của cơ thể.

  • Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau mãn tính, điều trị trầm cảm và lo âu, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Thuốc này chỉ được sử dụng khi có đề nghị của bác sĩ chuyên khoa.

  • Thuốc hạ đường huyết

Thuốc hạ đường huyết được dùng cho những trường hợp bị tiểu đường tuýp 1. Thuốc có tác dụng làm giảm quá trình tổng hợp glucose ở gan, tăng độ nhạy với insulin. Từ đó kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiên trọng. Ở những trường hợp nặng, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm insulin.

4. Vật lý trị liệu

Nếu các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến xương, khớp hoặc cơ, người bệnh sẽ được vật lý trị liệu để duy trì sự linh hoạt. Dựa trên tình trạng cụ thể, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập kéo dài và tăng cường cơ bắp. Các bài tập giúp thư giãn khớp xương và cơ, cải thiện phạm vi và khả năng vận động.

Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp duy trì sự linh hoạt, giữ các cơ khỏe mạnh và làm chậm quá trình teo cơ. Nếu có biến dạng xương khớp và mất cơ, chuyên gia vật lý trị liệu có thể tiến hành trị liệu nghề nghiệp, ngôn ngữ và và điều chỉnh tư thế.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm bài tập giúp duy trì sự linh hoạt, cải thiện phạm vi vận động

3. Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch

Phương pháp Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh tự miễn. Phương pháp này sử dụng sản phẩm máu tinh khiết chống lại kháng thể gây hại, được lấy từ hàng ngàn người hiến máu.

Sản phẩm máu tinh khiết chứa đầy kháng thể khỏe mạnh. Khi được tiêm vào tĩnh mạch, chúng nhắm mục tiêu cụ thể và chống lại các tế bào bất thường gây ra bệnh tự miễn dịch. Từ đó ngăn ngừa tổn thương thêm, cho phép các mô và cơ quan tổn thương được chữa lành.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định nhằm khôi phục khả năng vận động hoặc thay thế mô hỏng cho những trường hợp nặng.Dựa vào phân loại, bác sĩ có thể thể tiến hành cấy ghép cơ quan nội tạng, thay khớp nhân tạo hoặc thực hiện những kỹ thuật thích hợp khác.

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa các bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên một số bước dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ.

  • Tránh xa thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với những chất hóa học và độc tố.
  • Nên tránh những nguồn lây nhiễm vi khuẩn và virus, mang khẩu trang khi ra ngoài, ăn uống hợp vệ sinh và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ, trái cây, các loại hạt và protein nạc. Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chế biến sẵn, không ăn thức ăn ôi thiu.
  • Kiểm soát căng thẳng. Nên thường xuyên áp dụng những kỹ thuật thư giãn để giải tỏa tâm trạng, bao gồm thiền định, yoga, đọc sách...
  • Duy trì thói quen tập thể dục tối thiểu 30 phút/ ngày. Điều này giúp duy trì chức năng của các cơ quan và sức khỏe tổng thể, tăng khả năng chống bệnh và giảm nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn.

Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày
Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tự miễn

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân làm khởi phát các triệu chứng là gì? Nguy hiểm không?

2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm khác hay không?

4. Tôi nên làm gì để sớm kiểm soát bệnh?

5. Có những biện pháp chăm sóc nào giúp giảm nhanh triệu chứng?

6. Có khả năng đảo ngược tình trạng hay không?

7. Cần làm gì để ngăn những đợt bùng phát?

Có trên 100 bệnh tự miễn. Mỗi loại có ảnh hưởng đến một hoặc nhiều cơ quan khác nhau, thường là mãn tính và không có cách điều trị. Tuy nhiên khi phát hiện và điều trị sớm, việc kiểm soát bệnh trở nên dẽ dàng và hiệu quả hơn.